Trái tim kiêu hãnh
Tôi cứ thầm ước mỗi chuyến bay sẽ mang đến cho mình cơ hội gặp thêm một người bạn trẻ trung ngực thở phập phồng sau áo mỏng. Nhưng lần nào đi cũng gặp trẻ nít hay những ông bệ vệ chưa lên máy bay đã mệt nhọc thở và ngủ phì phào mùi bia.
***
Lần này thì tôi ngồi giữa hai bà già. Bay trong cảm giác nhột nhạt sợ một cái vung tay, một cái ngoẹo đầu của mình làm người khác bong gân, đau khớp cả tuần thì thật khó mà... bay được. Những "chim trời" chứ không phải "gà nhà", máy bay chứ không phải xe hơi, không thể tùy tiện ngồi chỗ nào cũng được. Một chiếc ghế trong cái khoang này tính bằng bạc triệu. Nên tôi ngồi im, nghe đi nghe lại cái bài Thiên đường gọi tên trong Ipod. Nghe muốn nổ óc. Đang bay đây, nhưng mà không phải thiên đường.
Từ khi ông nội ốm, nằm liệt giường, đêm đêm rên rẩm vì những vết mẻ của xương, tôi luôn nghĩ người già như một cây bỏng ngô, chỉ cần gió lay mạnh là có thể mẻ gãy. Bà già bên phải cứ ngó đầu sát cửa kính máy bay, hỏi vô tư, cho cái kính này lên nó thoáng chút được không chú? Bà già bên trái tay đeo chiếc nhẫn mặt ngọc, ngực đeo tràng hạt, rõ ràng nhà giàu chăm lễ Phật, nói thủng thẳng, cái bà này dở hơi quá, bay mấy trăm cây số một giờ mà để gió cho thoáng có mà tan xác. Bà già bên trái kinh hãi, phải không chú? Tôi biết mình đang đối diện với vấn đề khó nuốt rồi đây. Sẽ là một ngàn câu hỏi lần đầu tiên trong đời. Tôi không thích đối diện với những người già và vấn đề của họ. Tôi sợ khi phải nghĩ đến một ngày nào đó của mình như thế.
Chú đi làm hay đi chơi? Cái giọng nửa Bắc nửa Nam của bà già bên trái làm tôi buộc phải vứt headphone ra khỏi tai. Nhìn bà cứ vừa xa lạ vừa thân quen. Tôi luôn cảm giác đã gặp bà ở đâu đó. Cháu đi công tác về. Chú cũng đi máy bay lần đầu tiên hử? Bà già bên phải lại với qua, bà này lẩn thẩn, thanh niên người ta bây giờ đi mây về gió, đâu có lẩm cẩm như chị em mình. Bà già bên trái nhe răng cười, hàm răng rụng gần hết, cái hàm đầy lợi cứ ngọng nghịu như trẻ nhỏ. Chuyến này là chuyến đầu tiên thím đi máy bay chú ạ. Đêm qua, thằng em nó gọi điện ở mãi Hưng Yên vào Cần Thơ, nói bà mẹ thím sắp mất, nằm thoi thóp rồi, chờ thím về thôi. Nên vội vàng đi mua vé máy bay, chứ rảnh rang thì thím đi xe đò. Đi xe đò cũng hay lắm, gió mát, đi khắp cả đất nước. Rõ ràng bà không còn sợ cảm giác mình sắp mất mẹ. Có vẻ ở vào cái tuổi đi đứng lập cập, nói cười run run, cái chết lại được coi là một sự giải thoát thì phải. Tôi nhìn bà, da đồi mồi, những nốt đen tuổi già lốm đốm làm khuôn mặt xám vì nắng vì gió giống như một tấm bản đồ cũ nhàu. Thế chú làm công việc gì? Cháu làm nhà báo. Nhà báo hử? Ngày xưa thằng cu nhà thím...
