Gửi bài:

Đồi nho xanh

Hai mươi bảy tuổi, Kim chợt nhận ra: nho hãy còn xanh lắm ....

***

Kim ngồi bật dậy ngay khi chuông đồng hồ réo tiếng đầu tiên. Cô nhìn ra cửa sổ, ngoài kia trời hãy còn tối sẫm. Kim bước xuống giường và đột ngột rơi vào cảm giác hụt hẫng. Thì ra cô đã bước từ tầng hai của chiếc giường xuống. Nhỏ em họ nằm phía dưới vẫn ngáy khò khò.

Dì Dao đưa Kim ly trà bốc khói và khoanh bánh mì nướng, thơm ấm áp. Trời vào thu ngày càng lạnh. Đúng 7 giờ phải có mặt. Chuẩn bị tinh thần cho ngày hôm nay tốt chưa? Kim mỉm cười. Trong cuộc đời chỉ chuyên học hành thi cử của mình, chưa bao giờ cô hồi hộp như hôm nay. Ngày đầu tiên cô đã làm, một công việc "tay chân" đúng nghĩa.

doi-nho-xanh

Kim xỏ chân vào đôi ủng nhựa màu hồng của nhỏ em họ mười ba tuổi. Dì Dao nói ngoài ruộng toàn sình đất vì mấy hôm nay mưa. Cô mặc thêm áo ấm, cẩn thận cất đôi găng tay bằng nhựa mỏng vào túi rồi hấp tấp bước lên xe hơi. Mặt trời đã dần dần ló dạng trên hồ Léman mờ sương. Dì Dao lái xe hơi chầm chầm leo lên những con dốc. Những dãy nói thấp thòang ẩn hiện xuyên qua những rặng nho. Xe lên đến đỉnh đồi, bà chủ trang trại chạy lại chào đón dì cháu Kim. Vẻ mặt nhiệt tình của bà thoáng hụt hẫng khi trông thấy vóc dáng cô. "Nhỏ con giống dì của cháu! Hai mươi bảy tuổi mà trẻ quá!" Kim cúi mặt, tủi thân vì chiều cao Châu Á của mình. Những nhân công to lớn đang đứng lố nhố trước sân. Ông chủ bắt đầu phát áo mưa, kềm bấm và xô nhựa cho từng người. Kim được đưa lên xe công nông cùng đám thợ hái nho, tất cả đều khá trẻ. Cô bám thành xe, ngất ngư mấy lượt suýt ngã nhào vào anh chàng cận thị đứng kế bên.

Mặt trời đã treo lơ lửng nơi những ngọn núi mờ mây bên kia hồ. Những cây nho xanh mượt bao phủ toàn bộ những ngọn đồi nằm thoai thoải. Trong vòng từ bốn ngày đến một tuần, đám thợ hái nho phải hoàn tất việc thu hoạch, nếu kéo dài thời gian nho sẽ quá chín làm chất lượng rượu thay đổi. Vì tính thời vụ nên các chủ trang trại nho ở Thụy Sĩ thích thu gom nhân công từ những nước láng giềng. Ông chủ dừng xe ra hiệu cho mọi người leo xuống và bắt đầu phân lô làm việc. Kim quan sát chẳng thấy ai đeo găng tay nên cô không dám làm khác mọi người. Anh chàng cận thị tình cờ được phân luống sát bên Kim. Cô cười lân la – "Lại gặp nhau rồi" – Song anh ta ra dấu phải làm việc. Kim ngồi xổm xuống, bấm chiếc kềm vào chùm nho chín mọng đầu tiên mọc sát mặt đất. Xung quanh cô mọi người cắm cúi rà tay vào những cành lá um tùm, họ ngồi bệt xuống đất ẩm và từ từ lết đi theo chiều dài luống nho, tiếng kềm bấm lách tách là âm thanh duy nhất giữa ruộng nho rộng lớn với gần năm mươi nhân công. Thì ra "hái nho" không phải là vươn cao tay lên những giàn nho mọc trên đầu mà là cúi thật sát để tìm nho mọc dưới đất. Xô của Kim vừa đầy đã có một nhân công đến đổi cho xô trống và đem nho đã hái đổ vào bồn lớn cách đó chứng trăm mét. Cô hoảng hốt nhận ra mình làm chậm hơn mọi người vì tất cả đã lết xuống đoạn cuối của luống nho. Kim cố gắng tăng cường độ, tay cô mới thoáng đã trầy xước vì cành lá va quẹt. Chổ tiếp xúc với kềm bấm phồng rộp lên vì ma sát quá nhiều.

Khi bà chủ lái xe tải nhỏ chở bánh mì đen, phô mai và trà nóng ra ruộng nho cho nhân công, Kim nhìn đồng hồ ngao ngán. Chỉ mới hơn chín giờ. Mọi người được nghỉ tay mười lăm phút. Kim mỏi nhừ khắp cơ thể, cô ngồi bệt xuống vệ đồi. "Cận Thị" đến đem cho cô ly trà bốc khói và mẩu phô mai vàng rộm. "Khỏe không?" Kim gật đầu, xụi lơ.

- Lần đầu cô hái nho phải không?

- Ừm - Kim ậm ừ.

- Còn tôi, đây là năm thứ sáu tôi đến Thụy Sĩ làm công việc này.

- Anh người nước nào?

- Rumani

Anh ta chỉ cho Kim một vài người khác, họ đều là những nhân công quen thuộc vào mỗi vụ thu hoạch nho ở trang trại này. Anh rậm râu to lớn là kỹ sư hóa người Bungari, cô tóc hung có hai bím dài là nhân viên kế toán người Tiệp, anh điển trai đang cầm ly trà uống là sinh viên luật Ý.

- Còn anh làm nghề gì? – Kim hỏi.

- Tôi? – "Cận Thị" cúi đầu – Tôi là giáo viên dạy sử. Còn cô?

Kim do dự không biết nên trả lời thế nào. Bà ngoại giận dữ với quyết định làm nhân công hái nho của cô nên căn dặn "còn biết nhục thì tuyệt đối đừng khoe học hàm học vị của mình ra!" . Kim ngước nhìn mặt hồ Léman lãng đãng sương. Dãy núi mờ giăng những vệt mây trôi bồng bềnh. Cô ước chi mình được ngồi vẽ và đang cầm trên tay mẩu bút chì. Chiếc kềm bấm rơi hoảng vào không trung, lăn xuống sườn đồi.

- Tôi là bác sĩ từ Việt Nam sang Pháp tu nghiệp sáu tháng – Kim chậm rãi – Tranh thủ kì nghỉ phép tôi sang Thụy Sĩ thăm gia đình. Dì tôi giới thiệu với bà chủ!

- Việt Nam à? – Anh ngạc nhiên thú vị – Thường thì người Châu Á không thích hái nho vì công việc này nặng nhọc quá, không hợp với thể trạng nhỏ bé�

- Chúng ta lại tiếp tục công việc thôi.

Ông chủ gõ hai xô nhựa vào nhau ra hiệu. Kim đứng dậy loạng choạng, cô phát hiện tay cầm kềm đã rướm máu. Giấu mình trong những cây nho, Kim len lén đeo găng.

doi-nho-xanh-1

Khi bà ngoại hay tin dì Dao xin cho Kim làm nhân công hái nho, bà run người mắng cả dì lẫn cháu tham tiền. Dì tuy da vàng mũi tẹt nhưng sang Thụy Sĩ du học từ lúc hai mươi tuổi, lấy chồng Tây, sống theo đúng chủ nghĩa thực dụng của bên đây. Thấy Kim sang Thụy Sĩ đúng dịp thu hoạch nho, dì cho là cô may mắn có cơ hội kiếm tiền. Một ngày công hái nho trị giá một triệu đồng Việt Nam. "Lương bác sĩ mới ra trường của cháu cả tháng ròng còn chưa bằng!". Bà ngoại không chịu được ý nghĩ cô cháu tốt nghiệp trường thuốc phải còng lưng sát đất hái từng chùm nho cho những người chủ là nông dân chính gốc. Dù dì Dao nhắc đi nhắc lại nhân công đều là dân trí thức đến từ những nước nghèo hơn bà ngoại vẫn khăng khăng "Nhục! Nhục!" Kim biết công việc này vất vả, đối với người không quen làm việc tay chân như cô càng không dễ dàng. Suốt bao nhiêu năm đèn sách của Kim, từ những trường chuyên hồi phổ thông cho đến lúc vào đại học, mẹ cô còng lưng may đồ cho khách năm này qua tháng nọ chỉ với niềm vui nuôi con thành bác sĩ, để rồi khi cô ra trường, lưng mẹ lại còng sát hơn...

- Nghỉ tay ăn cơm, cô Việt Nam! - Cận Thị gọi – Hơn mười hai giờ rồi!

Kim đi theo toán nhân công ra bãi đất trống, bà chủ đứng cạnh nồi súp bắp cải thơm nghi ngút. Khi cô bê đĩa xếp hàng đến, bà tươi cười nhưng không giấu sự lo ngại:

- Ổn cả chứ? Nếu không theo kịp mọi người cô không cần cố gắng

- Cháu không sao!

Mặt trời lên đến đỉnh núi sau hồ nhưng cảnh vật hãy còn âm u. Ông chủ e trời sẽ mưa. Kim ngồi xuống vệ đồi, dựa lưng vào bậc đá ngăn cách những ruộng nho. Cô co cẳng lên, đặt đĩa súp nóng xuống gối. Từ tầm nhìn trên đồi nho cô tìm căn hộ của dì Dao nằm lẫn trong khi nhà xây ven hồ. Thụy Sĩ có lắm núi non và nhiều ao hồ nhưng Léman rộng lớn và xinh đẹp vẫn là niềm hãnh diện vô biên của dân địa phương. Những khu nhà ven hồ đều thuộc diện sang trọng dành cho giới thượng lưu. Bà ngoại đã lớn tiếng với dì " Mày không thấy xấu hô khi giáu có mà để cháu đi hái nho vất vả sao?" Dì đỏ mặt, trợn mắt lên "Thì phải lao động mới hiểu bên đây cực khổ mới kiếm ra miếng ăn! Ngày xưa con một thân một mình sang đây cũng phải nhọc nhằn làm lụng"

Bà chủ cầm bình trà nóng đến mời Kim. Giọng bà chân chất:

- Nghe dì cô nói cô được học bổng, đang học ở Pháp?

- Cháu là bác sĩ rồi, sang Pháp tu nghiệp.

- Thật sao? Có năm trang trại chúng tôi cũng có mấy bác sĩ bên Đông Âu sang hái nho. Nhưng bác sĩ Việt Nam thì hân hạnh quá!

Bà nán lại trò chuyện với Kim cho đến lúc ông chồng gõ hai xô nhựa vào nhau. Bà động viên chân thành: Can đảm lên! Đến bốn giờ chiều tôi lại đem bánh ngọt nhân táo cho mọi người ăn!

Và quả thật, Kim đã cố làm việc chỉ với niềm mong chờ được đến lúc nghỉ tay ăn bánh ngọt của bà. Mưa bóng mây làm ai nấy đều ướt tóc, nhưng tệ nhất là mùi đất chứa phân hóa chất bốc lên, váng cả người. Rồi nắng chợt le lói, ông chủ hối mọi người nhanh tay hơn. Mặt Kim nóng bừng, hơi thở bỏng rát, người nhớp mồ hôi. Cô cắt nho như máy và không còn để ý thấy trời dần sụp tối. Khi không còn ánh sáng để phân biệt giữa nho và lá, mọi người leo lên xe công nông về trại. Dì Dao chờ Kim tươi cười: Ổn chứ? Dì biết Kim làm nổi mà! Ăn cơm tối xong gọi điện về Genève cho bà ngoại, bả lo cho mày - Xe từ từ lăn xuống đồi, mặt trời chìm hẳn xuống hồ Léman mù sương.

Kim giật mình khi nghe kim đồng hồ réo tiếng đầu tiên nhưng tay cô không vươn nổi tới để tắt chuông. Kim phát hiện toàn bộ cơ thể cô đang đau nhức kinh khủng. Từ những đốt xương nhỏ nhất như các lóng tay cho đến các cơ bắp phải vận động nhiều như đùi và bụng đều đau đớn khi cô ngồi dậy. Sau giấc ngủ mệt mỏi đêm qua, hệ quả của công việc còng lưng mười hai tiếng đồng hồ hái nho mới bộc phát. Dì Dao đẩy cửa vào phòng nhìn Kim lo ngại "Sao rồi? Để dì lấy thuốc giảm đau cho uống! Bữa nay nghỉ làm rồi!" . Kim hốt hoảng "Không! Con cố gắng, nghỉ ngang như vậy kì lắm!" Dì cười, " Bà chủ vừa phone, nói dự báo thời tiết có mưa suốt ngày, mưa sẽ làm nho thu họach chứa đầy nước, rượu sẽ không ngon nên hôm nay nghỉ!". Kim nằm vật xuống giường, trong lúc cơ thể cô đang đau đớn, đây là một tin vui. Nhưng dì Dao chép miệng: "Thà tiếp tục làm thì mày sẽ quen với sự vận động. Nghỉ ngơi một ngày rồi lại làm tiếp chắc mày còn đau nhức hơn!" Cả ngày hôm đó Kim ngại cử động. Cô đau đớn khủng khiếp dù chỉ đặt mông ngồi xuống ghế hay với tay cầm cuốn sách. Lần đầu tiên trong đời cô mới biết thế nào là lao động chân tay. Hái nho quả thật vất vả, tất cả các cơ đều phải vận động. Nhỏ em họ tóc vàng to cao, rắn chắc và năng thể thao cười an ủi Kim. Nó hồn nhiên nói – Em "lực sĩ" vậy mà mẹ em sẽ không bao giờ để em đi hái nho nữa là chị! – Dì Dao tái mặt, sợ cháu tủi thân. Người dượng Thụy Sĩ "cứu bồ" bằng cách kể cho Kim nghe về lịch sử đất nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới này. Ngày xưa, người Thụy Sĩ nghèo lắm. Nước thì nhỏ bé mà lại lắm núi non, ao hồ, không có nhiều đất canh tác. Mọi người đa phần phải kiếm sống bằng cách làm thuê ở các nước lân cận. Ngoài việc đồng áng, làm bánh kẹo, nấu ăn...khi đó người Thụy Sĩ còn kéo sang Vatican bên Ý để xin làm chân gác cửa. Đó là lý do vì sao ngày nay, toàn bộ nhân viên bảo vệ canh gác cho Tòa thánh Vatican đều là người Thụy Sĩ. Ngày xưa ông cha họ sang đây làm thuê, nhưng ngày nay họ là những người mang trọng trách kế thừa lịch sử. Họ được nhà nước trả lương cao để minh chứng cho tính cách người Thụy Sĩ: từ làm thuê vươn lên thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Kim im lặng không ý kiến. Dì Dao e ngại lái sang ca ngợi vợ chồng người chủ trang trại nho "Họ giàu kinh khủng, vừa có đất trồng nho, vừa có xưởng sản xuất rượu. Vậy mà Kim thấy đó, họ rất bình dị."

Kim quay lại với những đồi nho dù cơ thể vẫn còn rất đau nhức. Anh chàng giáo viên Sử người Rumani gặp lại cô cười vui vẻ. Anh nói sợ sau một ngày làm việc quá vất vả cô đã bỏ trốn rồi. Lần đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, vượt qua được là chẳng còn gì để e ngại. Kim cười, nháy mắt hưởng ứng câu triết lý của anh. Thật ra, hôm nay Kim làm việc khó khăn hơn ngày đầu vì các cơ chưa hồi phục. Trời lại mưa phùn làm đất ẩm dậy mùi hóa chất. Nhiệt độ xuống thấp hơn, ông chủ báo "Rượu nho miễn phí, ai muốn uống cho ấm người cứ tự nhiên!" Bữa cơm trưa bà chủ tăng cường thêm hai loại thịt và lúc bốn giờ chiều mọi người được ăn bánh chocolate tuyệt với. Kim vẫn được bà ưu ái đến hỏi chuyện, động viên "Cố lên, cứ theo độ này thì ba ngày nữa là xong, cầu trời đừng mưa lớn. Ngày cuối cùng trang trại sẽ dành cho cô một bất ngờ!"

Có lẽ vì chờ đợi sự bất ngờ bà chủ hứa hẹn nên Kim đủ can đảm làm đến ngày cuối cùng. Bà ngoại tối nào cũng phone đến hối về Genève "Họ trả con bao nhiêu tiền bà ngoại cho con bấy nhiêu!" Dì Dao ngược lại rất hài lòng vì Kim không bỏ việc nửa chừng. Dì luôn miệng ngọt ngào "Bà chủ khen lắm, siêng, hiền lành!"

Khi những chùm nho chín mọng cuối cùng trên đồi đã được cắt khỏi cành và những chuyến xe trĩu nặng thành quả háo hức quay về xưởng sản xuất, trang trại mở tiệc ăn mừng vụ thu hoạch. Dì Dao dẫn nhỏ em họ cùng đến dự với chiếc caméra mini. Nó quay khuôn mặt đỏ hồng của Kim, những giọt mồ hôi giữa tiết trời mười lăm độ và cả anh chàng Rumani cũng lọt vào ống kính. Những chiếc đèn lồng được thắp lên, rượu nho tuôn trào cùng hai món cổ truyền của Thụy Sĩ là fondue và raclette. Từng nhân công được ông bà chủ gọi tên trao phong bì lương và một giỏ mây đầy nho, tượng trưng cho thành quả của mỗi người. Ai cũng được chụp hình để trang trại lưu vào sổ kỷ niệm. Bà chủ tưởng tượng mười năm nữa một nữ bộ trưởng Y tế của Việt Nam sang Thụy Sĩ, đến xưởng nho này và mở sổ lưu niệm ra "Ngày trẻ, tôi đã lao động trên những luống nho này!" Cận Thị nói thầm vào tai Kim - Ai bả cũng tặng cho một tiền đồ rất sáng sủa, không bộ trưởng cũng thị trưởng, tệ như tôi thì "nhà sử học quốc gia".

Lúc Kim gặp riêng bà chủ để chào lần cuối, bà đưa cô một gói quà nhỏ "Đây là điều bất ngờ tôi dành riêng cho cháu. Tôi biết mấy ngày qua cháu cố gắng nhiều lắm. Tội nghiệp. Nhìn là biết cháu không quen việc nặng." Theo phép lịch sự phương Tây, Kim mở quà ra trước mặt người tặng. Chiếc đồng hồ đeo tay có dây vẽ những chùm nho chín mọn để kỉ niệm nước Thụy sĩ và mùa thu hoạch nho nhé.

Dì Dao lái xe chầm chậm xuống đồi, tiếng nhạc khiêu vũ của buổi tiệc hãy còn náo nức. Dì tiếc rẻ, "Thôi Kim mệt quá thì mình về chứ tụi nó nhảy suốt đêm đó." Rồi đột ngột dì phấn khích "Chưa bao giờ bà chủ này tặng quà cho nhân công. Dù không đáng giá lắm, bả làm dì cảm động, dì tự hào về mày, nhớ khoe cho bà ngoại biết chuyện này!" Kim im lặng ôm giỏ nho vào lòng.

Vừa về nhà bà ngoại, Kim được đẩy vào bồn tắm với chai hương liệu mùi bạc hà. "Ngâm mình trong nước nóng với dầu bạc hà sẽ làm con đỡ nhức gân cốt." Kim nhắm mắt nghe mùi thơm dịu của bạc hà len vào từng tế bào. Cô biết đến cả tuần sau các cơ bắp sẽ vẫn còn đau nhức. Lúc Kim bước nhẹ nhàng ra khỏi phòng tắm, bà ngoại đang lầm rầm đọc kinh, giỏ nho cô đem về nằm trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.

Hai mươi bảy tuổi, Kim chợt nhận ra: nho hãy còn xanh lắm ....

Dương Thụy

Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
ta là gió
 

Ta là gió, gió phải được tự do

Kagura (Inuyasha)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage