Hoàng hôn
Tôi chạy thật nhanh chẳng còn kịp để ý xem bộ quần áo mới may có bị nhàu không nữa. Chẳng bù cho mấy hôm trước cứ giữ nó khư khư trong lòng, mỗi khi giở ra xem thì phải giở thật khẽ, se sẽ vuốt lên mặt vải mịn màng còn hơi cứng, thơm thơm mùi vải mới. Còn bây giờ thì mặc, cứ tưởng tượng ra cảnh không kịp đón bố ở ngoài đình làng thì tức phát khóc luôn.
***
Bố tôi làm việc trên Hà Nội. Mỗi tuần bố chỉ về thăm nhà vào ngày thứ bảy, đến chiều chủ nhật lại lên. Hà Nội qua lời bố kể là những dãy phố với những mái nhà cao tầng mọc lên san sát. Hà Nội đông đúc, ồn ào và nhộp nhịp. Còn buổi tối Hà Nội là một vùng ánh sáng chan hòa rực rỡ.
Tất cả chỉ có thế nhưng cũng đã đủ cho một con bé 5 tuổi chưa được lên Hà Nội lần nào làm "vốn" kể chuyện cho lũ trẻ cùng làng nghe, và câu đầu tiên bao giờ tôi cũng nói bằng một giọng đầy tự hào: "Chúng mày biết không? Bố tao đi làm ở tận trên Hà Nội nhé!".
Tôi khấp khởi mừng thầm trong dạ khi thấy chiếc cầu cong cong uốn mình bắc qua con sông nhỏ đã ở ngay trước mắt. Vừa thở hổn hển, tôi vừa đi lên cầu, mắt không quên ngó xuống xem xét thật tỉ mỉ bộ quầo áo có bị làm sao không.
Thật may mắn nó vẫn chưa bị nhàu. Khum hai tay lên đầu để che nắng, tôi dõi mắt ra con đường đất đỏ phía trước. Bố tôi sẽ xuất hiện trên con đường này.
- A! Bố về.
Tôi reo lên lao xuống chân cầu. Thấp thoáng trong đám bụi đường là một người đàn ông dáng dong dỏng cao đang sải những bước chân dài về phía tôi và bao giờ cũng thế, tôi luôn sà vào lòng bố, tíu tít đủ thứ chuyện:
- Bố ơi! Con mặc bộ này có đẹp không?
- Bố ơi! Bố mang quà gì về cho con đấy?
- Bố ơi! Bố có nhớ con không?
Bố mỉm cười, ôm chặt tôi vào lòng thì thầm: "Ôi! Con gái của bố" rồi thật bất ngờ bố tung tôi lên cao. Tôi cười như nắc nẻ khi có cảm giác mình đang bay rồi nhẹ nhàng nằm gọn vòng tay của bố...
Nằm im trên tấm lưng rộng, tôi khẽ nhắm mắt hít thật sâu vào lồng ngực mùi mồ hôi lẫn bụi đường, mùi da thịt rất đỗi thân quen. Trước mắt tôi là hình ảnh mẹ đứng bên hiên nhà. Ánh mắt người vui tươi khi thấy bố con tôi và câu nói dịu dàng muôn thủa: "Thôi đừng bắt bố bế nữa. Bố còn mệt...".
Từ trên cầu ao. Tôi thả chân xuống khỏa nước. Từng đợt sóng gợn lăn tăn cũng ùa mình theo tôi khuấy động mặt ao. Bóng cầu và cả bóng tôi tan ra rồi lại hiện lên trên mặt chiếc gương khổng lồ.
Tôi ngước mắt ra xa. Lời nói hôm nào của bà nội với bố lại văng vẳng bên tai: "Con Mận đã 7 tuổi rồi. Mẹ con Mận không đẻ được nữa thì anh phải đi kiếm cho tôi thằng cháu trai để nó còn thờ cúng tổ tiên". Nói đến đây thì bà khóc nức nở, mắt bố đỏ hoe.
Tôi ngạc nhiên nhưng lại vô cùng thích thú trước phát hiện mới của mình: "Người lớn cũng khóc nhè". Về nhà, tôi kể cho mẹ nghe rồi hỏi mẹ: "Tại sao con trai mới được thờ cúng tổ tiên? Tại sao con không thể chống gậy đội mũ rơm con trai? À, con sắp có em trai hả mẹ? Lần này bố đẻ ra em cũng từ nách như bố đẻ con chứ gì? Thế mà bọn cái Đào, cái Thắm cứ không tin"...
Tôi ngạc nhiên quay sang vì chẳng thấy mẹ nói gì với tôi cả. Mắt mẹ đỏ hoe, mẹ cũng khóc. Tôi sợ quá, nên mếu máo theo: "Khóc nhè là bị ông ba bắt cơ mà mẹ. Nhà mình lại sắp có em trai rồi mẹ phải vui chứ. Con vẫn nghe mẹ nói mẹ thích có em bé..."
Mẹ ôm chặt lấy tôi rồi khóc to hơn: "Con không hiểu đâu. Khi nào con lớn con mói hiểu được. Bây giờ, mẹ chỉ còn mỗi mình con thôi, khi nào con lớn lên sẽ hiểu".
Đã 5 năm trôi qua từ sau cái lần ấy vậy mà tôi vẫn chưa hiểu được lời nói của mẹ. Đã vậy bố lại ít về thăm nhà. Có khi 1 tháng, 2 tháng, tệ hơn có khi 3 tháng tôi mới gặp bố. Căn nhà lại càng lạnh lẽo, trống vắng hơn vào những ngày thứ 7.
Mẹ lặng lẽ như một chiếc bóng. Còn tôi, tôi ngơ ngác trước sự thay đổi của gia đình mà chẳng biết nguyên nhân. Tôi không dám hỏi mẹ, mà cũng chẳng dám hỏi bà nên đành để mặc cho bao cái "tại sao" vùi chôn dưới lớp bụi thời gian. Bây giờ, mỗi ngày thứ 7 thay cho việc chạy ra đình làng đón bố như xưa tôi ra cầu ao ngồi nghịch nước, lòng băn khoăn xen lẫn sự hồi hộp: "Hôm nay bố có về nhà không?".
Tôi nhìn lên con đường làng nho nhỏ. Bỗng nhiên tôi đứng bật dậy reo lên:
- Bố về!
Đúng rồi, cái dáng người dong dỏng cao của bố không thể nhầm với ai khác được. Bố về thật chứ không phải trong trí tưởng của tôi. Tôi luýnh quýnh chạy vào nhà gọi mẹ rồi lại cuống cuồng chạy ra sân.
Thế nhưng, niềm vui bất ngờ chưa kịp ngấm sâu vào cơ thể, chưa kịp len lỏi đến từng tế bào thì... Tôi sững người lại vì lần này bố không về một mình. Bố âu yếm dắt tay một bé trai chừng 3, 4 tuổi, theo sau là một người đàn bà. Bố bối rối, gượng cười. Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu bố ngập ngừng trước mặt tôi:
- Mận! Đấy là dì và em con...
Tôi lặng im nhìn bố, nhìn người đàn bà rồi lại nhìn thằng bé. Bây giờ thì tôi đã hiểu câu nói năm xưa của bà và mẹ. Tự nhiên tôi muốn khóc, muốn gào lên hay làm một việc gì đó nhưng vô ích - dường như tôi không còn là tôi nữa.
Tôi lặng lẽ, đau xót cảm nhận một cái gì đó đang sụp đổ, đang vỡ vụn trong tôi. Tôi biết tôi không đủ can đảm để xua đuổi người đàn bà "xa lạ" kia nhưng tôi cũng không đủ lòng nhân hậu, vị tha để ôm đứa trẻ cùng cha khác mẹ vào lòng.
Ngoài kia nắng tàn tạ chỉ còn đủ sức lê mình trên tán lá xoan cao vút. Nó sẽ tàn lụi trong mấy phút (cũng có thể là chỉ trong mấy giây nữa thôi) khi bóng chiều kéo về. Mặt trời vàng úa từ từ đi xuống rồi chìm hẳn sau lũy tre làng. Phảng phất đâu đây trong những áng mây rực lửa là hình ảnh mẹ tôi đứng bên ngưỡng cửa, trên môi là nụ cười rạng rỡ.
Ngoài kia, đứa bé gái đang tíu tít nói cười, bá cổ người đàn ông.
Tất cả chỉ còn trong quá khứ.