Gửi bài:

Câu trả lời còn khuyết

Tôi nợ em một câu trả lời!

Mọi người thân thiết nhất bên cạnh em nợ em một câu trả lời!

Và, cả ông Trời luôn ngự trên cao cũng đang nợ em một câu trả lời!

***

Sau một thời gian dài chuẩn bị tinh thần, lên mạng tìm hiểu về những điều cần làm, cách nói năng đi đứng, thậm chí đến cả việc nên mua quà gì trong buổi đầu ra mắt nhà chồng tương lai, giờ đây, chỉ còn ít phút nữa thôi là tôi sẽ thực sự đặt chân vào cửa ải "cam go" thứ nhất - bước đầu làm quen với những người sau này sẽ trở thành người thân của mình.

Biết người yêu đang hết sức căng thẳng xen lẫn hồi hộp, anh quay sang nhìn tôi mỉm cười rồi khẽ khàng nắm thật chặt bàn tay quanh năm lạnh tựa băng tuyết của tôi. Tôi cố nở nụ cười mong chứng minh cho anh thấy mình đã sẵn sàng, nhưng có lẽ trông nụ cười của tôi lúc này chẳng chút tươi tắn, mà ngược lại còn hết sức gượng gạo, méo mó.

Không lo sao được khi lần đầu gặp gỡ người nhà anh chứ?

cau-tra-loi-con-khuyet

Hôm nay là ngày giỗ ông nội anh, nhân lúc cả nhà họp mặt đông đủ, anh quyết định đưa bạn gái về giới thiệu với mọi người. "Em đừng lo lắng và căng thẳng quá. Người nhà anh rất thoải mái. Anh cũng tin rằng, cô gái anh yêu thì chắc chắn người nhà anh cũng sẽ không chê vào đâu được", anh luôn ân cần nói với tôi như thế. Tôi biết anh nói vậy chỉ để trấn an tôi mà thôi. Vốn là người nhút nhát, ngại xuất hiện trước đám đông, đặc biệt là tiếp xúc với người lạ, lại thêm tâm trạng bồn chồn lo lắng thường trực trong lòng từ khi nghe anh nói sẽ đưa về ra mắt, nên dù đã rất cố gắng đồng thời được trau dồi biết bao kinh nghiệm quý giá từ đám bạn đã qua cái ngưỡng cửa mà tôi sắp bước tới, vậy mà tôi vẫn cứ như con rùa rụt đầu vào trong mai, chỉ lặng lẽ dõi ánh mắt quan sát xung quanh. Tôi đoán chắc sẽ có rất nhiều người đến hỏi han, đánh giá và "săm soi" mình. Tôi lo lắng tự hỏi: "Không biết mẹ anh có ưng mình không nhỉ? Bố anh có nghiêm khắc hỏi mình như hỏi cung tội phạm? Đám em gái, chị gái anh có xét nét chọc ngoáy nói đôi ba câu châm chọc làm mình mất mặt chăng?". Rất nhiều, rất nhiều điều khiến tôi lo lắng mãi không thôi.

Thế nhưng, khi tiếp xúc với người nhà anh, mọi băn khoăn cùng hàng ngàn câu hỏi nãy giờ vấn vít quanh tôi hoàn toàn bay biến chỉ một phút chốc. Con rùa trong tôi đã chịu chui ra khỏi mai, hòa mình vào dòng đại dương mát lạnh, êm đềm không một gợn sóng.

Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà anh, cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chuyện trò với người lạ thực ra không đáng sợ như mình vẫn nghĩ. Vậy mà bấy lâu nay tôi luôn đeo trên người chiếc áo giáp nặng nề, ngăn cản ai đó đang có ý định tiếp cận mình. Hôm nay khi bỏ chiếc áo ấy xuống, tâm trạng tôi quả thật đã nhẹ nhàng và thư thái hơn nhiều.

Người nhà anh rất đỗi thân thiện, ai cũng chào đón tôi, hỏi tôi những câu muôn hình muôn dạng mà tôi tin chắc một thời gian sau họ sẽ quên ngay. Dù vậy, tôi cũng biết đây không phải là thói tọc mạch, thích xía vào chuyện riêng tư của kẻ khác, mà thể hiện sự quan tâm, hỏi han để làm quen, để thân thiết và hiểu nhau hơn. Một cách thức gây dựng tình cảm đơn giản lại hiệu quả biết nhường nào!

Tiếp xúc với mọi người một lúc, nỗi lo âu và những suy đoán linh tinh đã hoàn toàn tiêu tan trong tâm trí tôi. Có điều, tâm trạng tốt đẹp ấy chẳng duy trì được bao lâu. Dù cố gắng thế nào thì niềm vui vẫn không sao len lỏi được đến mọi ngóc ngách trái tim tôi, ở một góc nhỏ nơi đó vẫn bị nỗi xót xa cay đắng chiếm chỗ.

Giống như mọi người, cậu em họ của anh cũng yêu quý, chào đón tôi, nhưng không chút vồ vập, hay hỏi han tíu tít, mà ngồi thu lu một xó trên chiếc trường kỷ, lặng lẽ nhìn theo, thậm chí lúc đầu tôi còn không nhận ra ở đó hiển hiện một dáng người, cho đến khi giọng nói run rẩy, nhỏ bằng tiếng muỗi kêu "Bao giờ cháu lấy vợ" bay đến cắt ngang cuộc tán gẫu rôm rả của chúng tôi.

Thật sự bất ngờ khi nghe câu hỏi đó, tôi vội vã tìm kiếm chủ nhân của nó. Một câu hỏi tưởng chừng như rất bình thường, không có gì đáng nói, bởi ai đến tuổi trưởng thành cũng có quyền quyết định chuyện trọng đại đời mình, đó là lẽ dĩ nhiên. Song, vấn đề thường nhật ấy lại trở nên mù mịt, phụ thuộc vào người khác thì quả là xót xa muôn phần.

Mọi người đều dõi mắt, chuyển sự chú ý sang em. Và, tôi cũng không ngoại lệ. Khác với cái nhìn đớn đau bối rối không biết phải trả lời sao của mọi người, đôi mắt tôi hằn lên hàng ngàn dấu chấm hỏi to đùng rõ rệt.

Bầu không khí vốn đang sôi nổi bỗng chốc trở nên đặc quánh, cơ hồ như đóng băng toàn bộ những người trong đó, lặng thinh, chẳng một ai đáp lời, không hiểu vì câu hỏi quá khó hay bởi không ai dám cất tiếng nói ra đáp án?

Thời gian chậm rãi bò từng khắc, một phút dài tựa cả thế kỷ, đột nhiên, như muốn gồng mình phá tan cái không gian bức bối đến rợn người đang bủa vây, anh vội chạy đến, trao cho cậu em cái mỉm cười trìu mến chan chứa tình yêu thương, xoa đầu em, giọng ôn tồn, xem như câu hỏi kia chưa từng tồn tại, "Mau đi ăn cơm thôi, hôm nay có nhiều món em thích đấy, đói rồi chứ gì?", sau đó quay sang cố tình lớn tiếng với cả nhà, "Cơm chín chưa nào, dọn lên mau thôi, mọi người đều đói cả rồi".

Tôi ngơ ngác nghe anh nói, và chăm chú nhìn anh ra sức lái con tàu mang tên "buổi ra mắt người yêu" về lại đúng hướng nó đang đi khi nãy. Câu nói nghe như của một người đói tới mức sắp lả đi đến nơi, song ngữ điệu thì chẳng có vẻ gì gọi là đói. Anh vừa dứt lời, mọi người nhanh chóng hiểu ý, đồng loạt tay xoa bụng, miệng kêu đói, hòng cố lôi em ra khỏi mớ suy nghĩ rất đỗi đời thường đang ám ảnh em. Có điều, mục đích ấy đã không thành, cậu em trai chẳng chịu để lọt tai lời nào, đôi mắt vằn tia giận dữ, gào thét nhưng thanh âm cũng chỉ bằng người ta nói bình thường, từng từ lè nhè, méo mó không tròn tiếng bật ra một cách khó khăn, "Ăn, ăn, ăn, anh thích thì đi mà ăn. Em không cần ăn, em muốn lấy vợ, anh tìm vợ cho em đi".

Lại một lần nữa, tất cả rơi vào im lặng, chẳng biết phải phản ứng ra sao. Ánh mắt em long lên niềm hy vọng, khát khao cùng cả vẻ chờ đợi. Có lẽ em nghĩ mọi người luôn đáp ứng các yêu cầu của em và lần này cũng vậy. Thế nhưng ánh mắt em dõi khắp lượt từng người ngồi trong nhà, không một ai mở miệng, thậm chí còn chẳng dám nhìn thẳng vào em, vào đôi mắt trong sáng ngây thơ của em. Cuối cùng tia nhìn mong mỏi pha thêm chút thất vọng của em rơi trên người anh, giọng nói đã thêm phần cuống quýt, "Anh, anh thương em nhất, anh tìm vợ cho em đi, nhé, em muốn lấy vợ ngay bây giờ, lấy vợ giống như chị kia đó, có được không?", em giậm chân, cánh tay chĩa về tôi, khiến tôi bỗng chốc quay về làm tâm điểm chú ý của mọi người, có điều lần này sao tôi thấy gượng gạo và xấu hổ quá, cảm giác như thể mình gây ra lỗi gì vậy.

Không ai dám đối diện với câu nài nỉ thống thiết của em, nếu như tìm vợ cho em là một việc hết sức đơn giản thì mọi người đã chẳng phải để em ngồi đây hỏi những câu ngốc nghếch này, song em nào biết nỗi lo âu cũng như niềm xót xa đau đớn đang cào xé tâm can những người trong gia đình em. Họ muốn lắm chứ nhưng đành bất lực thôi!

Anh quay mặt đi chỗ khác, cố kìm giọt lệ đang chực trào nơi khóe mắt. Chưa bao giờ tôi thấy anh xúc động đến vậy. Bất chợt muốn cùng anh gánh cái trách nhiệm này trên vai, một loạt những cái tên chạy dài trong đầu tôi, tôi nhẩm tính, biết đâu người này, kẻ kia, chị ấy, cô ta... có thể cùng em xe mối duyên chồng vợ? Miệng thoáng nét cười, tôi nhìn anh đang định nêu ra ý kiến, thì lại nghe giọng anh dỗ dành, "Một thời gian nữa, để anh xem...".

Lập tức anh im bặt bởi tiếng gào của em, "Thôi đi, anh lúc nào cũng nói như thế. Anh hứa tìm vợ cho em mấy lần rồi, anh luôn bảo phải chịu khó ăn nhiều, ngoan ngoãn, nghe lời người lớn, sau này lớn lên còn lấy vợ sinh con", ngừng một lúc như để nuốt lại cơn bức xúc của người "bị lừa dối", và cũng để nghỉ lấy hơi, rồi nỗi ấm ức trong lòng em lại trào ra, không sao kìm nén được, "Lúc nào em cũng ngoan ngoãn, nghe lời bác và các anh chị, em chịu khó ăn thật nhiều, anh xem, bây giờ em đã lớn đến thế này rồi, vậy mà anh vẫn không giữ trọn lời hứa với em, anh vẫn cứ để anh xem, để anh xem. Anh còn phải xem cái gì? Một thời gian nữa là khi nào? Có phải đợi đến khi em ăn nhiều thêm rồi trở thành người khổng lồ không? Lúc đó em xấu xí sẽ chẳng ai thèm yêu em đâu. Anh toàn nói dối em, mọi người đều là kẻ nói dối. Cháu không tin ai nữa đâu".

Em nói như thể chưa bao giờ được giải tỏa nỗi bực dọc trong người, ngữ điệu lại trẻ con, tôi bỗng thấy buồn cười, suýt chút nữa bật ra thành tiếng, nhưng may sao cũng kịp nhìn vẻ mặt khó đăm đăm, đôi lông mày nhíu chặt cùng cặp mắt trợn tròn hết sức bất ngờ của mọi người. Tôi loáng thoáng hiểu ra cậu em này của anh chỉ là một chàng trai bảnh bao to xác nhưng tư duy không bằng đứa trẻ học cấp một. Có lẽ em bị chậm phát triển.

Trước lời chỉ trích đầy lý lẽ của em, anh chỉ có thể phản bác một cách yếu đuối, "Không phải thế", nhưng chưa kịp nói thêm gì thì cậu em đã đẩy anh sang một bên, ra lệnh, "Tránh ra", rồi kiên quyết đứng dậy trước con mắt ngỡ ngàng, lo lắng của người thân, giơ tay lên quệt ngang mắt khiến lệ nhòe lem nhem trên mặt, giọng thổn thức lẫn tiếng nấc nghẹn, "Em lớn bằng anh rồi, tại sao anh được lấy vợ còn em lại không? Bao giờ em mới được lấy vợ đây?", sau đó loạng choạng bước vài bước như người say rượu, đưa tay ra phía trước lần mò và chạy biến ra phía cửa.

Anh luống cuống đứng phắt dậy đuổi theo, "Em định đi đâu. Đứng lại cho anh".

Và cứ thế anh chạy theo cậu em trai, bỏ mặc tôi một mình ngồi giữa đám người không mấy thân quen. Thiết nghĩ, có lẽ lúc này trong đầu anh chẳng còn hình bóng của cô người yêu nhút nhát anh đưa về ra mắt nữa rồi, tôi có chút bực dọc tủi thân và giận hờn trong lòng.

Đang thầm mắng nhiếc anh là đồ không tâm lý, không có trách nhiệm, đưa người ta đến rồi vứt người ta ngồi một mình thế này, thì giọng chị gái anh vang bên tai, "Khổ thân thằng bé, không ngờ nó lại nghĩ như vậy", rồi quay sang như giải thích với tôi, "Ngày trước nó lười ăn lắm, chẳng chịu ăn uống gì hết nên mọi người hay dỗ nó như vậy để nó ăn nhiều, không ngờ nó lại nhớ cho đến tận hôm nay", vừa nói, chị vừa lau đi dấu lệ vương trên hàng mi.

Nghe chị nói vậy mà đầu tôi cứ ong ong, mơ hồ hiểu ra điều gì đó nhưng lại không sao bắt được cái cốt lõi của câu chuyện, bèn đưa ánh mắt nhìn xung quanh. Bộ dạng ai nấy ủ rũ, nụ cười ban nãy tắt ngóm không vết tích, họ cố tránh mặt nhau như thể nếu nhìn vào mắt nhau lúc này sẽ tìm ra thứ gì ghê gớm lắm.

Thấy bộ dạng ngơ ngác ngó ngang ngó dọc của nàng dâu tương lai, biết tôi đang băn khoăn chẳng hiểu xảy ra chuyện gì, bố anh không giấu nổi nỗi buồn trong đôi mắt hơi mờ đục bởi bước chạy thời gian, khẽ giọng kể với tôi.

Bố em là em trai bác, mất từ khi em bắt đầu chập chững biết đi và đang bi bô tập gọi bố mẹ bằng chất giọng "ngọng níu ngọng nô". Những tưởng chú ra đi nhưng may sao vẫn để lại cho gia đình giọt máu đáng yêu, thông minh nghịch ngợm và vô cùng khỏe khoắn. Thế nhưng, ông Trời chẳng chịu chiều lòng người, càng lớn, em lại càng có những biểu hiện khác thường: mắt cứ mỗi lúc một mờ tựa có lớp màng mỏng che phía trước cửa sổ tâm hồn em; em không còn nhìn rõ mọi thứ nữa mà chỉ phân biệt được cảnh vật và mọi người xung quanh qua âm thanh, hình dáng mờ ảo nhòe nhoẹt; em thường xuyên ốm yếu; không thông minh nhanh trí như đám bạn cùng trang lứa. Ông Trời không ban cho em thứ gì ngoài dáng hình đẹp trai, cao lớn và trắng trẻo.

Năm đó, bố em nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc, đi bảo vệ miền đất mẹ thân yêu rồi bị nhiễm chất độc dioxin, kẻ thù truyền kiếp mang nỗi đau kinh hoàng đến mọi gia đình có người dính phải nó. Sau đó chất độc đặc trưng với màu da cam ấy ngấm dần, bò đến và liếm láp cơ thể vốn dĩ cường tráng của em, ăn mòn mọi tư duy bình thường trong em, để rồi biến em thành kẻ không lành lặn, đôi khi ngờ nghệch, thậm chí không có khả năng tự quyết định cuộc sống của chính mình, mà chỉ biết nghẹn giọng buông ra câu hỏi khiến lòng người rúng động, "Bao giờ cháu lấy vợ?".

Hóa ra, nỗi khát khao yêu thương, khát khao có một gia đình hạnh phúc đã ươm mầm bám rễ trong em từ khi còn rất nhỏ. Nó tiềm ẩn và lớn dần lên trong đó, tạo thành sức mạnh giúp em đứng vững cho đến ngày hôm nay, dẫn lối em đi cho tới khi hoàn toàn có thể nắm được ước mơ ấy. Phải chăng, đó là tình cảm, là mơ ước nguyên sơ và trong sáng nhất của con người - khao khát tình yêu, khao khát về một tổ ấm của riêng mình.

Tôi bất giác quay đầu ra phía cửa, nơi em vừa vụt chạy đi, mọi suy nghĩ trong tôi cũng bắt đầu mông lung. Chẳng biết em định đi đâu, không gian rộng lớn thế kia, nhưng mái ấm gia đình nhỏ bé của em ở phương nào? Em biết về đâu để tìm tình yêu đích thực của mình? Tới đâu để trốn thoát cái hiện thực khốc liệt không như em mong đợi cùng những con người "dối trá, thất hứa" với em?

Ngẫm lại bản thân, tôi thật ích kỷ. So với em, tôi hơn về mọi mặt, tôi có cha, có mẹ yêu thương chăm sóc; có cuộc sống ấm no và có đủ điều kiện của một người bình thường. Vậy thì sao chứ? Tôi vẫn cứ giận dữ với anh khi anh bỏ mặc tôi chạy theo cậu em "không bình thường" của mình; vẫn cười khi nghe giọng điệu em trẻ con nhưng chứa đựng bao mong mỏi tin tưởng vào một thế giới mới, thế giới có thể giúp em thay đổi hoàn toàn; vẫn không thỏa mãn với những gì mình đang có. Lúc này đây, tôi bỗng thấy mình mới thật sự không đáng được là "người bình thường". Tôi có ý định giúp em tìm một nửa duyên phận, thế nhưng biết tìm ai đây? Liệu họ có ngay lập tức bỏ chạy khi nhìn thấy em? Liệu họ có chê cười trách móc tôi khi biết tôi giới thiệu em cho họ? Rồi tôi bỗng hỏi bản thân, rằng mình có đủ dũng khí để xung phong làm một nửa của em hay không? Cũng thương đấy, nhưng còn yêu và lấy thì sao? Thật sự tôi không có câu trả lời, hoặc đúng hơn là không dám trả lời.

Tôi bật cười chua chát. Vì sao chúng ta được quyền hưởng hạnh phúc và tình yêu trong khi em thì không? Chúng ta chỉ biết thương, biết cảm thông với em, chúng ta biết ơn những con người đã ngã xuống, tình nguyện lấy máu nhuộm thắm màu cờ Việt Nam, vẽ nên nền hòa bình dân tộc, song ai có đủ can đảm để trao yêu thương cho người đang phải chịu nỗi đau phía sau mỗi một tính mạng hy sinh hay đang bị chiến tranh giày vò kia, ai có can đảm để làm việc gì đó thể hiện lòng biết ơn các chiến sĩ ngoài những lời nói?

Bỗng thấy sống mũi cay cay, khóe mắt nhòe dần, tôi đã thấu hiểu ánh mắt xót xa của mọi người khi nhìn em. Tôi cúi đầu không nói, cũng không muốn để suy nghĩ của mình chạy tiếp đi đâu nữa.

Mọi người ngồi cạnh tôi, mỗi người mải theo một suy nghĩ và cảm nhận riêng, nhưng tôi chắc rằng sẽ không có chỗ đứng cho niềm hân hoan, thoải mái.

Bố anh cũng vậy, ánh mắt bác chợt nhìn về phía xa xăm, cơ hồ đang rơi vào khoảng không vô định, mọi tâm tư xuyên qua lớp lớp thời gian và không gian, quay về với thời điểm hơn hai mươi năm trước. Nụ cười lém lỉnh vui tươi yêu đời và có ý chí kiên cường của cậu em trai như sừng sững trước mắt, bác thì thầm không biết đang nói với mọi người, nói cho mình nghe hay đang nói với một linh hồn vô hình cứ quẩn quanh nơi đây, "Giá như hồi đó chú ấy không tham gia trận chiến định mệnh kia, giá như hồi đó tiểu đội của chú ấy không bị điều đến nơi tử huyệt kia, giá như...".

Cả một khoảng yên ắng, tĩnh mịch, tưởng chừng có thể nghe rõ từng nhịp thở nặng nề như bị đè nén của mọi người.

Tôi ngồi chết lặng lắng nghe bác nói về những cái "giá như".

Vâng, cuộc sống của chúng ta nhiều "giá như" lắm. Vì mấy ai biết bằng lòng và chịu cúi đầu chấp nhận những thứ ở hiện tại?

Giá như bố em không bị nhiễm chất độc màu da cam, thì giờ đây có lẽ em đã trở thành chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, và biết đâu đấy lúc này đây em cũng đang dẫn một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, hết lòng yêu thương em về ra mắt gia đình.

Thế nhưng, giả sử cái "giá như" ấy xảy ra, giả sử không có những người lính quả cảm tham gia cuộc chiến bảo vệ tổ quốc như bố em, liệu rằng giờ này chúng ta có được ngồi đây cười nói, tán phét về đủ mọi chuyện trên trời dưới biển không? Chúng ta có được sống trong sung túc và đầm ấm dưới vòm trời hòa bình ngày hôm nay không?

Biết trách ai đây? Ai đã đang tâm nhào nặn nên cơ sự này? Ai đã cướp mất quyền là một "người bình thường" của em? Và ai có thể trả lời giúp em câu hỏi đó? Bao giờ em lấy vợ? Hay ai sẽ can đảm lấy em, đồng ý chăm sóc em, một người trên danh nghĩa là chồng nhưng thực tế lại cứ mãi ở tuổi vô âu vô lo thích ăn chơi ngủ nghỉ?

Thực ra nói thì nói vậy, song nào em có được cái "vô âu vô lo" theo đúng nghĩa trên mặt chữ ấy. Lắm lúc tôi tự hỏi, ông Trời hỡi, ông đã không ban cho em những thứ của một người bình thường nên có, thì cớ sao ông không lấy nốt đi của em khả năng tư duy dù ít ỏi, cái cảm nhận sinh lý khi bước vào tuổi trưởng thành, một thoáng chạnh lòng lúc chứng kiến hạnh phúc của người khác và nỗi niềm khao khát về tình yêu, về hạnh phúc gia đình, có vợ có chồng và cả những đứa con thơ?

"Bao giờ cháu lấy vợ?", "Tại sao anh được lấy vợ còn em lại không?", câu hỏi cùng mong mỏi yêu và được yêu thiêu đốt lòng em cứ bay lởn vởn, tựa bị sợi dây vô hình níu chặt trên không trung nên chẳng thể sà xuống được với bất cứ ai ngồi bên dưới để tìm kiếm câu trả lời cho thích hợp. Nó sẽ mãi chỉ biết một mình cô đơn lơ lửng nơi đó.

Ai cũng mong em hạnh phúc, mong em tìm được một tình yêu chân thành, một người yêu thương, cảm thông và sẵn lòng chăm sóc em những khi trái gió trở giời, hay lúc em cần bờ vai nương tựa, cần yêu thương. Thế nhưng, ai có thể trả lời cho em câu hỏi đó? Bao giờ em lấy vợ và người con gái cao thượng, thần kỳ mà bí ẩn được xem là một nửa của cuộc đời em, cùng em đương đầu với mọi thử thách chông gai trong cuộc sống này là ai? Khi nào sẽ xuất hiện?

Tôi nợ em một câu trả lời!

Mọi người thân thiết nhất bên cạnh em nợ em một câu trả lời!

Và, cả ông Trời luôn ngự trên cao cũng đang nợ em một câu trả lời!

- Tuyết Mai -

 

Ngày đăng: 06/10/2014
Người đăng: tuyet mai nguyen
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Những người không có kỷ luật là nô lệ của cảm xúc, dục vọng và đam mê
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage