Gửi bài:

Lại là sinh viên năm nhất

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Chuyện đời sinh viên")

Dù chậm hơn, nhưng hãy mạnh dạn đi lại, nếu không bạn chẳng bao giờ đi đến đích!

 

***

Bạn mười tám tuổi, bạn là sinh viên năm nhất, điều đó không lạ. Tôi hai mươi bốn tuổi, tôi cũng là sinh viên năm nhất, và tôi nghĩ điều này cũng chẳng có gì lạ. Bởi vì người ta có thể đi học ở bất kì tuổi nào người ta thấy cần thiết, học tập không phân biệt lứa tuổi, không phân biệt giàu nghèo, chỉ là bạn có quyết tâm học và làm mọi cách để được học không mà thôi.

lai-la-sinh-vien-nam-nhat

Tôi kể cho bạn nghe, Tôi đã từng là sinh viên năm một, sinh viên năm hai, sinh viên năm 3 và sinh viên năm bốn. Giờ đây tôi lại là sinh viên năm một. Thật khó hiểu phải không nào? Trong cuộc sống, bạn có bao giờ cảm thấy mình mất phương hướng không? Như tôi lúc 18 tuổi, khi đứng giữa một trong những mốc quan trọng của cuộc đời thì tôi...chẳng biết mình muốn gì bạn ạ. " Con thích nghề gì?" - ba mẹ hỏi, " em chọn ngành nào?" - thầy cô hỏi, "bạn thi trường nào?" - bạn bè hỏi...Tôi bối rối và suy nghĩ đến đau đầu nhức óc mà chẳng tìm được cho chính mình một câu trả lời cho chắc chắn.

Tôi đã từng mê mẫn màu blu trắng, bàn tay cô y tá mềm mại chăm sóc tân tình cho những người không may mắc bệnh. Tôi cũng một thời thích màu vàng quân phục và dáng hình oai vệ của nữ cảnh sát giao thông. Cũng có lúc tôi tưởng mình sẽ thành một nhà thơ, nhà văn hay nhà báo...tôi thích khá nhiều thứ, đúng vậy, và chẳng biết mình thích nhất điều gì? Thầy dạy lịch sử của chúng tôi khi ấy thường bảo rằng thế hệ trẻ ngày nay sao sống thiếu lý tưởng thế! Nhưng để bảo vệ mình, bọn học trò cứng đầu cứng cổ chúng tôi thường nguỵ biện bằng những khái quát chung chung, nào là phấn đấu trở thành công dân tốt, nào là ra sức học tập để góp phần xây dựng quê hương đất nước...đến bấy giờ tôi mới thấy lời thầy đúng bởi vì chính tôi cũng chưa nhìn thấy ước mơ, hoài bão của mình. Mình muốn gì cũng không biết thì làm sao xây dựng quê hương?

Tôi nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Đà Nẵng với chuyên ngành văn hoá du lịch, cũng tình cờ thôi, trước đó tôi đi du lịch cùng cơ quan của mẹ và bị thu hút bởi chị hướng dẫn viên dễ thương và dí dỏm. Hồ sơ đã nộp và hoàn toàn không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tôi đi thi, không mong đậu, nhưng đã đậu với số điểm "vừa đủ đậu". Nhận được kết quả, tôi không buồn, không vui, cứ như chiếc lá giữa dòng, tôi mặc cho sự đời đưa đẩy. Tôi ôm hành lí và sách vở đi học đại học như người ta.

Thời gian lững thững trôi qua, những bài thuyết trình dài ngoằn, những chuyến thực tế rồi thực tập mệt nhoài làm tôi quên đi việc tìm kiếm ước mơ thật sự của cuộc đời mình. Không quá tệ, cũng không quá xuất sắc trong vai trò là một sinh viên ngành du lịch, nhưng tôi không tìm thấy niềm đam mê với sự lựa chọn " tình cờ" đấy của mình. Mà thường cái gì con người ta không đam mê thì sẽ không cố gắng hết sức. Tôi bỏ bê những năm tháng sinh viên với những bài tập lấy lệ cho có điểm, chẳng thèm trau dồi ngoại ngữ, chẳng màn đến bài nghiên cứu khoa học và cũng chẳng cần nghĩ tới khoá luận tốt nghiệp. Tôi thấy tương lai mình mù tịt, và tôi trôi nỗi giữa dòng đời, giữa sự luẩn quẩn của tâm hồn không lý tưởng. Tôi muốn dừng lại, thoát ra vòng luẩn quẩn ấy, tìm cho mình một con đường khác, con đường mà tôi biết đích đến là đâu, hai năm rồi, bỏ học ư? Người ta sẽ nói thế nào? Ba mẹ sẽ nghĩ ra sao? sự yếu đuối trong tôi không để tôi làm điều đó.Tôi mặc cho số phận đến khi tôi ra trường.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, tôi bắt đầu đi xin việc. Nói thật, tôi chẳng tự tin tí nào. Và cái gì đến cũng đã đến, bằng cấp chẳng là gì cả nếu như bạn không đáp ứng nhu cầu công việc. " bạn không đủ sức khoẻ để làm công việc này", " xin lỗi, chúng tôi cần người cao 1m60 trở lên", " bạn nói tiếng Anh không tốt!" , " bạn chưa đủ kỹ năng chúng tôi cần!"... và muôn ngàn những lý do khác nữa. Tôi không bất ngờ, vì đã dự trù hết mọi chuyện. Rồi một năm rong ruổi hết công ty này, cơ quan nọ cũng trôi qua, kết quả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.

Ba mẹ tôi lo lắng đến mất ngủ, chạy đôn chạy đáo gửi gắm khắp nơi cũng chẳng có kết quả gì. Tôi càng hổ thẹn với gia đình. Và tôi khóc. Những giọt nước mắt của đứa con hai mươi hai tuổi rơi nóng hổi trên vai mẹ. Trước mặt hai mẹ con là tấm bằng đại học mang tên tôi, tôi chẳng muốn có nó tí nào! Tôi thương ba mẹ, tôi buồn bản thân, tôi rơi vào bế tắc. Mẹ tôi hiểu hết mọi chuyện dù tôi chưa từng nói. Trong mắt mẹ, tôi vẫn là đứa con ngoan, đứa chăm chỉ học hành, chỉ là con đường tôi đi không đúng hướng mà thôi, mẹ lau nước mắt cho tôi, an ủi...

Bạn thấy đó, những gì ưu việt thì sẽ được giữ lại còn những gì kém chất lượng thì sẽ sớm bị đào thải. Tôi đã chọn nghề bằng thái độ vô trách nhiệm, học hành vô trách nhiệm để rồi nghề không chọn tôi. Thầy tôi bảo " mỗi người có một khả năng riêng, phù hợp với một số nghề nhất định, khi chọn ngành học, các em hãy suy nghĩ thật kỹ xem mình thích ngành gì, và mình có hợp với ngành đó hay không? Đừng chọn theo sở thích nhất thời, mơ tưởng viễn vông, học mất thời gian, công sức, tiền bạc ...rồi chẳng được gì". Tôi cứ thầm ước giá như thời gian quay ngược lại, mang tôi trở về tuổi mười tám của mình. Để tôi nghiền ngẫm lời thầy nói, để tôi không vội vàng với những quyết định chưa chín chắn. Để dù có chậm hơn bạn bè một năm đi nữa thì cũng là những bước đi vững chắc mà tôi biết đâu là đích tới. Nếu không được, thì hãy mang tôi về cuối năm học thứ hai của mình, tôi sẽ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm làm lại từ đầu mặc lời khen chê của thiên hạ, để khỏi bỏ phí tiếp hai năm lầm lũi trong vô định.

Nhưng bạn biết đấy, thời gian qua đi rồi làm sao quay trở lại, sự thật là tôi đã đi khá xa với con đường không đúng hướng, tôi tự hỏi liệu mình có làm lại từ đầu được không? Bạn bè bảo tôi điên, hàng xóm bảo tôi rảnh quá, có người còn khuyên tôi nên tìm việc gì làm tạm. Nhưng ba mẹ tôi bảo được. Có gia đình ủng hộ, tôi còn sợ gì mà không dám vươn tới ước mơ thât sự của mình.

Tôi hai mươi bốn tuổi rồi bạn ạ, và quãng đường tôi đang đi hiện tại không hoàn toàn bằng phẳng, nhưng tôi có đam mê, tôi sẽ cố gắng hết mình vì niềm đam mê của mình. Bây giờ tôi là sinh viên năm nhất hệ trung cấp, ngành Giáo dục Mầm Non, tôi thích nó, và...quan trọng là nó hợp với tôi. Dù ai có nói gì đi nữa, tôi cũng sẽ tự tin với quyết định này của mình.

Mỗi sáng tôi đến giảng đường, ngồi cùng các em tuổi mười tám, nghe các em tíu tít chuyện buồn vui của sinh viên mới xa nhà, lại nhớ về thời tuổi mười tám của mình, qua lâu rồi nhỉ! Bọn bạn cùng lứa giờ đã là những kỹ sư, những y sỹ...vui cho bọn nó, thỉnh thoảng cũng thấy chạnh lòng riêng mình. Nhưng ánh mắt thơ ngây, tiếng bập bẹ rụt rè của những mầm non thôn bản vẫn ngày ngày mong cô giáo thôi thúc tôi có động lực để cố gắng. Thời gian sẽ sớm qua thôi, hai năm ngắn ngủi ấy, tôi sẽ trau dồi kiến thức, kỹ năng. Chuẩn bị sẵn sàng để làm cô giáo. Tôi sẽ không bao giờ hối hận lần nữa với quyết định của mình. Nếu ai có hỏi, tôi sẽ tự tin nói to rằng: Tôi hai mươi bốn tuổi, tôi là sinh viên năm nhất!

Cuộc sống là của mỗi người, con đường đi do mỗi người lựa chọn, tất nhiên không tránh khỏi đi sai đường. Hãy suy xét thật kỹ để chọn đúng con đường, nếu sai đường thì bạn cũng có thể đi lại con đường khác, nhưng bạn sẽ bị chậm hơn những người cùng đi. Dù chậm hơn, nhưng hãy mạnh dạn đi lại, nếu không bạn chẳng bao giờ đi đến đích!

Thuỳ Dương

 

Ngày đăng: 30/12/2014
Người đăng: Thuy Duong Nguyen
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Tôi là Beto
 

Các bậc cao tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn làm gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng

Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage