Gửi bài:

Đố kỵ

Hoàng cực kỳ ghét cái thằng hàng xóm sát vách bên cạnh. Nó đi là đi, về là về, chẳng thèm liếc mắt hỏi han đến ai.

***

Trong xóm cũng có người có vẻ nể. Nể thôi chứ không trọng. Căn bản là, tuy nó đi là đi, về là về, không thèm hỏi han đến ai, nhưng nó cũng không động chạm phiền hà đến ai.

Mấy nhà hàng xóm nuôi chó cảnh, thỉnh thoảng xua chó ỉa ngay tường rào nhà nó. Thậm chí có nhà còn xách túi rác của nhà mình để sang tường rào nhà nó. Hoàng tưởng thế nào cũng ầm ĩ. Thế mà chẳng có gì xảy ra. Cũng có khi tại nó không biết. Nó có bao giờ thèm nhìn ngang nhìn ngửa đâu mà biết. Vả lại, khoảng tiếng sau mấy thằng vệ sinh nó hốt hết liền.

Xóm này toàn là cán bộ của thành phố với quận được cấp nhà ở đây chứ có phải vừa đâu. Khu này vốn là khu nhà ở của sĩ quan chế độ cũ. Nhà của Hoàng cũng là mua lại của một tay đại úy công an quận (ở trên lầu) với một bà làm công đoàn (cấp dưới trệt). Cả hai bên nội ngoại xúm vào giúp, Hoàng mới có được cái nhà này. Bây giờ vẫn nợ đầm đìa. Chắc để đòi con đời cháu gì đấy trả nợ, chứ Hoàng thì chịu.

Hàng xóm chọc tức nó mãi, chẳng ăn thua, cũng thôi. Mọi việc lại như cũ.

do-ki

Mà thằng này nó chi tiền cho bọn vệ sinh cũng ác. Nhà nào cũng trả cho bọn vệ sinh 10 ngàn một tháng, mà cái này là do thành phố quy định hẳn hoi. Riêng nó trả ba chục. Một hôm Hoàng tình cờ thấy nó chỉ mặt thằng vệ sinh bảo: "Mày nói xin thì tao cho chứ đừng có giở quẻ với tao". Thằng vệ sinh dạ dạ. Nó đưa một tờ xanh với một tờ vàng, vị chi ba chục. Thảo nào bọn vệ sinh chịu khó.

Hôm nó mới về đây, hình như nhà nào cũng ghét. Cái nhà to như thế, mà mua xong, nó đập phéng ngay đi, xây cái mới. Miếng đất nhà nó đâu phải nhỏ, ngang tám mét, sâu ba chục. Nhà Hoàng chỉ ngang bốn mét, sâu hai chục. Nghe nói vợ nó làm xuất khẩu gì đấy, nhiều tiền lắm. Nó xây cái nhà một trệt một lầu, sân trồng cây xanh, kín cổng cao tường, đẹp mê ly. "Gặp tay tao thì phải biết", Hoàng nghĩ bụng thế. Nghĩa là Hoàng vẫn chê. Nếu là nhà Hoàng, Hoàng xây còn đẹp hơn nhiều.

Hôm nó khởi công, nhiều nhà căm lắm, nhất là Hoàng với cái nhà giáp hông bên kia, nghĩa là hai nhà sát vách. Cứ hầm hừ gầm ghè bảo đừng có mà lấn đất. Thật ra nó lấn làm sao được. Hai bên là tường nhà, mà tường nhà chứ có phải kem cốc đâu mà liếm dễ thế. Nhưng cứ nói cho bõ ghét. Thế thôi.

Không biết có ai đó còn mật báo cho phường, nói thằng này xây nhà không phép. Phường đổ quân xuống liền, có cả công an với trật tự. Chủ tịch hội đồng nhân dân phường dẫn đầu (Hồi ấy vẫn còn hội đồng nhân dân phường). Thoáng thấy bóng con mẹ chủ tịch hội đồng nhân dân, Hoàng nghĩ bụng: "A, phen này mày chết nhé...Nhân dân yêu cầu đồng chi...ha ha...". Nhưng rút cục, nó chìa giấy phép ra. Hết chuyện. Đội quân của phường thất thểu đi về. Hoàng cũng tiu nghỉu.

Hoàng biết, thường thì ai xây nhà, dù đã có giấy phép, vẫn phải ra phường trình báo chút đỉnh, nói mấy câu phải chăng, đưa thêm cái phong bì. Mà thật ra, phong bì mới là cái chính. Không có cái ấy, nó hành nọ hành kia, mệt lắm. Nhưng thằng này là sĩ quan quân đội, cấp tá gì đấy (nó phóng vút qua, sao vạch lằng ngằng, khó thấy lắm, mà nó cũng ít khi mặc quân phục), bởi thế nên nó nhổ toẹt vào cái thủ tục trình phường, chẳng ai làm gì được nó. Hoàng còn nhớ rõ mặt con mẹ chủ tịch hội đồng nhân dân tái dại vì không xơ múi được gì.

Bà chủ nhà cũ, tức là cái bà bán nhà cho thằng ấy ấy, dễ thương hơn nhiều. Bà ấy thường khoe bà ấy là cán bộ của thành ủy, cán bộ kháng chiến cũ, nghe thấy nể. Thỉnh thoảng bà ấy than vãn lương hưu có mấy trăm ngàn, sống chật vật quá (hồi ấy chưa có chuyện tăng lương). Thế nghĩa là ở thành ủy, chức vụ bà ấy cũng không to lắm, có khi chỉ là chân tạp vụ; còn hoạt động kháng chiến chắc chỉ đưa cơm. Cũng giống như chuyện có thằng khoe nó làm ở ngân hàng, hỏi làm gì ở ngân hàng, nó bảo nó bán cóc ổi ở cửa ngân hàng.

Vợ chồng Hoàng thỉnh thoảng cũng hay sang tâm sự nhỏ to với bà ấy. Mà gia đình bà ấy sống hay lắm. Chồng ở trên lầu, thằng con ở dưới trệt (hai ông bà có mỗi thằng con), bà ấy trổ thêm một cái chái riêng cho mình. Cơm ai nấy ăn, tiền ai nấy tiêu. Ba người ba đồng hồ điện riêng, nối với đồng hồ chính.

Thật ra, cái nhà ấy cũng không phải cấp riêng cho gia đình bà ấy. Trước đây cấp cho ba hộ. Nhưng thằng con của bà ấy là thằng cô hồn, vợ nó làm má mì ở vũ trường, chúng đánh chửi nhau tối ngày. Đã thế, thỉnh thoảng thằng con lại thó đồ của mấy hộ chung nhà. Không phải nó tham, mà nó muốn cho mấy hộ kia sống không nổi, phải bỏ đi. Quả nhiên hai hộ kia phải chuồn vội. Thế là gia đình bà ấy nghiễm nhiên hưởng trọn căn nhà lớn. Về mặt này thì bà ấy quả xứng danh cán bộ thành ủy. Chiêu thức thâm hậu, đứng sau lưng thằng con giật dây chơi. Thế chứ. Cứ như thằng này, nào đã ăn thua gì...Thấy mấy thằng con mấy ông gì chưa?...Mới vừa hỉ mũi sạch nhé (chứ không phải là hỉ mũi chưa sạch) đã là quan cấp tỉnh, đi một bước xe hơi đưa một bước...Thằng này mà gặp bọn ấy cứ phải là gọi bằng cụ.

Vốn dĩ Hoàng cũng là sĩ quan đấy chứ. Đang học năm thứ hai thì tổng động viên. Vừa khoác áo lính thì 30/4 đến, thế là dđều lên phía bắc xay nhà máy quốc phòng. Được hơn năm thì được đưa về trường học tiếp, theo chương trình Bộ Quốc phòng nhờ Bộ Đại học đào tạo giúp. Vẫn quân phục năm hai bộ, đường sữa mỗi quý, phụ cấp mỗi tháng. Tất nhiên nói đường sữa nghe cho ghê chứ thật ra 5 thằng một hộp sữa với 1 kg đường. Tốt nghiệp, Hoàng nhận quân hàm thiếu úy, điều về giảng dạy tại một học viện. Làm thầy đấy nhé. Được 5 năm ngon lành, tự nhiên tay chủ nhiệm khoa ghét Hoàng. Thế là bị tống về.

Đang thượng úy bỗng thành thằng thất nghiệp, đang làm thầy thành thằng cu li. Hoàng phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Có một dạo làm dịch vụ tiệc tại gia, nghĩa là người ta thuê mình nấu nướng rồi đem đến phục vụ. Ma chay cưới hỏi kinh qua hết. Có ai biết thầy Hoàng, thượng úy Hoàng bây giờ đang bưng bê cho mấy thằng đang ngất ngưởng kia không? Cả hai bên nội ngoại nỗ lực giúp Hoàng xin việc chứ không phải không. Cửa cũng không phải không có. Chỉ có điều không có vé. Họ đòi nặng quá. Cũng may, thằng em Hoàng có thằng bạn thân học từ nhỏ. Không biết nó quen ai, xin cho Hoàng được một chân làm bảo vệ cho một công ty nước ngoài, lương tháng 150 đô. Mà nói bảo vệ nghe cho oai vậy thôi, thật ra là thằng gác cổng. Đành vậy thôi. Dù gì cũng là công ăn việc làm ổn định, còn hơn bưng bê lúc có lúc không.

Hoàng làm ca đêm. Thế hóa ra hay, đỡ phải phơi cái mặt thối cho người ta nhìn; lại thỉnh thoảng tranh thủ điện thoại ở chỗ làm, gọi đến chỗ này chỗ kia, thằng này thằng nọ...Nhưng lắm lúc cũng bực. Chỉ có thế thôi mà thằngTân "thối mồm" nó bảo: "Ông chỉ làm gác cổng mà cũng chấm mút được tí tiền công, ông mà làm chức gì thì phải biết". Thật quá đáng.

Thôi, ở đời lên xuống vô thường khó biết. Qua cơn bĩ cực, đến ngày thái lai...Biết đâu đấy...Ai mà biết được...Nghĩ đến đây, Hoàng lại nhớ đến phim hoạt hình "Hãy đợi đấy" của Liên xô ngày trước. Tên tiếng Nga của nó đọc là Nu, pa-ga-zi. Phải...Nu, pa...ga...ziii...ii...i..i...

Nguyễn Phan Long

Ngày đăng: 04/08/2014
Người đăng: Phan Long Nguyễn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Duyên kỳ ngộ
 

Đau khổ thực sự thì ra không phải là nhìn thấy người mình yêu đi yêu người khác để rồi hối hận vì ngày xưa. Đau khổ thực sự là mỉm cười tác thành cho người đó, uống cạn ly rượu đắng mà vẫn khen ngon, từng ngày nhấm vị chát mà vẫn phải khen bùi.

Duyên Kỳ Ngộ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage