Gửi bài:

Bạch Ngọc

Một người bạn trẻ đã kể tôi nghe câu chuyện này. Chuyện xảy ra với chính anh ta, lạ lùng và khó tin đến mức nếu không được trực tiếp nghe từ miệng một người đứng đắn và mẫu mực như anh thì tôi nhất quyết sẽ cho là chuyện nhảm nhí, và tất nhiên chẳng mất công đem kể ra đây.

"Thưa thầy, chuyện quả đúng như thế ạ. - Anh gọi tôi bằng "thầy" vì trước đó có theo học lớp tiếng Anh của tôi một thời gian. Tôi làm nghề tay trái này đã lâu, nhờ nó mà kiếm đủ sống để nuôi gia đình và tiếp tục đeo đuổi cái nghiệp văn chương bạc bẽo, vất vả này. - Em sợ lắm. Thầy có cho đấy là tai họa và có thể làm hại cả cuộc đời em sau này không?"

Tôi không trả lời câu hỏi khó khăn này của anh. Đúng ra tôi có trả lời, chốc nữa đọc phần cuối các bạn sẽ thấy. Bây giờ cho phép tôi kể lại một cách ngắn gọn cái chuyện kỳ cục ấy đã xảy ra thế nào. Vì lý do tế nhị, tôi xin không dùng tên thật của anh, mà chỉ tạm gọi một cách chung chung là X.

Chuyện thế này.

***

bach-ngoc

Hôm ấy là một trong những buổi chiều thứ bảy mà X. luôn mong đợi. Anh đang trên đường từ Bát Tràng về Hà Nội. Anh không còn trẻ nhưng chưa vợ, khá đẹp trai và dân Hà Nội gốc. X. được phân công dạy cấp ba ở đây với lời hứa sau ba năm sẽ chuyển về nội thành, thế mà tới nay đã quá gấp đôi cái thời hạn ấy rồi mà chẳng thấy người ta động tĩnh gì. Làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước này đã làm anh ngấy tận cổ bởi cái chất giở ông giở thằng, giở nông thôn giở thành thị và những lò gốm đen xỉn bẩn thỉu của nó.
Không giống những chiều thứ bảy khác chỉ mong hết tiết để vù về nhà, lần này anh thấy chẳng hứng thú chút nào, lại buồn nữa. Chẳng vì sao mà vẫn thấy buồn, thậm chí anh không phóng xe nhanh để sớm về nhà. Hay vì thời tiết?

Mà thời tiết lúc đó thì quả là chán thật. Đã cuối thu, suốt ngày trời mưa lất phất, những cơn mưa như thật như đùa, chỉ đủ làm mặt đường nhớp nháp và phủ một màng mỏng nhầy nhầy lên tay và mặt. Thỉnh thoảng gió lạnh thổi từ phía sông Hồng càng tăng thêm vẻ buồn tẻ và sự khó chịu vô cớ. Trời chưa tối nhưng âm u, xa xa đã thấp thoáng một vài chấm đèn. Phía ngoài đê, sát sông, chỉ thấy những đám mờ mờ không rõ là làng hay bãi ruộng.

Khi cách cầu Chương Dương khoảng vài kilômét, X. bỗng thấy có cô gái đứng sát bờ đê giơ tay xin đi nhờ. Việc này vẫn xảy ra và nói chung anh thường cho đi. Tuy nhiên hôm nay, trong tâm trạng ủ ê vô cớ, anh chẳng muốn chút nào. Anh đã định cho xe phóng qua như chắc nhiều người khác từng làm trước đó, vậy mà khi đến gần người kia bỗng dưng anh đỗ lại, cứ như không phải anh mà ai đó vô hình đang điều khiển chiếc nó.

Đó là một cô gái khoảng hăm hai, hăm ba tuổi và rất xinh, với vẻ mặt buồn buồn, nhợt nhạt nhưng có sức hấp dẫn lạ lùng. Dẫu đang nhập nhoạng tối, anh vẫn nhận ra điều ấy. Người cô dong dỏng cao, có lẽ hơi gầy. Mọi cái ở cô đều toát lên vẻ tử tế, sạch sẽ của người xuất thân từ gia đình giàu có và nền nếp - từ đôi khuyên vàng, chiếc nơ buộc tóc màu xanh da trời rất hợp, chuỗi hạt đeo quanh chiếc cổ thanh tú và chiếc áo trắng, rất trắng và sạch, đến mức anh lấy làm ngạc nhiên sao giữa ngày mưa gió thế này mà nó không hề dây bẩn, dù chỉ một vết nhỏ.

"Anh cho em đi nhờ một quãng, được không ạ?" - cô nói, khẽ khàng và e lệ không chút giả tạo.

Chưa hết sững sờ trước vẻ đẹp khác thường của cô gái, X. lúng túng mỉm cười rồi gật đầu. Cô lên xe, anh có cảm giác như xe không nặng thêm chút nào. Cả hai cùng im lặng.

Chiếc xe lăn bánh đều đều dọc bờ đê, nhưng trống ngực X. đập mạnh và rất nhiều ý nghĩ vấn vương trong đầu. Cô ta là người thế nào nhỉ? Sao xinh và có vẻ con nhà giàu như vậy lại phải xin nhờ xe? Ở cô ta có cái gì lạ lùng và lành lạnh. Cái lạnh ấy bây giờ anh cảm thấy ngay sau lưng, vì tự lúc nào cô gái đã ngồi xịch lại rất gần. Cả hơi thở nhẹ sát gáy anh cũng lạnh. Là giáo viên dạy văn giàu óc tưởng tượng, X. hình dung đủ chuyện, và thấy sờ. Nhưng sợ gì khi đang đi cùng xe với anh là một cô gái trẻ đẹp, có thể nói đẹp nhất xưa nay anh từng gặp? Cô gái ấy đang ngồi sát sau lưng, hai tay ôm người anh... Đúng, ôm khá chặt. Không hiểu sao mãi lúc này anh mới nhận thấy điều đó. Anh bối rối thực sự, nhưng không nói gì.

Tới nhà nghỉ "Nắng Chiều" thì bỗng chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Chiếc Dream ngoại mới mua nửa tháng trước đó. "Chắc hết xăng", anh nghĩ, nhưng mở ra thấy còn đầy. Lạ thật.

"Sao vậy anh?" - cô gái hỏi.

"Chắc hỏng vặt cái gì đó. Tôi chữa xong ngay bây giờ", anh đáp, thoáng bối rối.

Cô gái đứng cạnh, nhìn X. hý hoáy sửa khóa xăng và bu-gi hồi lâu nhưng chiếc xe vẫn không chịu nổ.

"Hay chị chịu khó đi bộ một quãng đến đằng kia gọi tắc-xi vậy?" - anh nói, không phải không có ý tiếc.

"Không sao, em chờ. Em thích nhìn anh chữa xe. - Cô ngập ngừng một lát rồi nói thêm: - Em thấy mến anh..."

X. nhìn cô ngạc nhiên, chưa hiểu cô nói thế nghĩa là gì. May lúc ấy trời đã tối nên cô không thấy anh đỏ mặt. Rồi cô gái lại gần, âu yếm đặt một tay lên vai anh.

"Anh dễ thương thật đấy. Anh có thích em không?" - cô nhìn thẳng vào mắt anh.

"Thích", anh nói như bị ai xui khiến, cũng nhìn vào mắt cô. Đôi mắt bây giờ không lạnh mà đang ánh lên những tia cháy bỏng.

"Thế anh có... có muốn em không?" cô gái ngượng ngùng nói rồi đưa mắt về phía nhà nghỉ "Nắng Chiều".

"Thì ra là gái làm tiền, - anh nghĩ, hơi thoáng thất vọng. - Một cô gái lạ lùng".

Được giáo dục trong một gia đình rất khuôn phép, xưa nay X. chưa lần nào đặt chân vào các nhà nghỉ mà anh xem là nơi không xứng đáng và nên bắt đóng cửa từ lâu. Còn tiếp xúc, chứ chưa nói là quan hệ, với các cô gái bán hoa thì cả trong ý nghĩ anh cũng chẳng dám. Thế mà bây giờ có người trơ trẽn mời chào anh, xinh đẹp, tử tế nhưng vẫn thuộc hạng ấy. Anh lúng túng nhìn cô gái, thầm xấu hổ khi thấy mọi cố gắng chống đỡ của anh đều bất lực trước cái nhìn say đắm và có cả vẻ van xin trong đôi mắt cô.

"Có chứ, - cuối cùng anh lên tiếng, cố lấy giọng vui vẻ để tỏ ra mình cũng biết ăn chơi. - Một người như em ai chẳng muốn."

Rồi hai người dắt xe đi xuống nhà nghỉ "Nắng Chiều" ngay dưới chân đê.

*

"Anh hôn em đi!"

X. áp môi mình vào đôi môi đang hé mở đợi chờ. Anh thoáng giật mình vì thấy nó rất lạnh.

"Cảm ơn anh".

"Cảm ơn? - anh ngạc nhiên tự hỏi. - Cô này kì cục thật".

"Anh có thể hôn vào mắt em được không?"

Anh lại áp môi vào mắt cô, từng mắt một. Chúng cũng lạnh.

"Cảm ơn anh. Anh biết không, anh là người đàn ông đầu tiên hôn em đấy, - cô gái nói. Đôi mắt được hôn giờ trông rạng rỡ. - Thật mà. Anh không tin à? Nhưng điều đó chẳng quan trọng. Quan trọng là em đã được một người đàn ông hôn. Chắc em nói thế, anh thấy lạ lắm nhỉ?"

Quả X. thấy lạ, nhưng không nói gì. Anh vòng tay ôm chặt cô rồi đẩy về phía chiếc giường. Người cô cũng rất lạnh, nhưng lúc này X. không còn băn khoăn đến điều ấy.

"Cảm ơn anh," cô gái lại nói khi hai người mặc quần áo.

Lại cảm ơn. Kỳ thật. Hay đàn bà mỗi lần sau chuyện ấy ai cũng nói cảm ơn? Anh móc túi, có bao nhiêu tiền đưa hết cho cô gái.

"Ấy chết, sao anh làm thế? - cô hoảng hốt kêu lên. - Em không phải loại người anh tưởng đâu." Rồi cô rùng mình, đưa hai tay ôm mặt xấu hổ. Hình như khóc.

"Vậy em là ai?" - X. ngỡ ngàng hỏi sau một chốc im lặng.

"Em là Ngọc, Bạch Ngọc. Em tốt nghiệp Đại học Quốc gia năm ngoái, đang theo khóa cao học, định sang năm đi Anh học tiếp nhưng bây giờ thì đành thôi..."

"Vì sao?" anh tò mò hỏi. Anh tin những điều cô nói. Một người như cô chắc không biết nói dối.

Bạch Ngọc không đáp. Lần nữa cô ngước nhìn anh đắm đuối với đôi môi chờ đợi. Anh cúi xuống. Chúng vẫn lạnh. Bạch Ngọc lần nữa lại nói "cảm ơn".

"Em có thể cho anh địa chỉ của em được không?"

"Được, - cô nói và khẽ cúi đầu thở dài, - tuy chẳng để làm gì".

X. nhét vội vào túi mảnh giấy Bạch Ngọc đưa cho, rồi hai người bước ra khỏi phòng.

Chiếc xe lúc nãy tự nhiên chết máy, bây giờ vừa bấm đề đã nổ ngay, nhưng X. không nhận thấy điều kỳ lạ đó vì còn chưa hết ngạc nhiên với những gì mới xảy ra.

"Anh đưa em về nhà nhé?"

Bạch Ngọc lặng lẽ gật đầu. Cô bảo anh đi về phía xã Bồ Đề chứ không qua bên kia cầu Chương Dương như anh tưởng. Tới rìa làng N. cô xuống xe, cảm ơn và nói cô muốn đi bộ một mình. X. đứng yên chăm chú nhìn theo, không nhận thấy để mất hút cô từ lúc nào. Dọc đường về nhà, anh băn khoăn tự hỏi sao một người như Bạch Ngọc lại sống ở cái làng nghèo nàn ấy. Mọi chuyện có vẻ kỳ lạ và đáng ngờ...

***

"Sáng hôm sau em tìm đến nhà Bạch Ngọc theo địa chỉ cô ấy cho, - X. kể tiếp. - Đó là một biệt thự kiểu Pháp xinh xắn ở khu Ba Đình, cùng phố với mấy sứ quán nước ngoài. Em dò hỏi thì biết đó là nhà một ông bộ trưởng mới về hưu, có cô con tên là Bạch Ngọc chết vì tai nạn ô tô cách đấy ba ngày, chôn ở nghĩa địa làng N. xã Bồ Đề, vốn quê gốc của ông. Để chắc chắn hơn, em còn dò hỏi tuổi tác, trường học và vẻ ngoài của Bạch Ngọc. Tất cả đều đúng. Thầy thấy có lạ không?"

"Sau đó cậu tìm đến nghĩa địa, đúng không?"

"Vâng ạ. Ở đấy có ngôi mộ mới với tấm bia đá cùng ảnh chụp, ghi rõ họ tên. Hà Bạch Ngọc, ngày sinh... ngày mất... Em thấy như cô ấy nheo mắt mỉm cười với em, thậm chí còn nói 'Cảm ơn!' Em ngạc nhiên và sợ quá..."

X. im lặng, chắc chờ tôi lên tiếng an ủi.

"Hóa ra người đàn bà đầu tiên em gần gũi không phải người mà là ma, - anh ngước nhìn tôi không dấu nổi vẻ lo lắng. - Tại sao cô ấy làm thế? Tại sao lại chọn em? Thầy có cho đấy là tai họa, và có thể làm hỏng cả cuộc đời em không?"

Quả thực đây là câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cuối cùng tôi vẫn trả lời nó theo cách tôi cho là tốt nhất:

"Tớ nghĩ không. Bạch Ngọc là người tốt nên chắc không bao giờ làm hại cậu. Vả lại, cô ấy còn chịu ơn cậu..."

"Chịu ơn em?"

"Vâng. Cô ấy chẳng luôn miệng cảm ơn cậu đấy sao? Như tất cả các cô gái khác, Bạch Ngọc không muốn chết mà chưa được biết cảm giác hạnh phúc cái hôn của một người đàn ông. Đó là nỗi sợ thầm kín, có thể vớ vẩn, nhưng rất thật và rất con gái. Cậu đã mang đến hạnh phúc ấy cho Bạch Ngọc. Chắc chắn cô ấy sẽ phù trợ cậu".

X. có vẻ yên tâm hơn.

"Nhưng hôn và ngủ với ma thì chẳng là điều dễ chịu. Nếu việc này xảy ra với thầy, chắc thầy không nói thế!"

"Cậu rõ vớ vẩn. - tôi cười đáp. - Già và béo như tớ thì có ma nào nó thèm để ý!"

***

Thấm thoắt đã gần chục năm trôi qua. X. lấy vợ, có con, và dường như rất hài lòng với hạnh phúc của mình. Mọi việc đều tốt đẹp. Tôi thầm mừng vì lời nói an ủi chiếu lệ ngày nào hóa ra đúng. Tết Thanh Minh năm nào tôi và X. cũng ra nghĩa địa làng N. thắp cho Bạch Ngọc mấy nén hương. Từ lâu X. không còn bị ám ảnh bởi đôi môi giá lạnh của cô, nhưng anh vẫn một mực bắt tôi tuyệt đối giữ kín mọi chuyện. Tôi không nghĩ tôi vi phạm lời hứa với anh bằng cách viết truyện ngắn này vì suy cho cùng, không người nào ngoài anh và tôi biết X. là ai.

Hà Nội, 28. 4. 2002

Thái Bá Tân

Ngày đăng: 26/03/2015
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
smile
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage