Gửi bài:

Mùi ký ức

Đây có lẽ là lần cuối cùng trong cuộc đời hắn ăn tàu hũ.

                                                                                                   ***

Chiều Sài Gòn mát lạ trên con phố nhỏ, hắn bước đi trong mơ màng như đang cố tìm về một cái gì đó đang đánh mất. Nhắm mắt lại để thấy cuộc đời của một thằng đàn ông, mùi gừng, mùi nước đường phèn, mùi lá dứa sao quen quá, hắn bừng tỉnh trong chiêm bao. Lâu, phải nói là lâu lắm rồi hắn mới ngửi thấy mùi ký ức. Đã 20 năm vụt tắt giờ lại ùa về, trước mắt hắn hiện lên một gánh tàu hũ, một người đàn bà mặc áo bà ba với chiếc nón lá, hắn chạy như bản năng của một đứa trẻ thấy quà vặt. Đứng trước gánh tàu hũ, hắn kêu to “Cho con một bát tàu hũ m…” nhưng rồi chững lại, hắn không thể thốt lên được tiếng “Mẹ!”. Người đàn bà nhanh nhảu mời hắn ngồi xuống chiếc ghế đòn. Một bát tàu hũ nóng được bưng ra, giờ thì mùi gừng, lá dứa,…đã đậm hơn, xông vào tận mũi khiến hắn thèm và dường như điều đó lại làm hắn càng mơ màng hơn. Hắn  ăn vội một muỗng tàu hũ, đúng cái vị của 20 năm về trước và đó là điều mà hắn đang tìm bấy lâu nay.

Sáu tuổi hắn cùng mẹ lên Sài Gòn để lao vào cuộc sống mưu sinh. Mẹ hắn bán tàu hũ, tàu hũ của mẹ hắn ngon hơn bất thứ cái gì trên cuộc đời này. Sài Gòn những năm 90, dân nhập cư bần cùng túng thiếu đủ thứ, để trụ vững được tại đây mỗi ngày mẹ hắn đều đều hai gánh tàu hũ sáng chiều rong ruổi khắp Sài thành. Phải nói cuộc đời của hắn thật may mắn khi có mẹ. Để được đi học như những đứa trẻ khác, đối với một đứa nhập cư như hắn là điều không thể vào thời điểm đó. Nhưng mẹ đã chạy vạy khắp nơi, gõ cửa, đút tiền để hắn được đi học.

mui-ky-uc
 

Sống trong xóm nhập cư nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng hắn chẳng thiếu thứ gì, quần áo, sách vở,…và cả tình thương của mẹ. Có thiếu chăng là tiếng gọi cha của những chiều đi học về, thiếu cái hơi ấm của người đàn ông trong ngôi nhà trọ 12 mét vuông kia thôi. Điều đó cũng chẳng làm hắn buồn hay là vì quá quen với sự thiếu vắng đó khiến hắn chẳng hề quan tâm về điều đó. Tuổi thơ của hắn cứ thế trôi, 6 tuổi, 7 tuổi, 8 tuổi cứ đều đều sáng đi học, chiều lại chơi đùa trong xóm nhập cư. Còn quá nhỏ để hắn hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời hắn, hắn vẫn chỉ biết đi học, ăn cơm và chiều thức dậy sau giấc ngủ dài luôn có một bát tàu hũ để sẵn trên bàn đang chờ được ăn.

Ngồi ăn tàu hũ như một đứa trẻ, hắn ăn để tìm lại chính mình, ẩn hiện trên gương mặt hắn bây giờ là nỗi sợ từ quá khứ, người ta càng cố quên thì ký ức đó lại càng sâu đậm. Ừ thì cố quên nhưng sao quên được, khóe mắt của thằng đàn ông ba mươi sao lại đỏ thế? Chỉ một chén tàu hũ thôi mà tay hắn bắt đầu run lên đầy vẻ sợ hãi, hắn nuốt nhẹ miếng tàu hũ trong miệng và tiếp tục nhìn về Sài Gòn đầu những năm 90. 

Ngày ấy, hắn đã quen với 2 gánh tàu hũ của mẹ mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều, lâu lâu hắn vẫn nhìn qua cửa sổ lúc mẹ hắn đi bán. Cái hình dáng gầy gò trong chiếc áo bà ba với chiếc nón lá chắc là hình ảnh đẹp nhất về mẹ của hắn, gánh trên vai hơn 30 cân nhấp nhổm đi khắp sài gòn cùng vời tiếng reo “Ai tàu hũ không, tàu hũ đây!”. Ngày nắng cũng như ngày mưa mẹ hắn luôn bán hết nồi tàu hũ thì với về với hắn, bà luôn sợ nếu không bán không làm thì tương lai của hắn sẽ không có gì cả nghĩ vậy là bà làm quần quật. Ngày nắng dễ bán thì hết sớm nhưng có sớm thì lúc bà về hắn cũng đã ngủ ngon lành trên chiếc giường nhỏ kia rồi bà lại nhìn hắn và thưởng cho hắn một cài thơm nhẹ lên má, ngày mưa thì khỏi nói, khó bán, ế hàng bà lại rong ruổi tới các mối quen, nài nỉ họ mua tàu hũ dùm. Thương hoàn cảnh của bà nhiều người cũng mua ủng hộ. Có những hôm về tới nhà cũng hơn 10 giờ đêm mình mẩy ướt như chuột lột, người thì run lên vì lạnh vì đói vậy mà hắn đâu biết điều đó, hắn vẫn đang trùm chăn cuộn tròn người ngủ ấm áp.

 
mui-ky-uc-2
 

Hắn vẫn lớn lên như thế cho đến một ngày hắn đòi đi bán cùng mẹ, nhưng mẹ hắn nhất quyết không cho vì hắn còn quá nhỏ để có thể rong ruổi theo bà. Tò mò, hắn đi theo bà từ phía sau, qua vài con phố hắn đã thấy mỏi chân vậy mà bà vẫn thoăn thoắt trong tiếng reo, bà đã bán được vài bát. Có một ông khách ngồi xuống ăn bát tàu hũ nhưng chỉ nửa bát thì bỏ, tính tiền rồi đi, bà nhẹ nhàng cầm cái bát còn dư tàu hũ đổ vào chiếc camen và hắn bắt đầu để ý mỗi lần khách ăn xong bà luôn cầm bát của họ đổ vào camen dù chỉ là còn một ít nước đường. Trong đầu hắn bắt đầu nghĩ về chiếc camen, hắn quay về nhà với một thắc mắc chưa có lời giải, camen là cái đựng thức ăn đêm của mẹ hắn mà sao bà lại đổ đồ ăn thừa của người khác vào đó, hắn nằm suy nghĩ trong phòng hắn quyết đợi mẹ về. 

Đêm đã khuya, tiếng kêu của cánh cửa vang lên mẹ hắn đã về, hắn vờ ngủ như không biết gì, mẹ hắn lại thưởng cho hắn một cái thơm như thường ngày, bà ngồi xuống nền nhà nghỉ một chút, hắn hé mắt ra nhìn mẹ đang ngồi, hắn bất ngờ khi thấy mẹ gầy quá, gầy chỉ còn da bọc xương, xương gò má nhô lên, mặt thì hốp lại. Bấy lâu nay hắn quá vô tâm không biết mẹ ăn gì, mặc gì,…cảm giác đầy tội lỗi đang dần hình thành trong đầu hắn. Hắn bỗng thấy mẹ cầm chiếc camen ra, bà dựa vai vào tường và múc từng miếng đậu hũ trong chiếc camen ăn, nước mắt hắn chảy, đầu hắn nghĩ sao mẹ lại ăn cái thứ đó, tay hắn nắm chặt vào chiếc chăn, mỗi lần mẹ hắn múc ăn là y như rằng tay hắn run lên. 

Hắn chưa từng biết mẹ hắn ăn tối bằng cái gì trong bốn năm qua và giờ trước mắt hắn là tàu hũ thừa của người khác. Nước mắt vẫn chảy tiếng nấc bắt đầu xuất hiện trong cổ hắn. Hắn càng hận bản thân vì một nỗi mẹ phải ăn đậu hũ thừa của người ta để lại, vậy mà có lần hắn đổ cả bát đậu hũ mẹ để phần vì không muốn ăn. Không kìm được mình nữa, hắn bật dậy chạy tới dục chiếc camen trên tay mẹ xuống nền nhà, ôm lấy bà và khóc thành tiếng nức nở. “Sao mẹ lại ăn đồ thừa của người khác? Mẹ ăn làm gì? Mẹ ăn bao lâu rồi?”. Bà ngỡ ngàng rồi ôm lấy hắn mà khóc, tay bà xoa nhẹ lên đầu hắn. “Mẹ không ăn đồ thừa của người ta mà đang ăn chính đồ thừa của mẹ làm ra con à”. “Con không tin! Đó là đồ thừa, từ nay mẹ không được ăn đồ thừa nữa, mẹ phải ăn cơm với con”. Kề đầu lên người bà, hắn thương bà nhiều hơn, hắn không đếm nổi áo bà có bao nhiêu mảnh vá. Cái vô tâm của đứa trẻ 9 tuổi có thể bỏ qua nhưng mà vô tâm đến nỗi không biết mẹ ăn gì, mặc gì thì làm sao mà tha thứ được.

Nước mắt của thằng đàn ông ba mươi đã lăn trên gò má, khóc để thèm ký ức và khóc để trốn chạy ký ức. Sau ngày đó, cuộc sống của hắn ấm áp hơn, hắn luôn chờ mẹ về ăn cơm, dẫu có khuya có muộn thì được ăn cơm với mẹ cũng là một niềm hạnh phúc lớn, và để hắn bớt đi cảm giác tội lỗi.

Ngày 26/12/1994, hắn vẫn đợi mẹ về ăn cơm, tối đó mẹ con hắn ăn cơm vui vẻ, mẹ vừa mua cho hắn bộ quần áo mới hắn vui mừng chạy đến bên mẹ, hắn mặc ngay và ra khoe với mẹ, hai mẹ con ôm nhau ngủ trong chiếc phòng nhỏ bé kia. Trời đã sáng, hắn đã dậy chuẩn bị đi học mà mẹ vẫn chưa dậy, hắn kêu mẹ, kêu mãi nhưng mẹ vẫn không dậy. Hắn bắt đầu run sợ và khóc òa, hàng xóm chạy sang đập cửa xông vô, họ lôi hắn ra khỏi mẹ và nói mẹ đã chết rồi. Mọi thứ sụp đổ hoàn toàn, hắn không hiểu chuyện gì đang xảy ra…

 
mui-ky-uc-3
 

Sau ngày mẹ mất, cả căn phòng vẫn u ám mùi nhang khói. Đơn độc trong căn phòng, hắn lôi tất cả đồ của mẹ ra để lấy lại chút hình ảnh về mẹ. Hắn thấy trong chiếc rương là mấy chỉ vàng, một tờ giấy xét nghiệm và một lá thư. Mẹ hắn bị ung thư cách đây 2 năm, hắn không hay biết gì hết, không chữa trị không thuốc men, bà đã lặng lẽ rời xa hắn. Đọc tiếp lá thư vỏn vẹn chưa đầy ba dòng: “Khi con đọc thư này thì mẹ không còn ở bên con nữa, mẹ để lại cho con một chút tiền con hãy cố gắng học giỏi thành người nha. Chào con mẹ đi đây”. Hắn không thể khóc nữa rồi, nước mắt của hắn đã cạn, tim hắn như ngừng đập, tay chân không thể cử động. Mẹ đã bỏ hắn đi, bà đã chuẩn bị mọi thứ cho hắn, dù không đầy đủ nhưng bà đã làm hết sức có thể. Bà nhịn ăn, ăn đồ thừa vì hắn, hắn thì mặc áo mới, bà mặc áo không đếm hết mảnh vá. Hắn hận sao cuộc đời lại đối xử với hắn nghiệt ngã vậy, hắn càng giận mình hơn khi chỉ biết hưởng thụ mà không một chút quan tâm đến mẹ.

Hết nửa chén đậu hũ, hắn đau như 20 năm về trước, nước mắt chảy, tay run run, mọi thứ như mới xảy ra hôm qua, vẫn hoang mang lo sợ, sợ đánh mất thứ quý giá trong cuộc đời. Hắn định bỏ bát tàu hũ xuống và chạy đi thật xa, chạy khỏi ký ức đáng sợ ấy nhưng hắn lại lo, không biết bát đậu hũ còn dư hơn nửa hắn bỏ đi, liệu người ta có ăn lại không? Hắn lại ăn, ăn vội vàng, đến nước đường cũng không để lại.

Hắn đặt bát xuống, rút ra tờ năm trăm ngàn đặt xuống bàn và quay đi rất nhanh, bà bán tàu hũ gọi lớn, chạy theo thối tiền thừa cho hắn nhưng không sao theo được, hắn đi như chạy. Hắn gạt nước mắt và không muốn nhớ thêm điều gì nữa. Đây có lẽ là lần cuối cùng trong cuộc đời hắn ăn tàu hũ.

Chiều Sài Gòn bắt đầu về tối, lại trở về sự tấp nập vốn có của nó, chỉ có một người đàn ông đang bước đi không phanh trong ánh chiều tàn.

Thành Phạm
Ngày đăng: 23/07/2014
Người đăng: Buihien Tht
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Cuộc sống ở trước mắt
 

Ông Hamil ơi, sao lúc nào ông cũng cười thế?

À đó là cách hàng ngày ta tạ ơn Thượng đế đã ban cho ta một trí nhớ tốt!

Cuộc sống ở trước mặt – Romain Gary

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage