Đám đông nhỏ bé
"Không vì những điều như thế này mà người ta thôi sống và tận hưởng cuộc sống. Sáng nay tôi vẫn phải la cà quán xá dù ở miền quê xa xôi, bà ngoại tôi lụm cụm xách vài con tôm sú ra chợ xã bán, đổi chút tiền còm. Cũng đành, tôi đang cố rời đi nhưng những người thân tôi vẫn ở lại giữa đám-đông-nhỏ-bé. Cố cân nhắc trong mớ vốn liếng tiếng Việt của mình, tôi tìm được một cụm từ vụng về, cũng giống như mọi người vẫn đang xốc xáo từ điển để chọn những chữ thật dịu dàng cho số đông thương khó này, để lẩn tránh không phải dùng hai từ “tầng lớp…”
***
Nhiều khi ớn chữ, tôi mua mấy tạp chí phụ nữ, thời trang về để… coi hình. Hững hờ để từng trang trôi qua tay mình, khuây khỏa được chút kia thì thương vương nỗi nọ. Mình không thể có trang sức này, quần áo này, bộ mỹ phẩm này hay cái túi xách, đôi giày này. Hoặc chúng quá hào nhoáng chỉ để trình diễn hoặc quá sang trọng, quý phái hoặc chúng quá đắt tiền. Giống như một mối tình không mơ mộng và hy vọng. Tôi nhớ tới má cùng chị, nghĩ, nếu cố gắng, mình cũng mua được một vài thứ bày biện trong tạp chí này để tặng hai người phụ nữ mình thương.
Và má tôi sẽ xòe bàn tay chai sần quắt queo của mình, để quy đổi giá tiền cái túi xách ra… lúa, ra mấy giồng cải, bàng hoàng biết nó giá trị hơn cả một vụ mùa. Chị tôi chắc cũng bẽ bàng, chẳng có đôi giày nào hợp với đôi chân héo thường xuyên dầm trong nước, chẳng có bộ trang phục nào chị mặc để bưng bê trong cái quán giải khát nhỏ xập xệ bên đường. Chưa kể nội dung, chỉ giá bìa thôi, tạp chí đã là một thứ xa xỉ, với đám đông kiếm sống vất vả, tảo tần như má, chị tôi.
Nhưng những tạp chí đó vẫn được người ta yêu thích. Những món hàng tinh tế, sang trọng, đắt đỏ và xa hoa vẫn được người ta mua. Cuộc sắm sửa của họ bình thản và nhàn tản như trẻ con mua viên kẹo, như tôi mua tờ báo, không một chút thắt lòng nào. Họ ít, nhưng là số- ít- gì- cũng- có.
Vài lần trong đời, tôi cũng đứng về phía số ít đó, nên sau này không còn cực đoan quay quắt khi nhìn những cái sân tennis của huyện lỵ nghèo. Tập thở đều khi qua những cao ốc sang trọng những resort thơ mộng, giữ nhịp tim không đổi khi đứng trước miên man cỏ mượt sân golf. Tự nhủ, mình chẳng có lỗi gì.
Tôi thật chẳng lỗi gì với bầy trẻ xóm chài kia, dù chúng không được vào cái bãi cát tuyệt đẹp mà tôi đứng ngắm biển chiều. Chỗ này ngày xưa, trước khi trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp, đám trẻ đó đã từng chạy chơi. Và đứng ngoài rào, dì tôi sẽ không oán giận nếu tình cờ nhìn thấy đứa cháu ruột mình xênh xang trong một sân golf, nơi chỉ vài năm trước là mảnh ruộng của dì, cho đến một ngày dì bị bứt lìa đi, cỏ thay màu xanh của lúa. Không vì những điều như thế này mà người ta thôi sống và tận hưởng cuộc sống. Sáng nay tôi vẫn phải la cà quán xá dù ở miền quê xa xôi, bà ngoại tôi lụm cụm xách vài con tôm sú ra chợ xã bán, đổi chút tiền còm.
Cũng đành, tôi đang cố rời đi nhưng những người thân tôi vẫn ở lại giữa đám-đông-nhỏ-bé. Cố cân nhắc trong mớ vốn liếng tiếng Việt của mình, tôi tìm được một cụm từ vụng về, cũng giống như mọi người vẫn đang xốc xáo từ điển để chọn những chữ thật dịu dàng cho số đông thương khó này, để lẩn tránh không phải dùng hai từ “tầng lớp…”.
Những chuyên san phụ nữ và thời trang, chiếc Rolls-Royce, hay những sân golf là thí dụ. Chúng hiện diện, phát triển để chờ đợi người ta gọi đúng tên những khoảng cách đang ngày càng xa biệt.
Chỉ là đôi lần chạnh nghĩ, một người viết ít nhiều đa cảm như mình mà giờ giả vờ thản nhiên rời bỏ đám đông nhỏ bé, thì những người mang chức phận, thường rất lạnh lùng và tỉnh táo, họ đứng về phía số-ít-gì- cũng-có, cũng là lẽ đương nhiên. Và đương nhiên, đám đông bị quên lãng, bị đẩy dạt đến những bìa trời. Tan tác.
Họ có làm sao thì cũng không phải lỗi của tôi. Ừ, nào phải lỗi của tôi. Không phải đâu…
Nguyễn Ngọc Tư