Nợ đời
Đấy. Có khi, tiền mới làm được người ta trắng mắt ra.
***
Làng Bãi Trạm nằm về phía hạ lưu con sông Bình Thiên, một con sông nhỏ nhưng dài, mát xanh và sâu hút. Ngôi làng nằm trọn trong vòng tay dòng sông êm ả. Quá khứ êm trôi, tương lai tuần tự, một ngôi làng khoan thai giữa đời nhộn nhịp. Cũng bởi người làng đều là những người lao động vui với công việc chân tay,không ai so bì với ai, họ chung một màu áo,chung những bữa ăn,những niềm vui ngày mùa. Nên, làng yên ả như bao đời nay vẫn thế.
Trời vửa hửng sáng, tiếng cưa gỗ đã xoèn xoẹt vang lên rồn rã.
Mấy người làm đồng đưa mắt nhìn nhau :
- Hôm nay ông Năm làm mộc cơ đấy, sắp bão to rồi đây. Haha !
Những giọng cười sảng khoái làm mấy con chim sẻ giật mình bay vụt lên, bám vào cành cao rồi ngáo ngơ nhìn xuống.
Nhà ông Năm nằm nơi ngõ cụt,gần sông nhất làng. Mang tiếng làm mộc nhưng ngôi nhà ông ọp ẹp những mảnh gỗ mỏng ghép vội từ lúc ông mới ra ở riêng. Đến nay cũng đã hơn chục năm mà ông Năm vẫn không màng tới việc thay nó.
Ông làm mộc rất đẹp, ai cũng công nhận điều đó. Nhưng từ khi làm khách chờ mãi mà không mang đồ đến sau khi nhận gỗ thì hiếm thấy ai thuê đến ông Năm nữa.
Người làng bảo, thời còn trẻ ông Năm là người duy nhất học tới hết cấp ba, nhưng cái bầu của bà Loan đã giúp ông có gia đình sớm, ghìm chân ông lại nơi đây.
Bà Loan là một người khờ khạo. Có lần nhà hết gạo , ông Năm đưa cho vợ tiền vừa đủ đi đong cho vài tuần trước ngày gặt, vậy mà lúc đi chợ về, bà Loan giơ cao xâu cá, nước chảy cả vào ống tay, chui tọt vào bầu ngực nhưng bà thì cười rõ nham nhở :
-Bố chúng nó xem, gạo hôm nay chẳng ai bán, mà tui mua được xâu cá rõ là rẻ nhé!
Thế mà trước đây, lúc còn gạ gẫm bà Loan, ông Năm thích thú cái sự khờ của bà lắm.
Đận ấy cả nhà đói lả. Lúc đó ông Năm mới có ba đứa con gái, đứa con gái nữa là Tâm còn chưa sinh ra. Cả nhà ăn cá với khoai được hai ngày, ba tuần sau ăn khoai với sắn, mấy ngày trước khi cả nhà ngày gặt lúa chín non thì nhịn đói.
Gặt được lúa về vài tuần, bà Loan đẻ Tâm.
Ông Năm chẳng thèm nhìn mặt con, say mèm chửi bới :
- Sống làm con ma đói, chết làm con ma khát ! Huhu haha ...
Giọng ông lõm bõm trong tiếng mưa, lọt thỏm trong tiếng sấm nhưng vang dội trong tâm trí của ai nghe qua câu nói đó.
Câu nói nhắc người đàn ông kiếm lấy một thằng cu nối dõi, nhắc người đàn bà nhiệm vụ của mình, và nhắc những đứa con gái biết thân biết phận chớ mà cãi lời cha mẹ...
***
Tháng 8 âm lịch năm ấy, trời mưa to dai dẳng, sấm nổ ầm ầm, bão đã về ở đâu đó và rồi cơn lũ đang hoan hỉ tràn vào làng. Bọt vàng đục reo vui, ai nấy lo lắng , nước xông xáo tràn bờ đê, cả làng khiếp đảm, nước đắc thắng ngập đầu người, cả làng leo lên nóc nhà cầu nguyện. Ông Năm miễn cưỡng tỉnh táo trong mấy ngày lũ. Chắc lâu rồi ông mới có thời gian để nhìn kĩ vợ con đến vậy.
Đứa đầu của ông tên Trinh, năm nay tầm mười bảy. Đứa con gái tuổi ăn tuổi lớn khòng khoèo những tay với cẳng, răng nó hô lạ, cả mấy đời nhà ông nào có ai hô như thế. Ông nghĩ bụng. Đứa thứ hai tên Ly mới mười ba tuổi, nó vừa mới lớn, cao vừa chạm ngực ông. Ông Năm nhìn con, ngực đứa con gái mới lớn của ông nhú lên sau lớp áo nhàu nhĩ bẩn nát. Ông chợt thấy nước mưa chua chát khi quay sang nhìn vợ đang rung đùi bẻ miếng bánh tráng, kế bên là đứa thứ ba cũng vừa ba tuổi đang bám lấy đùi mẹ, nhìn nó chỉ thấy mỗi cái bụng. Không rõ là thứ giun gì làm bụng nó to như thế. Còn đứa út mới biết lẫy đang nút lấy nút để núm vú nhăn nheo như trái táo khô của mẹ.
Ông bó gối nhìn dòng nước, ước chi nó dâng lên cao nữa, cao nữa, cao cho khỏi thấy mặt trời vào ngày mai.
Cả đêm, trời đã tạnh mưa hẳn, nắng đã lên lấp ló , nước đã rút bớt nhưng vẫn ứ ngự chẳng thấy lối đi. Tiếng khóc rền rĩ của đứa út làm ông Năm tỉnh dậy. Đúng là lâu nay ông ngủ được tới trưa là nhờ rượu. Ông uể oải ngồi dậy, vừa dụi mắt nhìn rõ xung quanh thì bị một vật từ phía giữa dòng sông trôi vào làm cho sợ hãi mà ngã ngửa ra sau.
Một cái hòm. Một cái hòm mới tinh, và đã đóng nắp.
Phải một lúc sau,ông Năm run rẩy ngồi dậy, lay lay bà Loan nói hổn hển :
- Dậy, dậy mà xem cái gì kìa!
Bà Loan uể oải trườn người ra , nhìn theo hướng tay chồng chỉ rồi giật nảy lên và co rúm người nấp sâu vào cuối mái nhà:
- Cha mẹ ơi, ma, ma !
Lềnh bềnh trên nước, cái hòm gần như chỉ nổi phần nắp. Hẳn là có thứ gì nặng trĩu bên trong. Màu gỗ cho người ta thấy nó không có vẻ gì đó là một cái hòm bị xoáy nước lột lên từ ngôi mộ nào đó. Cái hòm mới như thể vừa được đóng vài ngày, và tất nhiên nắp hòm cũng chỉ mới đóng đây thôi.
Ông Năm run rẩy nhìn nó toát hết mồ hôi, lấy thanh gỗ khều cái hòm vô sát nhà rồi toan giơ cánh tay khòng khoèo ra kéo nó vô sát mái nhà.
Bà Loan thấy thế vội la toáng lên :
- Ông điên hả, đẩy nó đi, đẩy nó đi. Nó ám bây giờ !
Ông Năm quay lại ngủng ngoẳng :
- Không phải người , người thì nó đã bục nắp ra rồi. Tối qua còn mơ thấy điềm...
Ông Năm chẳng buồn nói tiếp, chậm rãi kéo cái hòm nặng trĩu vô trong mái nhà. Mấy đứa con ngơ ngác nín thở nhìn vào chiếc hòm kỳ lạ đang được đôi tay của cha chúng ôm chặt.
Mái nhà hình tam giác, xiên vẹo theo một số hướng, chật hẹp, nhưng không hiểu sao cái hòm được ông Năm kéo vô dễ dàng, nó lọt thỏm ở giữa. Trong nhà, những cặp mắt tò mò của vợ con ông chứ nhìn chằm chằm vô cái hòm như muốn dùng ánh mắt lật tung nắp hòm lên ngay tức khắc. Ý nghĩ toát ra từ ánh mắt là vậy nhưng chưa đôi tay ai dám đụng vào nó. Ông Năm tặc lưỡi :
- Cùng lắm là cái hòm đựng thóc giống khỏi nước vô, có ai mới chết đâu.
Ông nói ra miệng nhưng như thể chỉ để chính mình công nhận điều đó. Nói xong, chẳng cần ai đồng tình, ông Năm bấu cả mười ngón tay vô nắp hòm, từ từ kéo nó ra hai phía. Nắp hòm mới hé lên từ một góc, vừa đủ để khí trong chiếc quan tài chui ra.
Cái mùi tanh nồng tởm lợm chẳng ai mong đợi xộc vào không khí, một mùi vừa lạ, vừa quen. Quen vì mùi này tựa tựa cái mùi một con cóc chết hay một quả trứng ung, lạ vì rõ ràng đó không phải là những mùi đó.
Ông tái mặt, đưa mắt sang nhìn bà Loan đang sợ sắp xỉu rồi lại đứng bần thần nhìn nó.
- Đằng nào cũng lỡ rồi !
Lần này ông Năm nhìn thẳng mặt vợ rồi nói.
Đoạn, ông dùng hết sức mở nhanh nắp hòm ra. Một nửa chiếc hòm đã lộ miệng, cái nắp cũng đã trồi hẳn lên. Ông Năm gồng tay đẩy hẳn cái nắp trượt ra sau.
Bí mật đã thôi khiêu khích trong bóng tối, nắp hòm đã rời hẳn khỏi vỏ. Thứ mọi người tò mò, sợ hãi đã lồ lộ dưới ánh nắng mặt trời sau bão. Và kì lạ thay, nó cũng phản chiếu lại ánh sáng mặt trời một màu vàng chói mắt không kém.
Một cái hòm đựng đầy vàng.
Không, một chiếc rương vàng. Mà giờ nó là gì không quan trọng nữa, kho báu bên trong đã biến nó thành một thứ ai cũng mơ ước được nằm vào.
Bà Loan rú lên, chạy như bay tới cái hòm, ngồi uồm xuống,tì ngực vào thành gỗ, hươ hươ hai cánh tay vào cái hòm bóc từng nắm vàng lên rồi thả xuống, bà cười ha hả, quai hàm mở to hết cỡ rồi ngửa cái mặt đang biến dạng bởi khoái cảm tột độ đến dị hợm mà hét to với thần linh :
- Ơn trời, ơn trời, hô hô hô , ơn hô hô ha ha...
Trái với bộ dạng của bà Loan và mấy đứa con, ông Năm đứng chôn chân bên cái hòm, cơ mặt co giật chầm chập từng cơn. Ông không tin nổi vào mắt mình, ông vẫn thấy mấy cảnh kì dị như vậy nhưng hình như mấy hình ảnh đó chỉ có khi ma men dẫn lối ông xem mà thôi.
Sau một hồi bần thần nhìn nó, ông xiết tay vào nhau, rồi cũng ngửa mặt lên trời, nói một câu gì đó, giọng ông Năm rít lên như lời hoan hỉ của con rắn trước lúc vồ mồi. Ông quát lớn :
- Xê ra!
Giọng ông Năm méo mó bởi khuôn miệng đang cố nín cười.Đoạn, ông khua tay vô đống vàng ngễu nghện trong hòm. Cánh tay dài của ông chạm tới đáy. Đang bay lên đâu đó bởi sự va chạm giữa bàn tay với những miếng vàng, bỗng mặt ông Năm sa sầm lại.
Ông Năm rút bàn tay của mình ra, màu máu, màu huyết tương tạo thành một màu cam nhơn nhớt đang rin rít trên mấy ngón tay của ông. Tim đập dồn dập từng cơn, ông Năm cảm thấy con tim mình như trồi ra,chạm sát vào da ngực. Ông Năm chẳng buồn nhìn lên gương mặt tím tái vì sợ hãi của bà Loan và đứa con lớn, ông thò tiếp tay xuống chỗ lúc nãy chạm phải vật đáng sợ đó rồi mò mẫm kéo nó lên. Ông đứng lom khom để lấy sức, ai ngờ thứ đó không nặng như ông tưởng nên bị chính sức mình làm cho ngã ngửa ra sau.
Trên tay ông là một cánh tay của người đàn ông khác. Đoạn áo sơ mi còn lại trên cánh tay toát lên một vẻ giàu có phi phàm với tấm vải lụa là, thẳng nếp và mịn màng. Trên bàn tay còn đeo một chiếc đồng hồ vàng nạm những viên đá trắng đang khoe sắc đủ màu dưới ánh nắng mặt trời. Bàn tay của giới quý tộc nhìn từ năm ngón tay thon dài, trắng trẻo đến khuỷ tay vẫn đẹp đẽ, sự sang trọng có chết đi vẫn đẹp đẽ. Chỉ đến đoạn giữa bả vai và khớp giữa, mảnh thịt tái tái, đỏ đỏ bám èo ọt vào ống xương trắng đang dần thối rữa mới làm cho người ta ý thức lại. Đó vẫn là một cánh tay lìa khỏi xác gớm ghiếc.
Ông Năm sợ hãi gạt cánh tay ra rìa của mái nhà. Rồi nhanh chóng lấy hết sức mím môi nhấc nắp hòm lên đậy lại. Bà Loan và mấy đứa con lại vẽ ra những bộ mặt hệt như lúc chiếc hòm mới tiến vào. Ông Năm ngồi bệt xuống sàn ẩm ướt,vò đầu,nhìn xuống sàn qua đầu gối. Miệng rít lên những thứ âm thanh không ai hiểu nổi. Bỗng, ông Năm đứng phắt dậy, bước những bước chân nặng trĩu, trọng tâm chân dồn hết lên ngón. Mấy ngón chân bấm chặt lên sàn nhà đi tới trước cánh tay. Ông Năm đứng trước cánh tay, bàn tay ông nắm chặt,mấy ngón tay tựa hồ cắm vào da thịt, ông quắc mắt quay lại hét lớn :
- Tao cấm đứa nào léng phéng chuyện này.
Mấy đứa con sợ hãi luống cuống gật đầu rối rít. Bà Loan nhìn theo chồng không khép miệng lại được, nhễu cả nước miếng.
Ông Năm vừa dứt lời, quay phắt lại đá văng cánh tay xuống dòng nước đang rút dần, nước rút nhưng vẫn chảy thành dòng bởi căn nhà nằm sát bờ sông. Cánh tay bị dòng nước đá lên rồi kéo xuống, xuay tròn rồi dựng đứng như muốn nói với ông điều gì. Ông Năm đứng nhìn nó quay vòng rồi chìm nghỉm.
Quay vòng rồi chìm nghỉm.
***
Đợt lũ vừa rồi trong làng không có ai sẩy chân mà mất, cũng chẳng có ai trong làng than lũ cuốn mất thứ gì quý giá. Cơn lũ qua đi, cái lạnh lại kéo đến. Làng vừa trốn bão, giờ lại co ro tránh rét. Vậy mà chẳng có ai nghĩ mình sẽ bỏ nơi này đi làm gì.Trời xam xám màu đông, trên cánh đồng lại lún phún những mạ non mơn man xanh cốm cho vụ đông xuân.
Hôm nay làng Bãi Trạm được một phen ồn ĩ. Lâu lắm rồi mới có sự náo nhiệt như vậy ở làng. Số là, hôm nay ông Năm mua hẳn một con bê, một con heo nái và một con dê sữa đãi mọi người. Một sự kì lạ như tuyết rơi giữ mùa hè vậy. Từ trước đó mấy ngày, việc ông Năm bà Loan mang tiền đi trả nợ một vòng quanh làng đã làm mọi người nửa tò mò, nửa mừng cho nhà ông. Không chỉ trả hết, ông còn biếu lại số tiền gấp mấy lần tiền lãi để cảm ơn. Chưa hết bất ngờ thì hôm nay lại được ông Năm mời một bữa thỏa thê. Rồi chưa đầy ba tháng sau đó, ông Năm cất lên một căn nhà bốn lầu sơn màu vàng nhàn nhạt. Căn nhà vuông vức, xây trên nền móng cao và vững chãi. Chắc từ nay, nhà ông không đụng chân vào nước lũ bao giờ nữa...
Khi thấy ai đó sống bê tha, người ta thường nói : " Kệ nó, cho nó khổ rồi mới trắng mắt ra" . Chắc nhiều người vẫn tin tưởng câu này lắm. Nhưng không, những câu lý thuyết với thực tế như mặt trời với mặt trăng. Những câu nói hay ho chỉ là mặt trăng tô điểm cho đêm đen thôi, thực tế mới là mặt trời soi rọi con đường cho người ta đi.
Từ ngày phất lên, ông Năm thôi không còn lôi thôi uống chịu ở mấy quán nhậu. Thôi không cằn nhằn vợ con, đá niêu đập chén. Và người ta cũng thôi thấy ông gọi vợ là ngu, đần, hay nhìn mấy đứa con với nửa con mắt khinh miệt. Thay vào đó, người ta thấy ông mua thuốc bổ, đi khám bệnh, uống mật gấu,gan hùm,cao khỉ...
Đấy. Có khi, tiền mới làm được người ta trắng mắt ra.
***
Bà Loan như một nhà ảo thuật giữa đời thường. Nhưng bà không lôi con bồ câu ra từ cái nón không, cũng không xòe con bài ra từ kẽ tay mà bà biến được cho ông Năm một thằng cu từ bụng của mình. Ở giữa cái tuổi năm mươi. Kể ra cũng ít ai làm phép giỏi được như bà. Đứa con trai của hai vợ chồng bằng tuổi với đứa cháu ngoại đầu tiên.
Ngày bà Loan sinh được đứa con quý báu cho ông Năm, người ta thấy ông xì xụp khấn vái từ ban thờ đến mấy ngôi mộ từ sáng tới chiều. Ông chất đầy trên mộ những đĩa hoa quả, những lọ hoa rồi vái những vái dài, dập đầu liên tục cảm tạ. Nhưng đến cuối ngày, khi trời vừa xế, người ta lại thấy ông ngồi bần thần như người mất hồn bên mộ phần của cha mẹ. Không ai có thể hiểu tại sao lúc này gương mặt ông lại tím tái vẻ sợ sệt, lo lắng. Bỗng, ông chạy vụt về nhà. Chỉ một lát sau, từ căn biệt thự của ông Năm dựng lên một cột khói, ông Năm đang đốt thứ gì đó. Cột khói bay lên khỏi tường rào rồi bung ra theo gió. Cả không gian thoang thoảng hương thơm chỉ có ở loại gỗ dâu quý hiếm.
Cũng kể từ đó, người làng ít thấy ông bởi ông còn bận đi từ chùa này đến đền kia, từ tổ chức từ thiện này đến quỹ nhân ái nọ. Có người nói ông đang làm phước, có người nói ông Năm vốn dĩ rất tốt, do nghèo khổ nên bê tha vậy thôi. Cũng có kẻ nghi kị : "lão đang đền tội mà thôi"...
Không ai có thể hiểu làm sao ông Năm có được số tiền ấy. Cũng không ai hiểu nổi, tấm lòng nhân ái của ông bấy lâu nay được ông cất giấu ở đoạn nào giữa những cơn say.
Thi thoảng, lại thấy ông cõng cậu giời lên cổ, vỗ vỗ vào lưng thằng bé mập mạp rồi cười ha hả nói:
- Lộc trời đây, lộc trời đây. Haha
***
Thời gian như con ngựa hoang đứt cương, mải miết chạy chẳng quay đầu lấy một lần. Mới đó, cậu út của ông đã mười tám tuổi. Là cậu ấm được cưng chiều vậy mà Thành chăm ngoan, học giỏi chứ không lêu lỏng ăn chơi. Mấy đứa con gái của ông cũng đều đã yên bề gia thất. Người ta nói, ông Năm thật có phước lớn. Ông cũng tự thấy mình hạnh phúc vô biên...
Vừa học xong cấp ba ở huyện, Thành đỗ đại học lên học rồi trên thành phố. Được ông Năm sắm cho xe máy nên cuối tuần nào cũng thấy cậu chạy về thăm nhà. Chiếc xe của Thành có hai lốp to như lốp ôtô , chạy tới đâu rần rần tới đó. Ông Năm có đi đâu thì cuối tuần cũng ngồi ở nhà trên sân thượng, ngóng cậu út. Lần nào cũng vậy, vừa thoáng thấy tiếng nẹt pô đã tai vang lên xa xa là ông chạy xuống nhà kêu người làm bắt gà mở rượu rồi ra đón cậu.
Hôm nay cũng vậy, ông Năm ngồi trên cái ghế làm bằng rễ cây từ trưa nhưng mãi đến xế chiều chẳng thấy cậu út đâu. Trời lại mưa to, ngày bão lũ lại sắp về.
Ông đi lên đi xuống lo lắng bất an, gọi điện mãi không thấy con bắt máy, bèn mặc áo mưa, vơ vội chìa khóa nói với bà Loan:
- Bà nó, tôi đi coi thằng Thành đâu. Có khi nó mắc kẹt ngoài kênh.
Vừa nổ máy, ông Năm nhận được điện thoại của người lạ :
- Ông là ba của cháu Thành hả? Ông vô viện gấp, người ta đang cấp cứu cho nó !
Ông Năm choáng váng mặt mày suýt ngất xỉu, cảm giác lồng ngực nặng nề chèn ép hai lá phổi làm hơi thở không thể di chuyển. Ông chống tay vào tường, thở gấp rồi gọi một chiếc taxi tới viện.
Chỗ cậu ấm nhà ông nằm có cả cảnh sát, cả công an, và tất nhiên cả bác sĩ. Những màu áo làm ông lạnh sống lưng, tim đập dồn dập.
Nhân chứng kể, Thành đang đi trên đường thì bị một toán chặt phăng cánh tay, rồi đá xuống đường đánh đập, cướp hết tài sản.
Ông Năm vét hết gia tài đưa cậu sang Mỹ chữa thương, thay cái thận bị đánh giập và nối lại cánh tay. Ông Năm kinh hãi nhìn cánh tay đang nằm trong lồng lạnh của bệnh viện. Con trai ông cũng bị chặt đứt tay ở chỗ giữa bả vai và khớp giữa như cánh tay ngày nào.
Nhưng nước mưa, bùn đất đã làm Thành bị suy hô hấp, mọi việc cứu chữa hết sức khó khăn dù những cục vàng cuối cùng đã được ông bán đi để làm những ca phẫu thuật. Cánh tay cũng đã chết, không thể nào nối lại được. Những vết nội thương đã được phẫu thuật nhưng không hiểu sao Thành vẫn hôn mê. Ông Năm nhìn gương mặt trắng trẻo,đẹp đẽ của con rồi cười khùng khục, hai mắt đỏ ngầu. Ở quê, bà Loan đang bán nốt căn nhà.
Một tuần trôi qua, Thành vẫn mê man nằm đó làm người thực vật.
Một tháng nữa trôi qua, Thành đã im lìm nằm trong chiếc hòm gỗ làm người cõi âm.
Ông Năm điên dại trước cái chết của con, trước mắt ông chẳng còn gì ngoài sự mất mát. Người ta lại thấy ông vùi mình trong rượu ở căn nhà cũ kế căn biệt thự của ông đã bán. Hết rượu thuốc, rượu sâm của ông, ông lại tìm đến những can rượu trong cái chai nhựa mới được xốc cát cho hết mùi mỡ... Người ta lại thấy ông rủa:
- Sống làm con ma...
Ông Năm lại vất vưởng đâu đó để uống chịu.
Mọi thứ trong tay ông đã trôi đi như đám bèo dại trong cái ao tù sau lũ. Lũ kéo đi, đọng lại chỉ một lớp bùn non.
***
Đứa con gái út của ông Năm mới sinh con đầu lòng. Làng Bãi Trạm lại tiếp tục gieo giống mới. Cuộc sống lại xoay vòng, đời người lại luân chuyển, những giấc mơ tiếp nối những giấc mơ. Làng lại tiễn những người đi xa, lại đón những người con mới.
Rồi chúng lấy vợ, chúng sinh con. Những lớp người đổi hình hài nhưng không thay bộ mặt.