Thằng Sẹo
Thằng bạn tôi - Tùng Sẹo. Hôm nay nó ra tù sau năm năm cải tạo vì tội mua bán ma túy. Gầy, đen và nhiều nếp nhăn đi nhiều.
***
Nhớ ngày ấy nó hiền nhất lớp, chả gây gổ với ai bao giờ, nhưng mặt và tay có rất nhiều sẹo. Đặc biệt là còn mất cả 1 mảng tai trái bằng đốt tay nên cả lớp hay gọi nó là Tùng Sẹo cho dễ nhận dạng.
Nhà nó khó khăn, mẹ nó mất khi nó còn bé tí, chẳng biết là do bệnh gì. Bố nó không lo tu chí làm ăn, nên từ năm lớp 4 nó đã đi gặt thuê rồi phụ hồ, xách vữa cho đám thợ xây kiếm tiền tự lo ăn học. Chả được sướng như tôi, tuy không đến mức mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu nhưng cũng chả phải vất vả nặng nhọc cho cam.
Lớp 11 nó được cử đi thi học sinh giỏi Vật Lý của tỉnh. Cả trường được 3 đứa đạt tiêu chuẩn đi thi, có tên nó trong danh sách ấy nên lớp tôi hãnh diện lắm. Xì xào bàn tán ầm ĩ cả lên. Tôi còn đi khoe với cả lớp khác, như kiểu là tôi sắp đi thi chứ không phải nó. Tôi mừng quá! Nhưng đến ngày thi thì niềm vui của tôi tịt hẳn. Nó lại ko đi được vì ốm. Tôi thấy lo, đạp xe gần 5 cây số đến nhà nó thăm, thấy đang nằm co ro ở cái chõng dưới bếp, đứa em gái đang đỡ miếng nước cháo cho ăn. Thì ra nó bị bố đánh, phù chân không dậy đi được.
Bố nó nghiện rượu kinh niên, lão cứ say sưa tối ngày. Lúc tỉnh thì lại cờ bạc và lô đề, thắng thì uống ăn mừng, thua thì uống giải đen. Cái sự uống của lão cứ triền miên ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác. Tuổi thơ của nó gắn liền với những trận đòn nhừ tử khi lão say, thất thểu về nhà.
Nghe mọi người kể, lão trước kia không thế, rất yêu vợ và lo làm ăn lắm. Nhưng từ khi vợ chết, lão đâm ra chán đời, bỏ cả việc hàng sáo thóc gạo, bỏ cả đồng áng. Lão từ bấy chỉ tu cái nghiệp rượu. Ban đầu lão uống rượu cho quên đi nỗi buồn, rồi dần dà, lão thành nghiện, không dứt ra được.
Người ta bảo lão như bản sao của thằng Chí Phèo làng Vũ Đại. Nhưng lão bảo khác, Lão bảo Thằng Chí với lão không tên tuổi gì. Thằng Chí chẳng có con như lão, mà lão còn có tận 2 đứa. Tôi thì chả thấy khác, thậm chí thằng Chí còn hơn lão một bậc. Lão có con mà như không, lão có lo được gì cho chúng nó chứ. Một tấm áo mới để mặc cũng chẳng thấy. Đã thế, lão còn đánh đập, mắng chửi chúng nó như con vật. Thằng Chí có một mình, hắn chửi nhiều thật, nát thật đấy nhưng có đánh ai ngoài ăn vạ? Thậm chí, hắn còn giúp ích cho xã hội khi đâm chết Bá Kiến khiến bao nhiêu người mừng. Đằng này lão...Thôi mặc, không nói nữa.
Khổ cho anh em nó. Hôm qua lão thua bạc, uống rượu say rồi về đập tan con lợn đất. Cái con lợn mà nó giành giụm tiền đóng gạch thuê cả tháng hè mới mua được tặng sinh nhật cho con em. Em khóc, nó lao vào ôm bụng lão ngăn lại thì bị lão cầm điếu cày nện nó tới tấp vào cả lưng, cả chân. Tím lịm. Có bao nhiêu tiền nó đi làm thuê mấy năm nay tiết kiệm được để lo cho em ăn học thì lão lấy đi bằng sạch. Lão còn quay lại quát: "Chúng mày khóc lóc cái gì??? Thằng bố mày sắp chết rồi, ông nhẵn túi rồi, có ai thương ông không?". Lão cùng quẫn quá. Giá như mẹ nó còn sống, có lẽ anh em nó bây giờ đã khác. Có lẽ lão cũng khác, chẳng ra đến nông nỗi thế này. Nhưng cuộc đời nó đâu có quay lại được mà giá với như. Người ta vẫn phải sống, phải chấp nhận nó như một điều tất yếu. Số phận đã chia cho những quân bài xấu rồi, chơi tiếp hay bỏ cuộc sớm như lão mà thôi.
Nó cởi trần, nhìn chỗ nào cũng tím tái, tôi bảo để tôi chở đi viện khám xem sao, nó kéo tay:
- Ko cần đâu, tao quen rồi, nằm chút mai là khỏe, đi viện giờ cũng chẳng còn tiền.
Thời tôi cũng ừ với nó, vì tôi cũng chẳng đủ tiền nếu đi viện. Tôi thò tay moi trong túi quần ra bảo:
- Tao còn 2 chục. Chắc chỉ đủ cho mày mua thuốc. Cầm lấy. Mai tao đưa thêm cho.
- Ừ. Tao cám ơn mày. Tao mượn, rồi tao sẽ trả.
- Ơn huệ gì, mày khách sáo bỏ mẹ, cứ thuốc thang vào cho nhanh khỏe đã. Rồi tính. Không phải trả.
Nó nắm chặt lấy tay tôi, rơm rớm mắt. Con em vẫn cầm quạt đưa đi đưa lại, mặt đen nhẻm những tàn tro bếp. Mắt nó vẫn còn 2 vệt từ khóe mắt kéo xuống chưa lau. Chắc từ hôm qua đến giờ nó khóc nhiều quá.
Lúc thi tốt nghiệp xong, bước vào ôn thi đại học, tôi hỏi nó thích thi trường nào? Nó hỏi lại tôi: "Có trường nào học xong bớt khổ ko mày? Tao chỉ muốn con em tao được như lũ bạn nó". Nó chẳng chờ câu trả lời của tôi, lại hì hụi cắm đầu vào bài vở, lại tiếp tục với những phương trình, những vector, hằng số... Tôi thì dừng bút, lặng yên nhìn ra phía cửa sổ. Nơi cơn mưa rào đang xối xả xuống sân trường. Nhiều thứ ngổn ngang quá. Tôi... mong nó đỗ quá.
Rồi bạn bè đã nô nức lên thành phố dự thi, tôi cũng balo túi xách lên đường. Nhưng nó ...thì không. Bố nó bị bọn chủ nợ kéo đến nhà đập phá, đánh chửi. Tôi không nhận được thông tin của nó đã mấy hôm. Chỉ biết lúc thi xong môn thứ 2, bạn bè kháo nhau bảo nó bị bắt rồi, mấy ngày nữa tòa án tỉnh sẽ xử. Tôi rơi cả mắt kính xuống sân trường, thi môn cuối như người ngủ mê.
Chuyện gì đến cũng đến. Tôi với mấy đứa bạn hay chơi cùng nó đạp xe lên tỉnh dự phiên tòa xử nó. Bọn tôi đến rất sớm, ngồi ngay bàn đầu. Tôi bất ngờ quá, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với nó, tại sao nó lại đâm đầu vào con đường này. Nhưng tôi vẫn tin vào nó, tin vào cái tâm nó trong sạch, chắc hẳn là đã có chuyện gì rồi.
Tòa tuyên án nó 5 năm tội mua bán ma túy, nó quay lại nhét cho tôi tờ giấy:
"Lo cho em tao với!"
Tôi cũng chỉ biết gật gật, chẳng biết làm gì để giúp nó, cứ đứng mà mếu máo. Bạn tôi bị oan, bị oan đấy...
Hai năm sau thì bố nó mất, lão bị ung thư gan. Buồn cho cuộc đời lão. Lão đi trong lúc còn chưa tỉnh rượu. Có lẽ thế lại nhẹ nhàng, chẳng đớn đau gì. Tôi xin phép thầy bu cho con bé về ở hẳn bên nhà. Bu tôi cũng quý, con bé ngoan, nhận làm con nuôi luôn. Vào thăm nó,tôi báo tin lão mất, nó không phản ứng gì, chỉ "ừ!" rồi hỏi sang chuyện con bé. Tôi hiểu tại sao nó lại phản ứng thế. Với lão, nó chỉ còn nghĩa, chứ tình thì hết. Hết từ rất lâu rồi, hết theo từng đợt đòn roi, theo từng vết sẹo trên người nó.
Tôi ra trường, nó ra tù, con bé thi lên cấp 3. Hai thằng ngồi đợi ở quán nước ngoài cổng trường im lặng. Tôi hỏi nó:
- Tao biết ngày ấy mày không làm chuyện ấy, sao mày lại nhận?
Nó không quay sang nhìn tôi mà chỉ nhìn chằm chằm vào cổng trường.
- không, là tao. Tao làm.
- Tại sao?
Tôi ngạc nhiên, mắt dán chặt vào miệng nó chờ đợi câu trả lời.
- Tao không làm, thì chúng nó giết ông ấy, con bé cũng chẳng được yên thân. Chúng nó toàn dân côn đồ, có thiết gì cái mạng đâu. Làm một vụ, trả cho ông ấy cái nghĩa. Không có ông ấy, thì chẳng có tao bây giờ. Tao chỉ lo cho con bé có mệnh hệ gì.
Tôi ngồi nheo mắt trong cái nắng đầu hè, khói thuốc hong vàng cả ngón tay.
- Mày còn giận ông ấy ko?
- Dù sao, ông ấy cũng là bố tao. Là máu mủ thì có giận mấy rồi cũng thôi, ông ấy cũng chẳng còn nữa, ông cũng khổ chứ sung sướng gì hơn anh em tao đâu...
Với nhiều người có lẽ sẽ chẳng thể chịu nổi cái cảnh sáng đi học, chiều đi làm thuê, tối về nơm nớp lo bị đánh ấy. Người ta sẽ hận, sẽ phản kháng giống như những bi kịch mà ta thường thấy. Nhưng nó thì không, nó nhịn và cam chịu vì nó vẫn coi người ấy là bố. Nó bảo: "Lúc tỉnh, ông ấy rất tử tế với anh em tao."
Nó nhét vào tay tôi 2 chục. Nó cười, bảo trả tôi bữa trước đã mượn. Tôi không ngờ nó vẫn nhớ, mà tôi thì đã quên béng từ lâu. Với những thằng bạn như nó, tôi chẳng bao giờ tính toán, hơn thua điều gì. Tôi cười, nhìn nó.
- Mới ra trại mà lắm tiền thế à? Thôi, giữ lấy mà tiêu. Lúc khác.
Nó cười, nháy mắt tôi một cái rồi lại cầm nhét vào túi.
- Thế mày định làm gì bây giờ?
Tôi hỏi tiếp.
- Làm lại cuộc đời.
- Làm kiểu gì?
- Thi đại học. Tao vẫn muốn vào cái trường nào để anh em tao bớt cái khổ đi, mà làm mướn như ngày trước cực quá...
Phải rồi, làm mướn thì có bao giờ hết cực đâu. Trừ khi mình được trọng dụng. Mà muốn được trọng dụng thì phải có tài, có tài mới làm dễ đi được những việc khó, có tài tiếng nói mới có giá trị, và có tài mới sinh ra đức được. Chẳng bao giờ có chiều ngược lại. Tôi thấy ở thằng Sẹo thì có cả 2.
Tiếng trống báo kết thúc kỳ thi, cổng mở, bụi và tiếng ồn ào bài vở. Nó nhổn dậy nháo nhác tìm em. Nhìn nó gầy gò mà bóng đổ xuống lăn dài rộng thật. Nó dạy cho tôi cách đứng dậy sau vấp ngã, dù cuộc sống có tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Nó dạy tôi cách sống chừng mực và điềm tĩnh trước những trận đòn, biết phân biệt những điều nên hay không nên làm để không bao giờ phải ân hận. Bằng ý chí và sức mạnh của bản thân mình, những lá bài dù có xấu thật, nhưng kết quả mới khẳng định được con người ra sao. Phải không Sẹo?
Cố lên thằng bạn tôi! Cố lên...
Đậu Thối