Gửi bài:

Chuyện một ngôi nhà

Chịu nổi hay không thì mấy năm nay bà cũng chịu rồi. Chỉ thương cho hai đứa nhỏ, chứ thân bà có khác nào bần trôi sông.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Sài Gòn mùa mưa vui thì ít mà buồn thì nhiều! Nhất là cánh hàng rong, mưa gió như vầy người ta lo về nhà còn không kịp, thì giờ đâu kì kèo mua những món quà vặt. Trước mái hiên của những ngôi nhà sát lộ, đùm đề những gánh: xôi, chè, bánh,... Họ không nói với nhau nhiều lời, nói gì đây khi họ biết tỏng trong lòng nhau nghĩ gì. Hàng còn thì chiều nay đói cơm, mấy đứa nhỏ ở nhà có lẽ cũng quá ngán với những món ba má chúng bán. Nhiều khi nhà hết gạo gặp ngay mùa mưa, cả tuần lễ chúng còn chẳng biết đến cơm cũng nên. Bà Năm ngồi lẫn trong số những con người ấy. Gánh xôi đậu phộng thơm phức còn đầy vung, chừng chỉ bán được dăm gói. "Hết mưa rồi bà con ơi!" Giọng chú tư kẹo kéo hô lên rõ ràng từng tiếng. Lập tức những gương mặt rạng rỡ, nhanh nhẩu đứng dậy, quẩy gánh hàng tủa ra các con phố.

chuyen-mot-ngoi-nha

Tám giờ tối, khi những con đường nhỏ đã in đầy dấu chân của người đàn bà ngoài năm mươi, khi cái bụng đã kêu đói rổn rảng, bà Năm mới lò dò về tới ngõ. Vừa ló vô nhà, thấy Lam ngồi một cục trên ván, bà lên tiếng: "Cơm nước gì chưa mà mày ngồi như thần thừ vậy?" Lúc này con bé chừng mười ba tuổi ngước đôi mắt ti hí nhìn lên: "Con đói rã ruột từ chiêu tới giờ, đợi má về, nhà còn hột gạo nào đâu." Bà Năm khẽ thở dài một tiếng rồi nắm tay đứa nhỏ lay: "Thôi, má chừa cho mày nắm xôi to đùng kìa, ăn đi, khéo còn ngon hơn cơm." Bà cười, nụ cười méo xệch, không biết là vui hay buồn. Lam ngoan ngoãn chạy lại cái thúng, nhanh nhẩu mở gối xôi ăn ngon lành. Chẳng rõ con bé nghĩ gì, số lần nó ăn xôi còn nhiều hơn ăn cơm, mà trông nó chả có chút gì là ngán. Gối xôi trên tay chưa vơi được nửa thì hai má con đã nghe tiếng lè nhè từ ngõ vọng vào. Hai người nhìn nhau, không biết là vô tình hay cố ý. Một người đàn ông còm nhom, tóc bạc quá nửa, tay lăm lăm chai rượu. Liếc thấy hai má con Lam, ông hầm hừ: "Dọn cơm cho tao, nhìn cái gì?" Lam hoảng hốt, khom người, thu vai lại, nom con bé đang rất sợ. Lúc này bà Năm mới lên tiếng: "Nhà hết gạo từ chiều, ông ăn đỡ miếng xôi để tui chạy qua chị Tám vay ít gạo về nấu." Gương mặt người đàn ông lập tức chau lại, khóe miệng giật giật: "Dẹp đi! Có chuyện cơm nước cũng lo không được, đồ đàn bà hư!" Ngay lập tức ông với tới cái thúng nắm từng gối xôi ném mạnh xuống sàn, rít: "Xôi nè! Xôi nè!" Lam mếu máo bấu vào tay má. Bà Năm vội vàng chấp tay: "Tui lạy ông, ông không ăn thì để má con tui ăn. Ông làm cái chi mà khổ má con tui quá vậy nè trời! Ông ngồi đó, tui chạy đi nấu cơm liền. Khổ quá!" Nói đoạn bà kéo tay con nhỏ chạy ù ra cửa, xuyên qua màn trời đen như mực.

