Gửi bài:

Nơi mùa xuân chưa đến

Anh tin rồi mùa xuân sẽ lại đến trên cánh đồng hoang dại. Chỉ cần ta gieo những hạt mầm và nuôi dưỡng nó một cách tận tâm, bằng tất cả những gì ta có. Mùa xuân sẽ lại đến. Thật đấy! Nó sẽ đến...

***

- Tắc quá anh ạ.

- Ừ! Tắc thật, bố khỉ, rẽ 3 lối rồi mà không thoát. Sao chiều 30 rồi mà vẫn đông thế nhỉ.

Tôi lắc đầu ngán ngẩm nhìn cái cảnh chen chúc nhau, người phi lên vỉa hè, kẻ lao lên chặn đầu xe bus, đường 2 chiều giờ thành 1, còi xe inh ỏi. Chẳng ai chịu nhường ai nấy nửa mét đường. Cái cảnh quen thuộc ngày nào chẳng có, cũng đâu còn bỡ ngỡ gì. Đổ lỗi hết cho ý thức người dân cũng không hẳn, một phần vì đường xá ở ta kém quá, người thì đông mà hạ tầng thì hẹp. Chịu!!!

Mà thôi không bàn đến vấn đề này nữa, nói đến những cái ổ voi, ổ gà, ổ vịt hay đào bới xới lấp thì đến tết năm sau còn không hết. Tôi vỗ vai bảo thằng em rẽ vào quán nước ven đường:

- Vào kia làm cốc trà ấm đã, hẵng sớm, lát cho bớt bớt người rồi đi em ơi.

- Vâng, anh vào ngồi trước đi để em quay xe, hơi đông.

- Ok!

noi-mua-xuan-chua-den

Tôi vào ngồi một lát, co ro đưa 2 bàn tay vần đi vần lại cốc trà cho đỡ buốt. Năm nay tết lạnh thật. Gió mùa về tăng cường đợt thứ 3 liên tiếp rồi. Chưa vợ con gì, chả biết có trụ qua được mùa đông này không. Mọi năm tôi thường đi xe máy về quê, năm nay thằng em tôi được nghỉ sớm nên về trước, lại lắm thứ lỉnh kỉnh nên đưa xe cho nó đèo về. Chưa năm nao tôi về muộn thế này, mọi năm toàn hăm bảy, hăm tám, cùng lắm sang hăm chín là mũ áo, khăn quàng, balo lên xe phi về rồi. Năm nay hẳn 30. Nhiều việc quá. Năm hết tết đến, còn dở việc nhưng vứt đấy đã, về không trễ buổi tất niên gia đình. Phí lắm!!!

- Đào năm nay đẹp anh nhỉ. Lắm hoa thế!

- Ừ! Ngồi đi. Cho cháu cốc trà ấm nữa cô ơi...

Thằng em loay hoay mãi mới tạt được vào quán. Sinh viên có khác, nhìn nó gầy gò thật. Trước thời tôi sinh viên cũng thế, tay chân nhìn chả khác nào que tre với ống điếu. Còm nhom, mì tôm dã chiến hàng nửa tháng cơ mà. Mà hồi ấy ăn xong tôi toàn ngồi thở, chứ có vác được cái thân đi làm thêm kiếm tiền như thằng em này đâu. Lười thối thây, trẩy cả xác ra. Ra trường thì lại đâm đầu vào công việc, làm mãi không hết.

Trưa nay hòm hòm việc, tôi lếch thếch ra đầu ngõ bắt xe bus ra bến xe về nhà. Bao nhiêu lời chào mời từ cánh xe ôm tôi từ chối tất, chả hiểu sao tôi lại bị thu hút bởi thằng bé này. Nó đứng xa và tụt hẳn vào một góc so với mấy cái xe dựng ở ngoài. Mình đi qua nó còn không thèm chèo kéo, chỉ lí nhí trong miệng: "Anh ơi xe ko?" Nó mặc cái khoác mỏng, bên trong là sơ mi trắng cũ đã ngả vàng, kiểu học sinh, còn cả phù hiệu trường ở ngực. Tôi đoán là sinh viên đi làm thêm, bị mấy ma cũ bắt nạt nên mới phải đứng cái chỗ tù mù đến tù tội thế này.

Thực ra cái nhìn thiện cảm ban đầu với một ai đó rất quan trọng. Tôi vẫn không rõ nó xuất phát từ đâu, nhưng chắc hẳn ở đây có sự đồng điệu, sự phản ánh nào đó của tấm gương từ tâm hồn mình. Đôi khi nó chẳng đúng, nhưng ngại gì mà không mở lòng chấp nhận nó thử một lần. Tôi quay lại bảo nó chở ra bến trước mấy con mắt nhìn ganh ghét của đám người xe mé ngoài đường. Và rồi đi một đoạn đã gặp ngay cái đám tắc tịt chết tiệt kia.

- Sinh viên hử?

Làm ngụm trà tôi quay sang hỏi nó.

- Vâng, em sinh viên trường Y năm 3.

- Đa khoa à? Hay cổ truyền?

- Đa khoa ạ.

Nó cũng bạo dần lên.

- Ừ, đa khoa tốt đấy, giống ku em trai anh ở Hải Phòng. Mà sao giờ còn chưa về giúp thầy bu chuẩn bị tết? Sinh viên ở lại đây làm gì?

Nó thở dài, nhìn ra đám đông xe cộ một hồi khá lâu như cái bế tắc ấy nó chen vào trong lòng, chen vào cả ánh nhìn không thoát ra được.

- Em làm gì có nhà mà về nữa anh. Em ở đây qua tết đã mấy năm nay rồi.

- Sao lại không có nhà? Ai mà chẳng có nhà chứ. Mày đùa anh sao?

- Vâng, trước thì em cũng có nhà. Nhưng đó là chuyện trước kia, bây giờ thì ... Thôi! Chuyện nói ra thì dài lắm. Nói ra, sợ mất thời gian của anh.

- Mày cứ nói đi, anh nghe, ngoài kia đường còn tắc, cũng có đi được đâu. Nói anh nghe xem nào.

Nó đưa mắt nhìn tôi, rồi cười. Tôi cũng cười. Rồi nó yên lặng dần, quay đi.

- Quê em ở Ninh Bình, huyện Nho Quan. Xa lắm. Muốn về quê cũng phải xe pháo rồi cuốc bộ, nửa ngày mới đến nơi. Nơi duy nhất còn lại của em có thể về là nhà bà ngoại, nhưng bà em mất rồi, em phận con cháu, chẳng giữ được. Mẹ em làm lẽ ở huyện khác từ năm 17, mẹ em nói đúng hơn là chỉ như con ở cho người ta thôi, hầu hạ đủ việc, nhà chồng chẳng ai đoái hoài gì. Lúc sinh ra em thì đứa con bà cả bị đậu mùa lăn ra chết, thế là mẹ bị gán cho cái tiếng mang điềm xấu đến cho gia đình họ. Nhà chồng hắt hủi, đuổi đi không cho ở nữa. Mẹ bế em về ngoại lại bị ông ngoại đuổi đi tiếp. Cùng cực, chẳng biết phải đi về đâu. Thương con thương cháu, ngoại dọn cho cái góc bếp 2 mẹ con ở tạm bợ qua ngày.

Haizzz...!!! Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, người ta sống cũng chỉ biết ngẩng cái cổ ngước lên trời than vãn, sao mình nghèo thế, sao mình lại khổ thế này thế nọ. Chẳng chịu nhìn xuống xem bao nhiêu người ngoài kia đang mong ước được như họ, khao khát có một gia đình như họ. Tôi không nhìn vào mắt nó, nhưng cũng cảm nhận được cái sự buồn trong nó sâu lắm, sâu như cái đáy vực mà chẳng ai muốn ngã xuống vậy, ngã xuống sợ chẳng lần được đường ra. Giọng nó bắt đầu lạc đi khi tôi nhắc đến cái người gọi là "bố".

- Bố em? Ông ấy đâu xứng đáng là một người đàn ông hả anh. Có người bố, người chồng nào mà nỡ đuổi vợ con ra khỏi nhà khi vợ vừa sinh chưa đầy tháng? Ngần ấy năm không một lời thăm hỏi. Có đôi ba lần lúc còn bé, em cũng tò mò về bố, cũng xấu hổ khi lũ bạn trêu em là thằng không cha. Em cũng muốn gặp ông ấy một lần, để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng rồi lần nữa mãi, em cứ nhắc đến thì mẹ lại buồn, lại khóc. Em cũng nản dần.

Rồi ngày em học trung học ông ấy mất. Mẹ có dẫn em sang thắp cho ông ấy nén hương, nhưng đến nhà thì bị bà cả và 2 đứa con chặn lại không cho vào. Em chẳng còn cơ hội gặp ông ấy nữa dù chỉ một lần. Chẳng biết giọng ông ấy ra sao, nụ cười ông ấy thế nào, những thứ em biết về ông ấy chỉ qua lời mẹ kể và mấy tâm ảnh mẹ chụp cùng lúc về làm lẽ.

Mẹ bảo ông hiền lắm, nhưng là con cháu đích tôn, bị sức ép nhiều từ gia đình, dòng họ, muốn làm gì cũng đều không tự quyết được. Vậy đấy. Bi kịch của gia đình, bi kịch của người vợ, người con. Những thứ ấy trước sau rồi sẽ xảy ra thôi, chẳng tránh được. Em đã từng hận ông ấy lắm, em đánh nhau với bất kỳ đứa nào nói đến ông ấy. Nhưng rồi em nhận ra, ở đời ai cũng khổ anh ạ. Không khổ thứ này thì thứ khác. Em biết ông ấy sống cũng chẳng vui vẻ gì. Cả đời làm theo ý muốn của người khác, không lấy nổi một góc cho riêng mình. Những ước mơ, những mong muốn của một con người dần bị thui chột đi, bị vùi lấp, bị chà đạp nên bởi những quy tắc, những giáo điều của số đông, của cái gọi là trách nhiệm gia tộc. Nó là cái áo choàng quá lớn đối với ông ấy, khiến ông ấy bị cuốn vào rồi mất hẳn.

Hai năm sau đó thì mẹ em cũng mất. Bà bị bệnh dạ dày nặng, thổ huyết, nhưng ông thầy thuốc lại bảo bệnh hô hấp, sắc vài ba thứ lá gì đó cho uống. Bệnh chẳng đỡ mà còn nặng thêm. Hôm bà mất bà có dúi vào tay em một cái túi, bên trong dựng số tiền bà để dành dụm được bấy nhiêu năm. Bà dặn em cố gắng học, chỉ có học mới thoát được cái cảnh này. Em nghe lời bà, tốt nghiệp xong một mình bắt xe xuống đây ôn thi đại học. Em quyết tâm thi vào Y để làm bác sĩ, cứu lấy những người bệnh, cứu lấy những cái chết không đáng có như mẹ em, cứu lấy cái khổ của những người như bố em... Em biết sức em không đủ rộng, đủ dài để chữa cho tất cả mọi người, nhưng cố được chừng nào, hay chừng ấy. Cứ cứu được đã. Phải không anh?!

Ngồi bên nó tôi cũng chỉ biết gật, rồi ừ. Tôi không ở vào hoàn cảnh của nó bao giờ, nhưng cứ thử đặt mình vào thôi là đã thấy rùng mình lên rồi, chẳng biết mình có đủ vững tâm mà vượt lên được như nó bây giờ hay không. Thế mới biết, nhìn vào bề ngoài ai đó thì chẳng đánh giá được cái gì sất. Người ta giấu hết, cất hết đi ở trong lòng rồi. Người ta chỉ lôi ra trong những lúc cô đơn để nhấm nháp, để thấm vào ruột gan, để mà mạnh mẽ với những cái ổ gà, ổ voi của đường đời. Có lẽ cuối năm, khi đôi mắt nhìn chăm chăm vào dòng xe cộ, nhìn người ta mua sắm những đào, những mai, những quất, những bộ quần áo đẹp... nhìn người ta vội vã balo, hành lý về với gia đình thì nỗi cô đơn ấy nó không còn kìm nén nổi nữa. Nó cứ thể mà phá ra, mà giãi bày chỉ cần một lời quan tâm, hỏi han đúng lúc.

Tôi nhìn nó, tự hỏi cái dáng mảnh khảnh co ro ngày rét với cái áo khoác mỏng kia sao mà chứa được một con người mạnh mẽ thế.

- Thế còn nhà ngoại cơ mà, sao không về?

Tôi đặt cốc trà lên bàn nước hỏi. Nó cười, cái cười nhàn nhạt rồi đưa miệng hứng lấy hớp trà.

- Nhà ngoại em cậu mợ về ở rồi anh ạ, ông bà ấy sợ em chiếm mất đất, nên sau khi ngoại mất là dọn về ở luôn. Em chẳng muốn tranh giành làm gì, xuống đây ở trọ. Thỉnh thoảng em về quê, 1 năm 2 lần thăm bà, thăm mẹ rồi lại bắt xe đi luôn. Có chỗ nào mà dừng chân ớ đó đâu anh.

Cái xe cà tang kia là ông anh ở trọ cùng cho em mượn ở lại chạy xe ôm đấy, em có 1 mình, còn lo tiền học phí, tiền nhà trọ, tiền ăn... nữa. Ngày em chạy xe, tối về đi dạy hoặc chân chạy bàn ở quán. Cuộc sống chẳng dễ nhưng cũng không đến nỗi như trước. Nhớ ngày đầu xuống Hà Nội ôn thi, với số tiền mà mẹ em nhét cho, em sống vỏn vẹn được 1 tuần là hết. Em xin làm chân rửa bát, bưng bê trong quán phở qua ngày, không làm thì đói, mà đói thì chả ai sống được. Từ đó em bắt đầu làm đủ thứ, ai thuê gì cũng làm hết, chỉ trừ cướp bóc với ăn trộm.

Nhiều khi đi đường, hay ngồi chờ khách xe ôm ,nhìn người ta đưa con đi chơi, em chỉ thèm có một gia đình như thế. Có đủ bố, đủ mẹ, chẳng cần phải giàu đâu, bình thường thôi cũng được, nghèo cũng được. Mùa xuân thật là đẹp anh nhỉ. Hoa nở khắp nơi, đâu đâu cũng thấy hạnh phúc, đâu đâu cũng thấy mặt cười... Nhưng...có lẽ...chẳng dành cho những người như em...

Mắt nó đỏ hoe. Tôi xoay người nắm chặt 2 tay vào cốc trà đã nguội, lạnh ngắt, 2 hàm răng nghiến chặt lại rồi hít lấy một hơi thật sâu. Tôi thường làm thế khi những bộn bề đổ xối vào lòng, không tiêu hóa kịp. Nếu không tôi sẽ bị cái khí cay xộc lên mũi, và không kiểm soát được đôi mắt. Ở cái đất thủ đô nhỏ bé này không ngờ vẫn còn những mảnh đời như mày, thằng em ạ. Anh biết bây giờ anh có động viên mày thế nào đi chăng nữa thì cũng thành thừa thôi, đã quá đủ những bài học. Sẽ chẳng khó khăn nào quật ngã được mày nữa. Hãy cứ giữa lấy ước mơ bác sĩ ấy, chắp cho nó đôi cánh và thổi cho nó bay lên cao đi, thật cao nữa đi. Anh tin rồi mùa xuân sẽ lại đến trên cánh đồng hoang dại. Chỉ cần ta gieo những hạt mầm và nuôi dưỡng nó một cách tận tâm, bằng tất cả những gì ta có. Mùa xuân sẽ lại đến. Thật đấy! Nó sẽ đến...

Đậu Thối

Ngày đăng: 06/02/2015
Người đăng: Bánh Đậu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Napoleon Hill - successful quote
 

Thành công đến với những người có ý thức về thành công. Thất bại đến với những người thờ ơ để mặc mình với ý thức về thất bại

by Napoleon Hill

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage