Mùa thương nhớ
Đã nhiều lần trong mơ chúng tít tít gọi rồi bừng dậy òa khóc. Không biết nước mắt ở đâu mà như lũ.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Chiều vấn mình trong vạt nắng hanh hánh màu mật ong. Lũ trâu ì ọp dưới nước lên bờ vẩy nước xì xẹt thong thẩy bước đi, thỉnh thoảng gặm vài ngọn cỏ đang phơ phơ trong gió ngón nghén nhai. Cái Trúc cứ ngân ngẩn đứng nhìn đàn vịt nghịt ngọp mò ốc rịt roạp bờ mương, thỉnh thoảng lại vỉa vảng vào cả những khóm lúa. Chẳng biết nó có kiếm tìm được gì không mà cần mẫn đến lạ.
- Nhanh chân lên hai đứa.
Trên con đường bê tông hâm hẩm cái nóng râm ran trong cái dép nhựa đã mòn vẹt đến tận gót, chúng vướt vải bước vào chùa. Mùa vu lan chùa đông hơn ngày thường. Theo truyền thuyết lễ Vu Lan xuất phát từ lòng hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa khi bồ tát Mục Kiều Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ tới mẫu thân, đã dùng phép thần nhìn khắp trời đất. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh vào ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ dâng lên cho mẹ mình. Nhưng do đói khát lâu ngày nên khi ăn, mẹ của ông dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác tới tranh cướp, vì vậy thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ và được Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quản đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương trời mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật dạy, Mục Liên đã giải thoát được cho mẹ mình. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm.
Lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, là một ngày lễ lớn của Phật giáo để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, Việc cúng rằm tháng 7 bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước rồi mới đến cúng tại nhà. Ngày lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm khi mặt rời lặn. Ở nhà chùa thường tổ chức lễ hoa đăng, tụng kinh Vu Lan vào buổi tối để giúp tăng ni, phật tử tỏ lòng báo hiếu với đấng sinh thành của mình. Người dân cũng làm lễ cúng cô hồn vày ngày này để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Trên mâm cúng thường để tiền vàng, và những vật dụng cho người cõi âm, để ở ngoài trời trước sân nhà. Sau khi cúng xong thường kêu trẻ con lối xóm tới cướp xôi, bỏng oản... tượng trưng cho những cô hồn. Cũng trong lễ này, nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ.
Lặng lẽ mỗi người một việc. Sư thầy ngồi chính điện đang tụng kinh. Ba chị em sắm lễ đi các nơi khấn vái rồi quay lại khu nhà chờ ngồi nhìn ra cánh đồng lúa xanh tít tắp nưng nức mùi sữa. Mùi sữa chúng đã hít hà bầu ngực của mẹ giờ vương vất choáng ngợp.
- M...ẹ... Mẹ về rồi ạ!
Đã nhiều lần trong mơ chúng tít tít gọi rồi bừng dậy òa khóc. Không biết nước mắt ở đâu mà như lũ. Những cơn lũ cứ lừng lững xuất hiến cuốn phăng tất cả những thứ trên đường nó đi qua, nhưng không hiểu sao nó chẳng thể nào quyét được hình ảnh của mẹ, quyét sạch nỗi nhớ cha mà càng làm cho nỗi nhớ sâu hút hoắm như cái hố cát ngoài rìa sông. Cái hố lấp bao nhiêu năm tháng cũng vẫn không đầy nổi, cái hố ác ý mà dân làng vẫn nói: "Cha mày đánh nhiều cá nên bị hà bá bắt đi". Làng trên xóm dưới ai bị tụt xuống hố không lên được họ lại rao rảo chỉ tay thẳng vào mặt chị em tôi mà gào thét: "Bố mày làm ma mà ác quá! Sao cứ phải kéo người khác xuống mới yên hả?...". Những lời chao chát cứ nghen nghén nơi cổ hỏng mà chị em tôi dù nhiều lần cố nấc lên cho trôi tuột xuống mà vẫn không tài nào xuống được.
Nhiều lần tôi nghĩ: "Sao bố mẹ không cho chúng con theo cùng". Nhưng ý nghĩ ấy vụt tắt khi thằng Nghĩa đột nhiên kêu choáng đau đầu rồi ngã lăn ra giữa nhà. Nó không phải bị trúng gió để đi vặt lấy nắm khúc tần đầu ngõ giã ra, rang cám nóng lên cho vài giọt dầu hỏa vào để đánh nữa. Cũng chẳng phải cảm nắng mà mang bệnh của "con nhà giàu" - ung thư máu. Quay ra quay vào cũng chẳng có gì đáng giá để mà bán đi được ngoài căn nhà nắng cứ tênh tểnh ghé chơi và mưa cứ tong tong nhỏ vào các xong nồi, xô chậu tọc tọc ở rìa làng. Nhưng bán cũng chẳng có ai mua. Vì họ bảo nhà tôi có "dớt". Và hàng đêm tôi lại ước có ông Bụt hiện ra cứu lấy em tôi. Chỉ cần cứu được nó tôi chết cũng được. Nhưng ông Bụt chỉ có trong chuyện cổ tích làm gì có ông bụt ở đời thường. Cái hơi thở thằng Nghĩa cứ ngày một gấp lại, người co nhúm. Một bát cháo lều thều vài hạt gạo mà nó cứ nhấp nhẳng không ăn cho.
Mưa vẫn dấm dẳng không dứt, thằng Nghĩa đau đớn nằm cuộn mình một góc giường. Những người hàng xóm tất tưởi chạy sang cho chị em tôi nải chuối, củ khoai, cân lạc...rồi lại vội vã về.
Cánh cổng tre chỉ để đủ một người lách qua giờ kêu rèn rẹt một hồi dài. Người đàn ông và một cô gái nhỏ bước vào căn nhà. Dường như có một luồng ánh sáng lấp lánh trong cơn mùa ào vào nhà. Cả căn nhà sáng lên ấm dần.
- Ông cứu em cháu với!
Ông ôm lấy tôi nghèn nghẹn. Sau khi hỏi han về hoàn cảnh cũng như bệnh tình của Nghĩa ông bế nó ra xe. Cô gái đi cùng giục tôi đi gửi em nhà hàng xóm và đi đến bệnh viện. Cái mùi bệnh viện làm tôi choáng váng. Người qua lại tấp nập. Tiếng ông trầm ấm:
- Chúng ta cùng cố gắng và hãy hi vọng về điều tốt đẹp nhất!
Những ngày đầu chúng tôi có thể giúp được đứa trẻ, nhưng bệnh này phải có cả một quá trình thời gian điều trị. Bỏ tiền ra đếm đi đếm lại vẫn chẳng đủ cho lần truyền hóa chất tiếp, cô gái bực mình vì thẻ bảo hiểm vẫn chưa được phát huy tác dụng. Có lúc cô gái nghĩ: "Mình, ông và lũ trẻ chả mối quan hệ gì. Hay thôi kệ chúng nó. Nhưng bản thân lại nhanh chóng nhắc nhở đã giúp thì giúp cho trọn tình trọn nghĩa, và điều quan trọng là chúng còn mỗi một cái cọc là chúng tôi để bấu víu. Giờ chúng tôi biến mất, chúng biết làm sao". Chả nhẽ hết cách. Hết cách thật...
Trong phút chốc cô gái nghĩ cần phải truyền tải câu chuyện về đứa trẻ đến mọi người. Sau khi câu chuyện được truyền tải, từng "sợi tơ" yêu thương trải dài khắp mọi miền đất nước chảy tràn về ngôi nhà nhỏ. Đầu thằng Nghĩa trọc lông lốc như bình vôi do truyền chất. Nó đội cái mũ lùm sụp giữa mùa hè, thỉnh thoảng lại bỏ lấy tay sờ sờ như người ta lần tìm một cái gì đó rất mong manh. Cuối cùng, đôi môi nó cũng dãn nở, những nếp năn hai bên ven vén một nụ cười. Nụ cười dù có cố gắng đến mấy người ta vẫn thấy những nốt khuyết của sự buồn.
***
Tiếng mõ chuông vẫn đều đều trong tiếng Kinh Phật. Cây gạo nghiêng mình chao cháo gọi lũ chim mà chúng thì cứ mải miết bay vương vưởng trên bầu trời xanh thăm thẳm.
Mộc Hoàn