Ông Hai Hèm giờ đã ngủ. Ổng tên Hai, một tháng thì hết hăm chín ngày lè nhè, ngày thứ ba mươi thì tay cắp chai rượu đảo quanh xóm. Ổng uống rượu như uống nước lã, người ta ăn cơm còn ngán, chứ cái xóm này thì kháo nhau: "Bao giờ ông Hai Hèm hết hèm?" Ngày trước ông là một thợ giỏi, người ta xây nhà đều muốn gọi cho bằng được ông đặng an tâm. Tiếng lành đồn xa, dù chẳng phải dư dả gì, nhưng cũng gọi là đủ ăn. Kể từ ngày ông rớt từ giàn giáo xuống đất, cột sống yếu hẳn, không còn theo được nghiệp xây nữa thì y như rằng ông thay tính đổi nết. Bà con thương ông tự dưng đang trơn tru thì vấp giữa đường. Sau thì họ giận, họ giận thay cho má con người đàn bà chui rúc trong căn nhà ọp ẹp cuối xóm. Mâm cơm chỉ có dĩa rau luộc với chén nước tương điểm thêm chút ớt đo đỏ. Bà Năm giục con ăn lẹ lẹ còn đi ngủ. Đèn tắt, ngôi nhà bị nuốt chửng bởi bóng đêm.

Sài Gòn lúc nào cũng vội vã. Nếu không vội vã có lẽ đã không còn là Sài Gòn. Vội vã vì sợ trễ, vội vã vì bị sếp la và vôi vã vì phải mưu sinh. Bà Năm vui vẻ nhận tiền sau khi trao tay người đi xe máy gối xôi. Như lệ thường ngày nào ra ngã tư Bảy Hiền cũng thấy một người đàn bà nước da ngăm ngăm bên gánh hàng miệng không ngừng rao: "Xôi đi, xôi đậu phộng đi cô bác ơi!" Cạnh đó là một xe bánh mỳ tươm tất của một chị gái ngoài ba mươi. Người ta ghé vào chỉ mua hoặc bánh mỳ hoặc xôi, chưa bao giờ thấy ai mua cả hai. Và người ta cũng chưa bao giờ thấy hai người phụ nữ kia có xích mích. Nhiều khi họ còn đem cho nhau những niềm vui nhỏ, như hôm nay chẳng hạn. Cầm trên tay ổ bánh mỳ nóng hổi, đầy ụ thịt, cô gái khều khẽ bà Năm: "Nè, ăn đi để đói, dì! Hôm nay tổ xôi đãi dì hay sao mà khách cứ nườm nượp hen." Cô cười toe toét rồi vội vã trở lại xe bánh mỳ. Sài Gòn cái gì cũng có, càng không thiếu tình người. Đúng là bữa nay gánh xôi đắt hơn mọi hôm thật, mới chừng có tiếng mà đã lưng nửa thúng. Phải chi ngày nào cũng "trúng" như hôm nay thì Lam có cơm, có cá ăn dài dài. Giờ này Lam đang ở lớp. Nó đang ngồi thu lu nhìn ra cửa sổ. Chuông ra chơi vang lên, lấp tức đám trẻ xô đẩy nhau ào ra cửa. Lam chẳng buồn nhấc chân, dọm nó cũng muốn ào xuống nhà ăn chén một cái gì đó cho cái bụng nhỏ kêu réo suốt nãy giờ. Xem ra Lam vẫn còn nhớ túi mình chẳng có một xu. Giờ chơi, không ăn thì chơi, nhưng khi đầu chỉ để tâm đến cái bao tử thì người ta chả thiết tha gì những chuyện khác. Yến quan sát Lam nãy giờ, thấy con bé không có động tĩnh gì, nó đi đến và chìa con búp bê ra: "Chơi không?" Mắt Lam rạng lên. Cả đời nó chưa thấy con búp bê nào đẹp như vậy, mấy lần xin má mua, nhưng má hứa rồi lại thôi nó cũng quên bẵng đi mất. Đứa con gái nào mà không mê những con búp bê môi đỏ, mắt đen tóc vàng. Trên bàn học con bé đầy những hình vẽ nó tưởng tượng ra về con búp bê trong mơ mà nó gọi là em gái. "Quà sinh nhật của ba mẹ mình đó." Lam cười. Nó được chạm vào giấc mơ mà nó hằng ao ước, mặc dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi. Nó có tự hỏi bao giờ nó có quà sinh nhật không? Năm nào có tiền má nấu nồi chè đãi nó, năm nào không thì má xoa đầu hứa: "Năm sau má làm sinh nhật cho, nghe!" Lam vẫn cứ vui vẻ rờ "em gái " và xuýt xoa.

Trưa trờ trưa trật Lam mới bước vào nhà, thở hổn hển. Mùi cá chiên xộc vào mũi. Nó quýnh quáng chạy xuống bếp reo lên: "A, hôm nay má nấu cơm, có cá chiên nữa thơm quá. Cho con ăn nghen má!" Bà Năm mặt mày tèm nhem, cốc đầu nó: "Cha mày, không cho mày ăn thì cho ai ăn. Đi thay đồ lẹ ra má dọn cơm ăn." Lam co giò chạy vào buồng. Bà Năm nhanh nhẩu bưng mâm cơm lên. "Chà bữa nay má trúng số hay sao mà sang quá!" Con nhỏ cười tít mắt khi nhìn thấy trên mâm có dĩa cá chiên những hai con, tô canh bí đỏ lủng bủng nước nổi lên vài con tôm khô, dĩa rau muống luộc xanh ươm, chén nước tương điểm vài khoanh ớt ở giữa.

Má con chưa kịp ăn thì ngoài hiên con Vện già sủa chí chóe. Cái con mắc dịch, ngày thường nó im ru rú nay mắc chứng gì nghểnh cổ um sùm vậy không biết. Lam chạy vù ra cửa, ngoảnh đầu vào thảng thốt: "Má ơi má!". Bà Năm chưa kịp đứng dậy thì tiếng gọi quen thuộc khiến bà đứng sững vài giây: "Má!"

Trước mặt bà là một người con trai chừng ngoài hai mươi, cao hơn Lam hai cái đầu, tóc cắt ba phân, da đen sạm, tay chằng chịt những lằn gân. Bà mừng rơi nước mắt , chạy lại nắn nắn tay cậu con trai: "Mày ốm quá bây!" Rồi như có cái gì chặn ở cổ, bà không nói, chỉ thấy mắt đỏ hoe, mặt thì đầy nước mắt, tay thì không buông. Cậu con trai lên tiếng phá tan im lặng: "Má làm gì nắm chặt vậy, đau tui." Rồi cậu ta bước tới cái ván đặt giỏ đồ xuống, ngồi thở. Bà Năm tiến về phía con: "Bây về chi mà bất ngờ không báo trước má đón." Vừa đảo mắt khắp nhà cậu ta vừa đáp: "Tui cải tạo tốt họ cho về sớm. Tui có chân tự về được má đón chi mà báo."

À! Hóa ra đây là thằng Dư con cả nhà này. Ba năm trước nó bị xã bắt vì tội ăn cắp, má nó vô thăm được mấy lần thì nó kêu má đừng vô nữa, người ta lo cho nó đầy đủ có đói đâu mà má sợ. Cái thằng lầm lầm lì lì, cứng đầu cứng cổ, hết lớp chín thì gặp cảnh ba nó bị tai nạn hồi trước phải nghĩ học. Nào đâu giao du với bạn xấu, má nó nói mà nó đâu có nghe. Ngày nó đi tù bà Năm khóc hết nước mắt. Ông Hai Hèm đi nhậu ở đâu về nghe người ta bàn ra tán vào quậy tung nhà tung cửa, đập đồ, rượt bà Năm chạy vì tội con hư tại mẹ. Đêm đó hai má con không dám về nhà đùm bế nhau ngồi ngoài chợ tới sáng. Thiệt lẹ, mới đây mà thằng Dư đã về. Ngôi nhà hôm nay có thêm hơi người, ấm hơn trước. Bà Năm gấp cho thằng con khúc cá ngon nhất. Lam cũng bắt chước má múc hết cái trong tô canh bỏ vào chén Dư. Nó không buồn vì đáng ra ngày thường những điều đó sẽ dành cho nó. Nhưng hôm nay khác, anh nó về. Nó thương anh mặc dù chưa bao giờ nó hé cho Dư biết. Dư nhìn hai người, lòng nó thổn thức. Ba năm qua ngày nào cũng ăn cơm, nhưng bữa cơm ngày ra tù ăn với má và em nó thấy mình đã lớn. Ba má con đang quay quần thì ông Hai đã vào tới cửa. Lam nhanh nhẩu: "Mời ba ăn cơm." "Má con mày ăn hết rồi mới mời tao, vợ con mà ăn cơm trước chồng, tụi bây học đâu ra cái thói đó. Tránh ra cho tao ngồi!" Lam né người, bới cho ba chén cơm đầy. Chừng lúc này mới để ý tới sự có mặt của Dư, ông bất ngờ: "A cái thằng mất dạy này về rồi đó hả? Sao mày không đi luôn cho khuất mắt tao, về chi cho mang nhục cái nhà này." Dư sầm mặt. Bà Năm vội vã: "Kìa ông con mới về." Vẫn không thôi cái giọng ngầm gừ: "Để rồi coi má con mày còn binh nhau tới đâu!" Dư buông đũa, đứng dậy đi ra sau hè để lại đằng sau tiếng lè nhè: "Đồ mất dạy!"

Kể từ ngày xóm có thêm người đi đâu cũng nghe bàn tán. Nhất cử nhất động của thằng nhỏ được thoi dõi sát sao. Dư biết điều đó, mỗi lần ra ngoài đường cứ y như rằng người đó dính đầy lọ ai cũng dòm với cặp mắt láu liếc. Khổ nỗi nằm nhà ngoài đâm chán, cái thằng là cái chân đi bắt nó ngồi một chỗ khác nào bắt con chim không bay. Biết ý con bà Năm cứ dặn đi dặn lại đừng có chơi với đám du côn du đảng ngày trước nữa, lo chí thú làm ăn rồi còn cưới vợ. Bằng tuổi nó người ta còn bồng con bế chứ ai mà long bong. Bụng thằng Dư cũng nghĩ y sì má nó nói, nó đã sợ cái cảnh ăn cơm nhà nước. Vả lại nó biết nghĩ đến má, đến em, Lam không thể nghỉ học như nó ngày trước. Nó mua báo, lân la kiếm mục tuyển việc làm hì hục ghi lại địa chỉ rồi cuốc bộ đi nộp hồ sơ. Nó nộp mười chỗ thì không thấy chỗ nào hồi âm. Lên tận công ty thì người ta nói cần bằng cấp, đủ người. Má nó thấy vậy khuyên nó đừng nản, làm xí nghiệp không được thì kiếm việc tay chân mà làm. Trong xóm có chú Tư, ngày trước nằm trong cánh thợ xây cùng ba nó, đeo tới giờ. Chú Tư thương ba nó, thương nhà nó, thương nó. Đang thiếu người phụ hồ, chú cáp nó vô, rồi có gì chú chỉ cho học lên thợ. Má nó mừng rơn, con Lam cũng hí hửng. Từ ngày Dư đi làm có tiền hũ gạo trong nhà cũng đầy hơn, mâm cơm có cá, có thịt.

Bà Năm quẩy đôi thúng về tới ngõ đã thấy ông Hai đứng chắn ngang cửa. Vừa tới ông chìa tay ra: "Đưa tao mấy chục coi!" Đang mệt, bà sẵn giọng: "Tiền đâu mà đưa, tui đâu phải cái kho mà muốn là có." Bà dợm bước vào nhà ông đã lôi lại: "Mày bán buôn không lẽ không có tiền, tiền thằng Dư đi làm nữa chi?" "Trời ơi, ông ngồi không đó mà đếm tiền má con tui. Tiền thằng Dư thì của nó giữ, tui bán được mấy đồng lo cho cái nhà này ăn nữa chi. Bữa trước người ta đòi tiền tui ông uống thiếu ngoài quán kia kìa, tui trả rồi bây giờ ông đòi nữa tui đẻ đâu ra." Ông Hai Hèm nghiến răng: "Mày hay lắm" rồi túm lấy tóc vợ giật túi bụi. Bà vùng chạy ông tán cho một cái nổ đom đóm. Ngày trước chưa bao giờ ông động tay chân với bà. Kể từ khi dính vô ma rượu cứ mỗi lần đòi tiền không có thì kiểu gì bà cũng lãnh vài vết bầm trên người. Lam xót má vừa thoa dầu vừa khóc là cảnh không có gì lạ lẫm trong căn nhà này. May sao Dư vừa đi làm về, chứng kiến ba đang đánh má nó ào vô xô ông Hai ra. Mất đà ông té chỏng gọng. Ông lòm còm bò dậy định xử tội thằng con thì bà Năm đẩy tọt Dư ra sau hè. "Ổng cứ vậy quài sao mà chịu nổi!" Dư gắt má. Bà Năm quay mặt đi giấu giọt nước mắt đang lăn xuống má. Chịu nổi hay không thì mấy năm nay bà cũng chịu rồi. Chỉ thương cho hai đứa nhỏ, chứ thân bà có khác nào bần trôi sông.

Trời chập tối, má con ngồi bên mâm cơm thì chú Tư hớt hải chạy vào: "Chị Năm, chị Năm, anh Hai sỉn băng qua đường không dòm bị xe tông cấp cứu rồi!" Ba người nhìn nhau mặt tái đi...

Ngôi nhà cuối xóm hôm nay đông người. Người ta đến đốt nén nhan cho người đàn ông xấu số. Ông Hai bị chấn thương sọ não, chết trên đường đi cấp cứu. Lam gục đầu bên quan tài cha, đôi mắt sưng vù. Nó khóc không nổi nữa chỉ thấy nước mắt là không ngừng rơi. Thằng Dư thì đốt từng nắm nhan đưa cho khách tới viếng. Bà Năm đôi mắt đỏ hoe vô hồn đứng cạnh người bà con xa gật đầu cảm ơn số tiền họ phúng điếu. Bà cũng không muốn phải nhận điếu vì thương ông chết rồi mà phải mang nợ. Nhưng ngặt nỗi nhà không tiền, mồ mả thì phải lo cho ông, dù lòng không muốn bà vẫn mong ông tha lỗi. Sống đã nợ, chết rồi cũng nợ.

Bốn mươi chin ngày mất của ba, Dư bị đuổi. Công trình nó đang làm bị mất cắp vật liệu. Tìm không ra thủ phạm, người ta kháo nhau đổ cho thằng nhỏ từng có tiền sử ăn trộm. Nó không làm, chú Tư tin nó, nhưng chủ thầu không tin. Ông ta còn hậm hực với chú tư: "Hết chuyện hay sao mà dắt thằng mới ra tù vô làm vậy cha nội. Thôi nói nó hết chuyện làm rồi, về nhà nghỉ đi!" Vậy đó thằng Dư mất việc một cách lãng xẹt. Tin nó ăn cắp bị đuổi việc truyền về xóm nhanh như bão. Nó đi tới đâu xin làm là người ta né như né tà. Mấy người vô công rỗi nghề có chuyện để làm. Thoáng thấy bóng nó là bắt đầu xì xầm. Suốt một tháng trời dư nhốt mình trong nhà không dám ra đường. Ba mà con sống chắc ổng sẽ chửi nó mang nhục về nhà, đồ mất dạy. Đêm đó nó cuốn đồ bỏ vào giỏ. Nó nói má từ mấy hôm rày. Thôi thì ở đây người ta không cho nó sống thì nó đi tìm đất khác mà sống. Má sụt sùi nó khoát tay đất lành chim đậu, lo gì mà lo.

Tờ mờ sáng ba má con dắt díu nhau ra bến xe. Thằng Dư không cho bà Năm với con Lam đi theo mà hai má con cứ nằng nặc. Ngồi trên xe Dư nhìn má, nhìn em, vội quay đi khi giọt nước mắt nóng hổi chực rơi. Hai má con Lam rớt nước mắt từ nãy giờ. Cuộc chia tay nào trong đời mà chẳng xót xa. Thằng con bà rồi mai này sẽ sống ra sao. Số cái thằng không sống được ở nhà, phải lưu lạc tứ xứ. Xe lăn bánh, đi về đâu cũng chẳng rõ. Rồi thằng Dư, bà Năm và Lam sẽ chìm nổi thế nào trong dòng đời, cũng chẳng rõ. Chỉ biết căn nhà lụp xụp cuối xóm vẫn im lìm nằm đó, ngày qua ngày...

Mộc Miên

Ngày đăng: 09/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Nợ một lời xin lỗi Nợ một lời xin lỗi Hãy xóa tan những nỗi oán trách, hận thù trong tâm hồn bạn. Thay vào đó là tình yêu thương, lòng khoan dung đối với những người thân xung quanh bạn....
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Tôi độc thân
 

Ở một mình không cô đơn, nhớ ai đó mới cô đơn!

Tôi độc thân

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage