Gửi bài:

Có một mùa hoa điệp không nở

Một buổi trưa tôi đang thiu thiu ngủ trên chiếc võng ngoài sân sau nhà thì vợ tôi khệ nệ bê một cái bao tải to đi tới. Vợ vừa thở dốc vừa lay tôi dạy. Mất giấc tôi liền cáu gắt với vợ nhưng chiếc bao tải kia cũng làm tôi thấy tò mò. Vợ tôi bảo có một người tự xưng là xe ôm vừa chở nó đến nhà tôi, trên bao có dán một tờ giấy ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của tôi nữa. Nhìn thấy nét chữ mảnh mai, dứt khoát đó tôi đã nhận ra ngay người gửi.

***

co-mot-mua-hoa-diep-khong-no

Vợ tôi hí hửng mở bao ra xem. Nào là măng đắng tươi, măng khô, củ mài, rau bò khai, rau ngót rừng, rau sắng và mấy thứ hoa quả rừng khác nữa. Thêm vào đó còn có một cái hộp nhỏ được bọc cẩn thận, vợ tôi hồi hộp mở ra xem thì thấy hai chai mật ong rừng và ít thịt gà gác bếp. Mùi vị của đại ngàn như sộc vào mũi tôi. Món quà từ núi rừng này lại một lần nữa đưa tôi vượt thời gian về lại với thời trai trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Ngoài hai mươi, sau khi nhận được bằng tốt nghiệp tôi và vài người bạn cùng khoa được phân về công tác ở trên Tây Bắc. Tôi đã có hai năm gian khó ở Mường Phay cái bản Thái nhỏ nằm sâu mãi trong bốn bề mây núi. Mỗi mùa xuân đến lại ngập trong sắc hoa Ban nở trắng trời. Những cánh rừng, những con suối, những nếp nhà sàn, những nụ cười, những điệu múa, khúc dân ca làm lòng người say đắm nào đâu dễ quên. Ở đó có những con người mà tôi không bao giờ có thể quên được. Đó là Phài mối tình dang dở nhưng đẹp dịu dàng của tôi. Đó là mẹ Lán, người phụ nữ của núi rừng đã luôn coi tôi như con trai hồi tôi còn ở nhà ông bà. Đó là ông Bôn, trưởng bản Mường Phay luôn đêm ngày mong ước có điện về bản. Đó là những người học trò nhỏ của tôi, những người từng mong có đôi cánh bay vượt đại ngàn... và đó là người anh, người bạn, người đồng nghiệp yêu quý, ông thầy giáo tên là Lành ấy, cũng chính là người đã gửi cho tôi những thức quà này.

Sau khi tôi về dưới xuôi công tác tôi chỉ thư từ cho anh Lành được một đôi lần. Đến khi anh lập gia đình và tôi cũng thế thì hầu như chúng tôi bặt tin nhau hẳn. Những ngày ấy tôi cũng phải chuyển công tác liên tục, vợ con nheo nhóc khiến tôi phải tạm chôn cất những kỷ niệm cũ sang một bên. Gần hai mươi năm sau tôi được cơ quan cử về miền rừng công tác trong nửa tháng, đến lúc ấy bao nhiêu ký ức xưa chợt đổ ào về trong tôi như một cơn mưa giữa đại ngàn. Người đầu tiên tôi nhớ đến lúc ấy là anh Lành, người đã luôn che chở cho tôi, dạy bảo tôi hồi còn trẻ cái thời còn nông nổi. Không biết giờ anh đã ra sao rồi, có còn ở Mường Phay nữa không, tôi nhất định phải tìm gặp anh trong chuyến công tác này. Ngày trở lại ấy tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Sau hai mươi năm cái bản nhỏ như lột xác hoàn toàn. Từng nếp nhà sàn khang trang lợp mái ngói đỏ tươi rạng ngời lên trong nắng, điện, đường, trường trạm đủ cả. Mường Phay cũng đông đúc hơn xưa nhiều, bản được mở rộng và chia thành ba bản nhỏ cũng đều gọi là Mường Phay hết nhưng thêm số vào sau để phân biệt. Đáng mừng hơn là ngôi trường nhỏ mà ngày xưa tôi công tác đã được xây dựng lại thành hai tầng khang trang ở ngay đầu bản.

Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng hình như không có ai là không nhận ra tôi. Mẹ Lán đã mất, Phài đi lấy chồng xa, một vài học trò nữ của tôi cũng đi lấy chồng xa hết cả rồi. Một vài trò nam thì đang đi làm ăn xa hoặc đi bộ đội, đi học còn đâu mọi người vẫn ở Mường Phay cả. Ông trưởng bản Bôn giờ đã ngoài 60, ước mơ của ông nay đã thành hiện thực rồi. Tôi nóng lòng muốn biết tin về anh Lành, chẳng thấy anh ấy ở Mường Phai nữa thì phải. Trong bữa cơm thân tình ở nhà ông Bôn tôi mới có dịp hỏi. Người Mường Phay của hai mươi năm trước hầu như không ai là không biết đến thầy giáo Lành cái tên anh giống y như tính cách, đó là một ông thầy giáo hiền lành như bụt vậy. Ngày tôi mới đến Mường Phay, anh Lành đã ở đó được năm năm trời. Anh là một trong những người đầu tiên từ dưới xuôi lên Mường Phay dạy học. Anh Lành có một khuôn mặt hiền hậu, chất phác tính tình lại vui vẻ hài hước nên dân bản quý lắm. Các học trò người H'mông từ các bản xa xuống Mường Phay học gọi thầy là Giàng A Lành, những học trò người Thái thì gọi anh là thầy Cầm Bạc Lành... dù tên thật của anh là Nguyễn Ngọc Lành. Chúng đặt tên cho anh như thế vì vô cùng yêu quý anh. Lành cũng nói được cả tiếng Thái và tiếng H'mông nên được dân bản thêm yêu quý. Sau giờ học anh thường vào nhà học sinh thăm các em và giúp các gia đình trồng ngô, lúa hái củi. Lành cũng là người đưa ra sáng kiến dẫn nước từ khe suối về tận nhà cho những người dân trong bản. Ngày xưa, rất nhiều thầy cô từ miền xuôi lên Mường Phay dạy học thường hay bỏ về vì cảnh núi rừng âm u, tĩnh mịch làm cho họ thấy sợ và buồn chán. Và nếu không có anh Lành chắc tôi cũng chẳng trụ lại ở Mường Phay đến tận hai năm trời mà không về thăm nhà lấy một lần.

Ông Bôn bắt đầu kể về anh Lành một cách say sưa hơn sau khi đã ngà ngà say. Sau khi tôi rời Mường Phay được khoảng hai, ba năm gì đó thì anh Lành lấy vợ. Vợ anh cũng là giáo viên tiểu học, cùng quê anh từ dưới xuôi lên Mường Phay công tác. Lấy nhau xong hai vợ chồng anh cất tạm một ngôi nhà nhỏ gần trường với sự giúp đỡ của dân bản. Hai vợ chồng anh rất chăm chỉ và tháo vát, ngoài giờ dạy trên lớp hai anh chị làm kinh tế cũng rất tích cực. Anh chị phát quang những mảnh đất trống quanh trường trồng rau, mua lợn gà trong bản về nuôi. Vốn mát tay anh chị trồng cây gì, nuôi con gì chúng cũng đều lớn lên khỏe mạnh, tươi tốt cả. Khốn nỗi, trồng được, nuôi được nhưng anh chị lại chẳng biết bán cho ai. Chợ ở ngoài thị trấn thì xa quá. Theo lời ông Bôn kể, dạo ấy không ai còn lạ gì cái cảnh người thầy giáo gầy nhom gánh từng gánh rau, có khi gánh cả con gà, con lợn trèo đèo, lội suối đi xuống chợ thị trấn bán.

Khoảng hơn mười năm trước, Mường Phay bắt đầu có điện, rồi đường cũng bắt đầu được khai mở. Một trường cấp hai được mở ở trung tâm xã cách bản cũng không xa. Tôi vẫn nhớ cách đây hai mươi năm trụ sở ủy ban nhân dân xã nằm thọt lỏm trong rừng hoa Điệp vàng, cũng nghèo nàn, xơ xác mặc dù gọi là trung tâm. Vợ anh Lành được chuyển ra dạy học ở đó. Lúc ấy anh chị cũng có với nhau được hai mặt con, một gái, một trai. Anh liền chuyển nhà ra gần trung tâm xã để vợ đỡ phải đi lại vất vả. Ở đó gần thị trấn hơn nên anh chị cũng có điều kiện phát triển kinh tế hơn là ở trong bản. Anh Lành cũng mua đất ở trong Mường Phay và mấy bản gần đó để làm trang trại, không chỉ làm giàu cho mình anh Lành còn giúp dân bản làm ăn, thoát khỏi đói nghèo nữa. Mấy năm trước vợ chồng anh đã cất được ngôi nhà to lớn, khang trang ngay cạnh ủy ban nhân dân xã. Rồi mua được một cái ô tô để đi, anh là một trong những người được coi là giàu nhất xã. Nghe đến đây tôi thấy vô cùng vui mừng cho anh Lành và cả gia đình anh. Một người như anh xứng đáng được hưởng thành quả tốt đẹp như thế.

Cũng đến đây, ông Bôn thở dài não nề và nói:

"Cái đời này nhiều lúc cũng buồn thầy ạ, nhiều cái mình chẳng ngờ được ấy".

Nói xong, ông lại đưa chén rượu lên đánh ực một cái. Tôi lo lắng hỏi ông, không biết là có chuyện gì. Nhìn mặt ông và nghe những gì ông nói tôi bỗng thấy có dự cảm không hay về đoạn cuối của câu chuyện về anh Lành. Rồi ông Bôn cũng chần chừ kể tiếp.

"Vào đúng dịp này năm trước, gần đến cái Tết cơm mới đó. Dân bản định mở hội to vì cái bản giờ nó cũng ấm no rồi. Sau khi họp bàn thì bản cần đến hai cái loa to, dăm cái vại rượu cần mới và nhiều thứ linh tinh nữa cho lễ hội. Nhiều cái ở chợ thị trấn không có bán phải lên tận trên chợ thị xã mua mới được. Khổ cái nỗi đường thì xa quá, mà chẳng ai biết mua được hết chừng ấy thứ cả. Đúng dịp bản cũng mời thầy giáo Lành về họp bản cùng. Thầy đã nhận đi mua hộ mấy thứ đó, vì thầy có ô tô lại thông thạo đường thị xã. Cả bản vui mừng giao trọng trách ấy cho thầy. Bản cũng cử một người đi với thầy cùng mua. Đó là thằng Pán, bí thư chi Đoàn thanh niên bản đó. Hôm đó có cả con gái thầy là sinh viên học trên cao đẳng tỉnh cùng đi nữa. Đến cái đoạn đường ở ngã từ Đồi Hống qua chỗ thị trấn đó thì. Thì có một gia đình người Xá gì đó đèo nhau đi xuống dưới chợ, hôm đấy cũng đang có chợ phiên. Nghe nói mất tay lái hay thế nào mà..." đến đây ông Bôn nghẹn ngào "tôi cũng chẳng tin nổi vào cái tai mình. Một người cẩn thận như thầy Lành lại có thể gây ra tai nạn làm chết cả nhà người ta. Xe máy đèo bốn người thì chết ba. Mỗi cô vợ còn sống nhưng bị thương nặng, đứa con trong bụng cũng mất.

Công an đến bắt thầy đi, gia đình nạn nhân cũng phạt vạ thầy lớn lắm. Vợ chồng thầy cũng đã cố gắng đền tội sao cho đúng nhất. Thầy phải bán cái ô tô đi để nộp tiền phạt, khoảng thời gian đó người ta cũng không cho thầy dạy học nữa. May thay người vợ của người lái xe máy còn sống. Sau hai tháng trời nằm viện cô ta đã khỏe mạnh trở lại và chính con gái thầy phải bỏ học đến viện chăm sóc người đó. Đến khi người đó khỏi thì bị nhà chồng bắt lấy em trai chồng theo tục nối dây ở bản đó đấy. Cô ta không đồng ý. Tiền bồi thường của nhà thầy Lành cho gia đình cô ta cũng bị bên nhà chồng lấy hết mà không cho cô đồng nào. Hôm người ta xét xử thầy Lành, dân bản Mường Phay cũng kéo đi xem đông lắm. Chính cô vợ người lái xe máy đứng lên nói rằng, hôm đó chồng cô ta đã uống rượu rất say trước khi lái xe chở theo người vợ đang mang bầu và đứa con trai nhỏ xuống chợ phiên. Xe của chồng cô đi quá tốc độ và hầu như chính nó đã đâm thẳng vào xe của thầy Lành. Về phía thầy thì chẳng có ai làm chứng, thằng Pán bảo đi cùng thầy nhưng nghe nói đến thị trấn nó bị đau bụng nên không đi nữa. Sau đó thầy Lành được trở về, năm đấy thầy không đi dạy học nữa. Không ai nhìn thấy thầy cười suốt một thời gian dài.

Về sau thì thầy nhận người phụ nữ chết chồng, chết con trong vụ tai nạn với xe ô tô của thầy làm con nuôi. Khi cô ta đi bước nữa thầy còn đứng ra tổ chức hôn lễ cho vì bố mẹ cô ta cũng không còn ai cả. Mấy nay thầy Lành sống lặng lẽ hơn, nhà thầy ở sau trụ sở ủy ban nhân dân xã đó. Nó cũng nằm trong um tùm những cây hoa Điệp như lâu năm chẳng tỉa tót gì. Thầy vẫn tốt với mọi người, bao nhiêu học sinh từ bản xa đến học thầy đều cho ở trọ nhà thầy không mất tiền. Vợ chồng thầy lo cho chúng từng bữa ăn giấc ngủ. Ai cũng bảo chắc thầy ân hận vì những chuyện đã qua lắm. Thầy ấy buồn chắc cũng vì con gái nữa, sau vụ tai nạn lần ấy, con gái thầy cũng bị mắc bệnh lạ. Nó hay sợ sệt đủ thứ, đêm về hay mơ xấu. Không ăn ngủ được, biết vậy thầy cúng ở bản mình cũng xuống cúng cho đấy", và ông Bôn lại thở dài, uống thêm chén rượu nữa, ông kể tiếp "tôi cũng không tin thầy Lành lái cái ô tô đâm chết người ta. Hôm ấy thầy cúng ở bản về có nói thầm với tôi rằng. Con gái thầy đang chịu hạn vì tội lớn từng gây ra. Tôi không biết nữa thầy ạ, nhưng có lẽ hôm đó không phải thầy Lành lái xe ô tô đó đâu."

Ông Bôn kể đến đây, lòng tôi như thắt quặn lại. Ngày tôi biết anh Lành, anh còn không dám giết một con gà dù được dân bản biếu làm thịt. Thường thịt thà ai nấu cho anh mới ăn chứ không bao giờ trực tiếp anh làm, anh không dám đi xem cảnh người ta mổ lợn, mổ trâu, không dám ăn cả tiết canh vì sợ máu me. Và cũng vì anh thương các con vật lắm. Nuôi chúng để bán đi chắc việc anh cũng chẳng muốn làm mấy nhưng vì cuộc sống thì đành phải chịu. Các trang trại của anh nghe nói cũng trồng nhiều hơn nuôi. Vậy mà... cái vụ tai nạn ấy chắc nó ám ảnh anh lắm. Chẳng biết là anh hay là ai đã lái xe nhưng dù gì vụ việc đó cũng liên quan đến anh, làm sao anh hết được buồn phiền và cảm giác tội lỗi. Tôi chỉ muốn về thăm anh ngay trong ngày hôm ấy. Có lẽ anh rất cần một người bầu bạn lúc này.

Tôi đến thăm gia đình của anh trong một buổi chiều cuối hạ. Đúng như lời kể của dân bản, ngôi nhà ba tầng khang trang của anh nằm thọt lỏm giữa rừng Điệp, sau trụ sở ủy ban xã. Có nhiều cây Điệp không to lắm hình như nó mới được trồng cách đó có vài năm thôi. Đang trong thời gian nghỉ hè nên trong nhà anh chẳng thấy bóng dáng học sinh nào. Tôi đi bộ từ đầu đường vào nhà anh, đến gần cổng thì thấy một cô gái trẻ tầm mười tám, đôi mươi đang quét những bông hoa Điệp vàng rụng đầy ngoài sân. Tôi mở cổng bước vào, thấy tôi cô gái liền bỏ luôn cây chổi xuống và chạy ào vào trong nhà. Tôi thoáng chút giật mình, đang định gọi thì một người đàn ông gầy gò xuất hiện. Tôi thấy nước mắt mình rưng rưng, ngày xưa tôi cũng gầy gò như thế. Nhưng giờ thì đã phát tướng và tăng hơn 10 ki lô gam so với hai mươi năm trước đây. Còn anh Lành, trông anh còn có vẻ gầy hơn cả khi xưa. Tôi nhớ lại, ngày xưa giữa mùa đông lạnh cắt da cắt thịt của Mường Phay, tôi lên cơn sốt anh đã thức trắng đêm chăm sóc cho tôi. Nhường cho tôi chiếc chăn ấm của anh. Vào một mùa lũ cách đây hai mươi năm về trước, tôi cùng anh xuống thị trấn lấy sách vở về cho học sinh. Lúc đi qua một con suối to để vào bản tôi sẩy chân ngã, không biết bơi dòng nước cứ thế cuốn tôi đi. Anh Lành liền chạy theo tôi, vừa chạy anh vừa la hét kêu cứu, may thay tôi vớ được một cái cành cây bên bờ suối vừa đổ xuống. Lúc cành cây sắp không chịu được sức chảy của dòng suối thì anh Lành kịp đến, một tay anh nắm lấy tay tôi. Tay kia thì nắm vào cái cây nhỏ trên bờ để khỏi bị tuột xuống. Khi nhìn thấy cái cây nhỏ sắp bật rễ lên tôi bảo anh hãy buông tay tôi ra không cả hai anh em sẽ bị lũ cuốn đi mất. Anh Lành vẫn không chịu buông, lúc ấy tôi thấy dòng nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt anh. Mọi hy vọng được sống, được trở về xuôi với ba mẹ dường như đã tiêu tan. May thay lúc ấy có vài người dân bản đi qua, họ đã giúp chúng tôi lên bờ. Sau những ngày ấy, tôi nguyện có chết cũng không được quên anh Lành. Thế mà hai mươi năm qua, vì cuộc sống mưu sinh, vì những ngày cứ vào rừng ra biển dạy học tôi đã không đến thăm anh được một lần.

Anh nhận ra tôi ngay, tôi chạy lại ôm chầm lấy anh, một giọt nước mắt của tôi rơi xuống vai anh. Hai anh em ngồi hàn huyên tâm sự sau hai mươi năm xa cách. Anh vẫn hiền lành từ tốn như xưa. Tóc anh bạc gần trắng hết cả, nét u buồn luôn ẩn hiện sau đôi mắt sâu. Chúng tôi ngồi uống trà ngoài hiên, hình như Lành đã biết tôi biết được khá nhiều chuyện về anh trong hai mươi năm qua nên anh chẳng kể lể gì nhiều, chỉ hỏi thăm vợ con tôi đôi chút. Chị nhà anh và thằng con trai út hôm đó đang đi vắng, còn cô con gái vì sợ người lạ nên nó không dám ra chào tôi. Tôi hỏi:

"Cháu tên gì anh?"

"Ngọc Điệp" – anh trả lời.

Chúng tôi lại lặng im vừa uống trà vừa ngắm những bông hoa Điệp vàng rụng ngoài sân. Chợt đôi mắt anh Lành dừng lại hồi lâu chỗ cái chổi và đám hoa Điệp quét dở ngoài sân. Rồi anh buồn rầu nói.

"Năm ấy, có mấy cây hoa Điệp quanh nhà chẳng nở hoa và cô cô con gái Ngọc Điệp cũng chẳng cười nữa, dù tôi đã cố gắng làm tất cả..."

Vậy là lại một năm nữa đã trôi qua kể từ chuyến công tác ấy. Mỗi lần nhớ đến anh Lành tôi lại thấy tim mình như thắt lại. Đang lặng đi trong bao hồi tưởng về quá khứ, vợ tôi chợt kêu lên:

"Có một lá thư nữa này mình ơi!"

Tôi mở thư của anh Lành ra đọc, trong thư anh viết rằng chỗ măng rau, hoa quả là vợ chồng anh gửi. Còn mật ong rừng và thịt gà gác bếp là của ông cựu trưởng bản Bôn. Anh cảm ơn tôi vì vài tháng trước đã gửi cho anh mấy cuốn sách nói về cách chữa bệnh trầm cảm cho cô con gái lớn của anh. Giờ đây tình hình của nó đã khá hơn rồi. Anh còn viết ở cuối thư: "Có lẽ những mùa hòa Điệp ở nhà tôi sẽ thật sự nở rộ vào ngày mai thôi, tôi yêu màu hoa ấy chú ạ, vì đó là màu của nắng mai, màu của sự sống mãnh liệt, và nó cũng là tên của con gái tôi, đứa con đầu lòng mà tôi hằng yêu quý nhất."

Hoa Thược Dược

Ngày đăng: 03/09/2015
Người đăng: duco lloo
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Đừng tùy tiện khóc
 

"Thần Tử nhớ lấy, sau này đừng tùy tiện khóc với đàn ông. Khóc thì nhiều nhất cũng chỉ khiến đối phương khó xử, không thể thay đổi được gì cả. Người yêu thương con thật sự sẽ không dễ dàng khiến con khóc; người làm con khóc, hầu hết là sẽ không quan tâm đến nước mắt của con"

Con đường đưa tiễn đầy hoa - Thanh Sam Lạc Thác

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage