Gửi bài:

Cuộc sống của bà

Buổi chiều vắng lặng từ căn nhà cũ làm bờ vai bé nhỏ khẽ rung lên vì sợ. Tôi và cô bé ấy sợ cái làn gió trong lành, sợ đám mây hờ hững, sợ một chiếc lá khô bị gió thu đưa trên con đường về, sợ sự tĩnh mịch và sợ cả tình yêu thương . Buổi chiều ấy tôi đi tìm bà nuôi 1 lần cuối cùng. Đó là bà của cô bé người đã cho trái tim tôi đâp trở lại, một trái tim tràn đầy tình yêu và sức sống, một trái tim luôn thôi thúc tìm về người phụ nữ mang tên "bà".

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

cuoc-song-cua-ba

Thông tin về bà tôi có rất ít chủ yếu tôi chỉ lần mò theo quyển tự truyện của cô bé. Hai năm nay, đã hàng trăm lần tôi hỏi han và tìm tòi và dường như tuyệt vọng và sợ chẳng bao giờ tôi gặp được bà. Nhưng buổi chiều đầy gió ấy, khi lý trí đã định dừng kiếm tìm thì con tim lại thôi thúc bàn chân bước đi. Thế là tôi đi vào ngõ vắng nơi mà bà bán nước đầu ngõ khẳng định chắc nịch với tôi "Bà Út bán đồng nát ở cuối ngõ có cháu là nhà văn trẻ". Trong truyện của cô bé chỉ có nói em và bà sống trong một chiếc ngõ vắng, bà em hằng ngày đi nhặt đồng nát. Và trong hàng trăm chiếc ngõ lần này tôi tìm thấy bà. Dáng lưng gầy gò đang lom khom nhặt mấy vỏ lon bia. Tôi khẽ gọi "bà ơi" bà chưa ngoảng lại mà khóe mắt của một thằng con trai hai lăm tuổi đã cay cay. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi xúc động đến vậy. Chẳng cần hỏi nhiều tôi biết lần này tôi tìm đúng người. Bà quay lại nhưng chẳng nhìn tôi mà đôi mắt nhìn xuống đất và bà mời tôi vào nhà uống nước. Bà nói: "bà biết cháu là ai ?", "vì sao lại tìm bà ?". Điều đó làm tôi không khỏi bất ngờ ngồi trầm ngâm chừng 15 phút thì tôi mới dám hỏi về cô bé, người làm cho trái tim tôi biết đập. Bà khẽ gật đầu đôi mắt đã mờ đục nhìn xa xăm, cái nhìn rất xa. Rồi bà đưa tôi cuốn nhật kí mà cô bé tự kể về mình và bà. Trong cuốn nhật kí đó cô bé tự gọi mình là nó . Và những dòng chữ run rẩy đầu tiên đã mở ra câu chuyện mang tên "bà và nó".

"Nó là 1 đứa mộng mơ nó thường kể với bà rằng trong đầu nó lúc nào cũng đầy lời thơ và câu hát. Những ngày bệnh của nó nặng có câu hát "Bông cải hoa vàng gieo ngàn nỗi nhớ/ Nở rực cõi đời đợi gió đưa đi" cứ quanh quẩn mãi trong đầu. Cái giai điệu chầm chậm và cái lời hát đó là nó tự nghĩ ra đấy chứ. Nó tự nhủ: "Phải chăng nó sắp vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 18 lúc mà thanh xuân có lẽ đang căng tràn trong từng mạch máu". Có lúc nó còn nghĩ "mình mà chết có lẽ cả lớp à không chắc là cả cái trường và cả khu nhà mình ở sẽ phải mất mấy hôm xôn xao hỏi nhau, bàn luận, cũng có người thương tiếc, xót xa. Bởi lẽ cái chết lúc nào cũng là đề tài mà mọi người quan tâm dù họ chẳng thân, thậm chí chẳng quen với người vừa ra đi". Những suy nghĩ bà cụ non đó lần nào cũng làm nó khóc: nó thấy mình thật dở hơi vì những suy nghĩ tiêu cực. Sao nó có thể chết lúc này được chứ nó phải sống và sống đến khi nào có thể. Những giây phút rảnh rỗi trên giường làm những suy nghĩ viển vông thi thoảng lại ghé thăm và trong tâm khản của nó lại diễn ra hàng trăm cuộc đối thoại với chính mình. Những câu chuyện thoáng qua đôi lúc cũng rất hữu hiệu bởi lẽ nó giúp nỗi đau về thể xác vơi đi sức mạnh tinh thần đôi khi lại thay thế cho những viên thuốc giảm đau. Có lần nó đã từng cắt tay nhưng không thành. Sau lần đó nó ít nghĩ đến việc chết hơn vì bà.

Trong căn nhà nhỏ nơi cái ngõ sâu hút hút và bé tẹo có con đường mà bê tông nứt rạn lởm chởm. Dạo này trời cứ mưa phùn suốt làm mấy cái ổ gà trong ngõ lúc nào cũng đọng nước bẩn.Trước kia, khi nó còn đi học vào những ngày này bà lúc nào cũng dặn buộc hai cái túi bóng vào chân cho đỡ bẩn giày. Vậy mà giờ đây.... "xoẹt xoẹt...." mấy tiếng chổi tre quét bỏ bãi nước lúc nào cũng đọng ở cổng làm nó biết là bà nội hôm nay hết hàng sớm. Thế nhưng chắc bà không vào nhà đâu chỉ quét xong là lại tranh thủ đi gom đồng nát kẻo trời tối. Ồ thế mà hôm nay lại khác. Bà bước vào nhà khuôn mặt vốn dĩ chất đầy nếp nhăn nay lại rạng rỡ hơn chút. Đôi mắt ngấn lệ của bà nhìn nó âu yếm và nói: "hôm nay bà nghỉ hàng đi gặp bác sĩ nói sang tháng sau nếu có cơ hội chuyển con vào sài gòn phẫu thuật thì bệnh con có thể sẽ khỏi". Nó cười rồi nói với bà: "thôi con không cần đâu mấy nữa bà đi hỏi thuốc nam cho con uống cũng được vào sài gòn tốn kém rồi biết đâu phẫu thuật không thành công con lại chết luôn". Ngay giây phút đó bà nội ngoảng mặt đi gạt nhẹ dòng lệ còn chưa kịp lăn xuống đôi gò má rồi bà lấy nhanh chiếc bánh giò nóng hổi ra đưa nó.

Và rồi màn đêm cũng buông cái thực tại thiếu thốn làm màn đêm nặng nề hơn trong căn nhà nhỏ. Đêm đó, lại một đêm bà mất ngủ và nó thì nhắm mắt vờ như ngủ rất say nhưng nó biết tất cả. Nó biết bà lại khóc. Bà khóc ướt hết cả mái tóc đốm bạc, ướt hết cả chiếc gối cũ đang mốc dần theo năm tháng. Bà khóc vì sự bất lực của tuổi già không thể kiếm nhiều tiền. Bà khóc vì khó có thể lấy lại sự sống cho niềm yêu thương duy nhất còn lai trong cuộc đời bà. "Đứa cháu gái 18 tuổi xinh xắn nằm cạnh bà đó đang phải chiến đấu từng ngày để níu giữ sự sống và giá như căn bệnh não quái ác đó đừng chọn cháu và giá như bà có tiền cho cháu đi phẫu thuật dù tỉ lệ thành công chỉ là 30%".

Những giọt nước mắt trong đêm của bà khiến nó hận, tại sao cuộc đời này lại khốn nạn với bà như vậy. Năm 20 tuổi bà đã từng bị lừa có thai phải bỏ nhà đi để sinh con rồi lại 1 mình nuôi con khôn lớn. Suốt mấy chục năm bà không dám yêu người đàn ông nào nữa. Bà vẫn sống và gồng lên để tồn tại. Đến khi bố nó lớn lên lấy vợ suốt mấy năm lại chẳng có con bà lại chạy vạy đi xin nó ở cô nhi viện về cho bố mẹ nó. Vậy là bà đã trao cho cái đứa bị bố mẹ buông bỏ kia một mái ấm gia đình, rồi cuộc sống lại cướp đi cái hạnh phúc đó của bà và nó. Vào 1 ngày bầu trời tươi xanh lạ kì cái tin bố mẹ nó ra đi vì cháy xưởng kẹo nơi họ đang làm đến bằng một cú điện thoại. Ngày hôm đó bà và nó dường như chết lặng rồi đến hôm chôn cất bố mẹ nó bà không rơi 1 giọt nước mắt nào cả vì có lẽ lúc này bà đã đi đến tận cùng của nỗi đau còn nó thì khóc đến mức phải nhập viện và đó cũng là lúc ông trời đâm bà thêm một nhát dao. Năm viện hai hôm nó được yêu cầu đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện bị mắc một căn bệnh não quái ác mà có lẽ sẽ chết lúc nào chẳng biết. Nhận tin bà chẳng nói gì nó chỉ thấy đôi bàn tay bà run run, cổ họng khẽ nuốt nước bọt, đôi mắt nổi lên nhiều đường rất đỏ có lẽ bà cố tỏ ra như vậy để nó không buồn. Thế là kể từ ngày hôm đó bà lại là người bên nó nuôi nó yêu thương nó thầm lặng.

Căn bệnh quái ác làm nó không thể đến trường. Bạn bè trong lớp nhớ nó lắm ngày nào cũng có đứa lọ mọ đạp xe vào mang vở cho nó mượn chép bài. Nó cảm động rơi nước mắt. Dù nghỉ học hai tháng nhưng chưa hôm nào, chưa bài nó nó viết thiếu một chữ. Trang giấy nào của nó cũng phồng lên vì nước mắt, thậm chí có những lúc đang viết máu cam còn chảy không ngừng. Ước mơ đến trường đang dần khép lại vì ngay cả đến chuyện sống cũng còn quá khó khăn. Thế rồi ngày hôm ấy cách đây khoảng ba tuần nó quyết định kết liễu cuộc đời sớm hơn một chút để bà đỡ khổ. Thế mà chiều hôm đó bà lại về sớm hơn mọi khi về đến nhà thấy đứa cháu với bàn tay chảy đầy máu đôi mắt yếu ớt đang dần lịm đi bà hoảng hồn gọi người giúp. Tiếng kêu gào thất thanh của bà còn vọng vào cả linh hồn tưởng như sẽ phải ra đi lúc đó. Nó được cấp cứu kịp thời nên nó lại sống à không là tạm thời được cứu sống thôi.

Thế nhưng, cái ngày hôm đó cái ngày nó định ra đi đó đã làm nó chợt nhận ra là bà cần nó rất rất cần nó. Và nó sẽ sống, sống lâu nhất có thể. Những ngày nó sống tiếp theo phải có ý nghĩa, phải làm điều gì đó cho bà. Mấy ngày hôm nay, nó đang bắt đầu viết, nó sẽ viết cuốn truyện cuối đời rồi sẽ bán có tiền tặng bà rồi trước khi chết nó sẽ là nhà văn trẻ. Ôi cụm từ "nhà văn trẻ" cái ước mơ khi nó còn khỏe xa vời biết bao. Nhưng giờ đây, khi sắp lìa đời thì khao khát thực hiện ước mơ nó lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Trước khi chết, nếu tác phẩm của nó thành công thì nó sẽ là "nhà văn trẻ" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ôi cái ước mơ thật tươi đẹp biết nhường nào vì vậy nó khát khao sống, khát khao khỏe mạnh và lạc quan hơn bao giờ hết. Dù rằng, sự sống đó làm nó đau lắm. Vì nó không còn cầm được bút nên câu chuyện của nó dường như chỉ bắt đầu trong tiềm thức. Nhưng thật may là bà nó lại vừa xin được chiếc điện thoại cảm ứng cũ có thể soạn thảo vậy là mỗi ngày nó viết một ít. Hôm nay tự nhiên nó vui lạ, mấy câu hát mấy vần thơ vu vơ ngớ ngẩn làm nó không phải dùng thuốc giảm đau. Căn bệnh này vẫn cứ bào mòn cơ thể nó bằng những cơn đau đầu khủng khiếp. Bác sĩ nói những lúc đau quá thì bắt buộc phải dùng thuốc giảm đau. Thế nhưng, nó biết uống nhiều thì nó sẽ chết nhanh hơn và bà thì lại mất nhiều tiền hơn để mua thuốc nên nhiều lần nó cắn răng chịu đựng. Câu chuyện nó đang viết dang dở cũng khiến nó đỡ đau hơn rất nhiều.

Thời gian trôi...một, hai, ba, bốn. Nó sống thêm được bốn tuần nữa rồi cố lên truyện ngắn "bà nuôi" của nó chỉ cần cái kết nữa thôi là hoàn thiện rồi. Nó đang đi tìm cái kết đẹp nhất để câu chuyện biến thành thứ tình cảm diệu kì có thể chạm vào trái tim mỗi người. Niềm hy vọng đó cùng với lời hứa của cô giáo dạy văn của nó là sẽ nhờ người quen (một nhà báo nổi tiếng) đọc truyện và đăng báo giúp nó làm cho tinh thần nó phấn chấn hơn hẳn. Thế nhưng, dạo gần đây nó thấy bà nó cứ chạy đi chạy lại hình như đang lo liệu việc gì đó mà không nói với nó. Nhưng hôm nay, nó đã biết chuyện vì hai người đàn ông đến xem nhà để mua còn đưa cho nó số điện thoại nói bà gọi cho hai chú để hẹn ngày giao nhà. Bà bán nhà ư?", " bà bán nhà làm gì ?". Rồi nó tự nhủ: "chắc là để cho mình vào nam phẫu thuật". Nó không đồng ý và đương nhiên nó vứt bỏ ngay tờ giấy đó. Ngày bà đưa nó đi kí cam kết phẫu thuật nhân lúc bà không có ở đó nó đâu có kí vậy bây giờ bán nhà làm chi. Hôm đi bệnh viện nó đã quỳ xuống van xin bác sĩ cho nó đăng kí hiến tạng thay vì phẫu thuật . Bác sĩ ái ngại vô cùng nhưng sau tất cả một phần vì biết nó khó có thể qua khỏi, phần khác bị mủi lòng vì lời nói và những giọt nước mắt của nó. Vậy là bác sĩ đồng ý giúp nó và hứa sẽ giữ kín mọi chuyện."

Cuốn nhật kí vẫn chưa kịp kết thúc thì nó ra đi. Bà kể với tôi "Ngày cuối nó cùng bạn đi nộp truyện ngắn dự thi nó lên cơn đau đầu khủng khiếp nhưng lại không đi viện mà cắn răng chịu đựng. Vậy là nó chết! Nó chết trước khi bà kịp bán nhà. Nó chết đi rồi nhưng trái tim của nó lại cứu sống một con người khác. Và câu chuyện của nó viết về cuộc đời bà đoạt giải nhà văn trẻ tuổi 18. Một giải thưởng vốn không có trong hạng mục trao giải". Câu chuyện đó lần nào mở ra đọc bà cũng khóc. Bà khóc không phải vì cuộc đời cay đắng của mình mà bà khóc vì tình cảm của đứa cháu gái bé bỏng dành cho bà.

Ngồi trong căn phòng chật hẹp tôi chợt nhận ra một điều tấm bằng khen của cô cháu gái là thứ được treo trang trọng nhất trong nhà. Và đôi mắt bà nhìn tấm bằng khen đó là thứ sáng nhất trong cuộc đời này. Tôi ngỏ ý muốn đón bà về nhà tôi để chăm sóc nhưng bà từ chối. Bà nói "bà còn khỏe vẫn làm được. Những thứ khó khăn nhất đã qua rồi bây giờ dù già nhưng bà vẫn có thể sống tốt vì xung quanh bà tình yêu và niềm tin của cô cháu gái về bà luôn sống ". Sau lời từ chối của bà tôi lặng lẽ bắt xe ra về. Khoảng thời gian về sau, hàng tuần tôi lại đến thăm và ở lại một ngày ăn cơm cùng bà. Bà vẫn đi nhặt đồng nát vất vả, sau lưng bà vẫn là cái ngõ sâu hút mà ổ gà còn đọng đầy nước bẩn. Thế nhưng phía trước bà là cả bầu trời xanh tươi và nắng chan hòa. Cuộc sống của bà cũng vậy khó khăn, bất hạnh lúc nào cũng bủa vây, bám riết lấy bà. Nhưng bà vẫn sống bởi xung quanh bà là nghị lực, là niềm tin, là tình yêu thương của cô cháu gái bé bỏng mà trái tim đang đập thổn thức trong lồng ngực của tôi.

Lan Hương

Ngày đăng: 09/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Tình yêu công bằng
 

"Cuộc sống có thể không công bằng nhưng tình yêu thì có. Nó mang lại cho chúng ta nhiều và lấy đi của chúng ta không ít. Chấp nhận điều đó là một phần của trò chơi. "

Minh Nhật

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage