Gửi bài:

Những cơn mưa và bố!

Cứ mỗi khi trời đổ mưa, tôi lại nhớ về những ký ức ngày xưa, ngày tôi còn bố!

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, nên cứ trời mưa là bố tôi lại đi ra đồng để kiếm cá, mang về để bán lấy tiền mua thức ăn hoặc cho ba chị em tôi đóng học.

Cánh đồng quê tôi thì không rộng, ruộng không bằng phẳng, những con sông, con rạch rất nhỏ, tựa như chỉ đi có một vòng là đi hết cả cánh đồng. Đa phần thì bố tôi sẽ đi hết cánh đồng nhà và vẫn kiếm được ít cá quá thì sẽ đi sang cả cánh đồng khác.

nhung-con-mua-va-bo

Dụng cụ mang đi kiếm cá của bố tôi là một chiếc giỏi bằng mây do bố tự đan. Bố tôi rất là khéo tay. Cho đến giờ phút này tôi mới hiểu ra, bàn tay tài hoa của bố, nếu được ai phát hiện hoặc nếu biết chuyển mình, dám nghĩ dám làm hơn, có lẽ nó còn đưa tên tuổi bố đi xa hơn thế rất nhiều. Nhưng không phải do bố tôi không hiểu, mà do cuộc sống nhiều bộn bề lo toán quá, bố không có sức để nghĩ hay đột phá gì trong cách nghĩ, trong công việc và cả trong cuộc sống cả.

Bố có vài bộ ắc quy chỉ dùng đi kiếm cá vào ban đêm. Bất luận là khi nào trời mưa, cho dù là một, hai, ba, bốn giờ sáng, bố cũng sẽ dậy làm công việc kiếm cá. Người không biết hoặc không hiểu, lại nghĩ bố làm nhiều vì đam mê. Chính bản thân đứa con gái như tôi cũng không hiểu mà bố tôi thì đâu chịu nói nhiều Nghĩ tới hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, đội cả mưa gió bão bùng, sấm chớp một mình lặng lẽ trong đêm đi đến tất cả những con sông, con rạch lặn lội tìm cá, nước mắt tôi lại trào ra. Mà khi đó tôi còn nhỏ quá, chỉ biết hờn trách bố mà thôi!

Bố có nhiều tấm lưới với những kích cỡ khác nhau dùng để đánh bắt những loại cá to nhỏ khác nhau. Ngoài ra còn cả nơm, lờ, vó... Hầu hết bố đều có thể tự đan nhưng lưới thì bố ít đan hơn vì mất khá nhiều thời gian.

Nhiều lần đi cùng bố, tôi thấy cách đánh bắt cá của bố như sau: Đầu tiên là bố đặt lờ ở miệng cống, ngược dòng nước chảy. Vì cá sẽ bơi xuôi theo dòng nước. Sau đó bố sẽ đi thả lưới dọc con mương hoặc con sông và cách thả lưới của bố cũng cần kinh nghiệm đúc kết mới có được. Bố sẽ không thả lưới thẳng, mà bố sẽ thả kiểu đánh võng cốt để không xót con cá nào nếu xa vào khu vực đó. Bố cất chũm ở phía ngã ba, ngã tư sông, trước miệng cống. Cho đến tận bây giờ tôi cũng không sao lý giải được, tại sao có lờ ở miệng cống rồi mà bố vẫn đánh chặn trước, chặn sau. Rồi bố để chúng ở đó, đi vào khu vực ruộng ngập nông để dùng nơm rình úp cá.

Cứ mùa mưa là cánh đồng lúa quê tôi, ruộng trũng lại ngập không lối thoát. Mùa cạn thì nước lẻ tứt toác hết cả ra và cỏ dại mọc phủ kín cả lối đi. Người dân quê tôi thì xưa nay tôi chỉ độc cho một câu nhận xét được thôi, là lười thôi rồi. Cứ nhìn những thửa ruộng bỏ hoang, nhìn những con người khu vực chợ bàng nhàng lượn lờ suốt ngày chả lo làm ăn... là biết. Mang tiếng là có chợ, mà người dân quê tôi chả làm được gì để giàu lên so với những làng khác trong vùng chứ đừng nói hơn họ. Nhiều lần về quê tôi đi qua những ngôi làng khác, thấy nhà cao tầng mọc lên ngút ngàn, ô tô chạy khắp ngả, đậu kín cả đường đi... Thế mà quê tôi thì hầu như chả có gì đổi thay cả. Có chăng chỉ được vài căn nhà ở gần chợ không biết do nguyên nhân gì mà có thể được sinh ra.

Cách đây không lâu lắm, quê tôi rất nhiều người bị bắt vì tôi buôn thuốc phiện, ma túy. Cách đây lâu rồi, khi tôi về nhà thì thấy vài thế hệ thanh niên chạc tuổi tôi, ai cũng nghiện ngập hết cả rồi... Lúc đó tôi nghĩ bụng, toàn những con người quen biết với nhau, họ hàng với nhau mà hại nhau ra nông lỗi ấy. Tôi rất lo lắng cho em trai tôi nhưng cũng may là trước những sóng gió cuộc đời, nó vẫn có thể mạnh mẽ, kiên cường vượt qua. Ngoài cái tội hút thuốc ra thì không có gì đáng phải chê trách cả.

Lại nói về bố tôi – người nông dân chân lấm tay bùn cả một cuộc đời vất vả.

Cứ mỗi lần nhớ về bố, hay hình ảnh bố hiện ra trước tôi, tôi lại thấy chiếc áo phông màu xanh sờn rách, bạc màu, chiếc quần cộc lanh nhiều ô xanh đen, trắng đan lẫn vào nhau khâu vá chằng chịt do cũ kỹ quá. Mà mẹ tôi thì hiếm khi làm việc đó cho ông lắm, hoặc là chúng tôi hoặc là bố tôi tự làm.

Tôi nhớ cái lần đi đánh cá cùng bố ở ruộng Tráng hạ nhà tôi, trưa đó tôi phải ở ngoài đồng cả trưa để trông đồ cho bố về ăn cơm và nghỉ ngơi một chút. Lúa lúc đó xanh đang thời con gái (chắc là đang làm đòng thì phải). Một mình ngoài đồng mênh mông tôi thấy rất sợ và chán. Tôi lại còn rất sợ nước nữa, nhưng đúng là lần đó đánh được nhiều cá quên cả buồn chán. Từ bao giờ tôi thích công việc dùng cần nhấc lưới lên xem có con cá nào bị mắc không và hồi hộp lắm khi có một con cá mắc lưới. Tôi sẽ kéo lưới gần vào lòng và cố gắng gỡ con cá đó ra, bỏ luôn vào giỏ cho nó khỏi chạy thoát do mắc phải đường cùng.

Tôi nhớ cái lần đê quai ngoài bãi bị vỡ. Từ tờ mờ bốn năm giờ sáng, thấy tiếng người hoảng loạn nhưng tôi hoàn toàn không đoán biết được nó là chuyện gì. Mãi đến hơn năm hoặc sáu giờ sáng, sau khi mang bò lên đê chăn thì tôi được chứng kiến trận vỡ đê lịch sử thứ hai kể từ năm tôi trào đời. Trận vỡ đê trước ảnh hưởng tới cả người dân bên trong đê như quê tôi. Lúc đó tôi mới trào đời được chừng đôi tháng tuổi. Tôi chỉ được nghe mọi người kể lại như vậy thôi!

Bấy giờ tôi lớn rồi, và việc vỡ đê thật là khủng khiếp đối với tôi. Tôi đứng trên cao, chứng kiến những người dân cố gắng chạy thoát khỏi dòng nước đang chảy siết như chỉ biết làm một việc duy nhất, là cào cấu đất đai và cây cối, con người. Nước chảy bất chấp sự run sợ của con người. Rồi cũng trong ngày hôm đó, tôi chứng kiến cảnh hai bà cháu chỉ vì cố gắng dắt một con bò lên đê (đối với người nông dân thì con trâu, con bò thực sự là tài sản rất quý giá). Cũng vì nước chảy siết quá mà con bò do dự không chịu đi, sau đó thì bị trượt chân rơi xuống cái hố rất sâu ở bên cạnh. Con bò thì loay hoay vùng vẫy và bây giờ tôi cũng không nhớ là nó có lên được nữa hay không, có sống được hay không, nhưng đứa bé trạc tuổi tôi năm ấy, thì hai ngày sau người ta tìm thấy xác bạn, to bằng một con thuyền. Cả tuổi thơ tôi bị ám ảnh bởi cái chết của đứa bạn cùng trang lứa ấy. May mà bà cụ được những người chạy phía sau và phía trước ra giúp đỡ đưa vào bờ. Chắc là bà cụ đau khổ lắm trước sự ra đi của cháu mình...

Vỡ đê, tuy mang đến hậu quả thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Có nhà mất người, có nhà mất của. Vụ hoa màu năm đó của người dân khu vực ngoài đê mất trắng. Nước chạy phủ khắp cả mạn ngoài đê dọc theo con sông Hồng từ khu vực chỗ tôi đổ xuôi xuống phía Hà Nội. Tôi không biết nó thiệt hại tới cỡ nào, nhưng tôi cảm nhận rất rõ rệt sự mất mát của gia đình có hai bà cháu nọ. Và song song với sự mất mát đó, năm đó bố tôi đánh được một con cá trắm rất to, chừng bốn, năm kg gì đó. Đó là con cá to nhất trong đời mà bố tôi đánh được.

Cuộc sống của bố tôi cứ xoay vần trong những lần kiếm cá khi trời mưa còn ngày mùa thì trưa tối tất bật với công việc đồng áng, tết đến thì mổ lợn kiếm tiền tiêu tết và để ra tết cho mấy chị em tôi đóng học. Không biết do cuộc sống vất vả quá, do kiệt sức mà bố ra đi hay vì lý do gì? Đến khi bố tôi đi, tôi vẫn nghĩ ông chỉ giả vờ đang bệnh.

Tôi chưa bao giờ trải qua nỗi đau, sự mất mát lớn lao như thế? Tôi chỉ biết khó và không biết gì hơn khi chú tôi (làm bác sỹ), sau khi khám xong bảo ông đã tắt thở. Ông đi không một lời từ biệt, dặn dò. Ông chỉ đau có năm tiếng đồng hồ thôi nhưng nỗi đau ấy nó lớn chừng nào tôi cũng không sao hiểu nổi. Tôi chỉ biết trong nỗi đau do bệnh tật ấy, có cả nỗi đau khi chưa làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người con và người cha. Bà nội tôi khi đó đã già. Mẹ tôi cũng cả đời vất vả và ba chị em tôi còn đang đi học. Chị tôi học năm đầu tiên trường Khoa học tự nhiên. Tôi học năm đầu tiên trung cấp và em trai tôi vừa mới vào cấp ba...

Trải qua bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn ngỡ nỗi đau ấy như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Bây giờ nghĩ lại, tuy tôi không đau quằn quại, nhưng nước mắt tôi vẫn lăn dài, chảy mãi không thôi. Có lẽ cứ mỗi lần nhớ lại, kể cả sau này vẫn thế, nó vẫn không thể ngừng rơi. Cũng giống như tôi, cứ mỗi khi trời mưa, nỗi nhớ về bố lại không ngơi nghỉ. Có khi vì cuộc sống bộn bề lo toan quá, mà nghĩ về bố nước mắt tôi cũng trào ra. Tôi nhớ ông, thực sự là rất nhớ! Vì nhớ ông mà không thể gặp mặt, không bao giờ có thể gặp mặt do khoảng cách hai thế giới là quá lớn, mà tôi chỉ biết cất nỗi nhớ đó trong lòng, chẳng dám chia sẻ với ai. Hiếm lắm, khó chịu lắm tôi mới tâm sự với một hai người bạn gái thân thiết và các bạn cho rằng đó là chuyện hết sức bình thường.

Bà nội tôi đi ngay sau đó không lâu. Bây giờ tôi chỉ còn mẹ, nhưng tôi vẫn chưa làm được gì cho mẹ tôi cả vì nỗi nhớ bố cứ chiếm ngự trong tôi. Tôi cũng hiểu là mình chỉ còn mẹ thôi, hãy dồn tình yêu cho bà. Bà có thể sống cùng chúng tôi được bao năm nữa? Lúc đó, liệu tôi có lại sống trong ân hận như bây giờ? Biết vậy, nhưng điều ấy vẫn thật khó với tôi. Ai trong đời này cũng đâu biết trân trọng những gì mình đang có. Thậm chí biết nhưng cũng có làm tốt được việc đó đâu.

Ngủ dậy ở một nơi xa lạ, không phải là căn phòng trọ nhỏ nơi tôi đang sống dù đây vẫn là Hà Nội, chứng kiến một cơn mưa không phải là xối xả ở những ngày cuối năm, lòng tôi lại nằng nặng lỗi nhớ ông. Chỉ còn đôi tháng nữa thôi, ngày giỗ ông lại tới rồi. Cứ mỗi cái giỗ qua đi thì thời gian cho tôi ở bên mẹ cũng ngày một ngắn lại. Chắc tôi phải điện thoại về nhà chỉ để hỏi mẹ à hôm nay có làm gì không?

Tạm cất nỗi nhớ về bố sang một bên, tôi lại trở về cuộc sống bộn bề của tôi...

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2018

Hoa Lê

Ngày đăng: 19/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Tuổi trẻ giống cơn mưa
 

Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Trích "You are apple of my eyes"

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage