Gửi bài:

Cậu em ngày mới lớn

Đời người là cả một chuyến hành trình dài, tất thảy không thể tránh khỏi những khúc quanh và ngã rẽ định mệnh. Vượt lên trên tất cả, sự sẻ chia thông cảm, vị tha và tình yêu thương của gia đình mới là thứ quý giá và đáng để trân trọng nhất.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Ngày 20/8/2017

Kỷ niệm tròn 1 năm đứa em tôi ra trại cũng là lúc gia đình tôi chào đón một sinh linh bé bỏng ra đời.

Chiều nay, lục đục chuẩn bị đồ tôi bắt chuyến xe khách sớm nhất về quê mong chờ được để xem mặt mũi thằng con trai đầu lòng của nó. Trong lòng có chút gì nao nao khó tả. Thành phố hôm nay sao đẹp lạ lùng, đường về quê yên bình như cảm giác trong chính tôi bây giờ vậy. Hôm nay là ngày đặc biệt - ngày mà nó đã thực sự sống có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình – ngày mà nó được làm cha.

Một năm trước, gia đình tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi nghĩ về cái ngày định mệnh năm đó - ngày Tòa án ra quyết định phạt tù một năm đối với nó vì tội cố ý gây thương tích trong một vụ gây gổ đánh nhau ở quán nhậu.

cau-em-ngay-moi-lon

******

Ba mẹ tôi được ít con, chỉ có tôi và nó. Ngày nó còn thanh niên, vì là út lại là con trai nên lúc nào cũng được chiều chuộng như cậu ấm trong nhà. Bởi vậy nó chẳng bao giờ biết nhường nhịn và nghe lời, tính hiếu thắng luôn nằm trong bản chất con người của nó. Ba mẹ tôi đều làm công chức, công việc khá bận, nên nó cứ mặc sức mà quậy theo chủ nghĩa cá nhân - thứ mà mỗi khi tôi nhắc nhở là nó lại lôi ra để lý luận. Đã bao lần, ba mẹ tôi phải đi "hầu tòa" ở trường học sau những chuyện vụn vặt nó gây ra cho bạn bè. Nhưng cái ngày hôm đó là ngày "hầu tòa" theo đúng nghĩa thực sự - một phiên tòa đã tước đi quyền tự do của nó.

Mẹ tôi thương nó nhất, ngày nó bị tạm giam bà khóc cạn cả nước mắt. Những đêm không ngủ, nước mắt bà làm ướt đẫm vỏ gối, mắt sưng vù cả một tuần trời khi chờ đến ngày phán xử của Tòa án. Ba tôi trách móc: "người ta bảo con hư tại mẹ đúng là chưa bao giờ sai".

*****

Một ngày, hai ngày, rồi một tuần sau kể từ ngày tạm giam, Tòa mời các đương sự tới tham dự phiên xét xử. Giây phút vị thẩm phán tuyên bố "phạt tù một năm đối với bị cáo Nguyễn Văn Tư" mẹ tôi như chết đứng, một thứ gì đó như nghẹn ứ ở cổ, bóp nghẹn và quặn thắt nơi trái tim một bà mẹ. Cố vịn tay vào mép bàn, bà gào thét van xin vị chủ tọa trong vô vọng, chạy theo bấu víu lấy cái vạt áo của người chiến sĩ áp tải cậu em tôi vào đồn mà liên tục kêu gào những tiếng thất thểu. Lúc đó, nó chỉ quay lại mà nói đúng một câu: "con xin lỗi" rồi bóng dáng thằng con trai cứ hun hút khuất dần vào sau bức tường của phòng Tòa án. Mẹ tôi đã nhập viện cấp cứu vì ngất ngay sau lúc nó rời khỏi nơi ấy.

*****

Từ đó trở về sau, gia đình tôi phải sống chung với những tai tiếng. Hàng xóm dị nghị nọ kia, vợ chồng là cán bộ mà lại mang cái tiếng "không dạy được con, con ông bà cán bộ đi tù". Chuyện nó gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của ba mẹ tôi. Năm đó, cơ quan ba tôi có đợt thăng chức cho cán bộ, vị trí trưởng phòng từ bao lâu nay ba vẫn kì vọng và cố gắng nỗ lực trong suốt mấy năm trời để "ngoi lên" trong bon chen và thị phi chốn công sở đâu dễ dàng, đồng nghiệp và các sếp cũng đã nhắm cho ba vào vị trí đó, vậy mà chỉ vì một chút lý lịch "đen" của thằng con mà chức vụ đó đã tuột mất trong sự nuối tiếc và hụt hẫng.

Ngày nó vào trại, mẹ tôi gầy xọp đi, chẳng còn tiếng nói hay bóng dáng của thằng con nghịch ngợm. Ở nhà, nó là đứa hay nịnh bà nhất, nó gần gũi với bà còn hơn cả tôi dù là đứa con trai, mẹ tôi nhớ nó...Đều đặn khi nào có lịch được vào thăm, bà cũng chuẩn bị mọi thứ đồ dùng cần thiết cho đứa con trong trại đầy thiếu thốn. Ba tôi thì mặc kệ, ba chẳng vừa lòng với đứa con hư hỏng ấy, ông luôn tự trách mình, trách vợ đã không dành thời gian dạy dỗ chỉnh đốn nó từ nhỏ, sự nuông chiều của mẹ tôi là nguyên nhân cho mọi lỗi lầm trước kia và hiện tại của nó. Vẻ ngoài thì vậy, tuy luôn tỏ ra vô cảm trong mỗi lần mẹ tôi đến thăm nó nhưng tôi biết ông vẫn dành cho nó một tình thương nguyên sơ của người cha, dù chẳng bao giờ rơi nước mắt như mẹ, nhưng vốn dĩ "đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" mà.

- "Nó vào trong đó, nó phải cải tạo, nó khổ thì cũng phải chịu. Đời nó khổ, tôi và bà cũng khổ lây, chỉ mong sao khi ra đời sau này nó sẽ biết suy nghĩ để làm mọi việc chín chắn hơn"!

Đó là câu nói mà ba tôi hay nhắc lại mỗi lần thấy mẹ rơi nước mắt vì nhớ nó. Cũng phải, cái bồng bột của đứa con trai mới lớn có mấy người làm cha mẹ mà bảo ban được, pháp luật sẽ uốn nắn lại nó và nhà tù sẽ là nơi cho nó thấy được sai lầm và tự hối cải.

*****

cau-em-moi-lon-1

Thời gian trôi qua, một năm sau rồi cũng đã đến ngày nó được tại ngoại. Ngày nó ra trại nom người cu cậu gầy đi trông thấy, da đen sạm, đầu tóc nó chẳng còn dài luộm thuộm như thởu còn ở nhà, tóc cắt cua làm lộ rõ vầng trán dô ương bướng chẳng dấu vào đâu được. Nó về rồi, ngoại hình nó thay đổi, nhưng điều làm người ta quan tâm hơn nữa là phẩm chất con người nó. Nó vào tù đã khổ, bây giờ ra tù con đường tiếp theo của nó còn khổ gấp trăm vạn lần kìa: rồi người ta có nhìn vào lý lịch của nó mà miệt thị, mà ghê sợ con người là tử tù như nó không?

Đúng là chỉ trong cảnh lầm than, ngặt nghèo con người ta mới biết chân trọng những giây phút bình dị trong cuộc sống. Lần này về nó khác hẳn, nó đã nói một câu khi trở về nhà như một lời thề, và cho đến sau này nó đã thực hiện đươc: "con sẽ sống cho ra một con người".

Việc đầu tiên mà nó hứa là thi lại, sau khi tốt nghiệp nó học nghề và kết hôn với cô người yêu cùng xóm. Cũng nhờ cô vợ bây giờ của nó đã khiến con người y thay đổi hoàn toàn, là một người chồng, người cha sống có trách nhiệm. Vợ nó chính là người đã mở lòng đón nhận một người tù nhân như nó – đó là một người có lòng bao dung và thấu hiểu, để sau này người ta nhìn vào đó mà quý mến nó hơn. Nhưng có lẽ cái chính vẫn là sự quyết tâm của nó, bước lên vũng sinh lầy để thay đổi cuộc đời mình. Nó sống có chừng mực hơn với hàng xóm, đám bạn năm nào hay rủ nó tụ tập nhậu nhẹt giờ chẳng có tên thằng Tư ở đó nữa. Điều thành công nhất ở nó là lấy được một người vợ biết cảm thông cho sai lầm trong quá khứ của nó - một người vợ đem đến cho nó cảm giác rằng nó còn là một người có ích trong cuộc đời này.

Ba mẹ tôi giờ cũng đỡ mất mặt với hàng xóm, cái tiếng gia đình văn hóa mà có thằng con tù tội gắn mác chẳng hay ho gì đã một năm rồi. May sao nó thay tâm đổi tính, biết nhận ra sai lầm mà làm lại cuộc đời, vì chính bản thân nó và cũng vì những người yêu thương nó nữa. Giờ nó đã là bố của một đứa trẻ, trách nhiệm là hai từ khiến nó phải không ngừng cố gắng để vun đắp cũng như làm tròn nghĩa vụ của một người đàn ông trong gia đình. Có lẽ mọi nỗ lực và cố gắng thay đổi từ đó tới nay nó đều chứng minh được.
Nhưng cũng đã bao lần tôi đặt ra một giả thiết ngược lại khi nó mới ra tù rằng: nếu chẳng ai chấp nhận một thằng như nó ngoài gia đình thì cuộc đời nó sẽ ra sao? Chẳng phải nó sẽ phải sống trong sự rào cản, một bức tường vô hình được tạo ra từ sai lầm trong quá khứ đã như một lẽ tự nhiên mà ngăn cách nó được sống hòa nhập với thế giới bên ngoài vì cái án tù tội chăng? Tôi đã chứng kiến bao cảnh đời như thế. Nhưng em tôi lại may mắn khi được mọi người đón nhận là gia đình và một người lạ nữa là vợ nó - một người đã chẳng ngại lời dị nghị để đón nhận một con người từng thiếu xót. Và nó lại có thêm một gia đình thứ hai yêu thương nó bằng thứ tình cảm chân thành.

*****

Vậy nên, nếu người ta chẳng dám mở lòng, chẳng có sự bao dung độ lượng thì cuộc sống của nó sẽ còn khó khăn hơn ở tinh thần nữa. Nó may mắn sinh ra trong một gia đình có ba mẹ làm điểm tựa và gương mẫu, bấy nhiêu đó chính là nền tảng và động lực để nó quyết tâm thay đổi. Gia đình là nơi nó trở về, là mái ấm tình thương bao la, che chở, là nơi đón nhận nó khi lầm đường lạc lối. Mọi sai lầm ở thời trẻ chỉ là cái bồng bột nhất thời khi bước vào tuổi mới lớn, điều cốt lõi là mỗi người phải biết trân trọng hiện tại, quên đi quá khứ và hướng tới tương lai. Đó là cái đích đến của hạnh phúc.

Đời người là cả một chuyến hành trình dài, tất thảy không thể tránh khỏi những khúc quanh và ngã rẽ định mệnh. Vượt lên trên tất cả, sự sẻ chia thông cảm, vị tha và tình yêu thương của gia đình mới là thứ quý giá và đáng để trân trọng nhất. Nếu không có những giọt nước mắt của mẹ bao lần ướt đẫm chiếc khăn mùi xoa mỗi lần đến thăm nó thì có lẽ nó cũng không động lòng chắc ẩn mà tỉnh ngộ, nếu chẳng có lòng vị tha từ người bố nghiêm khắc thì cuộc sống của nó đã phải bươn trải với dòng đời, và nếu không có sự đón nhận của vợ nó thì nó đã chẳng thể có cơ hội để trở thành người cha tuyệt vời như thế.

Cuộc sống là màu nhiệm và gia đình là thứ ánh sáng đẹp đẽ, thiêng liêng nhất. Tôi nghĩ như vậy vì đó là sẽ mãi là chân lý cho những ai biết trân trọng tình cảm gia đình!!!

Nhíp

 

Ngày đăng: 20/12/2018
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Thứ ta kiếm tìm
 

Những thứ ta vốn khổ sở kiếm tìm, khi không nhìn thấy cũng đành chịu nhưng nhiều lúc vô tình phát hiện ra mà lại phải bất lực nhìn nó rơi tuột qua kẽ tay

Ánh trăng không hiểu lòng tôi - Tân Di Ổ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage