Gửi bài:

Con vàng và xe đạp

(truyenngan.com.vn) Tôi mở cổng, con Vàng chui ngay vào lòng tôi. Tôi ôm con Vàng oà khóc, con Vàng rên rỉ mãi.

***

Một hôm trên đường đi học, tôi trông thấy một con chó nhỏ lông vàng ngồi dưới một gốc cây, tôi đem hai củ khoai lang mà mẹ cho tôi ăn bữa sáng ném cho chó.

Khi tan học, con chó vẫn ngồi tại đấy. Chó nhìn thấy tôi, bám theo sau lưng tôi, lắc đầu nguẩy đuôi với tôi. Tôi về đến nhà, chó cũng theo tôi vào nhà.

Mẹ không đồng ý cho nuôi chó. Mẹ tôi nói: "Người nhà ta cơm còn ăn chưa no, lấy đâu cái cho chó ăn!"

Nhà tôi nằm trong một ngôi làng nhỏ, Cả nhà chỉ có vài mẫu ruộng, bố mẹ tôi phải đi làm thuê cho người ta để kiếm thêm miếng ăn cho cả nhà. Mà ba anh em nhà chúng tôi lại đang ở vào tuổi ăn tuổi lớn, đều ăn rất khoẻ. Thóc gạo trong nhà thường không đủ ăn, sắn, khoai lang là lương thực ăn thường xuyên trong năm.

Tôi năn nỉ mẹ: "Từ nay về sau, con sẽ ăn bớt đi!" Mẹ im lặng, không nói gì.

Con chó được giữ lại như thế đấy. Tôi đặt tên cho con chó là Vàng.

con-vang-va-xe-dap

Con Vàng đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tôi xem con Vàng giống như một người bạn thân thiết của mình.

Năm sau, tôi thi đỗ vào trường cấp 3 của huyện. Bố mẹ không cho tôi đi học. Bởi theo quan niệm của người dân quê thì con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết mặt chữ là lấy chồng. Con gái học lắm rồi cao không tới, thấp không thông lại thành bà cô thì khổ. Nhiều cô gái trong xóm mới 18 tuổi đã khăn gói về nhà chồng làm dâu, 20 tuổi đã tay bồng tay bế. Tôi lại là cô gái nhà quê trăm phần trăm, theo cách gọi của mọi người. Tuy nhiên tôi lại không chấp nhận cái cảnh vẫn diễn ra ở làng quê mình. Mặc cho bố mẹ và họ hàng bàn ra tán vào, mọi ý kiến biểu quyết tôi đều nghe tai trái nó lại lọt ra tai phải, còn ý tôi là quyết đi học dù không có ai ủng hộ tôi vẫn cứ làm. Tôi là người đầu tiên trong làng bỏ mặc ngoài tai mọi lời dị nghị dèm pha.

Học cấp ba phải nội trú vì nhà quá xa, riêng tiền ăn, ở một tháng đã tốn quá nhiều tiền mà bố mẹ tôi lại không thể kham nổi. Tôi nói với bố mẹ: con không ở nội trú, con sẽ tự đạp xe đi về mỗi ngày mặc dù trường cách nhà tôi mười mấy cây số.

Nhưng tiền ở đâu để mua xe đạp mà đi học, bố mẹ bảo phải bán con Vàng đi để lấy tiền mua xe đạp. Tôi quyết tâm phải giữ con Vàng lại bằng mọi giá. Trong thời gian chờ nhập học, tôi tranh thủ đi cấy, gặt thuê và mò cua bắt ốc để dành dụm tiền mua một chiếc xe đạp cũ kỹ.

Thế là tôi đi học, mỗi ngày cả vòng đi lẫn về, tôi đạp chiếc xe cà tàng hơn ba mươi cây số. Mùa đông thì trời mưa và lạnh thấu xương. Các bạn gái khác áo đơn áo kép đủ màu sặc sỡ còn tôi khẳng khiu trong chiếc áo gió mỏng manh giữa ngày buốt giá. Mùa hè thì nắng rát da. Những hôm phải học cả ngày, tôi phải dậy sớm nấu cơm ăn sáng rồi đem theo một vắt cơm với muối để trưa ăn. Khổ cực là vậy nhưng tôi không khóc tý nào.Con đường đến với vinh quang thật chẳng dễ chút nào.

Năm tôi học lớp 11, trong một lần chủ quan tôi đã làm mất chiếc xe đạp. Thời gian này là giữa học kỳ nên tôi không có thời gian để đi làm thêm kiếm tiền mua chiếc xe đạp khác.

Trùng hợp là, Nam, bạn học của tôi rất khoái con Vàng. Bố của Nam làm việc trên thành phố, mỗi tháng về nhà hai lần. Nam cùng mẹ cậu lo lắng có người xấu mò vào nhà cậu, nên muốn mua con Vàng của nhà tôi để canh giữ nhà cậu, con chó trước đây của nhà Nam bị người ta bắt trộm, ăn thịt mất rồi.

Mẹ tôi đồng ý liền nhưng tôi không đồng ý, mẹ nói: "Thế thì con đừng đi học nữa!"

Vừa nghĩ đến không đi học nữa, phải suốt ngày ở nhà làm ruộng, lòng tôi rất buồn. Tôi ứa nước mắt đồng ý. Tôi tự nhủ là hàng ngày có thể qua nhà Nam thăm con Vàng. Như vậy thì đâu đến nổi là tôi phải xa nó vĩnh viễn.

Nhưng, con chó Vàng không chịu đi về nhà Nam. Nam đem xương, thịt cho con Vàng, nói: "Mi về nhà ta, ta thường xuyên lấy xương, thịt, cá cho mi ăn. Mi ở nhà ta được ăn ngon hơn nhiều nhà khác!".Con Vàng dứt khoát không ăn xương, thịt để trong bát. Mùi thơm của xương, thịt làm cho tôi thèm đến nhỏ nước miếng.

Sau đó, bố tôi lấy dây xích thòng vào cổ con Vàng, lôi nó đi. Con Vàng cứ kêu oăng oẳng mãi.

Bữa cơm tối, tôi không nuốt được một miếng nào, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến con Vàng.Mọi người trong nhà không ai để ý đến tôi và càng không để ý đến việc vắng bóng con Vàng, bố mẹ còn rất nhiều mối quan tâm khác.

Ngày hôm sau, trời chưa sáng, tôi đã nghe thấy tiếng chó kêu ư ử, ôi, là con Vàng. Tôi mở cổng, con Vàng chui ngay vào lòng tôi. Tôi ôm con Vàng oà khóc, con Vàng rên rỉ mãi.

Bố tôi lại dắt con Vàng ra đi.

Bố tôi nói với mẹ của Nam: "Chị cột chặt chó ở trong sân, đợi nó quen với mọi người, mới cởi dây xích ra, thì nó mới không chạy về nhà tôi nữa!"

Nhưng hai ngày sau, con Vàng lại chạy về, trên cổ con Vàng vẫn còn vương một mẩu dây xích nhỏ. Chắc là con Vàng đã cắn đứt dây xích mà trốn chạy về đây.

Nam nói với tôi: "Con chó này của bạn chỉ quen thân bạn. Mình cho nó thịt, xương thơm phức, mà nó cũng không chịu ăn!"

Suốt hai ngày liền ở nhà Nam, con Vàng không chịu ăn gì. Vậy mà khi về nhà, tôi xới một bát cám heo để xuống đất, con Vàng chỉ ăn loáng một cái là hết, tôi lại xới một bát nữa cho con Vàng ăn, song tôi lại không dám xới cho nó bát thứ ba nữa.Mẹ tôi biết mà không đánh tôi thế mới lạ!
Tôi ứa nước mắt khi nhớ đến câu tục ngữ: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!". Nhưng số tiền mẹ Nam đưa, bố tôi đã lỡ mua xe đạp cho tôi đi học mất rồi. Tôi cứ giận mình mãi vì để mất chiếc xe đạp nên mới làm khổ con vàng. Tâm trí tôi cứ nghĩ mãi về con vàng mà quên mất niềm háo hức khi có xe đạp mới.

Ăn cơm tối xong, bố tôi lại muốn dắt con Vàng ra đi.

Tôi nói: "Bố ơi! Ngày mai dắt con Vàng đi vậy!"

Bố tôi nói: "Không được! Ngộ nhỡ đêm nay có ăn trộm mò vào nhà bà ấy thì sao?"

Bố tôi cầm đèn pin, dắt con Vàng đi ra khỏi cổng, con Vàng không chịu đi. Bố tôi lại lôi con Vàng đi. Con Vàng cực kỳ không muốn đi tiếp, cứ vùng vằng lồng lộn sau lưng bố tôi.

Tôi không chịu nổi được cảnh đó, bèn xin với bố rằng: " Con sẽ qua nhà Nam năn nỉ xin lại con Vàng, con sẽ đem chiếc xe đạp mới mua chuộc lại con vàng, con sẽ xin với mẹ Nam là chờ đến hè con sẽ đi làm thêm kiếm tiền chuộc lại chiếc xe đạp, còn bây giờ con sẽ tự đi bộ đến trường".

Vậy là tôi tự đi bộ đến trường suốt mấy tháng trời sau đó giữa cái nắng chang chang như thiêu như đốt.

Thời gian cứ thế trôi đi cho đến mùa hè năm đó, tôi lại tranh thủ mọi thời gian, mọi cơ hội đi cấy, gặt thuê và mò cua bắt ốc để dành dụm tiền chuộc lại chiếc xe đạp. Đầu năm học mới tôi đã dành dụm đủ tiền để chuộc lại được chiếc xe đạp đi học. Kể từ đó con Vàng và chiếc xe đạp là những người bạn không thể thiếu của tôi ...

Thu Hiền

Ngày đăng: 25/02/2014
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Mark Zuckerberg
 

Hãy làm những gì mình yêu thích

Mark Zuckerberg- CEO Facebook

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage