Bà Tư
Mặt trời chưa kịp nhú lên khỏi đằng Đông thì bà Tư đã lom com chuẩn bị cho ngày làm việc vất vả. Hôm nay bà và đứa cháu mới hơn hai tuổi sẽ đi ba điểm cũ: đầu chợ, siêu thị và một ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Bà nấu cơm, nước sôi đem theo để bươn chải cả ngày.
***
Căn nhà lụp xụp, rách nát là nơi nương náo của hai bà cháu. Bà Tư năm nay đã hơn tám mươi. Đứa nhỏ gọi bà bằng ngoại là con của đứa con gái xấu số. Con bà mất sau khi sinh, không lâu sau thì đứa thằng rể cũng bỏ bê đứa con ruột mà lấy người khác. Bên nội không ai muốn nhận nuôi vì cũng không giàu có gì, nên bà đằng ngậm ngùi ôm nắm ruột của đứa con gái duy nhất về nhà. Cuộc sống hàng ngày đã khó khăn, đem con bé về lại càng chật vật hơn, nhưng răng phải cắn, đắng phải nuốt, khổ phải cam. Nào tiền sữa, tiền tả, tiền thuốc men….đủ thứ tiền trên trời dưới đất. Túng quá, bà làm liều ra đường ăn xin.
Những ngày đầu, người đi đường thấy bà già khắc khổ mà thương, nên bà được kha khá để lo cho cháu ngoại vài hôm. Nhưng mấy ai lại có lắm tiền để cho bà hoài, hoặc dù có thì cũng bố thí cho người khác nữa chứ. Mấy hôm có mưa, bà mặc áo mưa ngồi dầm dề cứ mặc cho mưa tạt, mưa trút xối xả xuống người. Bà nghĩ thấy càng tội càng tốt. Không ngờ hôm sau bà bệnh nặng, nóng, sốt, ho, nhức đầu. Bao nhiêu tiền xin được đều nhờ hàng xóm mua thuốc uống. Lúc đó bà khóc, bà trách ông trời sao không cho bà chết quách đi cho xong, để bà sống làm chi mà đày đọa bà quá. Nhưng khi nhìn qua cháu ngoại, bà lại thương “mình chết rồi ai lo cho nó?”. Đứa cháu mỗi lúc một lớn thêm, cần thêm nhiều thứ nữa. Thế là thành ra, bà ngồi ngoài đường mỗi ngày. Con bé lớn thêm tí nữa, nghe lời người ta, bà dẫn nó theo để thêm phần khổ sở cho thiên hạ thương. Ban đầu nó quấy khóc vì nắng, vì mệt, vì khói bụi, nhưng rồi cũng quen.
Cơm nước đã xong, bà Tư vào buồng lay đứa cháu thức dậy để chuẩn bị theo bà. Nó cứ ngoeo nguẩy muốn ngủ thêm chút nữa. Bà chậc lưỡi tội nghiệp “nó tuổi ăn tuổi ngủ mà”. Nhưng cũng phải đi vì ở nhà không ai lo cho nó. Tay trái bà xách cái túi cũ mềm đựng cà mèn cơm và bình nước, tay phải dắt đứa cháu, bà đội cái nón lá rách tươm, dù trời rất nóng nhưng bà mặc đến hai cái áo bà ba. Gương mặt bà nhăn nheo, đôi mắt đã không còn nhìn rõ lắm, miệng đã móm vì không còn răng, những nếp nhăn điểm lên sự khắc khổ một đời bà phải chịu. Lưng khom khom, bà bước đi vội nhưng không nhanh trên đôi dép đã mòn gót. Dụng cụ hành nghề của bà đơn giản lắm, chỉ cần lót đôi dép, ngồi xuống rồi lật ngược cái nón lá lại, chìa ra ngoài là xong. Bà phải đi sớm vì giờ này chợ đông. Xế trưa thì ít người hẳn, mà nắng lại gắt hơn nên bà cùng cháu đi sang siêu thị. Con nhỏ cũng lăng xăng theo bà ngoại, có khi nó nghịch phá bà phải la nó, nhưng bà yếu quá, nó có chịu nghe bà đâu. Chiều nắng dịu, bà dẫn cháu đến chỗ ngã tư giao nhau của đường Nguyễn Đáng và Kiên Thị Nhẫn. Mỗi khi đèn đỏ, người ta dừng lại, thấy bà đang ôm đứa cháu nhỏ nằm ngủ, động lòng rồi cho vài ba ngàn. Có khi ngồi đến tối, trời nổi gió lạnh, nhưng trong nón chỉ có ba bốn tờ một ngàn. Hôm nay cũng vậy, đi cả ngày mà bà chỉ được cho mười một ngàn. Đứa nhỏ đang nằm ngủ ngon lành trên tay bà sau khi khóc đòi đi qua bên kia đường chơi. Bà Tư quay sang hỏi chú xe ôm:
- “Mấy giờ rồi chú?”
- “Sáu giờ rưỡi rồi bà ơi!”. Bà gật đầu để đáp lại, rồi nhìn vào cái nón lá, xong bà thở hắc ra lắc đầu “Ngày mai biết ăn gì đây?”
Bà Tư gọi con bé dậy, gom tiền bỏ vào túi áo bà ba, rồi bà đứng dậy, xỏ chân vào dép, đội lại cái nón lá lên đầu. Bà khom xuống cần lấy cái túi trên tay trái, tay phải bà lại nắm bàn tay nhỏ nhắn của đứa cháu. Bà lê từng bước về nhà, lần này bà không cần vội. Ánh đèn đường leo loét in bóng hai bà cháu xuống mặt đường nhựa như một chiếc lá nâu sắp lìa cành, và một chiếc lá xanh nỏn mới vừa nhú lên dắt díu nhau đi qua những năm tháng lao khổ của cuộc đời.