Giàu - nghèo
(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")
Cái Thủy, nó chạy theo cái tham vọng mà nó nghĩ rằng nếu thực hiện được nó sẽ hạnh phúc nhưng liệu nó có hạnh phúc?
***
Bữa cơm tối, nhà có hai người, ai nấy cắm cúi ăn. Đương chừng, bà Sen đặt bát xuống, khẽ dằn họng nói ra mấy câu bà cố kiềm từ đầu bữa.
"Thủy à, con phải cưới cho bằng được thằng Khang sao?"
"Sao hôm nay mẹ hỏi lạ vậy?", Thủy ngạc nhiên hỏi lại.
"Thì đó, mẹ thấy khó khăn quá. Gia cảnh nhà ta với nhà nó cứ như đũa mốc với mâm son con ạ", bà Sen ngập ngừng dò hỏi, "Bên nhà đó, họ có làm khó con không?".
"Mẹ! Mẹ nhìn cái ổ chuột này đi. Con không muốn tạm bợ trả tiền trọ tháng này qua tháng khác nữa. Con cũng không muốn con của con phải xấu hổ với bạn bè chúng sau này". Thủy đột nhiên cao giọng. Trong giọng nói lại có phần ấm ức, "Con thua kém người ta đủ đường. Hồi nhỏ, con chẳng bao giờ có tiền để ăn vặt, đi xem phim hay đi chơi với tụi bạn. Quần áo thì toàn đồ cũ, đồ người ta cho mẹ lượm về. Mẹ à, con không xấu hổ vì mẹ đi bán trái cây dạo nhưng con tủi vì nhà mình nghèo".
Bà Sen tần ngần nhìn những giọt nước mắt chảy trong vô thức của đứa con gái. Bà biết chứ. Nó đã thua thiệt bạn bè đủ đường. Bà, một thân gái lỡ làng với một đứa con hoang, không người thân thích. Bà, hàng ngày đẩy một xe trái cây cà tàng đi bán dạo. Bà đâu thể lo cho nó được nhiều với số phận đắng cay của mình. Bà cũng đau lòng lắm nhưng nước mắt của người già chỉ là những giọt nước mắt khô, chảy vô trong thôi, nào có nấc lên được.
Cái Thủy đã bỏ dở bữa ăn, trèo lên gác – "căn phòng" của nó. Bà Sen cũng không buồn ăn nữa. Dọn mâm cơm đi, bà chỉ biết chép miệng "Đồ ăn ngon vậy mà!". Đêm đó, trong căn phòng 15 m2, hai mẹ con cùng đuổi theo những suy nghĩ chung nhưng chẳng ai nói với ai điều gì.
Trên căn gác nhỏ, Thủy soi gương, xoa xoa cái má trái của mình. Nơi đó vẫn còn một vết hồng nhỏ - dấu tích cái bạt tai của bà Na, mẹ Khang hồi chiều. Thủy biết chứ, biết hơn ai hết về gia cảnh của mình. Cô cam tâm để người khác rủa là "Đỉa đòi đeo chân hạc" nhưng cô muốn đổi đời. Muốn vậy thì cô phải giàu nhưng lại tự thấy bản thân không đủ giỏi giang. Cô càng không muốn làm vợ lẽ chân dài của mấy tay đại gia lắm tiền rửng mỡ. Cô nhắm đến Khang từ lâu, chàng thiếu gia của gia đình nắm một nửa cổ phần công ty nơi cô làm việc. Cô dồn hết tâm lực để lấy sự chú ý từ anh trong vai diễn một cô gái hết mình vì tình yêu, không vụ lợi. Vì thê khi Khang đề nghị Thủy mang thai để được cưới, cô từ chối. Đã diễn thì phải tròn vai. Hơn nữa, lỡ như mang thai mà người ta không chịu cưới thì cô lại rước thêm nhục cho mẹ mình. Cô biết, những ngày nhẫn nhịn chịu nhục để bà Na rủa xả không còn lâu nữa. Gia đình đó khinh thường cô bao nhiêu thì họ yêu đứa con trai duy nhất của mình bấy nhiêu. Chừng nào Khang vẫn yêu cô thì một ngày nào đó, nhất định cô sẽ bước đi trong ánh sáng rực rỡ của cuộc sống vương giả. Vẫn nhìn mình trong gương, Thủy nhếch mép tự cười nhạo bản thân, "Tự trọng là để sau này".
Thủy nhớ về những ngày thơ ấu đầy túng thiếu. Những buổi tan học, cô lủi thủi về nhà, nấu cơm rồi đem cơm cho mẹ. Xe trái cây của bà đang đậu ở một góc chợ xép gần nhà. Thủy nhớ những ngày mẹ bị bệnh đau dạ dày không đi bán được, trái cây ế ẩm, thối dần. Có những khi bí tiền học phí, mẹ lay lắt cả đêm không ngủ rồi sáng ngày lật đật chạy qua hàng xóm mượn tiền. Cái dáng còm cõi của mẹ đẩy xe trái cây trên đường vẫn làm Thủy khóc hàng đêm. Đã vài lần, Thủy không cho mẹ đi bán nữa nhưng bà nào có chịu. Thủy biết mẹ lo nghĩ nhiều, bệnh dạ dày sẽ nặng thêm nên những khi tủi nhục trong mối quan hệ với Khang, Thủy nào cho mẹ hay. Như chuyện bữa cơm tối, Thủy cũng chỉ biết lảng đi câu hỏi của mẹ "Bên nhà đó, họ có làm khó con không?".
Dưới nhà, bà Sen đã xếp xong hàng cho ngày mai. Buồng chuối ế bắt đầu xuất hiện những chỗ dập không còn làm bà bận tâm như mọi ngày nữa. Bà lo là lo cho cái Thủy. Bà sợ nó bị tổn thương. Tuy hít thở cùng một thứ không khí nhưng người giàu và người nghèo cách xa nhau nhiều lắm. Người giảu thì cứ nhặt hoa còn người nghèo thì vẫn rơi lệ trên những nẻo mưu sinh cầu vận. "Đổi đời" đâu phải điều muốn làm là làm được. Đối với bà, hạnh phúc là khi con gái mình được hạnh phúc. Cái Thủy, nó chạy theo cái tham vọng mà nó nghĩ rằng nếu thực hiện được nó sẽ hạnh phúc nhưng liệu nó có hạnh phúc? Người tính không bằng trời tính. Con gái bà rồi sẽ nên duyên phận với ai đây? Bà trằn trọc loay hoay hoài vẫn chưa ngủ. Trong lồng ngực của người đàn bà lớn tuổi, phập phồng những lo toan lẫn theo những hơi thở nặng nhọc của tuổi già.
Căn nhà 15 m2. Góc hẻm nhỏ. Tiếng hủ tiếu gõ rao đều trong đêm.
Tàu Lê