Bà già nói lưng chừng, rồi mắt hướng tìm ra ngoài cánh bay. Ngoài ấy, giữa chiều tà, những vực mây khổng lồ như những bông hoa cúc lớn cuốn lấy chiếc máy bay bé nhỏ. Bà già bé xíu ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bay, hành trang chẳng có gì, có mỗi chiếc túi xách xinh xinh như mấy cô mấy bà đi chợ huyện. Hành trình ngàn cây hóa ra với bà cũng nhẹ. Thật không biết lúc này bà nghĩ gì, có mơ hồ nghĩ đến mẹ, hay bà nghĩ về thằng con trai. Cái thằng con trai đó, theo những phim truyền hình VN mà tôi hay xem vào chiều chủ nhật, cứ khi nhân vật chính ngưng nói, mắt hướng xa xăm, giọng ầng ậng nghèn nghẹn, máy quay zoom sát vào đôi mắt đục lờ, buồn bã... thì hoặc là cái thằng con đó cực tốt nhưng chẳng may tai nạn đập gãy ước mơ, hoặc là nó huy hoàng thiếu nhi nhưng thanh niên tàn tạ vì nghiện ngập. Đại loại là như vậy. Nên tôi rất muốn biết bà già kia nói gì về thằng con.
Thằng cu nhà thím nó làm sao? Bà già nhẫn mặt ngọc quay qua hỏi. À thì chẳng làm sao. Nó chỉ mê làm nhà báo thế thôi. Bà già nói qua quít. Rồi lại quay đi. Rõ là một câu chuyện lãng xẹt. Rồi bà già lại gọi, này chú, nghe nói người ta bay đi nước ngoài toàn là bay qua biển, lỡ mà nó rơi xuống biển thì mình chẳng chết đuối ư? Bà già nhẫn mặt ngọc lại bĩu môi, rõ là chập cheng quá cái bà kia, đang đi trên máy bay mà toàn nói chuyện gở, ghê quá, máy bay nó mà rơi thì xuống đâu bà cũng biến thành một nắm cát, chả còn tí máu huyết xương cốt gì đâu mà lo. Bà già bé nhỏ quay qua nhìn bà nhẫn mặt ngọc, vẻ không ưng bụng nhưng thấy rõ sự yếu thế của mình. Không đáp trả bà già mặt ngọc, bà khẽ bấu vào tay tôi, thế hử chú? Tôi lại rơi vào trạng thái bối rối.
Con trai thím tên Phát đúng không? Trời, sao chú biết? Chú quen với nó hử? Cái bà già này, tôi bật cười, nội cái miệt đồng Nam bộ thôi cũng có cả triệu người tên Phát. Phàm ai cũng lo chuyện làm ăn, gửi cả sự tham lam của mình vào cái tên con là Phát. Tôi nói với bà, cháu có biết một anh tên Phát, chẳng biết có phải con bác không. Ngày xưa anh ấy học cùng lớp báo chí với cháu, nổi tiếng cả trường vì có mình anh ấy nói tiếng miền Nam. Vậy á hả? Chắc không phải con thím rồi. Con thím nó đẹp trai lắm, cao thước bảy thước tám, mặt nó đẹp hơn Kim Tiểu Long, mà nó ca vọng cổ sáu câu cũng mùi lắm chú. Tôi nói đùa, cái anh Phát cháu quen cũng đẹp trai cỡ đó đó bác. Nhưng có biết hát vọng cổ không? Bà già nhìn chăm chăm, giọng như dấn lên. Tôi định nói rằng có. Người miệt dưới, ai sinh ra lại không biết ca mấy câu vọng cổ, người xứ lạ tới đó ở vài năm cũng xuống xề mùi mẫn như thường. Bà già nhìn tôi có vẻ tuyệt vọng. Tôi buông một câu không biết đúng hay sai, anh này chỉ giỏi chơi bóng đá chứ không biết ca vọng cổ thím ơi.
Nghe rõ tiếng thở phào của bà già qua hai cánh mũi phập phồng. Bà già nhẫn mặt ngọc đã thiêm thiếp, như chứng minh rằng cuộc chuyện của cái bà già nhà quê chân dính phèn kia là lảm nhảm và gây buồn ngủ. Bà già ngồi như lún sâu trong lòng ghế. Thằng Phát nhà thím ngày xưa nó học giỏi lắm. Nó tính đi học làm nhà báo. Ngày đó nó học giỏi, mấy chị nhà báo về viết bài ca ngợi, thím cũng được lên báo cùng nó đó. Mà rồi nhà nghèo...
Nói rồi thấy bà lục trong cái túi một tấm giấy nhỏ ép nhựa. Một bài báo. Hình bà và một thanh niên trẻ, cười rạng rỡ. Bây giờ báo chí thích viết chuyện cổ tích, những câu chuyện về nghị lực phi thường trong cuộc sống con người. Bài báo đó là một câu chuyện cổ tích và tôi đang ngồi bên cạnh một nhân vật của thế giới thần tiên. Chắc bà muốn mang bài báo đó về quê cho bà con họ hàng đọc. Bao năm biệt xứ, từ đầu này về lại đầu kia của dải chữ S, khi đi son rỗi, khi về làm mẹ thần đồng, kể như cũng là một thứ chiến công. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt chàng trai. Một cái gì đó quen thuộc. Nói chính xác là một khuôn mặt rất dễ lẫn, như thể đã gặp ở đâu đó nhưng lại như chưa từng quen. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy cả trăm khuôn mặt vậy mà lắm khi không thấy nổi một gương mặt nhang nhác thân quen. Nhưng rồi trí nhớ đã thức giấc. Anh Phát giờ làm gì hả thím? Ờ thì làm ba cái thứ lặt vặt thôi. Lặt vặt là sao? Thì là ba cái chuyện nhăng nhít vậy mà. Ủa mà chú hỏi chi vậy? Chú đâu quen nó đâu...
Thì tôi đâu quen Phát đâu. Nhưng tôi biết, thậm chí khi đọc tập kết luận điều tra bên cảnh sát cho mượn, tôi còn biết Phát đã làm những gì trong hành trình trốn chạy khỏi sự thật đời mình. Và tôi sợ khi tôi gọi tên bà già, bà sẽ ngất đi. Vì lúc đó tôi giống một con ma hiện hồn trên máy bay, tự dưng xa lạ mà biết cả tên mẹ lẫn tên con. Cuộc đời lạ lùng, đôi khi cứ neo quấn những thứ không liên quan lại, đôi khi làm mọi chuyện rối tung mà chẳng vì mục đích gì cả... Thím có hay đọc báo không? Thím hử, ngày trước hay đọc báo, thằng Phát viết bài được đăng báo đó chú, cuối tháng được ra bưu điện lãnh tiền, nó về mua quá trời quà cho thím. Nó mua cái áo này đó, tốt không, gần chục năm mà vẫn đẹp vẫn mới. Từ ngày nó đi làm xa, thím cũng chả mua báo. Đọc báo sao bằng nghe ca vọng cổ. Hồi mấy năm trước, nó có gửi thư về, nó nói nó đã qua Mỹ rồi, đi máy bay qua biển, đẹp lắm. Thím chả thích nó qua đó, nghe nói qua đó toàn làm móng chân móng tay cho đàn bà con gái, sơn phết như vẽ mặt tuồng, ớn ớn ớn... Tôi nhìn lại chiếc áo của bà già. Một chiếc áo tím hoa cà, chẳng độc đáo gì, nhưng tôi đồ rằng bà cũng giống mẹ tôi, chiếc áo mới trong đáy hòm gỗ mỗi năm có lễ trọng mới đem ra mặc, nếp áo chưa vuốt thẳng, sực nức mùi băng phiến. Trong thâm tâm người đàn bà này, hẳn nhiên Phát là một ngọn đuốc sống rực rỡ. Và tôi thở phào, thật may là chẳng bao giờ bà đọc báo...
Tự dưng tôi cứ liên miên nghĩ về Phát. Chàng trai đầy mộng đẹp, vậy mà phút chốc chạy vụt qua một cõi ảo vọng. Đời người ta lúc nào cũng như lên dốc vậy, những con dốc lớn nhỏ, ai cũng muốn leo được những đỉnh dốc cao mà quên mất rằng khi lên đến đỉnh sẽ là một mặt xuống thăm thẳm chẳng kém khi trèo lên. Tấm hình lưu trong hồ sơ cảnh sát cũng chính là tấm hình được cắt ra từ trên báo. Trên đó, Phát vẫn cười rạng rỡ. Tôi nhớ rất rõ rằng khi tôi đọc hết gần 100 trang hồ sơ về vụ án của Phát, tôi đã bị ám ảnh nặng nề bởi những lời khai đôi khi trần trụi và thành thật đến mức làm người khác hoảng sợ. Phát đó, một mối tình cùng dấu, những mưu toan tiền bạc, những mơ ước đến thành phố không bao giờ tắt ánh sáng ở bên kia đại dương. Phát đó, bóng tối đã phủ lên đôi mắt tinh anh ấy từ lúc nào nhỉ? Phát đó, phải chi tôi không đọc những chi tiết về anh, tôi đã chẳng bận tâm thêm đến bà già ngu ngơ không liên quan đầy những câu chuyện tầm phào như thế...
Cô tiếp viên kéo xe thức ăn qua chỗ chúng tôi, mời chào mua đồ ăn trên máy bay. Bà già bảo, mình phải cảm ơn cái máy bay này, nó không cho mình ăn, nó giảm cho mình tới hai trăm ngàn chú ạ. Thím bỏ bữa ăn máy bay, thím mang tiền về quê, làm được hẳn mâm cỗ mời họ hàng. Tôi bật cười. Nếu bà biết được sự thật rằng tôi đã săn được chuyến đi này với giá vé chỉ vài trăm ngàn ở trên mạng, nghĩa là rẻ như đi xe đò từ Hà Nội vào Sài Gòn, chắc bà sẽ lăn đùng ngã ngửa ra mà đòi tôi dạy cách truy cập mạng Intemet để mua vé online. Tôi bảo bà già, thím uống nước ngọt không, con mua cho. Bà già lắc đầu, nước ngọt uống vào bụng réo như cửa biển, gas nổ lọc xọc trong dạ dày thấy ớn. Tôi nhìn đồng hồ, sẽ còn chừng 40 phút bay. Tôi mua thêm cho bà một chai nước suối. Bà già cảm động lắm, mắt rưng rưng, rồi bà tu nước như vục mình vào chiếc gáo dừa trong vại nước trước sân thân thuộc. Vuốt miệng, bà quay qua, trời đất, sao cái nước suối này nó ngọt như nước mưa vậy chú? Mà sao chú tốt với thím quá vậy chú? Tôi muốn nói với bà, tôi thực tình không tốt mà chỉ vì một thói quen, khi ăn mà có kẻ nhìn mình bên cạnh là cảm thấy nhột nhạt, là thấy không yên ổn. Tôi mua cho bà chai nước là tôi mua cho tôi sự an lòng mà thôi. Chứ tới Hà Nội thì chú về phố nào? Cháu về đường Trường Chinh. Thím về Nguyễn An Ninh. Nguyễn An Ninh ở đâu hử chú? Bà già đeo tràng hạt đã thức dậy từ lúc nào, miệng ngáp ngáp, với sang như một thói quen, cháu đi cùng đường với bà ấy, cho bà ấy đi xe về cùng, lơ ngơ như nai toi thế kia, biết tìm sao ra đường, lại bị cái lũ xe ôm nó lừa cho hết sạch tiền rồi bơ vơ đấy. Taxi hết 200.000, chú trả 150.000, bà ấy 50.000, đằng nào chú chẳng phải thuê một cái xe, có phải không? Tôi quay qua bà già, bác cứ đi cùng cháu, cháu xuống trước, nhưng sẽ bảo taxi đưa bác về tận nhà. Nhưng đó là nhà bác hả? Bà già lắc đầu, không, là nhà đứa em, nó chết từ mồng thất rồi, chỉ còn đám cháu chắt thôi. Thím ở đó qua đêm rồi mai bắt xe đò về Hưng Yên sớm. Vậy chú cho thím đi về cùng xe có được không? Tôi đồng ý. Bà già đeo tràng hạt cũng có vẻ an lòng. Người già có vẻ dễ đồng cảm với nhau chỉ vì một điều be bé. Bà già đeo tràng hạt đã có sẵn một chiếc xe hơi của anh con rể tổng giám đốc đợi ở sân bay rồi. Tôi tự dưng ngồi giữa hai bà già với hai thế giới. Tôi không thích nghịch cảnh, ghét nhất những sự tréo ngoe ở đời. Tôi càng ghét sự so sánh. Thế mà tôi cứ phải liên quan đến những thứ mệt óc này hoài. Tuổi già như ban chiều, mà sao có chiều mây sáng đẹp mà có chiều vần vũ mưa dông...
Chuyến bay hạ cánh trễ tại Nội Bài 30 phút. Cô tiếp viên nói trước khi chào tạm biệt, nhiệt độ bên ngoài là 19 độ C. Ngày tôi đi Sài Gòn trời đã tan những cơn gió lạnh, bất giác ngày về lại bị gió đón đợi hun hút giữa phi trường. Tôi dặn bà già, thím cứ đứng đợi con ở cửa, đừng có lên cái taxi nào, con lấy hành lý xong rồi thím cùng con đi. Mỗi lần bay về đêm, đi trên chuyến xe về lại thành phố, tôi luôn cảm giác đó là một giấc mơ buồn thảm, vì đó là một con đường quá dài, vắng vẻ và dường như chẳng còn gì đón đợi ta ở cái thành phố mười giờ tối đã tàn lụi gần hết những ánh đèn. Đưa bà già về nhà, có khi tôi lại không mất ngủ vì thói cả nghĩ và hết lo sợ sự bất an. Tôi ôm bịch trái cây ra cửa, nghĩ bụng, có lẽ chia cho bà già một chút. Trái cây bạn bè gửi ra cho Bòn Bon, Bòn Bon còn nhỏ xíu, nào đã biết ăn gì, chia cho bà như một sự thơm thảo. Bà già đang đứng trước cửa, đôi mắt âu lo giống như người ta đứng giữa một biển người mà không tìm được điều gì thân thuộc. Bác Vĩnh, cháu sẽ chia cho bác một ít trái cây – tôi nói như đang trong một cơn mộng du. Bất giác bà già rùng mình, có thể trời quá lạnh mà bà ở xứ nóng lâu ngày. Rồi bà chạy rất nhanh lên chiếc xe buýt miễn phí của hãng hàng không đã rất đông người. Bác Vĩnh, sao bác lại...
Tôi vẫn không ngừng được nghĩ suy về Phát – người đàn ông xa lạ mà tôi chưa từng gặp mặt. Suy nghĩ của những kẻ tạm gọi là viết lách như tôi, nhiều khi bị lẩn thẩn và đi hoang ngang dọc những con đường không liên quan đến mình. Cho đến tận lúc này, không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng cả đời mình đi học chỉ mong biết được nhiều. Nhưng bà già này lại học được cách không biết gì để lòng mình bình yên, để lòng mình hi vọng, để trái tim người mẹ vẫn kiêu hãnh hát yêu con... Tôi đã gọi tên bà già ấy. Nhưng chắc bà chẳng nhận ra đâu, bà chỉ tiếc năm chục ngàn tiền taxi về Hà Nội cùng tôi thôi. Chắc là thế thôi. Bởi vì bà chỉ là người đàn bà không quen mà tự dưng tôi biết tên. Tôi đi xe về Hà Nội. Một mình tôi với con đường quá dài...
Dương Bình Nguyên