Lạc đầu mùa
Anh Hân và chị hình như vừa hái lạc xong, tất tưởi chạy ra. Vừa đến nơi là vồ lấy nhau lăn lộn trên thảm cỏ, mấy đứa nín thở, căng tai chăm chú... Khi ánh trăng chênh chếch, câu chuyện giữa họ đã nhạt cả bọn mới lom khom bò về.
***
Khi những cơn dông mùa hạ bắt đầu sau bao ngày nắng gắt, trên cánh đồng, lá lạc ngả từ màu xanh thẫm sang vàng nhạt chấm chấm như trứng cút báo hiệu mùa lạc bắt đầu...
Từ sáng sớm khi sương còn đọng trên ngọn cỏ, mùi hơi đất nồng nồng đã râm ran tiếng người gọi nhau í ới, tiếng bò ức đánh râm ran cả cánh đồng. Ai cũng tranh thủ làm nhanh cho được nắng. Cái công việc nhổ lạc chả nặng nhọc gì nên nhà nào cũng huy động thôi thì đủ, nam phụ lão ấu... Trưa, từng xe bò lạc lích kích cao ngất ngưởng, về đến nhà thì ngập ngụa từ trong ra ngoài, lạc tươi, lạc khô tràn hết cả ra nhà, ra khoảng sân rộng...
Nhổ lạc thì thế, hái lạc mới thật sự khốn khổ, lưng đau ê ẩm. Có nhiều đứa ăn cơm tối xong chui ngay vào "góc học tập" trốn việc, đợi khi bố mẹ không để ý là tót đi chơi. Có lẽ kiên trì nhất là mấy anh chị yêu nhau, ngồi hái lạc vừa rủ rỉ rù rì chuyện trai gái, nhưng nói chuyện dưới sự giám sát của "công an" cũng chả sung sướng gì, ráng được hai thúng chờ các cụ tắt đèn đi ngủ là dắt nhau "tách riêng".
Hồi ấy họ chỉ biết tìm đến những nơi vắng vẻ, ít người qua lại, lý tưởng nhất là gốc cây vông gần bờ ruộng, vừa mát mẻ vừa vắng. Vì vị thế đắc địa nên nó là điểm tranh chấp giữa cánh thanh niên và lũ nhóc chúng tôi. Dưới gốc cây nhẵn thín bóng loáng vì những ván bi, buổi tối sáng trăng tụ tập chơi "chốc đùng", có hôm chia phe xong kéo nhau ra bãi đã thấy một đôi ngồi thù lù từ lúc nào...
Hồi ấy anh Hân và chị Miên là đôi đẹp nhất làng, anh to khỏe nhanh nhẹn lại tháo vát, không nề hà việc gì nhất là với chị. Thương nhà chị neo người nên mỗi lần đến mùa nhổ lạc anh làm luôn cả công việc hai gia đình. Lạc nhà chị chất lên xe xong xuôi anh mới nhổ lạc nhà mình. Chị xinh đẹp, dịu dàng, thêm chút e thẹn của con gái quê khiến nhiều anh ở trên thị xã cũng về "trồng cây si".
Anh chị say nhau lắm, đi đâu cũng lẽo đẽo bên nhau. Họ thường trực gốc cây vông suốt ngày đêm, cả bọn chúng tôi ra thật sớm rồi mà vẫn chậm, đã thế anh còn cười đểu "con nít đi chỗ khác chơi", ức không chịu được!
Thằng Nam, đứa nghịch nhất trong bọn nảy ra một ý, không chơi "chốc đùng" nữa mà đi rình họ nói chuyện, với điều kiện chỉ những đứa gan lì, nhanh nhẹn đi, còn lại đợi đằng xa có gì "bọn tao kể lại cho nghe".
Anh Hân và chị hình như vừa hái lạc xong, tất tưởi chạy ra. Vừa đến nơi là vồ lấy nhau lăn lộn trên thảm cỏ, mấy đứa nín thở, căng tai chăm chú... Khi ánh trăng chênh chếch, câu chuyện giữa họ đã nhạt cả bọn mới lom khom bò về.
Ra đến ngã ba tụi nó mới cười như lũ điên. Hôm sau xuống giếng làng tắm, thằng Nam oang oang kể chuyện hắn đã mục sở thị được tối hôm qua mà không để ý chị Miên ngồi giặt gần đó, mọi người tủm tỉm còn chị cúi gằm, mặt đỏ như quả gấc. Từ đó không còn bắt gặp anh chị nữa.
Những mùa Hè, những mùa lạc cùng tuổi thơ chúng tôi dần trôi qua, đứa đi học đứa vào Nam làm công nhân, mỗi độ Hè về tự nhiên bồi hồi nhớ quê, nhớ mùa lạc năm nào và nhớ anh Hân hiền lành... Chị Miên đi lấy chồng cũng vào một ngày hè khi cánh đồng lạc mùa ngả vàng trứng cút. Chị lấy chồng trên thị xã có hai nhà mặt tiền, hôm đám cưới có mấy xe ô tô rước dâu. Kể từ đó anh Hân thay đổi hẳn. Anh lầm lũi như một cái bóng, không vợ con gì, mái tóc bạc phơ...
Không biết cuộc sống kim tiền đã cướp mất chị hay trò đùa quái ác của chúng tôi đã chia lìa họ? Đi xa, mỗi lần nhớ quê nhớ mùa lạc trong lòng chúng tôi lại trào dâng một nỗi ân hận. Ước gì có phép màu để chúng tôi được quay trở lại tuổi thơ xưa.
Đình Dũng