Gửi bài:

Người đàn ông đi về phía biển

Như một cái lẽ thường nào đó, khi con người ta đứng trước biển, người ta thường đượm buồn. Cái buồn dường như không có nguồn cơn, chỉ vắt dòng đi qua khắp miền kí ức, rơi tõm vào dòng sóng cuộn xô rồi hóa thành nước mắt trên đôi mắt mọng đầy những quầng thâm của người đàn ông. Đó là đôi mắt của ba tôi, đôi mắt với những quầng đen, đôi chân mày rậm, và ánh nhìn lúc nào cũng xa ngai ngái. Thi thoảng nếu chỉ cần nhìn đôi mắt ấy trong đêm, đôi mắt ấy quắc lên giận dữ, người ta sẽ cảm thấy sợ, nhưng chỉ cần nhìn dáng ông bước đi, tập tễnh từng bước và vài tiếng ho hục hặc kéo theo, người ta sẽ biết, người đàn ông ấy đang yếu đuối trước cuộc đời.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

***

nguoi-dan-ong-di-ve-phia-bien

Tôi vẫn hay nhìn ba ngóng trông ra ngoài phương xa một cách xa xăm và đầy phiền muộn như thế. Mỗi khi ngắm nhìn hình bóng ba đang ngả rạp trên cát vào mỗi xế chiều, lòng tôi lại dấy lên nỗi niềm gì đó rưng rưng khiến tôi chực khóc. Và những lúc ấy ba sẽ đến bên tôi, bế thốc tôi lên, rồi lăn tròn những bước đi dài trên cát, tiếp tục đi về phía ánh mặt trời, cứ thế, đưa tôi đến đường chân trời mà suốt thời thơ bé tôi đã luôn mơ mình sẽ tới.

Ba luôn nhìn vế phía biển, bởi nơi đó có mẹ, người đàn bà bám biển cùng những người đàn ông. Một người đàn bà khi phải cuộn mình trước sóng gió cuộc đời rồi vững chãi tay bè tay lưới là người đàn bà khiến ta ngưỡng mộ nhất. Thời chiến, ba là người anh hùng, là người đội trưởng khiến cả quân đoàn ngưỡng mộ, ba xông pha trận mạc, ba quên bản thân mình. Thế rồi hậu quả chiến tranh là vết đạn còn cắm ở nơi chân hành ba mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn đau nhức. Những năm tháng tôi lớn lên tôi những tưởng không thể chịu được mỗi mùa bão đến. Căn nhà nhỏ liêu xiêu đã bao lần chực ngã đổ chứa bên trong nó là cả cơn bão nhỏ của gia đình, với những lần ba đớn đau quằn quại. Nhiều đêm tôi nhìn mẹ "đuổi vội" tôi đi ngủ rồi chong đèn thức cả đêm trông ba; Nhiều đêm tôi thấy ba cuộn mình ôm lấy chân, lấy tay rồi giọt nước mắt đàn ông rơi đầy trên gối. Nước mắt người đàn ông dường như khó rơi ra lắm, nó thường hay quay ngược vào trong lòng để phơi bày niềm vui giả dối, nên một khi nó đã rơi ra, thì nỗi đau mà người đàn ông ấy chịu đựng hãy là to lớn lắm.

Mẹ yêu thương ba bằng cả trái tim, căn nhà bên bờ biển chưa khi nào ngớt tiếng cười trong veo của những tình cảm vô cùng chân thật. Làng chài be bé nơi tôi sống nuôi tôi bằng những đồng tiền ít ỏi đan lưới của mẹ và làm gỗ của ba. Gia đình tôi coi như có đồng ra đồng vào khi công việc ba ổn định thì nguy cơn ập đến. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi và đám bạn vẫn còn mai đi bắt còng bên biển, tôi còn đang nhìn những cánh buồm giương gió ngoài khơi xa thì tin dữ ập đến: ba tôi đột quỵ. Khi gia đình tôi đến bên ba, bằng nụ cười yếu ớt ba vẫn vuốt tóc chúng tôi:

- Ba sẽ ổn thôi mà, con gái!

- Lúc nào ba cũng nói ba sẽ ổn thôi!- Tôi khóc òa lên khi nhìn ba mình

Đang nghiêng mình trên chiếc giường trắng phau đầy mùi sợ hãi.- Ba à, ba đau lắm phải không?

Ba nhìn tôi cười rồi không nói gì nữa. Sau lần ấy, gánh nặng gia đình đổ lên vai mẹ. Cả tháng trời ba nằm trên giường bệnh là cả tháng trời mẹ chạy vạy khắp nơi thang thuốc cho ba, cứ khỏe chút là ba lại đi làm cá, ba đi đan lưới chứ không thể làm công việc nặng như trước nữa. Mẹ làm nhiều hơn,sự hi sinh và tình yêu cao thượng mà lúc ấy mẹ giành cho ba và gia đình không bút mực nào tả xiết. Còn tôi, mệt nhoài với những cơn mơ và những lần đi làm thêm đôi lần phải lên trường trễ. Thế rồi, một lần tôi nghe mẹ bàn với ba:

- Em đi biển, anh ạ!- Giong mẹ đầy cương quyết nhưng cũng có hơi chùng. Ba không nói gì, mẹ tiếp:- Anh Sám nói đợt này đi biển thắng đậm, anh sẽ sắp xếp chỗ cho em, chứ em cứ làm mấy việc lặt vặt thế này không nuôi nổi gia đình mình. Cái Bi sắp vào cấp hai nữa. Ba vẫn không nói gì, khẽ ho hục hặc rồi đi vào nhà trong. Mẹ ngồi đó, chong đèn suốt đêm, suy tư nín lặng, tôi cuộn tròn người lại lăn vào lòng ba, ba nặng nhọc đưa tay ôm tôi vào lòng. Những vết thẹo thời chiến trên tay ba không làm tôi sợ, dù đột nhiên nó trở nên bóng lưỡng dưới ánh trăng mờ.

- Ba à, sao hồi nãy má hỏi mà ba không nói gì?

- Ba không biết nói gì con ạ, vì nói gì cũng trở nên dư thừa trước những gì má con hy sinh

Tôi thấy vòng ôm của ba như chặt hơn, và tôi chắc rất nhiều lần trong giấc ngủ tôi thấy bờ vai mình ấm lên bởi những giọt nước ở nơi nào đó rơi ra nóng hổi. Ngày hôm sau mẹ đi, ba chuân bị đủ thứ cứ như mẹ đi về một nơi xa lắm. Tất cả cứ như đang hoán đổi, người đàn ông trở thành người mẹ ở nhà chăm lo vun vén cho tổ ấm đợi người phương xa trở về, còn người đàn bà trở thành trụ cột trong gia đình, đi bươn chải cùng gió sương với những con thuyền đầy những người đàn ông đượm mùi mưa nắng.

Mẹ đi, sau khi xong hết việc, ba vẫn hay đi về phía biển, mỗi khi mặt trời lặn, ba ngồi phịch xuống cát, hai tay bó gối ôm lấy hai chân ngóng khơi xa. Trên ánh mắt người đàn ông ấy lúc nào cũng như có sương, bờ mắt nhăn nheo in hằn vết chân chim cố ép sao cho nước mắt không thể nào rơi xuống. Nước mắt người đàn ông ấy dường như đã rơi hết trong đêm người đàn bà quyết định bước ngoặt cuộc đời mình. Tôi hiểu ba không thể khóc, vì mẹ đã khóc đủ cho ba. Ba càng không thể khóc vì ba muốn mẹ sẽ về bình yêu sau những lần giương khơi ngoài biển cả. Ba không thể khóc vì quyền của người đàn ông là được phép giấu yêu đuối của mình vào trong mà không ai được phép hỏi. Dẫu ba rất muốn khóc, vì người đàn ông mà phải để cho người mình yêu thương dạn dày gió sương nơi biên cả thì đau đớn nào hơn?

Ba tôi, người đàn ông ấy cứ có một thói quen quen thuộc là cứ rạng sáng lại đi về phía biển, nhìn ngắm những con tàu, hai mắt ông cứ nhướn lên như kiếm tìm một điều gì đó quan trọng. Mái đầu hoe bạc như chói sáng cả rạng đông. Và cứ mỗi chiều tà ông như từ biển trở về, nụ cười rung rinh, đôi mắt ngời sáng, ánh nhìn chưa khi nào thôi xa xăm đọng chút tin yêu. Những vết chân ba đi mỗi ngày khi mẹ bám biển dường như đã in hằn trên khắp bãi biển này. Sau lưng ba tôi nhìn thấy cả niềm tin đong đầy trước mắt. Hôm nay, lại như mọi khi, tôi rướn người định gọi ba về ăn cơm, thì thây phía xa xa, ba- vẫn nụ cười rung rinh khi ấy, nắm tay mẹ, như đã đợi được, trở về sau một chuyền giong khơi...

Lê Hứa Huyền Trân

Ngày đăng: 17/02/2019
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Tình yêu thật ngốc nghếch
 

Có loại tình yêu như con thiêu thân lao đầu vào lửa, dù biết rằng là khi lao vào lửa là hy sinh oanh liệt nhưng vẫn chấp nhận tất cả. Tình yêu đó thật ngốc nghếch nhưng cũng thật vinh quang

Tình muộn - Dạ Vi Lan

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage