Gửi bài:

Ngôi nhà trên cây

Tôi trở lại quê hương sau hơn 10 năm xa cách, 10 năm không phải thời gian quá dài, nhưng chừng đó cũng đủ để làm mọi thứ đổi thay. Những con đường, dãy phố, hàng cây... tất cả khoác lên mình một bộ áo mới tráng lệ hơn. Tất cả đã thay đổi rồi, nhưng chỉ có một thứ vẫn còn vẹn nguyên, đó là kí ức. Kí ức của một tuổi thơ gắn bó với mảnh đất thân hương này.

***

Tôi tìm lại con đường mà ngày xưa tôi hay đi, đường giờ đã tráng nhựa, đoạn này ngày xưa là đường đất, đá lởm chởm, hai bên là hàng dã quỳ xanh um. Tôi bước đi với những kỉ niệm, khẽ cười nhìn ngắm những đổi thay và rồi bất chợt thấy mình nhỏ lại, hồn nhiên như đứa trẻ lên mười. Vừa đi, vừa lục lọi lại những hình ảnh trong quá khứ thì bỗng chân vấp phải một thứ gì đó và rồi bất giác nhận ra con đường bê tông đang dần hóa thành đường đất. Đang bàng hoàng không biết có chuyện gì xảy ra thì có đứa nào gọi tên tôi từ phía sau, sau những bụi dã quỳ đang mùa hoa nở, vàng rực.

ngoi-nha-tren-cay

- Ê Bòi, đợi tao với, tao lấy được đinh rồi đây – thằng Tùng vừa chạy vừa nói, gương mặt có vẻ hớn hở như vừa chiếm được chiến lợi phẩm.

Bỏ mặc cái nụ cười răng sún của thằng bạn, tôi đang bàng hoàng vì mình đã lạc vào thế giới của tuổi thơ rồi sao ấy. Tôi tự cười với mình một điệu khó hiểu, nó gọi tôi là "Bòi" cái tên hồi bé của tôi, mà tôi cũng chẳng hiểu sao ngày xưa má tôi lại đặt tên như vậy, nó chẳng giống ai cả.

- Đâu? đưa đây coi - tôi giật lấy túi đinh trên tay nó - được đó, đinh dài này chắc dùng được.

- Không được mới lạ, tao phải tốn bao công sức mới chôm được của ông nội tao đó mày - thằng Tùng vừa nói vừa ưỡn ngực ra khoe thành tích, mà tôi cũng công nhận nó xuất sắc thật, chứ gặp tôi, tôi chẳng biết đào đâu ra. Nhưng tôi cũng giỏi không kém nó.

- Xùy... công sức mày là cái đinh rỉ gì, xem tao nè... ten, ten, ten - tôi nhanh nhảu rút trong giỏ ra một con rựa sắc lẻm với cái vẻ mặt bất ngờ của thằng bạn - à khoan, còn nữa, ten ten ten - tôi tiếp tục rút cái búa đóng đinh ra. Bây giờ thì nó phục tôi sát đất rồi, đố nó cũng không dám chôm mấy cái này của ông nội nó. Bị phát hiện chắc no đòn.

Sau màn khoe chiến lợi phẩm hùng hổ, cả hai nhìn nhau há hốc như cùng phát hiện ra điều gì.

- Bò...

***

Tôi 10 tuổi, còn đi học, công việc hằng ngày của tôi là... đi chăn bò. Ở làng tôi trồng cà phê nên nhà nào cũng nuôi bò để lấy phân, thế là đám trẻ con chúng tôi phải làm nghề "chăn bò" mặc dù chẳng thích thú gì cả, chúng tôi luôn bị lũ bạn ở thị trấn chọc ghẹo. Lúc đầu ngại lắm, dần dần chai mặt, đôi khi còn cảm thấy đó là một nghề cao quý nữa.

Còn thằng Tùng, nó không phải ở làng tôi, nó có cái nhà to nhất Thị Trấn, nhà nó giàu khụ. Nó là một trong số những thằng bạn nhà giàu của tôi mà chẳng bao giờ chê tôi là thằng chăn bò. Nhà nó trên thị trấn, nhưng nhà ông nội nó lại ở cạnh nhà tôi, vì thế mùa hè năm nay nó xin về đây chơi và cũng vì thế mà nó được đầu quân vào biệt đội chăn bò của chúng tôi.

Vì ở đây cũng có nhiều làng, nên tụi chăn bò cũng phân chia địa bàn ra hẳn hoi. Chúng tôi làm chủ nông trường, bãi xình và bãi một. Còn tụi mỏ đá thì chăn ở bãi bằng, đồi bốn và bờ hồ. Đôi khi hai bên cũng xâm phạm lãnh thổ của nhau, và những lúc đó thì y rằng sẽ có một trận hỗn chiến. Có lần tôi bị đánh sứt đầu, máu chảy bê bết. Nhưng tôi không bao giờ khóc cả, tôi cho đó là vinh quang, một thứ vinh quang mà chỉ có tụi chăn bò chúng tôi có được.

Thông thường, vào mùa đi học chúng tôi chỉ chăn được 1 buổi nên thả bò ở bãi xình, chỗ này gần nhà. Còn mùa nghỉ hè thì chăn ở bãi một, bãi này nằm ở bìa rừng, xa tít tắp, đi từ nhà đến nơi cũng mất 1 tiếng rưỡi. Nhưng chăn ở đây sướng nhất, chẳng phải lo lắng gì cả, cỏ non, bãi rộng, có suối nữa. Nhưng điều thích thú nhất ở đây, là chính giữa bãi có một cây đa thật to, chúng tôi thường trèo lên đó chơi, bọn con nít chúng tôi thích nhất là trèo cây mà.

Nói đi chăn bò, nhiều người nghĩ chắc sẽ khổ, nhưng thật ra sướng lắm. Buổi sáng bọn tôi lùa bò vào bìa rừng, thả bò ăn tự do ở đó rồi cả lũ kéo vào rừng tìm phong lan và dớn, đến chiều thì chúng tôi ra lùa bò về, có hôm ra hơi trễ, cả đàn bò kéo nhau về trước, thế là cả đám hỏa tốc chạy về, may mắn là không mất con nào cả. Nhưng có một lần, con bò hiếu động nhà thằng Tý lạc mất, kết quả là nó lạc vào vườn ngô nhà ông Sáu Đồng và bị con trai ổng chém một phát đứt đuôi. Và cũng kể từ đóng không đứa nào bén mảng vào rừng nữa, bọn tôi chỉ chơi ở cây đa, ngồi ở trên cây có thể quan sát hết bãi một. Cây đa này cũng như là nhà của đám trẻ chăn bò vậy, ăn trưa cũng ở trên cây, ngủ cũng trên cây và đây cũng là chỗ dấu chiến lợi phẫm mỗi chi đi ăn trộm ở một vườn cây nào đó. Cũng chính vì vậy mà bọn tôi quyết định làm một ngôi nhà trên đó.

Tôi được phân nhiệm vụ mang rựa và búa, thằng Tùng kiếm đinh, thằng Tý thì dây thừng, thằng Hai me mang bạt, anh Bi thì mang cưa ... mỗi người lãnh một thứ. Và thế là bọn tôi sắp có một căn nhà cho riêng mình. Công việc cũng khá vất vả, phải đi chặt cây và tre ở dưới khe rồi kéo lên cây đa, rồi đứa đứng dưới, đứa trên cây cột dây kéo lên. Chặt chặt, đẽo đẽo, đóng đinh... Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng phải mất một tuần bọn tôi mới hoàn thành xong tác phẩm của mình. Cảm giác được ngồi trong cái thành quả lớn lao đó mà ngắm cảnh núi rừng bao la phía xa kia thì thật là tuyệt vời. Cái gì cũng vậy, cứ chính tay mình làm ra thì nó đều có ý nghĩa cả.

Mùa hè, mùa của tiếng ve râm ran, mùa của bức tranh rực rỡ màu hoa phượng và đó cũng là mùa của bọn chăn bò chúng tôi. Nhiều lúc tôi thường ước ao được thoát khỏi đàn bò, được tung tăng đi hái dã quỳ với bọn con gái, được vào thị trấn chơi xích đu... nhưng tất cả chỉ là mơ ước khi ngày qua ngày tôi vẫn phải mặc bộ đồ cũ rích, hôi rình và lúc nào cũng phải đi sau mấy con bò. Nghĩ đến cái ước mơ be bé đó, tôi bất chợt quay qua nhìn thằng Tùng, nó đang nằm vắt vẻo trên cành cây, mắt vu vơ nhìn mấy chiếc lá đa đang rụng xuống. Thằng Tùng, nhà nó giàu nhất thị trấn, chẳng thiếu cái gì, bố nó còn có cả ô tô nữa, nhiều đứa ước mơ được như nó, ăn sung mặc sướng như hoàng tử. Thế mà nó lại đi chăn bò với tôi, vui thì vui thật, nhưng khổ. Có thằng con nít nào ở cái làng này muốn đi chăn bò đâu, lúc đầu tôi còn bị mẹ đánh vì cái tội không chịu đi, vừa khóc vừa cầm roi đi theo anh Bi mà thấy tủi thân, mà riết rồi quen, ai bảo tôi sinh ra trong nhà nghèo chứ, tự nghĩ rồi tự cười một mình.

- Mày cười gì đó Bờm? - thằng Tùng đạp tôi một cái đau điếng, nó trèo sang nhà từ lúc nào ko biết.

- À, không có gì, tao đang nghĩ lung tung thôi.

- Mày nghĩ đến con Bẹp đầu làng hả?

- Bẹp cái đầu mày - tôi đá nó lại một cái, mặt bắt đầu đỏ lên, đúng là tôi thích con Bẹp thật, nó dễ thương nhất làng, học giỏi nhất trường, đứa nào mà chẳng thích. Sợ thằng Tùng bắt quả tang vẻ mặt đỏ ngượng của tôi, tôi đánh lảng.

- À Tùng này, sao mày lại đi chăn bò với bọn tao vậy?

- Thích.

Nó trả lời câu gọn trơn rồi lại quay ngước mắt nhìn những tia nắng xuyên qua tán đa, rồi như nghĩ gì đó, nó nói tiếp - thật ra tao đi với mày để đi đánh nhau.

Câu nói của nó chẳng ăn nhập gì cả, cái thằng công tử bột yếu xìu lại thích đi đánh nhau, đánh nhau đau thí mồ, mỗi lần đi đánh nhau về tôi toàn bị má đánh thêm vài trận nữa. Nhưng dường như thằng Tùng nó nói thật, mắt nó rưng rưng rồi nói tiếp

- Có lần tao về nhà ông nội, thấy mày đi đánh nhau về, mặt bầm tím, bị mẹ mày quát cho một trận.

- À lần đó tao đánh nhau với bọn mỏ đá, bọn nó dám giành nông trường với bọn tao.

- Ừ, mày bị Mẹ mày quát, nhưng bà lại ân cần lau vết thương cho mày, ôm mày vào lòng. Tao còn thấy mẹ mày khóc nữa - Thằng Tùng nói đến đó tự dưng ngắt quãng, tôi thấy có một giọt nước mắt lăn trên má nó. Tôi lúng túng, từ nhỏ giờ tôi chưa thấy đứa nào vừa kể chuyện vừa khóc cả.

- Mày đừng nói mày thương tao nghe?

- Tao ghen tỵ với mày, nhiều lúc tao thèm được như mày đấy Bòi, tao thèm được mẹ ôm vào lòng, thèm được mẹ chăm sóc như mày. Nhà tao bố mẹ đi suốt, chẳng bao giờ có nhà cả... mọi việc giao cho chị người làm, bố mẹ tao chẳng yêu tao như bố mẹ mày yêu mày.

- Mày... mày đừng nói là mày muốn đi chăn bò với tao để đi đánh nhau nha? - tôi ngập ngừng.

- Ừ, tao cũng muốn mẹ tao lau vết thương cho tao.

- Thằng khùng, vậy mày nhảy xuống đi, về mẹ mày nắn xương lại cho mày - tôi chọc nó, nhưng rồi thấy hơi lố nên sửa lại

- Tao đùa đó, đừng nhảy nghe, chết á.

Mà nghĩ lại, tôi thấy thương nó thật, nhà nó giàu nhưng ba má nó đâu có thương nó, nhà tôi nghèo nhưng má tôi thương tôi lắm, tôi nghĩ cái câu mà bác Ba thợ rèn nói đúng ghê "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", cái câu nói mà tôi phải hỏi đi hỏi lại mẹ tôi bao nhiêu lần tôi mới hiểu được.

Đang chìm trong mớ suy nghĩ về hoa và cảnh thì giọng thằng Hai me từ dưới vọng lên.

- Ê hai thằng khỉ kia, bọn mỏ đá nó kéo lên kìa, xuống ngay.

Lần này thì thằng Tùng được đánh nhau thật, chắc tụi nó kéo lên trả thù vụ hôm trước.

Hai đứa tôi trèo xuống, tiện tay tôi rút một cây tre từ ngôi nhà ra, lần này phải dùng vũ khí mới đánh lại bọn nó. Bọn mỏ đá này là chúa chơi ăn gian, lần trước thằng Sẹo lấy roi đánh tôi một phát ngay lưng, giờ tôi phải chơi ăn gian lại cho bõ ghét.

Nhưng âm mưu của tôi không được thực hiện, bọn mỏ đá lần này có hai thằng cỡ bự. Nó xách tôi lên như xách một con dế. Tụi tôi bị đánh tơi tả, tôi thì không sao, bị đánh quen rồi, nhưng thằng Tùng thì thảm hại. Nó bị đánh bầm một mắt, chân thì đau đi không được khiến anh Bi phải cõng nó về. Tôi cũng chẳng biết số phận nó sẽ đi về đâu trong cái bộ dạng đó, không biết má nó có ôm nó vào lòng không hay là đánh cho một trận. Tôi không biết về nó, nhưng tôi biết về tôi, tôi bị má đánh cho một trận nhớ đời vì cái tội rủ thằng Tùng đi chăn bò. Rồi má cấm tôi đi chăn bò luôn, thay vào đó là anh tôi. Lúc đó tôi chẳng viết nên buồn hay nên vui. Câu chuyện mà thằng Tùng kể cứ xoay xoay trong suy nghĩ tôi. Hình như nó nói thật.

***

Mùa hè đó tôi đi chăn bò được 2 tuần, sau sự cố với bọn mỏ đá thi tôi bị thôi việc, tiếp theo tôi bị ba lôi vào Sài Gòn, tiếp theo nữa tôi bị Bác lôi sang Canada. Và cuộc trò chuyện ở ngôi nhà trên cây cũng là lần cuối cùng tôi nói chuyện với thằng Tùng. Sống ở xứ người, mọi thứ đều khác lạ, nhiều lúc thèm muốn được một ngày quay về với ngày xưa. Tôi phải mất một thời gian khá dài mới thôi khóc và thôi nhớ về biệt đội chăn bò của mình. Thời gian thì cứ thế trôi, và tôi thì cứ thế nhớ. Sau 10 năm không biết giờ tụi nó như thế nào, tôi vẫn cứ tò mò không biết hôm thằng Tùng bị đánh má nó có ôm nó vào lòng không?

Tôi lang thang tìm lại những kí ức, những gì mà đám chăn bò tụi tôi đã để lại trên mảnh đất này. Tất nhiên, giờ chẳng còn gì cả, tôi chỉ đi để nhớ, để yêu hơn cái tuổi thơ của mình, ai bảo chăn bò là khổ chứ, chăn bò vui chết đi được. Tôi lội bộ vào bãi một, bây giờ chỗ này kiểm lâm trồng trầm dày đặc, cây đa cổ thụ thì vẫn còn đó. Chỗ chúng tôi làm cái nhà giờ chỉ còn vài cái đinh sót lại. Thời gian trôi đi, mọi thứ đều thay đổi.

Nhà thằng Tùng bây giờ là một khách sạn, tôi ghé vào cái quán bánh tráng mắm ở gần nhà nó. Chỗ mà tôi với thằng Tùng vẫn ăn mỗi khi học về.

- Bà ơi, nhà ông Chín giàu giờ chuyển đi đâu rồi ạ?

- Ôi dào... có trời mới biết cháu ạ, vài năm trước thằng con ổng tự tử, rồi sau đó công ty ổng phá sản, bán nhà đi nơi khác rồi - vẫn là cái giọng quen thuộc của bà già bán bánh tráng trộn, nhưng dường như nó đang loãng ra rồi tan đi trong cái cảm xúc bàng hoàng của tôi. Cái tin tôi không ngờ tới.

Tôi dò hỏi vài người khác. 5 năm trước, bố mẹ thằng Tùng ly dị, và họ nói cho nó nghe rằng nó không phải là con ruột của họ. Hai người đùn đẩy trách nhiệm phải nuôi con, và rồi giao cho chị giúp việc nuôi với một khoản tiền hàng tháng. Và có lẽ vì không chịu nổi sự thật, cộng với một sự thèm khát yêu thương mà nó đã đi tìm một sự giải thoát. Tôi đoán vậy...

Thằng Tùng nhảy từ trên cây đa xuống, nó nhảy từ cái nhà mà bọn tôi và nó đã dựng nên. Có phải những ngày đi với bọn tôi là những ngày vui nhất của nó... và có phải nó muốn ra đi ở cái ngôi nhà của nó. Tôi đoán vậy...

Tôi ước gì mình có thể quay ngược thời gian, lúc đó tôi sẽ không cho nó theo chăn bò, không cho nó trèo lên cây đa, không xúi nó nhảy xuống để về mẹ nó bó chân cho nó. Tôi ước tôi có thể làm điều gì đó để ba má nó quan tâm nó, yêu thương nó. Nhưng đó chỉ là ước thôi, biết đâu ở nơi nào đó nó hạnh phúc.

Mùa hè, có tiếng ve kêu râm ran. Tôi xếp hành lý vào vali. Trước khi đi, tôi có ghé qua phần mộ của nó, đặt lên đó một bức tranh tôi vẽ. Suốt đêm qua tôi đã vẽ, tôi vẽ lại cả tuổi thơ của mình, một ngôi nhà bé nhỏ trên cây, bức tranh không đẹp lắm, màu còn bị loang lổ vì những giọt nước mắt cứ rơi xuống làm nhòe đi những gam màu.

Leo9x

 

Ngày đăng: 30/03/2014
Người đăng: Leo Max
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
smile
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage