Gửi bài:

Hãy nói lời yêu thương

- Sai lầm của tôi là ở chỗ đó. Cứ mải mê với công việc, say sưa với ánh hào quang của bản thân mà quên đi những đứa con của mình, hết năm này qua năm khác sống thiếu vắng tình cảm của cha.

***

hay-noi-loi-yeu-thuong

Cái tin lão Tá bị đột quỵ phải vào viện cấp cứu đến với tôi quá bất ngờ bởi mới hôm mồng 6 tết lão còn sang nhà tôi chơi và uống rượu, nói chuyện cả buổi.

Hôm ấy lão vui lắm, lão bảo tôi:

- Ông thấy đấy tôi về hưu đã 3 năm nay, nhưng chưa có bao giờ tôi thấy vui và lòng thanh thản như dịp tết năm nay ông ạ !

Sẵn không khí tết, tôi bảo vợ con sắp mâm mời lão ngồi nhâm nhi ly rượu đầu xuân để cùng hàn huyên với nhau. Khác với mọi lần, hễ tôi ngỏ ý mời lão uống rượu là lão tìm cách thoái thác ngay, khi thì lão bảo bận việc, lúc lại bảo phải về để vợ đi công việc... khi không viện được cớ gì thì lão bảo sức khỏe đang có vấn đề...vv. Cuối cùng lão thường nói một câu rất lịch sự:

- Tôi rất cảm ơn thiện tình của ông, chúng ta là xóm giềng, tắt lửa tối đèn có nhau, tôi đâu có ngại gì, nhưng lần này thì ông cho tôi cáo lỗi. Xin được để lần sau.

Nói vậy rồi lão nhất thiết ra về, mặc cho vợ chồng tôi năn nỉ, nhiều khi vợ tôi còn dùng cả chiêu nói mát với lão :

- Bác Tá làm lãnh đạo lâu năm, ăn uống sang trọng quen rồi, nên ngại không dám ăn cơm rau muối với vợ chồng em chứ gì ?

Nghe vợ tôi nói vậy, lão chỉ cười hề hề, hai tay xoa vào nhau và bảo:

- Ấy chết cô cứ nói thế ! Lãnh đạo là trước đây, chứ nghỉ hưu rồi, còn quyền chức gì nữa mà dám chê hả cô? Thôi cô thông cảm để cho khi khác tôi sẽ ăn cùng gia đình, giờ tôi phải về !

Nhưng lần này thì khác, thấy tôi mời lão đồng ý ngay. Rượu được hai tuần lão chủ động nói:

- Ông và tôi là đồng niên, chơi với nhau từ thời còn cởi truồng, cùng chăn trâu, tắm sông, cùng học một lớp với nhau đến hết cấp 2, lên cấp 3 mình mới bị tách lớp, sau vào đại học mỗi người một ngành, ông học sự phạm nên công tác gần nhà, tôi học xây dựng, lang thang theo các công trình nay đây mai đó, nên gặp nhau cũng ít. Giờ mình cùng về hưu, cùng ngõ xóm thế này thật là vui ông nhỉ!

Tôi lắng nghe và gắp thức ăn tiếp cho lão. Như chợt nhớ ra điều gì lão bảo tôi:

- Quên mất, ông chờ tôi chút, tôi về nhà lấy cái này, hôm nay tôi với ông phải say với nhau một bữa cho ra trò mới được.

Nói rồi lão đứng dậy về nhà, lát sau lão sang, tay xách một chai rượu ngoại lão vừa mở nắp vừa nói:

- Có thằng đệ tử trước tết mang biếu tôi chai Chivaregal 25, giờ tôi với ông cùng thưởng thức !

Rượu mạnh và ngon, chúng tôi vừa nhâm nhi vừa trò chuyện rất thân tình, lão không còn giữ ý gì nữa, bao nhiêu tâm tư bị dồn nén bấy lâu giờ lão mới có dịp để thổ lộ hết :

- Ông thấy đấy là thằng kỹ sư xây dựng thời 1980 khi mới ra trường, được điều động về công ty xây dựng, tôi cứ đi suốt, sau khi lấy vợ cũng vậy, năm trời tranh thủ về nhà với vợ được vài lần, khi vợ sinh con mình cũng chẳng giúp được gì, có mấy đồng lương ki cóp vài tháng một lần gửi về cho vợ nuôi con, hai đứa con rất ít gặp bố. Lâu lâu về thăm gặp bố chúng cũng dửng dưng như không vậy! Rồi khi chúng lớn lên sự gắn kết với bố mẹ ngày một lơi lỏng. Mình dần được thăng tiến và rồi cứ mải đeo đuổi theo công danh sự nghiệp của mình, phó mặc việc nuôi dậy con cái cho vợ. Khi có điều kiện một chút mình gửi tiền về cho vợ với suy nghĩ có tiền là có tất cả nên mình cứ đinh ninh rằng với số tiền mà mình kiếm được gửi cho vợ con là vợ con có cuộc sống hạnh phúc !

Nói tới đây lão dừng lại, với chai rượu rót vào hai ly và lão giục tôi cùng uống ! Giọng lão trở nên đượm buồn :

- Sai lầm của tôi là ở chỗ đó. Cứ mải mê với công việc, say sưa với ánh hào quang của bản thân mà quên đi những đứa con của mình, hết năm này qua năm khác sống thiếu vắng tình cảm của cha.

- Thì cũng vì mưu sinh và ông làm như thế cũng vì vợ con cả đấy chứ? Tôi quý mến ông vì dù có quyền, có chức nhưng sống với bạn bè rất chân thành, còn với gia đình và vợ con ông quả là người chồng, người cha mẫu mực và đáng kính, có gì mà ông phải băn khoăn dằn vặt mình thế chứ? Hai con ông đều giỏi dang, có nghề nghiệp ổn định và đều yên bề gia thất cả ! Thử hỏi làng mình ai được như ông chứ ?

- Hỳ ! Chết là ở chỗ mình cứ tự huyễn hoặc như thế ! Con tôi chúng thật sự coi tôi như người dưng. Thằng lớn sau khi học hết cấp 3 tôi bắt nó thi vào ngành xây dựng, mà chả cần biết nó thích nghề gì? Học lực ra sao? Bởi tôi nghĩ chả gì thì tôi cũng là một giám đốc sở, mọi đường đi nước bước, tôi đã chuẩn bị sẵn cho con, nhưng rồi nó cương quyết thi vào khoa Báo chí đối ngoại của Học viện báo chí. Nhiều hôm về hai cha con tranh cãi quyết liệt. Cuối cùng nó vẫn chọn con đường riêng của nó với câu nói xanh rờn: "Con không cần bố"! Ông biết khi đó tôi đau đớn và bất lực với con mình như thế nào không? Tôi gầm lên và bảo: "Nếu mày không nghe tao thì đừng có trách tao là ác! Tao sẽ không chu cấp một xu cho mày !" Tưởng nói vậy nó sẽ sợ, những nó vẫn không nghe. Khi thi đạt điểm giỏi vào trường, nó được cấp học bổng toàn phần và được chọn sang nước ngoài học, nó từ chối mọi sự giúp đỡ của tôi. Ra trường với tấm bằng xuất sắc nó xin việc dễ dàng mà không cần nhờ vả ai cả ! Vậy là mâu thuẫn giữa mình và con ngày một thêm sâu sắc. Nhiều lần mình gọi điện, nó không nghe máy. Còn đứa con gái cũng thế. Mình và vợ hướng nó theo ngành sư phạm của mẹ với mong muốn nghề đó nhàn có điều kiện chăm lo gia đình sau này. Nhưng cũng giống như thằng anh, nó cương quyết thi vào trường Đại học ngoại thương. Lần này vợ mình bảo:

- Thôi anh, trời không chịu đất thì đất chịu trời vậy ! Anh hãy để cho con làm những gì chúng muốn !

Nghe vợ nói vậy tôi cũng đành theo. Nhưng ông biết đấy, niềm tự hào kiêu hãnh của mình như bị dội một gáo nước lạnh khi nói con mình không nghe. Mình quen ra những chỉ thị, mệnh lệnh ở cơ quan và mỗi lần mình quyết điều gì là từ già đến trẻ trong sở nhất nhất phải tuân theo ngay tắp lự! Hầu như mọi chuyện ở cơ quan mình đều làm và quyết theo ý chủ quan của mình mà hầu hết cấp dưới phải phục tùng, anh nào có ý chống đối thì dè chừng ! Và ông biết đấy ở các cơ quan thời nay hầu như cánh cấp dưới đều nhất nhất coi "ý sếp là ý chúa"! Chả ai dại gì mà chống lại, nhẹ thì bị trù dập, nặng thì bị điều chuyển...vv. Chả biết từ bao giờ câu nói: "Sếp luôn luôn đúng" đã trở thành chân lý trong cách ứng xử của cấp dưới đối với cấp trên. Lối nghĩ ấy hằn sâu trong nếp nghĩ của những thằng lãnh đạo như mình. Tiếc là mình đã vác luôn lối nghĩ đó về áp vào gia đình mình bởi mình nghĩ, mình là bố, là chủ gia đình, mình có quyền sắp đặt mọi thứ ! Nghĩ thế mình mới thấy bực với hai đứa con. Cũng may hai đứa đều rất ngoan và giỏi. Con bé ra trường cũng xin được việc dễ dàng không mất một đồng xu. Khi đi làm, nhận tháng lương đầu tiên 12 triệu nó mang về và tổ chức chiều đãi cả nhà một bữa tại nhà hàng, bữa đó nó nói thẳng với tôi :

- Bố thấy không anh em chúng con đâu có phải sống nhờ vào cái bóng của bố như đa số những con các sếp khác. Vậy nên con mong bố hãy làm tốt phận sự của bố ở cơ quan và chăm lo cho sự nghiệp của riêng bố! Chúng con có ước mơ riêng và cuộc sống riêng của chúng con, chúng con không làm phiền bố thì xin bố cũng đừng can thiệp vào đời tư của chúng con nữa ạ! Chúng con cảm ơn bố!

Vẻ mặt đượm buồn, lão đặt ly rượu xuống bàn trầm ngâm một lát, đoạn lão tiếp:

- Nghe con gái nói vậy mới đầu tôi giận tím mặt nhưng rồi tôi giật mình bừng tỉnh? Hơn năm mươi tuổi đầu tôi cứ bám lấy công việc với cái ghế của mình, sống trong niềm kiêu hãnh riêng, quen với lối sống "gọi dạ, bảo vâng" của cấp dưới, và thường xuyên nghe bọn chúng nói những lời có cánh, như rót mật vào tai rồi. Khi nghe nhưng lời nói thẳng như vậy là thấy khó chịu! Về nhà mình quen áp đặt mọi thứ mà quên mất các con mình chúng cũng có những sở thích và ước mơ riêng. Tôi đã không giúp chúng mà lại tìm cách cản trở chúng! Tôi quả là người bố độc đoán, gia trưởng! Tôi biết thói quen đó một phần là do địa vị công tác của tôi nó sinh ra. Nếu tôi không phải là giám đốc sở mà chỉ là một nhân viên thường thì có lẽ tôi đã khác, các con tôi cũng sẽ khác! Sau bữa ấy về, tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi quyết định mình phải thay đổi bản thân. Vì tôi nghĩ, muốn cho con cái tôn trọng mình thì trước hết mình cũng cần phải lắng nghe ý kiến của chúng và tôn trọng chúng trước đã. Tôi hy vọng mình sẽ cải thiện được tình cảm đối với các con. Nhưng nghĩ là một việc mà làm lại là một việc ! Với cương vị và với tính cách của mình tôi không thể hạ mình để nói ra lời xin lỗi với các con! Bởi trước đó đã bao lần tôi mắng chúng "là ngu, là sĩ diện, con đường bố đã trải thảm sẵn lại không đi, lại muốn thể hiện mình, để rồi xem chúng mày sẽ ra sao" ?... Ngược lại với tuổi trẻ, tôi biết hai đứa cũng có niềm kiêu hãnh của nó. Nó không hề dựa dẫm vào tôi chút nào mà vẫn có cuộc sống đầy đủ thì thử hỏi người bố mà ngay từ bé chúng đã thấy xa lạ và dửng dưng thì đến lúc này chúng có nhất thiết phải hạ mình để mở lời trước với bố không? Chỉ một câu nói yêu thương dành cho con thôi mà sao tôi thấy mình khó mở lời đến thế ! Hai con tôi cũng vậy! Chúng cũng chẳng chịu xuống thang để mở lời với bố.Vậy là hố sâu ngăn cách giữa tôi và các con vẫn không được lấp đầy cho dù vợ tôi ở giữa luôn tìm cách dung hòa ba bố con. Giờ ngẫm lại mới thấy cái tính ích kỷ của bản thân thật nguy hiểm.

Bỗng điện vụt tắt, cả làng chìm vào trong bóng đêm. Câu chuyện tạm lắng xuống. Rồi đèn lại bật sáng. Tôi gắp thức ăn cho lão và hỏi:

- Thế giờ thì quan hệ giữa ông và các con thế nào rồi?

- Ồ ! Xin cứ từ từ để tôi kể ông nghe.

- Vâng ! Mời ông tự nhiên cho !

Lão ngước mắt nhìn ra sân, bóng đêm loang lổ lấp đầy những khoảng tối. Mấy con đom đóm lập lòe bay lẩn vào những khóm cây. Lát sau lão lại thong thả kể:

- Mãi đến khi tôi nhận quyết định về hưu, chả nói dấu gì ông tôi cũng có một khoản tiền dành để lo cho hai đứa nhưng rồi không dùng tới, nên tôi bàn với vợ chia cho mỗi đứa một nửa. Vì hai vợ chồng đã có lương hưu, tiền giờ cũng chả cần nhiều. Đằng nào thì cũng là của bố mẹ cho con, không trước thì sau. Vợ tôi làm mâm cơm gọi hai đứa về. Sau bữa cơm khi chỉ còn lại ba bố con trong phòng khách, tôi lấy hết cản đảm và cũng là gạt bỏ hết cái uy của bản thân nói với chúng: "Bố thành thật xin lỗi hai con, bao năm qua bố chỉ biết lo cho bản thân mình mà không để ý đến những nguyện vọng riêng của hai con, dẫn đến việc bố con mình có những hiểu lầm nghiêm trọng về nhau, khiến các con xa lánh bố. Đến giờ bố thật sự hối hận vì đã không giúp được gì cho các con. Bố thật sự ích kỷ ! Bố mong hai con hãy tha thứ cho bố! Thật lòng bố rất yêu quý các con!" Nói đến đây tôi bỗng thấy cổ mình như nghẹn lại không nói thêm được gì !

Ánh đèn soi rõ vầng trán lão lấm tấm mồ hôi, lão với tờ giấy ăn lau mặt. Tôi lặng im không nỡ cắt ngang dòng suy tư của lão. Khi đã bình tĩnh trở lại lão kể tiếp:

- Lúc đó tôi đưa mắt nhìn hai đứa. Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy mắt hai đứa đều ầng ẫng nước. Rồi thằng anh quỳ sụp ngay xuống chân tôi, con em òa khóc chạy tới ôm chặt lấy tôi. Chúng nức nở nói trong tiếng nấc: "Con xin bố tha thứ cho chúng con! Chúng con đã không hiểu được nỗi lòng của bố, đã làm cho bố phải lo nghĩ nhiều về chúng con, chúng con thật bất kính với bố! Thực lòng chúng con cũng rất yêu quý và tự hào về bố"! Nghe con nói như vậy mà lòng tôi cảm động vô cùng! Một câu nói nhẹ như gió thoảng không ngờ nó lại có sức thuyết phục lòng người mạnh mẽ đến thế! Vậy mà sau mấy chục năm ghim giữ trong lòng, giờ bố con tôi mới nói được những lời yêu thương chân thành dành cho nhau! Lòng tôi khi đó thanh thản vô cùng! Bao yêu thường dồn nén trong lòng mấy chục năm lúc đó mới được thể hiện ra! Ba bố con cứ thế ôm nhau mà khóc! Vợ tôi từ bếp đi lên không hiểu chuyện gì xẩy ra bà đứng lặng nhìn chúng tôi trân trân. Hồi lâu như hiểu ra. Bà khẽ khàng bảo: " Thôi nào hai con đứng lên rót nước cùng bố uống đi." Vậy đấy tôi không ngờ chỉ một câu nói của tôi như vậy mà đã hóa giải được uẩn khuất suốt bao năm qua của ba bố con. Nhân lúc đang vui, tôi bảo vợ cầm sổ tiết kiệm ra đưa cho hai đứa và bảo đó là số tiền tôi dành dụm, giờ chia cho hai đứa. Vừa nghe vậy hai đứa đều cương quyết từ chối với lý do: "Chúng con tự lo được cho gia đình, số tiền này là mồ hôi công sức của bố lao động mấy chục năm, chúng con không thể lấy của bố được, bố mẹ hãy giữ lấy để lo tuổi già và hãy yên tâm chúng con đã có cuộc sống ổn định rồi". Mặc cho tôi và mẹ chúng nói hết nước mà không đứa nào chịu nhận. Lần này tôi lại chịu thua chúng ông ạ!

Có lẽ do quá xúc động nói đến đây lão bật khóc. Thấy vậy tôi an ủi lão:

- Tính cách của hai con ông như vậy thật đáng quý. Thời nay làm được như chúng thật hiếm có. Như con nhà khác chúng chẳng giành nhau lấy hết ấy chứ!

- Thế đấy mỗi người buồn một nỗi. Người nghèo thì buồn vì không có của nả cho các con. Còn tôi lại buồn vì cho mà chúng không nhận ! Sau lần ấy tôi rất vui vì mâu thuẫn giữa ba bố con đã được giải tỏa, hai đứa cũng thay đổi, mỗi tháng một lần chúng lái xe đưa cả nhà về chơi với vợ chồng tôi. Tình cảm gia đình ngày càng đầm ấm. Ấy thế mà tôi vẫn thấy buồn và tự trách mình đã bao năm không quan tâm tới chúng ! Tôi là một ông bố ích kỷ, chỉ biết lo cho cái danh vọng của mình như thế thật đáng trách. Cũng may hai đứa cũng biết nghĩ chứ không thì còn buồn nữa ông ạ !

Vẻ ngoài lão tỏ ra nghiêm khắc nhưng trong lòng lại rất mực thương con!

... Mới có mấy hôm không gặp lại, nay đã nghe lão lâm bệnh. Tôi đến viện thăm lão. Lão nằm phòng điều trị đặc biệt. Lão hôn mê chưa tỉnh.

Nhìn nét mặt lo âu và đôi mắt đỏ hoe của hai đứa con lão, nhất là cử chỉ của hai anh em lúc chúng lau rửa và thay quần áo cho lão tôi biết chúng là những đứa con hiếu thảo!

Tôi kéo ghế ngồi sát lại bên lão nghe tiếng lão thở khò khè, khó nhọc.Tôi khẽ thủ thỉ với lão:

- Thôi Tá ơi ! Tuổi già nay khỏe, mai ốm, chuyện sinh tử bất kỳ cũng là lẽ thường, tôi mừng cho anh là những hiểu lầm của cha con đã được hóa giải. Các con anh chúng thật sự có tài và đối với anh chúng là những đứa con hiếu thảo!

Chả biết lão có nghe được những lời tôi nói không? Và cũng chả biết lão có hồi tỉnh lại được nữa không nhưng có điều tôi mừng cho lão là những trăn trở day dứt lâu nay lão cũng đã nói ra được với các con và họ đã thật sự thấu hiểu nhau. Dẫu lão có mệnh hệ gì thì cũng chẳng phải hối hận nữa. Mới hay cuộc đời là như vậy đó ! Hãy tha thứ để lòng thanh thản! Hãy yêu thương để gần gũi nhau hơn!

Phố Đu chiều xuân 15/2/2020

Bùi Nhật Lai

Ngày đăng: 22/02/2020
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Ask
 

Mọi người thường hỏi tôi còn thích anh không, thực ra chính bản thân tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết rằng ở anh có điều gì đó khiến tôi không thể buông tay.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage