Gửi bài:

Người anh hùng

Anh chỉ là một thằng hèn, vô tích sự. Mẹ anh đã dành trọn cả tấm lòng tha thiết để nuôi nấng anh trưởng thành, lại phải lo cho đứa cháu nửa đời còn lại. Một người mẹ nghèo nhưng luôn chứa chan tình cảm, vẫn luôn hướng về con ; còn anh đã làm được gì theo đúng đạo làm con ngoài sự trách cứ, làm tổn thương, đau khổ cho mẹ mình.

***

Cái ngày mà hắn chìm trong tâm trạng trầm lắng nhất, vắt tay lên trán nhìn ra ô cửa nhỏ như tầm tay, ánh trăng phản chiếu một luồng thẳng tắp qua gương mặt đang u sầu. Đưa tâm hồn ra khỏi phòng trại giam, giương ánh mắt long lanh giọt lệ muốn rớt rơi nhưng không thể tuôn chảy. Nghĩ đến một thời tung hoành trên giang hồ trong dĩ vãng, để giờ lại co rúm trong buồng tối, nỗi nhớ da diết người yêu đã chia xa khi phải nghe theo lời cha mẹ, để tìm một hạnh phúc thực sự hơn là một thằng côn đồ như nó. Rồi những thằng anh em một thời luôn coi như là 'homie' quay đi khi đời hắn sa cơ. Đủ chuyện buồn là thế, thằng đại ca một thời cũng có lúc phải để cho lệ rơi trong màn đêm u tịch, nhưng tuyệt nhiên không có chỗ cho hai đấng sinh thành bởi chữ hận quá lớn, lấn át cả lí trí lẫn con tim.

nguoi-anh-hung

Sài Gòn trong tiết trời mùa thu...

- Sắp đến dịp 2-9 rồi, tụi mày có dự định gì không? – Đứa nhìn có vẻ bặm trợn nhất trong đám "lâu la" cất tiếng hỏi.

Từ tốn nhấm nháp giọt cà phê đắng bên vỉa hè phố, Thất Ca đáp lại trong giọng ồ đặc:

- Đi xuống miền tây chọi gà kiếm tiền nhậu chơi đi!

Cả đám có vẻ khoái trí cười đùa làm huyên náo cả quán, bỗng lắng lại khi có một người góa phụ đã ngấp nghé tuổi thất tuần tiến lại mời chào.

- Mấy chú mua giùm cho lão tờ số, chiều nay chắc trúng to! - Giọng bà vừa nhỏ vừa run run trong tiếng còi xe qua lại bên đường.

- Số siết gì bà ơi? Bữa qua trật cả chục tờ vẫn còn ấm ức đây nè, nghĩ lại mà phát bực cả lên.

Rồi cả đám lại trở về cuộc tám chuyện khi nãy sau lời cằn nhằn của Thất Ca, không thèm đếm xỉa tới mặc cho bà lủi thủi quay đi. Được mấy bước thì ngoảnh lại nơi dưới chân họ, sau một hồi nhìn chầm chầm vào đấy bà lại tiến đến gần làm bọn chúng phải gắt lên.

- Cái bà già này, mời gì mà nhiệt tình thế? Phiền quá rồi đấy.

Nhưng bà vẫn cố nở nụ cười đầy hiền hòa, bờ môi nhạt đã bắt đầu có nếp không thể che đi được hàm răng nhuộm màu trầu. Lúc này bà mới bắt đầu cất lời sau khi tên ấy đã mắng xong.

- Lão chỉ muốn lượm cái vỏ lon nước ngọt ở dưới chân mấy cậu thôi, xong sẽ đi ngay.

Rồi nhẹ nhàng cúi xuống nhặt lấy bỏ vào chiếc túi ni lông đã đựng sẵn dăm ba chai nhựa, tấm lưng còng đã hao mòn theo thời gian làm cho động tác ấy thật khổ sở. Xong lại lặng lẽ bước đi, dáng người lụm khụm rời khỏi nơi ấy sau tiếng xì gió của bọn họ, đi đến những nơi khác để bán vé số, đồng thời tranh thủ lượm thêm ve chai để bán. Văng vẳng bên những tiếng cười đùa của bọn thanh niên ấy là tiếng rao hàng của bà với xấp vé số trên tay đong đưa qua lại vẫy mời khách, tựa như vòng tay từ biệt kí ức đẹp đẽ mà ít nhiều một đời người từng bước qua, lãng quên đi bao dấu yêu xa vời.

- A! Bà về rồi. Chiều nay bà có mua cơm hộp cho cháu không?

Đứa cháu vội chạy ra khỏi gầm cầu mừng bà nội trở về khi bóng hoàng hôn vừa kịp dứt.

- Bữa nay cháu ở nhà chơi với các bạn có ngoan không?

- Dạ ngoan. Mà bà có mua cơm không ạ?

Phải để đứa cháu nhắc lại lần hai thì bà mới sực nhớ đến túm đồ ăn để lẫn trong bao ve chai. Chưa kịp nói thì đứa cháu mới lên năm đã chạy đến lục lọi và móc ra một bọc đồ ăn ít ỏi của cả hai bà cháu.

- Ôi! Lại là bánh mì nữa. Cháu ngán lắm rồi. - Nó nhăn mặt lại khi bị mất hứng.

- Cháu ngoan của bà, rồi ngày mai bà đem đống ve chai này đến vựa đổi lấy tiền sẽ mua cơm cho mà. - Bà nói trong vẻ không chắc chắn, nhưng vẫn cố tỏ ra lạc quan cho đứa cháu thơ được an tâm.

- Bà hứa rồi đó nha.

Rồi đưa ngón tay nhỏ bé đen rám nắng ra để ngoéo tay với bà. Quay mặt ra ngoài kia, nơi dòng sông hắt ánh đèn sang từ trên cầu tấp nập dòng xe cộ nườm nượp qua lại. Mắt bà nhíu lại làm dồn dập những nếp nhăn, đôi môi khô nẻ mếu máo với một sắc mặt buồn tẻ đầy lo toan. Bỗng có tiếng ai đó cất lên gọi, nhìn ra bên ngoài lờ mờ không rõ nhân ảnh, nhưng cũng kịp nhận ra được đó là cô Tư ở khu trọ xóm ổ chuột gần đó sang thăm.

- Cô đến chơi đấy à? Quý hóa quá.

- Dạ, thím mới đi làm về luôn à, sao trễ vậy ? Còn bé Ni sao nhìn mặt ủ rũ thế kia? - Cô Tư bước đến ân cần hỏi han.

Thấy thế, bà ghé tai khe khẽ : 'Nó giận vì tôi không mua quà cho nó đó mà, không sao đâu'.

- Tội nghiệp chưa ! Mới hồi chiều đây còn đùa giỡn với bé Thanh nhà cô giờ đã bí xị thế này rồi. Lại đây cô bảo này !

- Ồ ! Gì đây cô ? - Ni reo lên trong vui sướng.

- Bánh trung thu người quen tặng đó, nhiều quá bé Thanh ở nhà lại ăn không bao nhiêu nên bảo đem chia bớt cho bạn Ni.

- Dạ, con cảm ơn cô, cả bạn Thanh nữa.

Nhìn điệu bộ hạnh phúc ấy của bé Ni mà bà cảm thấy yên lòng. Đi cùng cô Tư ra phía ngoài trò chuyện cho mát mẻ, bà cảm mến vô cùng vì được cô ấy đặc biệt quan tâm đến đứa cháu.

- Bữa nay bán được chứ thím Sáu ?

- Cũng tàm tạm thôi cô à. Lãnh có trăm vé mà đến chiều trả lại cho đại lí đến hơn phân nửa.

Thấy ánh mắt cô Tư như đang đồng cảm với cảnh ngộ và lắng nghe, bà Sáu như muốn xua đi cái không được vui đó, cũng làm vẻ như ổn hơn.

- Tôi thì vừa bán vé số vừa lượm ve chai nên cũng kiếm được chút ít phần thu nhập.

- Thím như vậy là phấn đấu lắm rồi. Con cũng thấy mừng cho thím.

- Giờ còn một chút sức lực thì phải cố gắng chứ, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng không biết đến khi nào mới có đủ tiền để ra Móng Cái mà thăm "nó".

Đến đây, cả hai như lặng đi cùng cảnh đêm khi nghĩ đến Long, con trai bà Sáu. Ngày ấy Long sống buông thả, mới mười lăm tuổi đầu đã bỏ nhà đi bạt để thỏa mãn cái tuổi trẻ. Bao năm lăn lộn ngoài giang hồ để được làm đệ người ta, đua đòi thích tạo dựng tiếng tăm rồi vươn lên làm đại ca sau những cuộc thanh trừng lẫn nhau với các băng đảng cộm cán. Và cái kết là nó đã đánh trọng thương người ta để rồi phải ngồi tù. Bỏ lại cha mẹ già cùng đứa con thơ dại, người vợ hờ đã đem trả lại con cho bà Sáu nuôi rồi theo "tiếng gọi lạ" khi Long đang thụ án. Trước kia nhà bà Sáu cũng không đến nỗi khổ, nhưng phải lo chạy án cho Long, rồi sau vụ xét xử phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ cho bên bị hại. Và thế là nhà tan cửa nát bởi cái giang hồ xưng bá của Long (tự Long Cưu).

- Thôi! Chuyện đã lùi về quá khứ rồi còn nhắc đến mà làm chi? - Bà Sáu cố xua đi cái không vui ấy.

- Vâng, cháu hiểu mà.

Như thấu được nỗi lòng người mẹ, ánh mắt cô Tư rười rượi trong nỗi buồn. Rồi bà Sáu lặng lẽ quay trở vào gầm cầu sau khi chào biệt cô hàng xóm.

. . . .

Ngày 2-9 qua đi, những tù nhân được chủ tịch nước ân xá trở về với xã hội trong niềm hân hoan của thân nhân, bạn bè. Nhưng Long lại không nằm trong số đó, sự tức tối lẫn ganh tị hừng hực, dù năm tháng qua đã cố gắng cải tạo tốt nhưng lại chẳng được gì. Ôm hận, để rồi vào một ngày nọ hắn cùng với mấy tên bạn tù giam cùng buồng bàn bạc vượt ngục. Sau vài ngày lên kế hoạch, nhưng bọn họ vẫn thụ động, mãi dậm chân một chỗ trong tù vì chưa có được hướng đi. Nhưng điều đó không làm nản sự khao khát bầu trời ngoài kia của chúng, kế hoạch đào tẩu vẫn luôn âm ỉ cháy trong tâm trí, đợi một ngày cơn gió vô tình đi ngang qua làm bùng lên.

Trong một đợt lao động ngoài trời, đang đào xới đât trồng cây xanh thì Long phát hiện một chiếc lưỡi lam cũ ẩn dưới lớp đất đá, hắn vội lanh tay cho vào túi đem về. Ngày này qua ngày khác chúng thay nhau cưa mòn thanh sắt chắn cửa bằng lưỡi lam đã gỉ séc ấy. Được một thời gian thì bị gãy do hao mòn khi đang trong quá trình cưa dở, tưởng chừng toàn bộ kế hoạch phải chuyển sang hướng khác nhưng Long Cưu đã nghĩ đến việc xin lưỡi lam khác để cạo râu.

- Được không anh Long? Nội quy ở đây nghiêm ngặt lắm, chỉ e bọn quản giáo sẽ không cho đâu.

- Tao cũng nghĩ đến điều đó, nhưng cứ thử xem sao. Một vật dụng cá nhân thường nhật như vậy chắc cũng không vấn đề gì mấy.

Rồi hắn giao nhiệm vụ này cho Tống "đất cảng", một tên râu ria bồm xồm, tưởng chừng khó khăn nhưng cuối cùng tên ấy cũng thuyết phục được.

- Rắc! Rắc!

Rồi tiếng cót két lại vang lên sau một lúc. Tiếng gì đấy nghe như vật bị gãy. Khẽ khàng, tiếng động như cố không muốn vang bật, phải một hồi lâu mới vọng lên lại. Đêm khuya hòa với tiếng dế gáy vang ngoài kia làm nên nét rất riêng của kẻ thức trong đêm dài. Và rồi âm thanh lạ ấy không nghe nữa sau hồi lâu, mà lại nghe tiếng rón rén của những kẻ vượt ngục. Thanh sắt cửa tù đã bị gãy đoạn qua nhiều ngày cưa cắt của đám tù nhân do Long cầm đầu, khoảng chừng đâu bốn tên.

Cứ thế, chúng phân công cho nhau cưa cắt cho đến khi sắp đứt lìa chỉ còn lại một chút kết dính thì bắt đầu cuộc đào tẩu. Đó là thời điểm chin muồi và đêm nay bầu trời không trăng không sao như một điều thuận lợi. Chúng lẻn vào phòng thay đồ để thay cảnh phục của quản giáo trại giam, cũng không quên lẻn vào kho vũ khí cuỗm đi một số "hàng nóng" lận trong người. Dưới ánh đèn mập mờ, chúng ung dung bước đi, đến khi gần cánh cửa trại thì bước chân như muốn níu lại bởi sự đấu tranh giữa sợ hãi và khát khao tự do ngoài kia.

- Cẩn thận đó anh Long!

- Được rồi, chúng mày cứ bình tĩnh, để tao!

Nói rồi, Long tiến đến dõng dạc cất lời chào:

- Này... đồng chí, khuya lạnh vầy ra ngoài này làm tô hủ tiếu gõ với anh em cho ấm bụng rồi hẳn trực!

Người gác cổng chỉ cười nhẹ qua từ chối khéo, chỉ là rủ cho có vì Long biết chắc tên ấy sẽ không đi để hoàn thành nhiệm vụ. Kế hoạch hoàn hảo, vừa bước qua cánh cổng chúng như thấy được ánh bình minh đang nhô lên ở phía trước dù rằng trời vẫn còn tối mịt.

. . . .

- Vé số đây, vé...

Đang rao số mời khách bên lề hè phố thì bà Sáu chợt khựng lại khi trước mặt có đám hỗn loạn, dòng người bâu kín chặt vòng vây. Lụm khụm bước đến theo cái hiếu kì thì bà bỗng hốt hoảng khi thấy có sự xuất hiện của thằng Thất Ca cùng đám bạn mà thỉnh thoảng bà có mời mua vé số. Một cảnh tượng kinh hoàng khi hết thảy cả bọn đang nằm trên vũng máu bê bết trong từng làn hơi thở thoi thóp.

- Bà con làm ơn tránh ra cho công an khám nghiệm hiện trường nào! - Viên công an hối thúc người dân đang bủa vây.

Lao xao gần đấy những lời xì xầm bàn ra tán vào của một nhóm người.

- Cái bọn côn đồ này suốt ngày chỉ biết chém giết, mà công nhận chúng hành động nhanh gọn lẹ thiệt, mới đó mà đã hút bóng hết trước khi công an đến.

- Tụi thằng Thất Lu này cũng chẳng có vừa gì, suốt ngày cứ tụ tập lêu lổng, giờ thành ra thế này. Mà nghe đâu tên cầm đầu băng nhóm bên kia là con trai bà Sáu vé số thường hay lảng vảng ở gần đây để bán. - Một người dân chứng kiến vụ việc lúc nãy thêm lời.

- Suỵt! - Vừa dứt lời, người đó vừa đưa tay lên miệng ra hiệu như lỡ bị hố.

Bà Sáu dường như đã nghe được và bị phát hiện giữa đám đông khi có người nhận ra, nhưng không một lời trách than, không một chút oán hận mà chỉ biết cúi lặng với suy nghĩ rằng... con dại cái mang.

- Này bác, có người bảo bác là thân nhân của bị can.

Từ từ ngẩng mặt lên nhìn vào ánh mắt dò hỏi của anh công an điều tra, giữa vòng vây của những ánh mắt ngờ vực, tò mò của người dân. Bà không muốn chối bỏ khúc ruột mà mình mang nặng đẻ đau dù cho nó có là con ác quỷ.

- Vâng, chính tôi.

Tiếng lao xao của mọi người bắt đầu vang lên, xì xào chỉ trỏ thoái mạ người mẹ không biết dạy con. Rồi bà lặng lẽ theo sau công an về đồn để lấy lời khai, làm bản cam kết và một số thủ tục.

Tại một nhà nghỉ trên địa bàn...

- Mật khẩu chú? - Tiếp tân hỏi Long Cưu.

- Bữa nay chợ có đắt không?

- Ok, phòng 402.

Cả bốn tên cùng vào phòng nghỉ để sử dụng ma túy đá, đồng thời yêu cầu nhà nghỉ điều "đào" đến để ăn mừng chiến công sau khi rửa được mối thù năm xưa với bọn Thất Ca.

- Đại ca, sao anh biết được chỗ này hay thế? Ở đây mới thoải mái làm sao!

- Tụi mày cứ xả láng đi, chỗ này rất an toàn. Bên ngoài là nhà nghỉ nhưng thực chất chỉ để phục vụ giới gang hồ có được mật khẩu của hội thôi. - Long Cưu đáp lại tên đàn em đang trong vẻ hứng khích.

- Vui nhỉ? Thế lỡ ai đến hỏi phòng mà không phải người mình thì thế nào?

- Thì tên bảo kê ở quầy tiếp tân sẽ báo hết phòng, vậy thôi.

Thế rồi bốn tên vượt ngục ấy cùng thác loạn trong căn phòng kín. Tiếng nhạc xập xình cùng với khói thuốc, chất kích thích làm chúng quên đi cả sự đời. Long Cưu hả hê với thắng lợi này, hơn nữa đã được trở lại với kiếp giang hồ, cùng tung hoành với ba dân anh chị vô tình gặp gỡ và kết giao trong tù. Cùng nhau quy tụ đám đàn em dưới trướng của mình, lấy lại thanh thế của ngày nào. Cũng sau vụ việc này, bà Sáu đành sang vùng khác sống do bị kì thị, điều tiếng phải lang bạt khắp nơi rồi lại dạt về vùng ngoại ô.

- Sao mình cứ phải dọn đi vậy bà? - Bé Ni xoe tròn đôi mắt ngây thơ hỏi.

- À... ừ... Tại vì ở đây gần nơi ba con làm việc hơn.

- Sao công việc của ba lâu hoàn thành vậy bà, không biết đến khi nào mới về đón bà và cháu về nhà mới ở nữa?

- Tại vì ba con phải làm ăn lớn, không có nhiều thì giờ, tạm thời không thể gặp bà cháu mình được. Nhưng cháu hãy luôn nhớ rằng ba vẫn ở rất gần đây, đừng nản lòng!

Thấy đứa cháu cứ mãi nghĩ ngợi, bà Sáu lại tiếp lời.

- Có như vậy thì sau này ba mới mua nhà mới cho cả nhà chúng ta cùng ở, rồi đi ăn nhà hàng, coi phim ở rạp nữa. Cháu thích không nè?

- Có cơm gà không hở bà?

- Có tất, cháu ngoan lắm!

Rồi từ từ quay mặt hướng ra ngoài kia với ánh nhìn xa xăm, tư lự đượm chút màu buồn.

Tại địa bàn của băng nhóm Long Cưu, bên ngoài là câu lạc bộ billiard nhưng bên trong sâu hút lại là địa điểm để chúng thác loạn, ăn chơi và đóng quân.

- Vụ này tụi mày làm tốt lắm, hàng tới đối tác mà không bị công an "sờ gáy" là tao nhẹ người rồi. - Long Cưu có lời khích lệ đám đàn em.

- Nhờ chuyến này mà anh em mình vô được một khoản lớn, chúng ta cứ chơi thả ga đi!

Một tên đàn em khác bước đến thủ thì cùng Long Cưu:

- Có chuyện này anh đừng trách em nhiều chuyện nha!

- Anh em tốt mà, mày cứ nói đi!

- Chẳng là hôm nọ chúng ta chém bọn Thất Ca xong em có quay lại hiện trường dò xét tình hình thì phát hiện bà Sáu, mẹ anh. Không may là người ta nhận ra được và công an có mời về trụ sở làm việc, không biết...

Long Cưu quay mặt sang đám đàn em đứng gần đấy, không để ý tới lời của thằng đàn em ấy.

- Tụi mày cứ chơi thả ga đi, hôm nay tao mời!

Rồi từ tốn bước đến choàng vai tên đàn em khi nãy ra ngoài nói chuyện.

- Thôi được rồi chú em, những chuyện về gia đình tao không muốn nói đến.

- Em không biết sao anh lại lạnh nhạt như vậy, nhưng mấy ngày qua đi giao "hàng" thỉnh thoảng em có thấy bà đi bán vé số rồi nhặt phế liệu ngoài đường. Anh thì tiền bạc không mấy vấn đề, sao không...

- Nể chú mày là một thằng đệ thân thiết nên anh không trách. Lên cái đã nào!

Đặt ly rượu vang xuống bàn, Long Cưu thong dong khoác vai tên đàn em thân cận của mình, bắt đầu trải lòng mình, nỗi lòng của một đại ca.

- Thuở nhỏ anh nghỉ học sớm, thường hay tụ tập đám bạn chơi bời nên hay bị mẹ la rầy, em không biết thôi chứ cái điệp khúc ấy thật chán ngấy đi được. Nhà thì nghèo khó, đã không lo cho được như con người ta thì thôi, vậy mà khi anh bỏ lên thành phố kiếm tiền thì bà lại hăm dọa đã đi thì đừng trở về, từ mặt luôn lúc đó.

Kéo điếu thuốc thật sâu rồi lại tiếp lời trong làn khói thuốc trắng bay.

- Đã thế khi ở trại giam mấy năm ròng rã, bà ta cũng không thèm đến thăm dù chỉ một lần.

- Có gì hiểu lầm trong chuyện này không anh Long. Dẫu có thế thì dù gì bà cũng là bậc sinh thành...

- Được rồi chú, anh chỉ tâm sự cho khuây thế thôi, chứ thực sự mà nói... mẹ anh đã chết rồi. - Long Cưu ngăn lại trong vẻ sắc lạnh.

Bỗng một tên đàn em ở ngoài chạy đến với vẻ bàng hoàng.

- Đại ca, anh em mình trên đường nhận hàng ở vùng biên bị bọn Thích Báo chém trọng thương rồi còn bắt giữ nữa. Chúng bảo nơi này là lãnh địa của chúng không cho kẻ lạ bén mảng đến.

- Cái bọn láo xược này, thật chẳng coi Long Cưu này ra gì ở cái đất này. Mới có mấy năm ta mắc bận "ăn cơm nhà nước" thôi mà tụi nó đã lộng hành thế rồi. Chúng mày theo tao!

Ngay trong chiều ấy, băng nhóm Long Cưu đi trên chiếc ô tô rảo khắp nơi tìm kiếm kẻ thù, được tin mật báo tất cả các tốp nhỏ lẻ tập trung dồn về một nhà hàng nằm ở gần trung tâm thành phố. Lúc này bọn Thích Báo đang chén mừng khi giành được địa bàn và mối làm ăn lớn từ tay đối thủ trên giang hồ, nhưng hơn hết đó là sự thanh trừng băng nhóm Long Cưu để gầy dựng số má ở cái đất Sài thành này. Vừa giáp mặt không một lời nào cả hai băng nhóm đã lao vào nhau như điên loạn, Long Cưu xông pha nghinh chiến làm cho những thực khách lẫn nhân viên chạy tán loạn như bầy ong vỡ tổ. Hò hét vang rần trời.

- Ai mua vé số không, số trúng độc đắc chiều xổ đây! - Ở một chốn khác cách đó không xa, bà Sáu đang rao hàng bên một góc phố cà phê. Nhưng chẳng mấy ai buồn mua, bà thẩn thờ bước ra với vẻ mệt mỏi, ánh mắt hướng về nơi xa xăm như lo toan cho hai bữa trong ngày.

Nơi đó, cảnh hỗn chiến xảy ra quyết liệt, gay cấn. Kẻ bị chém phải đau đớn bên vết máu, kẻ hớt hãi bỏ chạy thụt mạng.

. . . .

- Vé số sắp đến giờ xổ đây!

Ở nơi này, bà Sáu vội vã chạy mời mọc những người qua đường mua vé số vì đã sắp đến giờ chốt sổ, phải lo hoàn lại số vé thừa cho đại lí.

. . . .

- Đại ca, để nó cho em thanh toán! - Tên đàn em quá khích cố tỏ ra bản lĩnh trước mặt đại ca mình.

Nhưng Long Cưu cũng chẳng vừa, cũng muốn chứng tỏ mình, liền la hét om sòm.

- Chém nó!

Và sau tiếng hô hào đó, hắn đã thẳng tay với vêt chém chí mạng vào đối phương, mắt hắn hăng tiết lên, chém như điên dại. Cũng ngay lúc ấy, trên đường về nhà khi đến đoạn giao nhau của hai ngã đường chợt thấy vỏ lon nằm lăn lốc gần đấy, bà Sáu nhẹ người khom xuống nhặt thì không may bị chiếc mô tô cũng vừa trờ tới tông phải, làm bà té nhào qua một bên đường nằm sõng soài. Mắt mờ dần trước những chùm sáng cuối cùng của ánh hoàng hôn đang khuất lặn, tay vẫn còn nắm chặt lấy chiếc lon móp méo đã với được. Từ từ lặng đi trong tiếng lao xao của người dân hiếu kì vây quanh.

Mấy chốc, tiếng xe cấp cứu vang lên từng hồi nghe thê thiết theo người bị nạn, trong từng nhịp thở yếu ớt. Được một đoạn thì ngược chiều vơi xe cảnh sát áp giải phạm nhân về đồn, âm thanh của hai chiếc xe ấy chan hòa vào nhau làm nên sự ai oán, não nề của một buổi cuối ngày.

Sau khi bị giải về về trụ sở công an, Long Cưu cùng đồng bọn bị tạm giam chờ ngày xét xử. Và rồi ngày ấy cũng đến, trong một phiên tòa lưu động, hắn bị tuyên án tử về hành vi giết người của mình, bà Sáu như rã rời, đổ sập xuống nền khán phòng xử án, cố lê lết đến trước tòa xin được kháng cáo nhưng bất thành. Người con yêu dấu của mình đang dần dần xa khi bị giải ra xe, dạt về khám Chí Hòa. Nhưng tuyệt nhiên, hắn không biểu lộ một chút nào tỏ ra sợ sệt hay hối lỗi, cái anh hùng trong hắn vẫn dâng cao tột độ dù cái chết đang kề cận. Lạnh lùng bước đi không muốn phí một ánh mắt về người mẹ già đang đổ sập dưới chân mình, từ chối tình cảm ấy mà đối với hắn đó chỉ là sự thương hại.

Ngày tháng trôi qua, vẫn không hề có một sự thay đổi nào với Long Cưu. Hắn trở nên lầm lì, lúc nào cũng hướng một ánh mắt vô hồn lên bầu trời xanh ngắt qua ô cửa tù, tiếng chim líu lo ngoài ấy như lùa những nỗi nhớ khó dứt của một thời anh hào về lại trong tâm trí. Hắn mỉm cười trên bờ môi nhạt, cứ như đã thỏa mãn một đời người, không còn luyến tiếc chi vì đã vang bóng trên giới giang hồ. Không thèm đếm xỉa gì đến người mẹ già yếu và đứa con thơ dại. Với hắn, đứa con ấy là cái đầu đề của sự oán hận mối tình cay đắng mà ả vợ hờ đã gieo vào trái tim thuở mới biết yêu. Còn người mẹ lại là sự trách hờn thời ấu thơ vì đã không cho hắn được như người ta.

- Như lúc này chẳng hạn, ngay đến một lần thăm hỏi cũng không thấy, lần trước trong tù cũng vậy giờ vẫn thế.

Hắn lầm bầm trong miệng, răng cắn vào bờ môi làm nát đi da thịt rỉ máu nghe mặn chát ở đầu lưỡi, vờ như mình đang hít thật sâu một hơi thuốc lào rồi nhả ra từng làn khói trắng bay. Hắn chỉ tay về nơi ấy mà cay nghiến.

- Đã vậy thì hãy đợi thằng này nhắm mắt khi thi hành án xong rồi hẳn thăm.

. . . .

Khi trở về, thời gian này bà Sáu như kẻ mất hồn, lúc nào cũng trong tâm trạng u sầu, dật dờ trên phố như một bóng ma. Vì cuộc mưu sinh, vì đứa cháu nội tội nghiệp bà phải nhọc nhằn ngày qua ngày, rong rủi khắp các nẻo đường để bán vé số. Dáng đi chậm rãi, yếu mệt sau từng bước chân nhấc lên trong khập khiễng vì tai nạn lần trước làm ảnh hưởng đến khớp gối, nhưng bà vẫn đi về phía trước, cứ ngỡ như càng lúc càng bước đến gần con trai yêu quý của mình hơn. Ngày ngày tháng tháng dần qua, số tiền chắt chiu dành dụm cũng không đáng là bao, nhưng nỗi nhớ con lại quá lớn khiến bà phải đánh liều một chuyến đến trại giam Chí Hòa để thăm. Đành gửi bé Ni cho cô Tư cùng ít tiền, còn mình lận vài đồng tiền lẻ làm hành trang đi đường. Qua nhiều tuyến xe buýt, cùng đôi ba lần đi bộ lếch đôi chân sần sùi chai sạn trên con đường, thỉnh thoảng xin hành khất qua bữa để đủ sức lực mà tiếp bước, đi về nơi xoa dịu những nhớ nhung.

Ở khám trại giam Chí Hòa, một biểu tượng phong thủy dùng để trấn yểm Sài Gòn bởi lối kiến trúc của nó, điều đặc biệt nhất của khám Chí Hòa là tất cả các lối di chuyển bên trong đều được thiết kế theo cung vị. Chính vì thế, người bình thường khi bước qua cửa Tử sẽ mất hết phương hướng, như lạc vào một mê cung trận đồ, không thể tìm thấy lối ra. Nghe giang hồ đồn đoán bấy lâu, nhưng Long Cưu vẫn đánh liều lên kế hoạch đào tẩu nhưng bất thành vì thế đất, kiến trúc hình bát quái của khám quá kiên cố và vững chãi, thật khó có thể lọt ra ngoài dù cho là một con muỗi. Sau nhiều lần thất bại, hắn bắt đầu nản chí và an phận, tự nhủ với lòng mình hẹn kiếp sau sẽ lại làm một giang hồ mới. Trong dòng suy nghĩ lan man thì bất chợt tiếng gọi của quản giáo làm hắn phân tán.

- Chuyện gì thế? - Hắn hắt cằm hỏi.

- Có người muốn gặp anh, mau chuẩn bị!

Hắn cười nhếch môi, không tỏ vẻ mừng rỡ gì mà ung dung bước theo. Vừa đi vừa lẩm bẩm.

- Chắc lại là mấy cánh nhà báo đến viết bài đăng tin đây mà, thật nhảm nhí.

Nhưng vừa ra đến thì hắn lại trở nên sững sờ khi trước mắt là một người đàn bà tiều tụy, già nua đang rưng rưng ánh mắt đầy xúc động về hướng mình. Phải một chập thì hắn mới nhận ra người mẹ già mà hắn đâm hận bấy lâu đang lù lù xuất hiện trước mặt. Hắn định trở vô phòng giam thì bà Sáu đã kịp chạy đến ôm chầm lại từ phía sau khiến hắn phải phản ứng mạnh.

- Cái gì thế này, rảnh rỗi không có gì làm hay sao mà lại đến đây?

- Mẹ... mẹ nhớ con lắm, Long à!

- Có thôi sự giả nhân đó đi không ? - Rồi giằng ra khỏi vòng tay ấy, vòng tay mà từng chở che, lắng lo cho mình một thời.

Xong, hắn lại tiếp lời trong khi bà Sáu đang nước mắt giàn giụa trên đôi mắt nhăn nhúm đầy chua chát.

- Nhớ mà ngày ấy đối xử với tôi như thế ư ?

- Tất cả chỉ muốn tốt cho con thôi, Long à. Đừng giận mẹ !

- Mẹ ư ? Mẹ mà bỏ mặc thằng con này một mình trong ngục tù tối lạnh thế sao ? - Rồi nhoẻn miệng cười khinh khi.

- Là vì... vì mẹ không có điều kiện, nên mới...

- Đủ rồi, quá đủ cho sự biện minh chẳng ra gì. Chào bà, tôi đi chết đây.

Rồi phũ phàng bỏ vào trong nhưng bà Sáu lại cố lếch lê bước chân mỏi đến, ôm con vào lòng mà bật khóc như một đứa trẻ. Nước mắt tưởng chừng đã cạn qua bao ngày khóc than vì con giờ lại như vỡ òa, lăn chảy trên gò má hốc hác, nhỏ giọt xuống vầng trán làm ướt át cả bên mặt khiến hắn phải cáu lên.

- Long Cưu tôi một thời anh hùng trên giang hồ, giờ lại bị những giọt nước mắt yếu đuối của bà làm cho dấy bẩn hết cả.

Rồi dùng dằng bỏ đi dù cuộc thăm tù chỉ vừa mới. Bà Sáu vẫn chưa kịp nói hết những gì mình ấp ủ, dồn nén bấy lâu mà chỉ có tiếng than khóc thương người con trai lầm lối. Cho đến khi bóng dáng của Long Cưu khuất hẳn, tiếng khóc ấy lại òa lên với lời trách than mình đã không chở che được, bất lực khi nhìn con rơi vào hố sâu.

Vừa vào đến trại giam, người quản giáo đã đẩy thật mạnh từ đằng sau làm Long Cưu suýt té nhào. Chỉ tay về phía hắn, anh thốt lên trong từng câu chữ mồn một, giọng điệu sắc lạnh khi đứng chứng kiến toàn bộ cảnh tượng thăm tù và giải hắn vào lại khi vẫn chưa hết giờ thăm.

- Anh chỉ là một thằng hèn, vô tích sự. Mẹ anh đã dành trọn cả tấm lòng tha thiết để nuôi nấng anh trưởng thành, lại phải lo cho đứa cháu nửa đời còn lại. Một người mẹ nghèo nhưng luôn chứa chan tình cảm, vẫn luôn hướng về con ; còn anh đã làm được gì theo đúng đạo làm con ngoài sự trách cứ, làm tổn thương, đau khổ cho mẹ mình.

Nuốt nước miếng lắng xuống, giọng anh ta trầm lại, ấm áp và sâu sắc trong từng lời chậm rãi.

- Bà... mới chính là 'người anh hùng' mà tôi từng được thấy.

Rồi lẳng lặng rời đi, để lại một mình Long Cưu đang đổ sụp quỳ dưới nền đất, ánh mắt thơ thẩn không biểu lộ một chút gì gọi là cảm xúc.

Bên ngoài, bà Sáu lặng lẽ trở về, đôi khi lén quay lại nhìn vào trại rồi lại bước, vẫn còn bịn rịn luyến lưu.

- Này bà !

Bà Sáu quay lại sau tiếng gọi của quản giáo trong trại chạy ra.

- Chuyện gì thế chú ?

- Bà cứ thế này mà về ư ?

- Không về thì còn đi đâu chứ ? Có đi thì cũng có về mà.

- Ý cháu là đường sá xa xôi mà bà mãi đi bộ thế này sao ? Hay để cháu bắt xe cho bà vậy. - Anh ta có vẻ hăng hái muốn giúp đỡ nhưng bà Sáu kịp ngăn lại.

- Không dám phiền đến chú, thật ra thì tôi không muốn phí tiền, mà bây giờ trong túi cũng chả có để mà phí, cứ đi riết rồi cũng tới thôi mà.

Người quản giáo bước đến, từ tốn nắm lấy tay bà, mắt rưng rưng, trời như muốn đổ mưa cùng.

Tội nghiệp cho thân bà, đã ngần tuổi này mà phải... Anh em chúng cháu công tác trong trại không có gì nhiều, đây là số tiền mà chúng cháu quyên góp lại cho bà đi đường.

- Ấy, mấy chú làm thế đâu có được, tôi không dám nhận đâu. - Bà Sáu vội giằng tay lại.

Anh quản giáo nhẹ cười, nụ cười thật hiền hậu.

- Đây là lòng quý mến của chúng cháu, bà như là mẹ của cháu vậy, hãy cầm cho tụi cháu mừng.

Trước cảm tình chân thành ấy, bà Sáu đành nhận lấy, đôi mắt bà long lanh lên như muốn ứa lệ.

- Cảm ơn các cháu, bà rất vui...

- Bà hãy cố gắng vượt qua nỗi buồn của nghịch tử, hãy biết tự lo cho bản thân mình nhé !

Bà Sáu vẫn lặng im, đôi mắt thâm quầng qua mấy đêm dài suy tư đầy trăn trở. Anh quản giáo vội bước qua bên đường bưng sang tô cháo lòng đặt vào lòng bàn tay bà Sáu.

- Bà ăn đi cho lại sức, rồi còn đi đường dài nữa !

- Thôi tôi không ăn đâu, sao lại phiền hà chú nhiều quá, tôi thấy không được tự nhiên cho lắm.

- Bà cứ ăn đi, nhìn dáng vẻ liêu xiêu của bà chắc mấy bữa nay không được bữa ăn ngon rồi.

Một lần nữa ánh mắt bà Sáu lại sục sôi muốn lăn chảy, lần này thì không thể ngăn lại được nữa, bờ mi kia đành buông lơi để mặc cho giọt nước mắt trào ra.

- Cảm ơn chú ! - Nói rồi lại vén tà áo bà ba bạc phết vội lau giọt lệ thấm đẫm.

Bà ăn vội tô cháo đang hừng hực hơi nóng bốc lên thơm phức một cách ngon lành, quyện với giọt nước mắt còn vương trên gò má. Xong bà lại khẩn cầu anh quản giáo một điều trước khi lên xe về nhà.

- Lúc nãy vì rầu quá, nó lại vội bỏ vô trỏng nên tôi chưa kịp đưa cho nó vật này. Nhân tiện cũng nhờ anh đưa hộ giùm.

Rồi moi trong bao ve chai mà dọc đường hành bộ bà tranh thủ lượm được, nguậy tay một hồi lại lôi ra một bọc vải sậm màu.

- Nhờ chú nhá, xin cảm ơn nhiều!

. . . .

Tiếng cửa tù kẽo kịt mở ra, Long Cưu ngẩng đầu lên với một gương mặt lạnh lùng.

- Mẹ anh nhờ gửi vật này, anh hãy tự xem đi !

Không một chút phản ứng cũng không một lời cảm ơn của hắn, anh quản giáo bèn đặt xuống bên cạnh rồi lặng lẽ rời khỏi. Không khí tĩnh lại, quay trở về như khi nãy, Long thẩn người ra, hồi lâu rồi lại quay sang bọc đồ dưới đất. Hắn bắt đầu giở ra thì bần thần khi trên tay hắn là một cái hũ sành trông như đồ đựng tro cốt. Quả nhiên không sai khi mở ra, hắn trở nên bối rối, hai tay bắt đầu run run lên, vội vã chộp lấy tờ giấy bản xỉn màu trông nhàu nhò mà lật ra với dòng chữ nguệch ngoạc, đôi chỗ bị sai chính tả của người mẹ viết vội : 'Long à, mẹ và bố thương con nhiều lắm ! Ngày đó vì muốn lo cho gia đình được tốt hơn nên bố đả vướng vào vòng lao lí, phải ngồi tù chứ không phải bỏ mặt mẹ con mình theo pồ nhí như con vẩn tưởng, đừng hận bố. Khi được ra tù cũng là thời gian con đi bạc nhà, bố vẫn sống chui lủi vì sợ xã hội đen sử tội năm xưa, nên ít ai biết được sự tồn tại của ông ấy. Rồi đến một ngày, ông bí mật ra thăm con trong tù nhưng không may bị tai nạn và mất. Mà trước đó, ông luôn ao ước được đến thăm con nhưng chưa có cơ hội, còn bây giờ... mẹ đưa bố đến thăm con đây cho thỏa ước nguyện của ông ấy. Kí tên : Người mẹ nghèo'.

Đọc xong, Long như kẻ điên cuồng, không kìm được nỗi đau dày xéo hắn đã hét lên thật to tiếng 'bố' mà thời gian qua không được gọi đến. Rồi ngã lăn ra nền đất mà thiếp đi vì quá đau và ngang trái, hai tay vẫn ôm chặt hũ tro cốt của bố vào lòng.

Một giấc mơ ngắn ngủi đi qua, hình ảnh bố vụt tắt khi mở mắt ra, hắn thấy trong bọc vải cũ kỹ ấy vẫn còn có vật gì nữa lồ lộ trong đó. Lồm cồm bò dậy, hắn giở ra thì thấy trái vú sữa vừa chín tới, da căng mịn bóng loáng, dạch đôi ra thì nghe thoảng một mùi hương nồng nàn qua mũi, dòng sữa trắng dạt dào chảy ra. Đưa lên gần ngửi và nếm thử, vị sữa ngọt ngào như dòng sữa mẹ, cắn vào phần thịt thì ngon bùi vô cùng. Cảm giác quay về với mẩu truyện cổ tích Cây vú sữa mà mẹ vẫn thường hay kể mỗi đêm chợp mắt ngày ấu thơ. Trong đầu hắn lúc này mới bắt đầu có những sự liên tưởng đến người mẹ, những hình ảnh đẹp đẽ, kỷ niệm khó quên quay về trong kí ức.

- Mẹ ! Mẹ ơi !

Hắn bắt đầu tiếng gọi mẹ như một đứa bé mới bập bẹ tập nói tiếng mẹ cha. Nước mắt bấy giờ mới len ra ngoài bờ mi, lăn trên gò má và rơi xuống nền nhà lã chã ; giọt nước mắt một thời chưa được rơi mà với hắn, đó là sự nhu nhược không đáng ba chữ người anh hùng. Lí trí của đạo làm con hòa cùng con tim của tình mẫu tử làm cho hắn trở lại là một đứa con thơ. Không lúc nào hết như lúc này đây, hắn mới cảm thấy nhớ sao người mẹ của mình, người mẹ mà hắn coi là đã chết rồi nay được sống lại khiến hắn phải thốt ra từ cửa miệng mình.

- Giờ con mới biết, mẹ... mới chính là 'người anh hùng' của cả cuộc đời con !!

Trần Tân

 

Ngày đăng: 05/11/2014
Người đăng: Tran Tan
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Henry Ford - the failure quote
 

Sự thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bạn bắt đầu lại một cách thông minh hơn.

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage