Gửi bài:

Tiếng gà rừng ở Piềng Đông

Học xong, tôi được nhận về dạy học tại trường trung học cơ sở của xã. Tôi vui mừng cầm quyết định nhận cộng tác về cho cha tôi xem, ông cố đánh vần từng chữ một hồi lâu, đọc xong ông nghĩ ngợi một lúc rồi bảo tôi.

"Xã khác nó không nhận mày hở Ngần? Về Piềng Đông mình dạy cái chữ cho người bản mình mày làm sao được, với lại mày định đi làm cán bộ bao nhiêu năm thì mới lấy chồng? Mày còn chưa lấy chồng thì không nên ở bản đâu..."

***

tieng-ga-rung-o-pieng-dong

Tôi những tưởng cha sẽ vui và tự hào lắm chứ nhưng những gì ông nói lại như nhát dao đâm vào tim tôi. Những đứa bạn cùng trang lứa với tôi ở trong bản giờ đã đi lấy chồng sinh con hết rồi, có đứa năm nay đã sinh đến đứa thứ ba, thứ tư. Ở Piềng Đông con gái lớn tuổi mà chưa có chồng là một sự xấu hổ của gia đình, họ hàng. Cha mẹ tôi rất vui khi tôi đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo nhưng họ không muốn tôi về bản dạy học. Có con gái là cô giáo của bản thì khoảng cách của họ với mọi người sẽ trở nên xa xôi vì người bản sẽ nể sợ họ hơn là quý trọng. Cũng chỉ vì từ trước đến nay tôi là đứa con gái đầu tiên trong cái bản nhỏ ấy dám bỏ nhà ra đi để được đi học, tôi thường làm nhiều điều trái với những tập tục ngàn đời của dân bản. Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi nhưng cha tôi vẫn sợ nhiều người sẽ nghĩ rằng, tôi sẽ làm hư con cháu của họ rồi người ta sẽ ghét tôi... Tôi không biết thuyết phục cha mẹ mình như thế nào nữa, những niềm vui của tôi bỗng bị tiêu tan thay vào đó là những nỗi lo sợ.

Ba tuần sau tôi bắt đầu lên lớp, biết bao nhiêu cảm xúc cứ rạo rực trong tôi, tôi đã chạm đến được ước mơ của mình nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác mọi thứ đều rất mong manh, cứ như thể đó vẫn là giấc mơ thôi vậy. Ngôi trường mà tôi dạy là trường liên kết cấp một và cấp hai nằm ở gần trung tâm xã và cũng gần ngay đầu bản Piềng Đông. Tuy tôi được phân về dạy cấp trung học cơ sở nhưng vì bên trường cấp một thiếu giáo viên nên tôi được nhà trường cử sang bên đó dạy thay thế một số buổi. Trong lớp tôi dạy cũng có mấy đứa học sinh là người cùng bản với tôi nhưng may thay chúng nó chẳng biết điều đó. Thoảng bố mẹ chúng đi nương rồi tạt qua trường gọi chúng về cùng sau giờ tan học, họ cũng chẳng nhận ra tôi dù một số người từng là bạn học hồi xưa. Tôi thích dạy ở bên trường tiểu học hơn là bên trung học cơ sở, bởi vì các em học sinh lớp một, lớp hai mà tôi dạy ngoan hơn rất nhiều, chúng nó cũng biết yêu cái chữ nhiều hơn. Sau bao nhiêu năm từ ngày tôi còn ngồi học ở đây, ngôi trường này vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Các em nữ bên trường cấp hai cứ học đến lớp bảy, lớp tám là lần lượt bỏ học đi lấy chồng gần hết, đến năm lớp chín – năm hết cấp học thì cũng chỉ còn sót lại vài đứa là nhiều. Và có lẽ tôi là đứa duy nhất từ cái khóa ấy đến giờ vẫn chưa lấy chồng, điều mà cha mẹ tôi chẳng lấy gì làm vui.

Ở bên cấp một tôi được phân dạy các em học sinh lớp hai, hầu hết các em đều không thạo tiếng phổ thông nên trong quá trình giảng có khi tôi phải kết hợp cả nói tiếng mẹ đẻ. Các em thích đi học lắm, dù trời mưa bùn ngập đến đầu gối tôi còn thấy ngại khi phải đến trường nhưng khi lên lớp vẫn thấy các em vẫn đến rất đông đủ. Cả lớp chỉ có mười tám em học sinh và cũng như nhiều lớp học các em học sinh nam chiếm đa số, cả lớp chỉ có bảy em học sinh nữ. Tuy thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập và mỗi tuần chỉ đến lớp có năm buổi nhưng tôi phát hiện ra trong lớp tôi dạy có rất nhiều em học sinh sáng dạ. Các em ấy có thể không nghe hoặc nói được nhiều tiếng phổ thông nhưng lại đọc, viết thành thạo và làm Toán rất nhanh. Lứa Thỷ là một học sinh như thế, ngay từ đầu vào lớp tôi đã thấy rất có cảm tình với Thỷ, nhìn cô bé cứ có gì đó quen quen. Mới có tám tuổi đầu nhưng nỗi buồn và sự khắc khổ luôn hiện rõ trên khuôn mặt ngây thơ của Thỷ. Thấy Thỷ chăm học lại cần cù siêng năng trong lao động nên tôi bàn với giáo viên chủ nhiệm lớp cho em làm lớp trưởng nhưng em cứ từ chối mãi, tôi bảo em cứ làm có gì tôi sẽ hỗ trợ nhưng Thỷ đứng lên từ chối cho bằng được. Hỏi lý do thì em bảo:

"Con chẳng thấy ai bảo con gái được làm lớp trưởng cả, trường mình chẳng ai làm, con không làm đâu..."

Tôi mới chợt nhớ ra, cách đó gần mười lăm, mười sáu năm về trước khi tôi còn bằng tuổi Thỷ tôi cũng từng được thầy giáo cử làm lớp trưởng nhưng vì sợ quá nên đã bỏ học. Cha tôi phải đến xin thầy giáo không cho tôi làm lớp trưởng nữa tôi mới chịu quay trở lại lớp học. Chẳng hiểu vì sao ngày đó tôi lại sợ đến như vậy, rồi tôi cũng mới giật mình xem xét lại cả cái trường liên kết cấp một cấp hai Piềng Đông này chẳng có em học sinh nữ nào làm lớp trưởng cả. Cũng như ở bản Piềng Đông từ xưa tới nay phụ nữ không bao giờ làm trưởng bản hay phó bản cả. Tôi thấy buồn khi nhận ra nghịch lý ấy nên dù rất muốn Lứa Thỷ, cô học trò cưng của tôi làm lớp trưởng với hy vọng từ nay về sau trường Piềng Đông sẽ có những lớp trưởng nữ khác để tạo nên một sự cân bằng... nhưng không thể được. Tôi không thể ép Thỷ làm điều mà người ta chưa từng làm, tôi bảo em không phải làm nữa cô bé mới chịu ngồi xuống.

Sau gần nửa học kỳ đi học rất đều đặn bỗng nhiên Thỷ nghỉ học không lí do, tôi thấy rất lạ và lo lắng nữa, gần đây nhiều em học sinh trong trường cũng đột nhiên nghỉ học. Các em học sinh bên trường cấp hai bảo tôi là vì nhà các em ấy giờ đang đến mùa gặt lúa nên phải nghỉ để giúp gia đình. Nghe xong tôi bỗng thấy thương cho tuổi thơ nghèo khó của mình và thương cả các em học sinh của tôi nữa, ngày xưa tôi cũng phải sáng đi học chiều đi nương cùng mẹ. Mười mấy năm trôi qua cuộc sống ở Piềng Đông vẫn thế, các em học sinh vẫn còn vất vả rất nhiều. Tôi chỉ biết khóc thầm khi biết các em học sinh lớp hai của tôi, những đứa trẻ mới có bảy, tám tuổi đầu cũng phải nghỉ học mùa gặt hái để giúp cha mẹ. Thỷ nghỉ đến buổi thứ ba thì tôi thấy lòng mình như lửa đốt, rồi một cảm giác buồn khó tả chợt đến khi một số em học sinh gần nhà Thỷ báo tin chắc Thỷ sẽ bỏ học hẳn. Qua lời kể của các em học sinh, cả các em bên trường cấp hai nữa tôi mới biết rõ hoàn cảnh của Thỷ. Nhìn qua đôi mắt của em cũng đã biết là em có cái gì đó cực nhọc lắm, buồn khổ lắm nhưng tôi không nghĩ là những nỗi niềm ấy lại nhiều đến vậy.

"Nó là chị lớn trong nhà, phải trông em suốt, không làm hết việc nhà là bố mẹ nó đánh đau lắm cô giáo ạ."

"Bố nó hay uống rượu lắm, toàn bắt mẹ nó đẻ em trai cô giáo ạ mà mẹ nó cứ đẻ con gái mãi".

"Nó phải địu em, đi chăn trâu, sáng em thấy nó đi gánh nước ở suối bảo nó đi học cái chữ, nó không nói gì, nó khóc..."

Tim tôi như bị thắt lại, tôi thầm hỏi, Thỷ ơi cô có thể làm gì cho em đây? tôi có thể làm gì được cho đứa học trò nghèo khổ của tôi đây? Có phải làm một cô giáo là chỉ phải dạy học? nhưng tôi không biết nữa tôi còn muốn làm nhiều thứ cho học sinh của mình lắm. Tôi quyết định đến thăm Thỷ và gia đình ngay sau buổi dạy hôm ấy. Nhà Thỷ ở Phiềng Lay một bản nhỏ tận cuối xã, đó là bản của người Xinh Mun. Giữa trưa tôi đi xe máy còn thấy xa thế mà ngày nào Thỷ cũng phải đi bộ đi học. Những con đường đất, trời nắng thì bụi, mưa thì lầy lội thế mà những em học sinh thân yêu của tôi vẫn ngày ngày cắp sách tới lớp trên những con đường như thế này, nghĩ đến đó mà tôi thấy càng thường các em, thương Thỷ nhiều hơn. Dọc đường tôi may mắn bắt gặp người bán hàng rong, tôi mua ít bánh kẹo cho mấy chị em Thỷ. Đến Phiềng Lay theo sự chỉ dẫn của dân bản tôi cũng đã tìm được nhà Thỷ. Ngôi nhà nằm sâu trong nương sắn, quanh nhà trồng vài bụi chuối, trước sân thì trồng mấy cây Đu Đủ cao vút có vài quả non tít trên ngọn cây, quanh thân cây toàn những vết cứa, vết sẹo cũ mới đủ cả. Cạnh bếp là nhà để củi và cái chuồng gà, cả cái chuồng chỉ có một ổ gà mái đang ấp trứng. Trên mái nhà và cả trên các bờ rào đều có váy áo trẻ con đang được phơi nhưng nhìn như bị vứt tứ tung. Ngôi nhà này chắc cũng được dựng lâu rồi vì trông nó khá cũ kỹ, tường nhà là những bức vách nan tre xen kẽ với vài tấm ván, qua những khe hở có thể nhìn vào bên trong nhà. Mái nhà lợp tôn, phần bếp thì lợp mái ngói và mái cọ, căn nhà khá nhỏ và có vẻ hơi siêu vẹo, thế mà nghe đâu nó chứa đến tận năm con người trong ấy.

Đang giờ nghỉ trưa mà căn nhà im ắng lạ thường, cánh cửa cũng được đóng chặt qua những khe hở trên vách tôi chỉ nhìn thấy những mảng tối om trong kia. Trong khi đi qua nhiều nhà khác trong bản đều thấy khói bay lên từ những nếp nhà, tiếng bát đũa khung kheng nhưng ngôi nhà này lại vắng vẻ, im ắng lạ kỳ. Tôi cất tiếng gọi Thỷ nhưng không có tiếng ai trả lời lại, tôi đứng chờ trước sân một hồi lâu nhưng cũng chẳng thấy ai. Sợ cha mẹ chờ cơm trưa lâu quá nên tôi đành quay về nhà, tôi treo túi bánh kẹo lên cửa sổ và để lại một tờ giấy nhắn Thỷ là hôm nay tôi đến thăm em, mong em sẽ sớm đi học trở lại. Lúc tôi quay ra thì gặp một người phụ nữ trạc ngoài ba mươi đang đứng ngoài sân, người chị nhỏ gầy, lem luốc trên vai chị là gánh củi nặng trịch, chắc chắn đó là mẹ Thỷ. Tôi mỉm cười chào chị, giới thiệu rằng tôi là cô giáo của Thỷ, người phụ nữ bỏ vội gánh củi xuống sân, rồi lao vội vào nhà, đóng cửa lại. Tôi có gọi thế nào chị cũng không đi ra, hầu như đã bất lực tôi định quay về thì Thỷ cũng vừa đi chăn bò về, theo sau nó là hai đứa em, một đứa hình như mới đang tập đi, đứa lớn hơn thì cứ lôi đứa nhỏ đi trông đến tội nghiệp. Nhìn thấy tôi Thỷ lao đến ôm chặt và gọi.

"Cô ơi, cô giáo ơi!"

Con bé giờ mặc bộ váy áo rách rưới, người lem luốc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt và tay đều đầy vết bầm tím. Tôi ôm nó vào lòng và hỏi.

"Sao mấy hôm nay con bỏ học thế, cô nhớ con lắm".

Con bé bỗng òa khóc nức nở, không hiểu sao lúc ấy tôi cũng khóc, hai cô trò ôm nhau khóc một hồi, hai đứa em nó cũng òa khóc lên. Bỗng một bắp ngô từ trong nhà bị ném ra ngoài sân, hai đứa em nhỏ của Thỷ giật mình nín cả khóc. Thỷ quên chưa buộc con bò lại nên nó đi vào vườn sắn ăn lá và giẫm nát hết thân cây. Thỷ vội chay đi buộc con bò lại vào gốc cây Đu Đủ ngoài sân, buộc xong con bé nhìn vào trong nhà cánh cửa vẫn đóng im, nó biết mẹ nó đang ở trong đó. Nó vừa đưa tay lau nước mắt, vừa nấc nghẹn.

"Con...con...con muốn được đi học, nhưng... nhưng... bố mẹ con không cho đi, con đi thì bị đánh..., con phải ở nhà trông em, làm việc nhà..."

Con bé vừa khóc nấc vừa nói, tôi thương quá mà chẳng biết làm sao. Tôi tiến lại gần cánh cửa đang đóng im kia, tôi cố gắng nói chuyện với mẹ Thỷ, tôi nói bằng tiếng phổ thông không biết chị có hiểu hay không. Vì tôi không nói được tiếng Xinh Mun dù nó cũng gần giống tiếng Thái.

"Chị à, em giới thiệu lại em là Ngần cô giáo của Thỷ, chị cố gắng cho cháu nó đến lớp đi học cùng với các bạn đi chị, đừng bắt cháu nó ở nhà tội nghiệp lắm. Chị cho Thỷ đến lớp buổi sáng thôi, chiều em ấy có thể ở nhà giúp gia đình mà. Chị biết không Thỷ học giỏi lắm chị ạ, chị cứ để Thỷ đi học sau này chắc chắn Thỷ sẽ giúp chị được nhiều thứ hơn..."

Cánh cửa vẫn im ỉm, tôi quay lại nhìn Thỷ và những đứa em của nó, chắc giờ mấy đứa chưa ăn gì, tôi chạy lại lấy túi bánh kẹo treo trên cửa sổ đưa cho hai đứa em Thỷ. Tôi dặn cô bé đi nấu cơm cho các em ăn, rồi mọi chuyện cứ để tôi tính. Thật ra tôi cũng chẳng biết sẽ tính như thế nào, tôi biết nếu mình cứ ở lại như thế mẹ con Thỷ sẽ nhịn đói mất. Lúc tôi ra về Thỷ nhìn theo nước mắt lưng tròng, tôi cố bước thật nhanh nước mắt tôi cũng tuôn rơi dọc suốt đường về. Cả ngày còn lại của hôm đó tôi cứ nghĩ mãi, tôi không tài nào tập trung soạn được giáo án cho buổi học hôm sau. Thấy tôi cứ thẫn thờ mãi mẹ tôi bảo.

"Làm cô giáo khó quá thì đi lấy chồng đi Ngần ạ, hôm trước bố mày săn được một cặp gà rừng bọn tao sẽ nuôi để nó đẻ trứng, sau này về nhà chồng không có vốn làm ăn tao sẽ cho mày đàn gà ấy".

Tôi chỉ cười, tôi chưa muốn kết hôn vào lúc này, bởi vì tôi chưa muốn rời xa Piềng Đông, mẹ tôi không biết rằng người tôi sẽ lấy ở xa lắm, bà cứ mong tôi đi lấy chồng, đến lúc tôi bảo lấy chồng xa quá không biết bà có đồng ý không. Tôi là một cô gái may mắn ở Piềng Đông này, cha mẹ tôi nói thì nói vậy nhưng thực chất họ chưa bao giờ ngăn cản tôi làm một điều gì cả. Tôi ước gì cha mẹ của Thỷ cũng được như cha mẹ tôi thì tốt quá. Trong bữa ăn tối tôi đem chuyện của Thỷ ra nói với cả nhà, mẹ tôi nghe xong thở dài não nề bà bảo tôi tôi tốt nhất là đừng có dính dáng gì đến chuyện của gia đình nhà Thỷ nữa. Đừng có phá vỡ những trật tự mà họ đã đặt ra.

"Mày không nhớ sao hả Ngần, tám năm trước mày cũng giúp mẹ nó đi học rồi sau đó bà ngoại nó đã ghét mày đến tận bây giờ, cái bụng người ta không như mình, kệ người ta".

Tôi mới chợt bàng hoàng nhớ lại cách đây tám năm về trước khi tôi còn học lớp chín, tôi chơi thân với Mỉ Thiên hai đứa cùng muốn làm cô giáo nên luôn hứa với nhau sẽ cố gắng học hành. Nhưng mẹ của Mỉ Thiên cứ bắt ép nó đi lấy chồng từ khi nó mới học lớp bảy, bị mẹ dồn ép nhiều quá đã có lúc Mỉ Thiên định buông tay, nó định bỏ học. Tôi là người cứ kéo nó lại, cứ lần nào nó định bỏ học là tôi lại đến nhà nó tìm cách lôi nó đi bằng được, vì thế mẹ nó ghét tôi lắm. Một ngày khi chúng tôi đang học lớp chín, lúc đó chúng tôi mới vào học được hai tuần Mỉ Thiên lại nghỉ học, hai ngày liên không thấy nó đến lớp, tôi lo mà cũng vì thầy giáo bảo tôi đi hỏi thăm nó. Chiều tối hôm đó tôi đến nhà Mỉ Thiên, nhà nó ồn ào rất đông khách khứ, tôi ngại không dám lên. May sao tôi nhìn thấy Mỉ Thiên đang đi gánh nước tôi đi theo nó một đoạn thì nó phát hiện ra, nó nhìn tôi không nói gì rồi nó bảo tôi đợi nó một chút, nó quay về nhà. Lát sau nó trở lại và ôm theo một đống sách vở mà nó mới nhận từ tay thầy giáo cách đó hai tuần, nó nói.

"Mày mang về trả thầy giáo hộ tao nhé! Tao không đi học nữa".

"Trời ơi, mày làm sao vậy Mỉ Thiên? Mày quên lời hứa với tao rồi à?"

Mỉ Thiên im lặng, dù trời đã rất tối nhưng tôi vẫn nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má nó.

"Tao, tao bị người ta... ăn hỏi rồi, lễ đã bắt đầu từ hôm qua... tao không biết phải làm sao nữa, tao muốn chết nhưng mẹ tao bảo nếu tao làm thế thì cả nhà cũng sẽ chết theo..."

Nếu là tôi chắc tôi đã bỏ nhà đi lâu rồi, Mỉ Thiên thừa biết mẹ nó chỉ dọa như thế thôi nhưng nó vốn yếu đuối, nó không có đủ can đảm để đấu tranh với dư luận. Không đủ mạnh mẽ để thoát khỏi những nỗi sợ của tập tục, ở Piềng Đông bị thành gái già còn may mắn hơn những người đã được ăn hỏi, đính hôn nhưng cuối cùng không được người ta đến cưới về. Ngày Thỷ về nhà chồng tôi còn gặp nó trên đường đi học về, nó đưa cho tôi một cái vòng tay của nó, chiếc vòng được làm bằng đồng đỏ rất đẹp.

"Tặng mày đấy Ngần ạ, cảm ơn mày, mong mày sau này được làm cô giáo đừng có mà quên tao đấy nhớ".

Mới thế mà đã tám năm trôi qua, Mỉ Thiên giờ khác quá nên tôi đã không nhận ra nó mất rồi. Từ một cô gái trẻ măng, xinh xắn ngày nào giờ nó đã trở thành một người đàn bà nghèo khổ, khuôn mặt bầu bĩnh ngày xưa giờ trở nên già nua, hốc hác, hai mươi ba tuổi đầu mà nhìn như đã ngoài ba mươi. Hồi Mỉ Thiên lấy chồng nó mới mười lăm tuổi đầu, nhiều con gái Piềng Đông bây giờ cũng đến tuổi đó là đi lấy chồng. Tám năm qua Mỉ Thiên đã có tận ba mặt con, đứa lớn tên là Lứa Thỷ lại chính là học sinh của tôi. Trách nào tôi cứ thấy con bé quen quen quá, nó mang đôi mắt buồn rười rượi của mẹ nó. Chồng Mỉ Thiên tên là Phảo người Phiềng Lay, gia đình Phảo cũng đông anh em, cũng nghèo lắm anh chỉ học đến lớp sáu là nghỉ học. Lấy nhau được hơn một năm vợ chồng Mỉ Thiên phải ra ở riêng nhưng không có đất, Mỉ Thiên sợ vào trong rẫy sống vì ở đó heo hút quá nên bố mẹ nó cho đất làm nhà ở Piềng Đông, ngay sát nhà bố mẹ nó. Vợ chồng nó làm chung ruộng nương với nhà bố mẹ đẻ nó nên hai nhà như một. Nhưng về bản ở được một thời gian thì chồng Mỉ Thiên đòi đi vì anh ta thấy không thích cảnh ở rể và cũng vì thiên hạ nói nhiều quá. Hai vợ chồng nó lại qua Phiềng Lay sống chen chúc trong ngôi nhà chật chội của bố mẹ chồng Mỉ Thiên, sau đó nghe nói chúng nó phải phát thêm rẫy để dựng nhà... Hồi đó tôi đang học cấp ba ở trên trường nội trú tỉnh, một năm về nhà được vài ba lần nên cũng chẳng biết nhiều về tình hình của Mỉ Thiên, mà sau khi lấy chồng nó lại tránh gặp tôi nữa. Sau này đi học đại học cũng mỗi năm về nhà hai lần nhưng chẳng lần nào tôi gặp được cô bạn thân ngày xưa cũ của mình.

Mẹ tôi kể lại rằng Mỉ Thiên hay bị chồng đánh, mấy lần nó chạy về nhà mẹ đẻ nhưng ở chưa được một ngày mẹ nó lại đuổi nó về với các con của nó. Bao nhiêu năm qua có lẽ nào vì cuộc sống khốn khó đã biến cô gái ngây thơ, trong sáng trở thành một người mẹ cay nghiệt chăng? Nhớ lại những vết thương trên người Thỷ tôi lại tự hỏi như vậy, nhiều cô gái ở Piềng Đông cứ đến tuổi trăng rằm là sốt sắng, đắn đo đến chuyện đi lấy chồng, sau ngày cưới rực rỡ lại là những chuỗi ngày dài lê thê. Không thấy mấy ai về thăm nhà mẹ đẻ sau vài năm lấy chồng mà có khuôn mặt vui tươi cả, khuôn mặt nào cũng khắc khổ, đầy âu lo... Tôi chỉ lo cho Thỷ, đứa học trò nhỏ của tôi, nếu tôi quyết lôi em đi học bằng được thì chắc bà ngoại em sẽ ghét tôi cả đời mất. Từ con gái bà giờ lại đến cháu gái đều bị tôi bắt đi học nhưng tôi không sợ điều ấy vì giờ quan trọng là Thỷ rất muốn đi học, tôi chỉ muốn giúp em làm điều ấy. Tôi suy nghĩ cả đêm mà cũng không thể nào tìm ra cách gì, tôi không biết ngày mai tôi nên làm gì, không biết bao giờ cái bản nhỏ này sẽ có sự đổi thay... Tôi tự hỏi rồi tôi lại ao ước, cứ như thế màn đêm ngắn ngủi nhanh chóng qua đi, khi tôi vừa chợp mắt một lúc thì tiếng con gà rừng mà ba tôi mới bẫy về nuôi lại vang tiếng gáy. Mẹ tôi gọi dậy sửa soạn đi đến trường cứ như thể hồi tôi còn đi học vậy.

Hôm đó tôi lên lớp hơi muộn, Thỷ đã đi học trở lại tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên. Thỷ bảo là mẹ con bé đã cho nó đi học nhưng buổi học hôm nay nó xin về sớm vì mẹ nó đang ốm. Một lần nữa tôi lại về nhà Thỷ, nghe em nói vì để cho em quay lại trường bố mẹ em lại đánh nhau, hôm qua bố Thỷ đã đánh mẹ Thỷ đau đến nỗi không thể dậy được. Trông Phảo ngày xưa hiền lành là thế, không ngờ giờ anh ta lại trở nên độc đoán và vũ phu đến vậy, cái số của Mỉ Thiên đúng là khổ. Về đến nhà Thỷ tôi lại càng ngạc nhiên vì sự đổi thay lạ kỳ của ngôi nhà. Dường như nó đã siêu vẹo hơn hôm qua, một bụi chuối bị chặt tơi tả, một cây Đủ Đủ cũng bị chặt hạ ngổn ngang ngoài sân hình như đó là hậu quả của trận chiến giữa bố mẹ Thỷ đêm qua thì phải. Phía sau ngôi nhà có một cái chuồng bò nhỏ mà hôm qua tôi đã không nhìn ra, Thỷ đẩy cửa khe khẽ mời tôi vào nhà. Hai đứa em nó đang ngồi chơi dưới đất, thấy tôi liền chạy đến bên giường mẹ. Mỉ Thiên đang nằm trên một chiếc giường cũ kỹ hình như được đóng tạm bợ bằng gỗ Xoan, trông nó mệt lắm, hơi thở cứ khò khè. Tôi bước lại gần Mỉ Thiên như bước lại gần những kỉ niệm ngày xưa, đây là cô bạn nhút nhát của tôi ngày nào. Chúng tôi đã cùng nhau vào rừng hái củi, hái nấm, cùng nhau ra suối tắm giặt, gánh nước, cùng đi đón những mùa xuân hoa Ban nở trắng. Từng cùng phải lòng tiếng khèn của một chàng trai ở chợ phiên năm mười bốn tuổi, từng ước mơ trở thành cô giáo... vậy mà giờ đây hai đứa như hai con người khác lạ. Tôi gọi Mỉ Thiên dậy, nó nằm như thể bị dính vào chiếc giường vậy, không thể động đậy được. Tôi gọi nó bằng tiếng mẹ đẻ, gọi nó như ngày xưa tôi vẫn gọi, Thỷ thấy thế lạ lắm, nó cứ hết nhìn cô giáo rồi lại nhìn mẹ.

"Mỉ Thiên à! Dậy đi tao Ngần đây này, dậy đi tao đến thăm mày đây!"

Mỉ Thiên dậy, nó từ từ mở mắt, khi đã nhìn thấy tôi thật rõ nó bật khóc, tôi lại gần nắm lấy tay nó, nó khóc to hơn.

"Ngần đó à, tao khổ lắm Ngần à!"

"Tao xin lỗi mày nhiều lắm vì hôm qua tao đã không nhận ra mày".

"Mày nói gì lạ cái tai thế, đúng là đi học dưới xuôi nhiều quá có khác, tao có giận mày đâu tại tao xấu hổ quá. Mày đã thành cô giáo dạy con tao cái chữ rồi mà tao lại như thế này, tao xấu quá, già quá mày làm sao mà nhận ra được..."

"Dù khổ đến mấy mày cũng phải cho con gái mày đi học đấy nhé!"

Mỉ Thiên thờ dài, nó đưa mắt nhìn Lứa Thỷ cô con gái lớn của nó rồi lại nhìn tôi. Mọi cuộc gặp gỡ trên đời này ắt hẳn đều có duyên số cả, tôi gặp con gái Thỷ con gái Mỉ Thiên đó là một cái duyên thật sự.

"Thằng Phảo ác với mẹ con tao lắm, làm trái ý nó là nó đánh, tao nói lại câu nào là nó lại đánh. Nó không cho con Thỷ đi học vì sợ sau này nó biết hơn bố, nó sẽ khinh bố. Lúc nào nó cũng bảo tao khinh nó vì tao học gần đến lớp chín mà nó học có lớp sáu, ông bà nội cái Thỷ cũng khinh nó vì tao không có con trai... tao khổ lắm mày ạ. Nó bảo để cái Thỷ đi học cũng chẳng được gì, cứ để nó ở nhà làm nương, tao cũng chẳng biết nói gì, nói nó lại đánh... Nhưng từ hôm qua gặp lại mày, tao quyết tâm dù chết cũng để con tao đi học Ngần ạ, mày cố gắng giúp cháu, con gái tao phải trở thành cô giáo như mày".

"Sao thằng Phảo lại như vậy nghe nói nó hiền lắm mà hồi mới lấy mày nó còn là bí thư chi Đoàn Thanh niên bản Phiềng Lay cơ mà?"

"Ừ, nhưng từ khi tao sắp đẻ đứa thứ ba thì bó bỏ làm rồi, bọn tao không có con trai nên ông bà nội cái Thỷ không cho ở cùng, ra ở riêng khổ quá, rồi thằng Phảo nó càng ngày càng lười làm. Tức nó, nên tao cũng mặc kệ rồi hai vợ chồng cứ cãi nhau suốt, đánh tao không được nó đánh cả con Thỷ, hôm qua nó lại đánh tao rồi bỏ nhà đi rồi..."

Sau bao nhiêu năm không gặp nhau chúng tôi nói nhiều chuyện lắm, tôi biết Mỉ Thiên ốm mà không có thuốc men gì nên đã mang theo ít thuốc hạ sốt, cảm, thuốc bôi vết thương lấy ở tủ y tế của nhà trường. Uống thuốc xong Mỉ Thiên cũng đỡ hẳn, tôi giúp nó bôi thuốc lên các vết thương, khắp người nó toàn là vết bầm tím, chầy xước. Bị ngã có, bị chồng đánh có... chắc cũng chỉ vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng nó mới vậy chứ không phải là do cạn tình cạn nghĩa. Hôm đó tôi ở lại ăn cơm trưa nhà nó, bữa cơm Thỷ lúi húi làm cả tiếng đồng hồ chỉ có cơm độn với sắn, một nồi rau rừng canh với gói mì tôm bóp vụn. Nhìn mấy chị em Thỷ ăn ngon lành, nhìn ánh mắt đờ đẫn của Mỉ Thiên khi nhìn các con nó ăn mà tôi thấy thương quá. Tôi định chờ Phảo để thuyết phục Phảo cho cái Thỷ đi học, nhưng gần cuối chiều vẫn chẳng thấy Phảo về. Chẳng ai biết là Phảo đã đi đâu, từ hôm đấy chẳng thấy anh ta về nhà nữa, Mỉ Thiên kể cũng có lần cãi nhau Phảo bỏ đi cả tháng trời. Tôi khuyên Mỉ Thiên cố gắng làm đụng, những người như Phảo không thể tị nạnh được, nó liền nắm chặt tay tôi hứa chắc chắn là nó sẽ làm như thế. Sau khi khỏi ốm Mỉ Thiên lên Piềng Đông xin thóc nhà bố mẹ đẻ nó, xin cả rau cỏ, hạt giống về trồng. Nó còn mang theo nắm rau rừng mới hái sang biếu cha mẹ tôi, nó bảo cha mẹ tôi thật giỏi vì đã nuôi dưỡng tôi trở thành một cô giáo, nó phục cha mẹ tôi lắm. Mỉ Thiên bảo từ đây nó sẽ coi đời nó như không có Phảo, nó sẽ cố gắng cho các con nó học để trở thành cô giáo như tôi. Mỉ Thiên nói chưa bao giờ nó dám tin là tôi sẽ trở thành cô giáo thật bởi vì nó phải sống trong đau khổ nhiều quá nên dù có mơ ước nhưng cũng chưa bao giờ dám tin là nó sẽ trở thành hiện thực. Khi thấy tôi đã làm được nó cũng tin là con gái nó sẽ làm được vì thế nó bảo cảm giác như muốn được sống trở lại. Cha tôi biết Mỉ Thiên rất khó khăn nên khi nó về còn bắt cho nó đôi gà rừng mà ông đã nuôi được hơn tháng nay bảo nó đem về nuôi, Mỉ Thiên từ chối mãi nhưng cha tôi bảo đó là quà ông tặng cho các con của nó, nó mới chịu nhận... Mới đầu các học sinh và phụ huynh cứ nghĩ tôi là giáo viên bán trú tại nhà dân trong bản Piềng Đông. Hằng ngày tôi vẫn về đi về nhà tôi nhưng mọi người nghĩ là tôi chỉ đến ở thuê trong nhà cha mẹ tôi thôi nhưng khi họ biết tôi chính là Ngần người cùng bản thì họ vui lắm. Cha tôi cũng vui hình như ông nhận ra rằng khi con gái ông trở thành cô giáo của bản, khoảng cách của ông với mọi người cũng chẳng bao giờ xa thêm. Ông luôn dặn tôi phải cố gắng dạy thật tốt để làm tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo, cũng từ hôm ấy sau mỗi giờ tan trường tôi có thể về bản cùng các em mà không lo ngại gì nữa.

Vài tháng sau đó vẫn không thấy Phảo trở về nhà, người ta nói rằng anh ta đã bỏ đi cùng phường buôn sang tận bên biên giới rồi, Mỉ Thiên nghe vậy cũng chẳng buồn lo gì, nó cứ lặng lẽ làm đụng, giờ nó chỉ nghĩ đến các con nó. Học kỳ một năm học ấy Thỷ đạt học sinh giỏi xuất sắc toàn trường, hôm đến họp phụ huynh cho con, đó là lần đầu tiên Mỉ Thiên đi họp phụ huynh cho con mình, nó tìm gặp tôi, nắm lấy tay tôi cảm ơn rối rít và khóc nghẹn.

"Cảm ơn cô giáo vì đã dạy cháu, cho cháu không chỉ là cái chữ".

Tôi cũng bật khóc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má không sao ngăn được, niềm hạnh phúc của tôi khi làm một cô giáo ở Piềng Đông có lẽ là lúc được nghe dân bản gọi mình là "cô giáo"... Vậy là một học kỳ đầu tiên trong đời giáo viên của tôi đã kết thúc trong những kỉ niệm không thể nào quên được như thế. Những niềm vui khó tả ấy cứ đi theo tôi cả ngày, đi vào cả trong giấc ngủ, tôi đã quyết định ngủ một giấc thật dài sau ngày tổng kết học kỳ một. Một kì học, một kỳ dạy vất vả nhưng đầy niềm vui của tôi, những giấc mơ lung linh xuất hiện nhưng đến gần sáng bỗng chợt tắt vì tiếng gà rừng gáy vang trên những cánh rừng xa, bình minh đã đến, mẹ lại gọi tôi dậy sớm lên nương cùng mẹ cứ như những kỳ nghỉ ngày xưa vậy. Tôi bước cùng mẹ đi trong sương sớm và nhìn thấy các em học sinh của tôi cũng theo mẹ lên nương, từ xa xa chúng vẫy tay chào và gọi "cô giáo ơi!", tiếng gọi ấy nghe thân thương làm sao, niềm hạnh phúc trong tôi lại vỡ òa, tôi vẫn là cô giáo khi ở trên nương, mẹ tôi bảo vì tôi là cô giáo của Piềng Đông.

Hoa Thược Dược

Ngày đăng: 05/12/2014
Người đăng: Dahlia Lio
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
far
 

Cứ nhìn lại phía sau, bạn sẽ chẳng bao giờ tiến được xa hơn.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage