Tuổi thơ trong tôi
Hồi đó, khoái nhất là cả đám tụ tập lại nghe kể chuyện ma, thịnh hành nhất thì chỉ có thể là truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Cứ luôn miệng nói " tao không sợ". Thế nhưng, tai đứa nào cũng nhét đầy bông gòn. Nghe truyện ma mà cứ cười tí tởn. Vậy mà, tiếng chó sủa cũng giật mình ngồi khóc.
***
Hú hú... mày về quê từ khi nào đó, dạo này nhìn khác hẳn ra đó nha..
- Về mấy ngày rồi, vài hôm đi lại thôi..
- Rãnh ghé nhà tao ăn cơm cháy mắm nêm ha.
- Mai tao ghé ha!
....
Chỉ nói được vài câu, một đứa bạn hàng xóm. Có nên gọi nó là " tri kỉ " hay không?? Hay là " thanh mai trúc mã"
Nhớ ngày xưa, đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo sau. Gọi nhau í ới. Đi đâu cũng có nhau.. Vậy ư! Thời gian trôi qua nhanh quá.
Quá khứ ơi! Có trở về cùng tôi..
Tôi sinh ra tại một nơi nắng, gió khắc nghiệt. Lúc mưa thì mưa như xối xả, nắng thì cháy rát người. Dường như, khí hậu nơi đây không thể lẫn đi đâu được...Ninh Thuận.
"Quê tôi đấy! Đất nghèo Ninh Thuận
Suốt bốn mùa mưa ít, nắng nhiều
Dân vất vả cần cù, chịu khó,
Trên đồng khô ruộng lúa, vườn rau
Thị xã Phan Rang kề Quốc lộ
Có nhà hàng khách sạn, công viên.Nhiều cơ sở, tiệm buôn sầm uất
Các trẻ em hăm hở đến trường"
Tôi ở cái nơi gọi là thị trấn, nhưng mỗi lần muốn xuống phố là phải mất mấy chục cây, đường đi cồng kềnh, chẳng khác gì phi ngựa. Nhiều lúc cứ ngỡ như đang có một cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài......
Nắng gió khắc nghiệt, nhiều khi cảm thấy rất ghét cái nơi mình sinh ra, mệt mõi kiếm ăn qua ngày, cuộc sống đồng ruộng, chăn bò, bắt ốc. Mơ ước, rời khỏi nơi đây, đến một nơi sầm uất, khám phá cuộc sống giàu sang, thế nhưng, bây giờ lại khao khát quê hương đến như thế.
Sống ở cái nơi gọi là nghèo về vật chất, nhưng tình cảm thì chẳng nghèo được. Vì ai cũng thương quí nhau. Có gì cũng chia sẻ, hỏi han nhau. Dường như, như thế là quá đủ rồi.
Tuổi thơ, không có cái gọi là công viên nước, không có nhiều tiền tiêu, không có quần áo đẹp, không biết rạp chiếu phim là như thế nào?...
Nhớ lúc đó, con nít lên 3 đã biết tập tành chơi trò " cô dâu, chú rễ "
"Cô dâu, chú rễ làm bể bình bông
Đổ thừa con nít..."
Đứa nào cũng nhao nhao, "tao, tao làm cô dâu cho. Để tao làm chú rễ."
Vậy mà, khi bắt cặp thì ai cũng ngại ngùng, e thẹn. Mặc đồ cô dâu bằng tấm màng bao lại, chú rể thì mượn đại cái áo sơ mi của người lớn, rồi, bái đường thành thân. Chơi vui vậy, nhưng chẳng đứa nào hiểu được ý nghĩa trọng đại của nó.
Hồi nhỏ cứ thích thề non, hẹn biển. Nói yêu ai là yêu cả đời..rồi móc ngoéo tay với nhau. Cứ thế mà tin, đứa nào cũng sợ mình sẽ phản bội lời thề, bị nhiều chuyện không hay. Nhớ lắm.
Nhớ những buổi trưa hè nắng gắt, cả đám í ới gọi nhau rủ đi tắm sông, một đám cả trai, lẫn gái. Không biết mắc cỡ là gì, trần truồng, vừa tắm, vừa cười sảng khoái.
Lúc đó, còn đang chiếu phim " Cô Gái Đại Dương". Vậy là cứ thế mà bắt chước, Chạy từ bờ sông, vừa chạy vừa kêu tên con cá voi. Nghịch lắm. Có lần tôi xém bị chết đuối, thế là sợ mọi người về mét má. Năn nỉ ỉ ôi, mấy đứa mới chịu im miệng. Thế là giấu nhẹm đến tận bây giờ.
Hồi đó, khoái nhất là cả đám tụ tập lại nghe kể chuyện ma, thịnh hành nhất thì chỉ có thể là truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Cứ luôn miệng nói " tao không sợ". Thế nhưng, tai đứa nào cũng nhét đầy bông gòn. Nghe truyện ma mà cứ cười tí tởn. Vậy mà, tiếng chó sủa cũng giật mình ngồi khóc.
Những buổi chiều tà, rủ nhau vô ruộng bắt ốc bưu, đem về luộc xả gần cả một nồi to. Cả đám bu lại, ăn không biết nhường ai là gì?. Hè về thì rủ nhau đi hái me, lột vỏ me, cân me hơn mấy kí, đem bán được khối tiền. Đủ cho cả đám ăn kem. Chỉ có khi đó, ăn gian, cấm thêm vài cục đá vào bao me, tăng thêm 2-3 ký. Gan to thật.
Lúc nhỏ, đứa nào mà không biết bơi, là cứ tìm con chuồn chuồn cho nó cắn rốn. Cắn càng đau, càng bơi giỏi. Giờ nghĩ lại, thấy mình ngu ngơ làm sao?
Rồi những trò chơi dại, tới giờ tối là rủ nhau đi chọc chó nhà người ta, mà chỉ chọc duy nhất cái nhà giàu nhất xóm. Con chó to, mà hung dữ.
Ai cũng cầm sẵn 1 cục đá, cứ thế mà ném, chó đuổi, mạnh ai nấy lo, không cần biết đứa nào. Chậm thì chết. Có hôm, tôi lon ton chạy qua nhà hàng xóm hái trộm chùm ruột, ai dè, con chó chạy ra nhảy phốc lên, cắn ngay bụng, ôi! đau dã man..huhu
- Bầu, chiều nay qua nhà tao đi. ( con bạn hàng xóm nó gọi)
- Mai con Yên (Phùng) đi vô thành phố lại rồi. Qua nhà nó đi
- Ừ, nhớ xuống đó.
Là dân quê mà, gọi nhau cũng bằng tên cún cơm ở nhà, đứa nào không có biệt danh thì gán tên ba má nó vào, ví như bầu, Hiệp Mò, Hiếu Cọt, Cu
Búp, Trang Dũng, Yên Phùng, Nghĩa Huệ, Hiệp Lan..Không cần biết ba má tụi nó nhăn mặt cỡ nào. Nhưng riết rồi cũng quen.
Hồi đó, chuyên gia đi hái trộm, chó rượt, người chửi mà chẳng thèm để ý, xoài đầy cây, có ăn là được. Một chén nước mắm đường cay, vài trái xoài chua. Cũng đủ thèm thuồng lắm rồi. Đám con gái thì thích búp bê, nhưng mà không có tiền mua. Ăn cây kem 500 đồng bạc, rồi lấy cái que kem làm búp bê cây, tóc thì bằng rau bắp, quần áo thì lấy vải quấn vào. Không có nữa thì cắt giấy làm búp bê. Ôi thôi! Đủ thứ trò.
Chơi đánh dụ, đánh trổng, tạc lon, tạc hình, nhảy dây. Chẳng phân biệt trai gái, chơi với nhau vui là được. Thân nhau lắm, hồi nhỏ cứ ngỡ sẽ cưới nhau cơ.
Nhớ cái lần mà mới biết đánh bài, má kêu trông nhà cho má đi làm, vài phút sau, bỏ nhà sang hàng xóm ngồi đánh tiến lên. Tôi thì đang chơi hăng say, mấy đứa kia tự nhiên im lặng, mặt lấm lét, chả hiểu chuyện gì, tôi cứ thế ngồi chửi tụi nó. Ai dè, má đứng đằng sau, đánh cho mấy roi, bầm hết cả mông, đau lắm, khóc thét cả buổi chiều. Tuổi thơ là gắn với đòn roi, ngày nào mà không bị đánh là ngoan lắm rồi.
Có lần tối khuya rủ nhau ra bờ sông chơi ma lon, 1 cái lon, có vài cục kẹo dừa, cắm thêm mấy cây nhang, ngồi đó cứ mà khấn " ma lon, ma lon".. đợi lâu ơi là lâu, mà chẳng thấy ma lon hiện lên.
- Em biết làm cho ma lon hiện lên rồi?
- Sao? Sao em?
- Kêu ai tè lên cái lon là được à!
Rồi! nhìn qua nhìn lại, thấy thằng nhỏ nhất đám, bắt nó tuột quần đứng tè lên cái lon. Thằng nhỏ cố gắng đến xanh mặt mới ra được vài giọt. Vất vả là thế!
Mà chưa kịp gọi ma lên, thì tụi nhỏ chạy về nhà, coi "những bông hoa nhỏ"...Ghiền! ghiền lắm cái chương trình đó.
Mà sao khi đó cứ thích đi ăn cơm nhà hàng xóm, đồ ăn ít, chủ yếu là nước mắm, rau luộc nhưng sao cứ thích ăn, thích cạo nồi móc cơm cháy. Thèm lắm luôn.
Thích nhất là chơi " năm mười", mỗi lần chạy đi trốn là cởi áo nhau ra đổi, phải nói là đứa nào mà bị thì có nước bị cả ngày. Có lần, tôi bị, đọc năm mười mấy lần ấy, lúc đi tìm thì chẳng thấy ai, khóc quá trời, ai dè mấy người đó đi tắm sông. Tức, giận cả ngày, không thèm chơi nữa. Mà tụi nó cũng mặc kệ, có biết người khác giận là như thế nào đâu. Giận chán cũng chạy ra chơi chung.
Ở Quê tôi, không rạp chiếu phim, không có công viên nước, đường đất thì kéo dài, con nít thì nhiều, chiều nào cũng tụ đầy đường chơi xí banh. Người lớn, người nhỏ chẳng phân biệt gì, cứ kêu mày mày, tao tao.Chiều nào trong xóm cũng đầy ắp tiếng cười...
***
Giờ lớn rồi, cứ mỗi lần nhắc lại chuyện cũ thì cứ mắc cỡ, ngại lắm. Nhưng mà, hiếm khi được gặp nhau, ai cũng đi học xa, lâu lâu cũng chỉ nói được vài câu rồi cũng thôi.
7,8 năm rồi, ai cũng có việc để tâm riêng, con nít cũng không hay chơi như trước.
Đi học ở thành phố, sống 1 cuộc sống nhộn nhịp, hối hả, biết nhiều cái mà mình chỉ được nghe trên ti vi, khác rồi, khác xưa lắm rồi. Thèm lắm cảm giác quê nhà, với lũ trẻ, với mùi vị quê hương, tuổi thơ tuy thiếu thốn nhưng đầy ắp kĩ niệm, nhớ những câu ru " à ơi dí dầu" của má, nhớ những khi ăn đòn thật đau. Những trưa hè tắm sông, bắt ếch, bắt dế về chơi. Những lúc đạp xe đạp thật xa để hái phượng, chơi đá gà.Những khi đi đào củ lang, củ mì. Những trái xoài chua với chén mắm ớt cay.
Trầy trụa, mồ hôi chảy đầy người khi ôm nhau chơi " gở gẻ"..Nhớ những khi giận hờn nhau, cách 1 cái hàng rào mà chẳng thèm nhìn mặt, lâu lâu lại chạy sang nhà hàng xóm xin lại cái quần, cái áo bị lấy nhầm.
Nhớ cái mùi vị của kẹo kéo, của cây kem chuối, gói xôi bắp, cục kẹo dừa. Những trái ổi, trái me hái trộm.
Những con cá được câu trên dòng sông sau nhà, là những khi trèo cây khế, trứng cá té trật tay.
Những lúc trời mưa to mà vẫn trần truồng cùng tắm mưa. Những miếng cơm cháy chấm mắm nêm ăn vụng.
Chơi lò cò, bún thun,đi vô rừng bắn chim, ra ruộng lúa bắt cào cào cho chim ăn. Đi đi xa lắm mà không biết mệt, ngồi trên đê mà hát hò, nói ước mơ sau này như thế nào.Mà lạ thật, đứa nào cũng thích được làm thầy giáo, cô giáo.
Còn thề nguyện hứa sau này sẽ ở cạnh nhau. Nhưng giờ.........thật khác xưa?
Cuộc sống đổi thay. Lòng người có hay chăng cũng thay đổi lắm, những khoảnh khắc ấy, thời gian của tuổi thơ, xa rồi..........
Có hay chăng? Thời gian quay lại...
Tuổi thơ ơi!