Vẫn chưa chịu cưới
(truyenngan.com.vn) Cha mẹ Hiển đưa mắt nhìn nhau, cùng thốt lên ba chữ: "Bệnh đường dưới".
***
Trích ngang lý lịch :
- Họ và tên : Lý Hiển
- Ngày tháng năm sinh : 12 -12 - 1962
- Từ nhỏ đến năm 1980 : Học sinh
- Năm 1980 : đi bộ đội, thực hiện nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia.
- Năm 1983 : xuất ngũ, sau đó công tác tại Công ty xuất nhập khẩu quế Trà Bồng.
- Năm 1990, Công ty xuất nhập khẩu quế Trà Bồng giải thể, đi làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 2002, về sống tại địa phương, hiện là cán bộ địa chính ở xã nhà.
Hiện tại sống độc thân, chưa vợ, không có người yêu. Sở thích đặc biệt : các trò chơi game trên mạng.
***
Chị dâu tôi là người có tính ưa than phiền. Trong quan hệ với nhà chồng, chị thân với vợ tôi nhất. Mỗi lần giỗ chạp tết nhất, anh chị em trong nhà mới có dịp sum họp, gặp lại vợ tôi, chị như gặp được người để trút bầu tâm sự. Hết than thở, kể lể chuyện chồng, chuyện con là chị quay sang kể chuyện anh Hiển, anh trai của chị.
Mà anh Hiển quả là người lập dị, gần năm mươi tuổi đầu rồi mà vẫn còn là trai tân. Ở vào cái thời đại này, một người có quyền thế, có tiền bạc trong tay mà không tận dụng cuộc sống hưởng lạc, lại cam chịu lối sống khổ hạnh, gần như là một điều hiếm có. Mỗi khi chị kể đến chuyện anh Hiển, tôi lắng tai nghe, sau đó tổng hợp lại, cố phác hoạ trong tâm trí mình chân dung của con người không bình thường này.
Hiển sinh ra trong một gia đình đông anh chị em nhưng chỉ có mình Hiển là con trai. Cũng lạ là người trong dòng họ Hiển, khi sinh con, bề con gái có thể nhiều nhưng bề con trai thường chỉ có một, trải qua mấy đời đều đã như thế. Từ nhỏ, Hiển được cả nhà cưng như trứng mỏng, được coi là thằng cu giống. Năm 18 tuổi, Hiển nhận được giấy báo khám sức khoẻ để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Lúc ấy, chiến trường miền Tây Nam đang hồi khốc liệt, người đi nhiều, kẻ về ít. Cha mẹ Hiển lo sốt vó, giải pháp duy nhất của ông bà là lo cưới vợ gấp cho Hiển để kiếm người nối dõi. Mười tám tuổi đầu nhưng Hiển còn ngây thơ, non nớt lắm, nói đến chuyện lấy vợ là nhất quyết cự tuyệt, sợ ra đường chúng bạn biết được rồi chê cười. Vả lại, Hiển rất muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự, hình ảnh anh bộ đội oai hùng luôn luôn là thần tượng của lớp trẻ lứa tuổi Hiển thời bấy giờ, thân làm trai là phải thoả chí tang bồng, tung hê hồ thỉ bốn phương trời. Lúc lên đường, Hiển khắc cốt ghi tâm câu nói của thầy Hiệu trưởng trường cấp ba khi tiễn quân: "Môi trường bộ đội là trường Đại học thứ hai đào luyện con người tốt nhất".
Ba tháng quân trường huấn luyện gian nan cùng với ba năm chiến trường ác liệt đã biến đổi cậu bé Hiển khờ khạo ngày nào thành một chàng trai cương nghị, dũng mãnh. Vừa mới chân ướt chân ráo xuất ngũ về nhà, cha mẹ Hiển đã đề cập đến chuyện mai mối hỏi vợ cho anh. Hiển chối phắt. Anh hẹn khi nào có công ăn việc làm ổn định mới tính đến chuyện lấy vợ. Cha mẹ nghe anh nói có lý nên cũng xuôi theo.
***
Sau vài tháng đi tìm việc, Hiển được Công ty xuất nhập khẩu quế Trà Bồng ưu tiên nhận vào công tác. Đây là một trong những chỗ làm béo bở nhất trong tỉnh thời bấy giờ, công việc nhàn hạ mà trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc. Có thể nói thời gian công tác tại Công ty quế là thời vàng son nhất trong cuộc đời Hiển. Tuổi trẻ năng động, lý lịch tốt, được cấp trên luôn ưu ái...đường tiến thân của Hiển sau này khó có thể lường trước được.
Hiển thuộc diện đẹp trai, dáng người cao ráo, là hoàng tử trong mơ khiến bao trái tim cô gái ở phố núi phải thổn thức. Thấy con mình có được chỗ làm tốt, cha mẹ Hiển rất mừng, lại biết con mình được nhiều cô gái để ý tới, cha mẹ Hiển chắc mẩm rằng rồi sắp có cháu nội để bế đến nơi.
Nhưng mãi rồi không thấy Hiển đưa cô gái nào về nhà trình diện, lại không thấy Hiển cặp kè với cô gái nào, cha mẹ Hiển đâm lo. Ông bà họp gia đình lại, gây áp lực với Hiển: "Con à, cha mẹ nói với con điều này không biết bao nhiêu lần rồi, cha mẹ càng ngày càng có tuổi, trông cho con yên bề gia thất, có cháu để cha mẹ bế bồng, cha mẹ lỡ có nhắm mắt xuôi tay, cũng an lòng. Vả lại, nhà ta chỉ có mình con là con trai, sông có khúc người có lúc, con bây giờ đang là lúc cực thịnh của đời mình, cưới vợ lúc này là phải lẽ phải thời nhất. Đừng làm cho cha mẹ lo buồn nữa đi con".
Cũng như mọi lần trước, lần này Hiển cũng thoái thác: "Cưới ngay, cưới ngay, chả là con chưa tìm được người hợp với mình đấy thôi. Sớm muộn gì rồi ông bà cũng có cháu để ẵm thôi".
Cha mẹ Hiển quay sang đám con gái, bảo: "Lo vợ cho anh trai tụi mày, không phải chỉ là trách nhiệm của hai ông bà già này mà còn là nghĩa vụ của bọn bây. Bắt đầu từ hôm nay, chủ nhật nào thằng Hiển cũng phải về nhà, chủ nhật nào, mấy đứa con gái cũng phải dẫn đám bạn gái của tụi bây giới thiệu cho thằng Hiển, đứa nào làm mai giỏi, trong nhà này có đồ vật nào ưng ý, tao thưởng cho".
Hiển có đến những năm cô em gái, cô nào cũng tỏ ra mình vâng lời cha mẹ và thương anh trai, sốt sắng tâng bốc anh trai mình lên đến tận trời với mấy đứa bạn thân. Cô nào nghe xong cũng nằng nặc đòi được đưa về giới thiệu với Hiển.
Việc làm quen rồi đi đến tình yêu của Hiển với mấy cô bạn gái của em mình thật dễ dàng. Nhưng việc yêu đương của Hiển đối với mấy cô gái như để là yêu chơi chứ chưa bao giờ nghe Hiển nghiêm túc nói đến chuyện tiến tới hôn nhân.
Hiển thay người tình như thay áo, cô nào mau thì dăm ba tháng, còn lại thì nửa năm, một năm. Có một cô giằng giai được tới hai năm rồi cũng phải rút lui. Với từng cô thì Hiển đều đưa ra những lý do rất chính đáng để chia tay. Cô Mai thì hôi nách, cô Hồng thì hôi miệng, cô Lan thì bị bệnh phong ngứa, cô Cúc không biết nấu ăn....
Nhân vô thập toàn, biết đến bao giờ Hiển mới chọn được người ưng ý đây. Cha mẹ và các em gái của Hiển đành chỉ biết lắc đầu chào thua. Còn các cô gái trước khi rút lui đều đến gặp các em gái của Hiển tố khổ: " Ông anh mày thật lãng xẹt. Tao vì tin vào cái miệng của mày mới chuốc luỵ vào thân. Đã là bạn bè thì phải thành thực với nhau chứ". Các cô em gái của Hiển đã chợn việc làm mai cho ông anh của mình.
***
Không rõ vì lý do gì mà Trung Quốc đột ngột ngưng thu mua quế được sản xuất tại Việt Nam. Từ một mặt hàng quý hiếm đắt như vàng bỗng dưng biến thành củi mục, Công ty xuất nhập khẩu quế Trà Bồng phải tuyên bố phá sản rồi giải thể, toàn bộ nhân viên của công ty đều được cho nghỉ. Hiển xách gói về nhà nằm chờ việc. Thời buổi mỗi ngày mỗi đổi khác, cơ hội tìm việc làm của anh không còn dễ dàng như ngày trước nữa.
Nằm nhà được hai năm, đang chán ngán thì một hôm có đứa bạn tới rủ Hiển vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Hiển nghĩ đây cũng là phương cách khả dĩ nhất mà anh có thể bon chen với đời để kiếm sống nên xin phép cha mẹ cho đi làm ăn. Thấy con bấy lâu nay u uất, tù túng, cha mẹ Hiển đang rầu lòng thúi ruột, nay nghe con hăng hái bàn đến chuyện làm ăn, cha mẹ Hiển hởi lòng hởi dạ. Vả lại, Sài Gòn đang là miền đất hứa, bao kẻ ở quê đi vào đó đều ăn nên làm ra. Còn có một điều mà cha mẹ Hiển ngấm ngầm hy vọng, biết đâu vào đấy lạ đất lạ người, Hiển đổi tính đổi nết, chịu lấy vợ. Thế là Hiển đi vào Nam làm ăn.
Vài ba năm đầu, mỗi khi Tết đến, Hiển còn về thăm quê một lần, những năm sau, Hiển tuyệt tích giang hồ luôn, hoạ hoằn lắm mới có dăm ba dòng chữ gửi về hỏi thăm sức khoẻ cha mẹ. Mẹ Hiển gần đây lại phát sinh bệnh tim, đau yếu luôn, cha Hiển tuổi đã cao, sức khoẻ ngày càng suy yếu, mấy đứa con gái đều lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới ghé về thăm nhà. Nhà cửa có người mà sao vắng tanh vắng ngắt, khung cảnh buồn thiu. Đến nay, Hiển đã vào Sài Gòn được mười năm rồi.
Vài năm trước, cha Hiển có vào tìm đến thăm con một lần. Lúc ấy, Hiển khoe với ông rằng anh đang ăn nên làm ra, hứa với ông rằng tích góp chút vốn nữa rồi mới cưới vợ. Ông tin tưởng ở con mình. Nhưng càng tin tưởng, ông càng thất vọng. Ông đi Sài Gòn lần này là thể theo nguyện vọng của vợ mà cũng là của ông, khuyên con về quê sinh sống.
Lần theo địa chỉ Hiển ghi trong thư, ông tìm đến nơi con ở. Cũng vẫn là căn phòng ở mướn, rộng chừng hai mươi mét vuông. Ông đến đúng lúc Hiển đi làm chưa về. Trong nhà, ngoài chiếc ti vi Viettronic cũ kỹ, đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá. Trên giường, chăn màn, quần áo vất lung tung. Dưới đất ngổn ngang chai lọ, chén bát. Nhìn cảnh ấy, ông thêm chán nản, càng thêm động lực bắt Hiển về.
Đợi đến tối, ông mới gặp được Hiển đi làm về. Nhìn thấy ông, Hiển có vẻ thẹn thùng, lúi húi dọn dẹp đồ đạc trong phòng. Xong xuôi, Hiển mới chạy ra quán ăn mua hai hộp cơm đem về cho hai cha con cùng ăn. Tối đến, hai người mới ngồi tâm sự cùng nhau, ông hỏi đến công chuyện làm ăn của Hiển. Hiển ngượng ngùng có ý giấu giếm không nói, sau đànrh phải thú thực.
Lúc đầu vào làm ăn có khấm khá, sau đó đổ bể, giờ đang tìm phương kế gây dựng lại. Hiện tại, Hiển là công nhân của một xưởng may, lương tháng được triệu rưỡi, trừ đi mọi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chỉ còn dư lại chút đỉnh.
Nghe xong chuyện của Hiển, cha Hiển mới kể cho Hiển nghe chuyện nhà chuyện cửa, chuyện quê hương. "Quê hương mình giờ đã đổi khác lắm con à. Từ ngày khu công nghiệp Dung Quất hình thành, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn, hàng vạn lao động ở địa phương, đời sống bà con ta tự nhiên khởi sắc hẳn. Ở quê, người làm ruộng nếu chí thú làm ăn, nắm vững kỹ thuật trồng dưa thì đều tạo dựng cho mình một cuộc sống khấm khá. Việc làm ăn của con bết bát như thế này. Thôi thì chi bằng về đi con. Quê hương luôn là nơi đất lành chim đậu. Vả lại, nhà mình vắng con, cô quạnh lắm. Các em con đều đã ra riêng ra tư, tụi nó là phận gái, phải lo toan gánh vác giang sơn nhà chồng. Mẹ con mấy năm nay đau yếu luôn, tuổi già lại bệnh tật, như sung chín trên cây, không biết rơi rụng lúc nào.Ở nhà, mỗi ngày mẹ đều ra cửa ngóng chờ con. Về đi nghen, con".
Thấy Hiển còn ngần ngừ chưa quyết, ông nói tiếp, giọng mềm mỏng nhưng cương quyết : "Con hãy sống thực tế một chút đi. Người ta tay trắng làm nên nhưng cũng phải có chút ít vốn liếng, có chút đầu óc, có chút dũng khí....Còn con, vốn không, tri thức không, kinh nghiệm không...tất cả đều không, nuôi mộng làm giàu không phải là một điều quá hão huyền ư. Mười năm ở xứ người, con đã chịu cảnh làm thuê ở mướn, thêm mười năm nữa, con có thoát khỏi cảnh ở mướn làm thuê không?"
Lời nói cuối cùng này của cha Hiển đập tan bức tường sĩ diện của Hiển. Anh xin phép cha cho lưu lại vài ngày để thu xếp rồi theo ông về quê.
Hiển trở về mang lại sắc thái mùa xuân cho cả nhà. Nghỉ ngơi được vài ngày, cha mẹ Hiển nhắc lại điệp khúc cũ: bắt ép Hiển phải cưới vợ.
Lần này, Hiển gật đầu đồng ý, nhưng nói phải chờ tìm được người để cưới đã.
Một lần đi uống cà phê, tình cờ Hiển gặp lại Hải, người bạn thân, quen biết được khi cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường K. Hải cho biết đang công tác tại Phòng địa chính Huyện, biết Hiển đang không có việc gì làm, công việc của Hải lại đang bừa bộn, Hải giúp Hiển làm hồ sơ xin việc tại Phòng. Làm một thời gian quen công quen việc, ở xã Hiển lại đang khuyết nhân viên địa chính, Hiển được điều về xã nhà đảm đương chức cán bộ địa chính ấy. Đời Hiển lại lên hương.
Lúc này, Hiển tuy đã cứng tuổi, nhưng nếu muốn, Hiển có thể cưới được vợ trẻ, vợ đẹp ngon ơ. Từ ngày về công tác ở xã, Hiển lại tạo cho mình một lối sống biệt lập, đi làm thì thôi, chớ về đến nhà là Hiển vào phòng mình, đóng cửa rồi bật máy lên mạng, có bữa rục rịch đến tận hai, ba giờ sáng mới ngủ. Hôm nào cũng vậy.
Cha mẹ Hiển tuy bất mãn nhưng không nói gì được, làm gì được ông con mắc dịch của mình. Ông bà để ý thấy sáng nào ngủ dậy, dưới đũng quần của Hiển cũng ươn ướt, vết dịch loang lổ. Mà sắc mặt Hiển lúc nào cũng tai tái, hai mắt thâm quầng.
Ông bà lo sợ, dò hỏi sức khoẻ của Hiển. Hiển thú thực mắc bệnh mộng tinh, di tinh đã lâu, chữa trị nhiều nhưng không dứt. Đến khám ở bệnh viện, uống thuốc tây vào, người càng thấy nóng nảy, khô khan, bệnh càng trở nặng thêm. Chuyển sang Đông y cũng đã chữa ở hơn chục ông thầy, uống hàng trăm thang thuốc nhưng bệnh vẫn không thuyên chuyển. Thầy nào trước khi chạy cũng đều nói : "Bệnh của anh là ở tâm chứ không phải ở thân. Trường hợp của anh, chúng tôi đã gặp nhiều rồi. Chỉ cần cưới vợ là mọi triệu chứng đều chấm dứt".
Cha mẹ Hiển đưa mắt nhìn nhau, cùng thốt lên ba chữ: "Bệnh đường dưới".
Dân gian truyền rằng : Bệnh này do người ở cõi âm quấy rối. Đàn bà, con gái thường hay mắc bệnh nhiều hơn đàn ông, con trai nhưng bệnh ở đàn bà, con gái dễ chữa hơn bệnh ở đàn ông, con trai (do nam nhân ở cõi âm ít chung tình hơn nữ nhân). Có người con trai mắc bệnh, đi hỏi vợ ở đâu cũng không được vì bị nữ nhân ở cõi âm ngăn cản. Cảnh ngộ của Hiển có lẽ giống trường hợp này.
Hiển kể: Hồi đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, Hiển có quen biết một cô gái. Hoàn cảnh cô gái ấy rất thương tâm. Cha mẹ cô gái ngày trước vốn là giáo viên dạy học, bị chế độ Khơ me đỏ quy kết là thành phần trí thức, thuộc diện phải đưa đi xuống ruộng đồng để học tập. Có một tên Pốt có thế lực ở trong phum muốn lấy cô gái làm vợ, hứa với cô gái nếu lấy hắn thì hắn sẽ bảo bọc cho gia đình cô được an toàn.
Khi cô gái chuẩn bị xuất giá thì cha mẹ cô bị bắt đưa đi cải tạo. Thế là đám cưới không thành. Nhưng tên Pốt không chịu bỏ cuộc, lấy sinh mạng những thành viên còn lại trong gia đình cô ra đe doạ, gây áp lực buộc cô gái phải lấy hắn.
Đám cưới tập thể đang chuẩn bị được tổ chức thì đơn vị của Hiển đánh đến. Sau một trận chiến khốc liệt, quân Khơ me đỏ thua trận phải bỏ chạy. Nhân dân trong phum được giải phóng khỏi ách bạo tàn, vui mừng tở mở, hân hoan tiếp đón đoàn quân chiến thắng. Cô gái trong phum rất biết ơn các anh bộ đội Việt nam, nhờ có các anh mà gia đình cô, bà con trong phum của cô mới có một cuộc sống tốt đẹp trở lại. Cô gần gũi, thân mật với Hiển.
Phải nói là cô gái ấy rất đẹp.Trái tim của Hiển thổn thức những rung động đầu đời vì cô gái ấy, mà cô gái dường như rất cảm mến Hiển. Đôi trẻ yêu nhau nhưng vướng hàng rào ngôn ngữ, chỉ biết dùng ánh mắt và đôi bàn tay thể hiện tình cảm với nhau.
Một bữa, hai người rủ nhau ra suối bắt cá, trong lúc Hiển mải mê ngụp lặn dưới dòng suối còn cô gái ngồi trên bờ. Nghe tiếng sột soạt từ vòm lá phía sau lưng, cô gái quay người lại nhìn. Thấy tên Pốt bấy lâu vẫn theo đuổi cô đang rê súng nhắm về phía Hiển. Cô kinh hoàng thét lên, cảnh báo cho Hiển biết đang gặp nguy hiểm. Nghe tiếng kêu, tên Pốt giật mình quay súng lại, trút cả băng đạn vào người cô gái. Khoảnh khắc ấy đủ để Hiển nhoài người lên bờ, chụp vội khẩu súng, nhưng tên Pốt sau khi bắn xong đã vội tẩu thoát.
Hiển bắn hú hoạ vài phát đạn đuổi theo rồi nhào người lại bên cô gái. Ngực cô gái lỗ chỗ vết đạn. Cô gái chết rồi nhưng ánh mắt vẫn bàng hoàng, ngơ ngác. Hiển biết vừa rồi cô gái vì cứu anh mà phải chết. Anh tê tái cả người.
Kể từ sau hôm ấy, trong giấc ngủ, Hiển thường chiêm bao thấy cô gái, hai người thường nô đùa, trò chuyện rồi sau đó ân ái cùng nhau. Khi thức giấc thường thấy đũng quần ươn ướt, người mệt mỏi, rã rời.
Bệnh hoang đường thì phải chữa theo cách hoang đường. Cha mẹ Hiển lần lượt mời những thầy pháp nổi tiếng trong vùng đến chữa bệnh cho Hiển. Thầy pháp thực ra là những nhà tâm lý giỏi. Họ khéo dùng bùa chú tác động mạnh mẽ lên trạng thái tinh thần của người bệnh.
Nhưng tất cả đều bó tay trước bệnh tình của Hiển. Cùng một con bệnh, mỗi thầy phán mỗi sách, lại có những phương pháp trục ma đuổi quỷ khác nhau. Lúc đầu, cha mẹ Hiển còn hoàn toàn tin tưởng ở các thầy, sau thấy họ chữa bệnh không hiệu quả, ông bà coi họ như bọn lang băm đi chữa dạo kiếm tiền mà thôi. Riêng Hiển thì sợ mấy ông thầy pháp như sợ hủi, thấy họ đến nhà là Hiển kiếm cớ lánh đi.
***
Đến nay, cha mẹ Hiển đều đã qua đời vì bệnh già. Trong nhà chỉ còn mình Hiển thui thủi đi ra đi vào. Tôi vì có việc liên quan đến đất đai nên mới tìm đến nhờ cậy anh. Anh có giọng nói the thé, nhát gừng, ánh mắt luôn nhìn vào trong, bản tính tự cao tự ngạo, không thích cùng người khác trò chuyện...tất cả những biểu hiện đó chứng tỏ anh là người có lối sống tự kỷ rất nặng.
Khi việc của mình đã xong xuôi, để cám ơn, tôi buông thõng một lời khuyên: "Tôi là người tường tận cuộc đời anh hơn cả anh. Hãy cởi mở cõi lòng mình ra với mọi người thì rồi anh sẽ tìm được bạn bè, tìm được người tâm đầu ý hợp. Anh cưới vợ rồi thì sẽ tạo ra một thế giới tình cảm, thế giới tâm linh mới. Thế giới tình cảm, thế giới tâm linh cũ sẽ nhạt nhoà dần, những u uất trong tâm hồn anh sẽ tiêu tan. Làm người nên có ý chí, chọn một lối sống tích cực cho đời mình, anh à".
Anh nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi biết lời khuyên của tôi đối anh như nước chảy lá khoai nhưng nên nói. Biết đâu đấy rồi anh thay đổi được tâm tính, trở thành chàng lãng tử trêu hoa ghẹo nguyệt nhất trần đời này cho coi.
Phú Dương