Gửi bài:

Đi theo lời của gió

Đoàn tàu chạy qua một đồng cỏ rộng mênh mông. Những con bò lững thững nhai những bụi cỏ khô héo cuối cùng còn sót lại của mùa mưa năm trước. Cậu nghe nói ở đây mùa này hay có hạn. Những đàn bò này sẽ đến đồng cỏ khác trong vài ngày tới, và nếu may mắn có cỏ, chúng sẽ tồn tại qua vài ba mùa nữa trước khi bị đẩy vô trạm giết mổ gia súc tập trung thị trấn, còn lỡ cánh đồng chúng tới chỉ còn chân cỏ, lũ người chăn bò sẽ khóc tiếng Ả Rập.

***

Cậu nghe nói hồi xưa miền Tây tới mùa lũ người ta cũng len trâu đi kiếm cỏ, sớm thì trâu sống cả đàn, trễ thì rớt nước mắt ngồi nhìn trâu chết dần dần.

Nhưng cái đó là chuyện hồi xưa, giờ cuộc sống đủ hiện đại để người ta không phải len trâu qua những cánh đồng ngập đầy nước. Hồi xưa cậu cũng nghĩ mình sẽ được dạy ngay trong Sài Gòn, nhưng giờ thì cuộc đời đủ nham hiểm để bắt cậu đi dạy học xa nhà vài trăm cây số.

di-theo-loi-cua-gio

Tốt nghiệp loại giỏi cao học Đại học Sư phạm. Cậu tưởng tấm bằng tốt nghiệp của cậu mang đi đâu người ta cũng nhận thì, bà giám đốc Sở Giáo dục thành phố, vợ của cha cậu, điệu đàng tiệc tùng với mấy ông hiệu trưởng của những trường tiểu học lớn, âm thầm gửi tin nhắn tới vài ông hiệu trưởng các trường tiểu học nhỏ. Tất cả những việc đó đều xoay quanh một vấn đề mà bà nghĩ hết sức quan trọng đối với lòng dạ đàn bà, không cho cậu dạy ở bất kỳ trường tiểu học nào trong thành phố. Vì cậu là con mẹ cậu, mà mẹ cậu là tình nhân cũ của chồng bà ta, và vì cha cậu đã chết, không ai đủ khả năng cản bà ta làm chuyện đó.

Vậy là cậu bị đẩy ra một trường tiểu học ở Hà Tĩnh. Một trường tiểu học miền núi với vài ba giáo viên ở hoài ở mãi trong cơ cực, những đứa học trò người dân tộc đi học bữa đực bữa cái, trường hay bị lũ quét, và học bạ tụi học trò bị phơi tới bong nhàu giấy. Đó là những gì cậu biết về cái trường mà cậu sắp tới. Tẻ nhạt và cực khổ, Khánh báo trước khi cậu đi ba ngày, và vẫn mong cậu ở lại Sài Gòn làm gia sư, lương không thấp, nhưng việc thì rất nhàn.

Cậu định ở lại, nhưng cậu chắc bà giám đốc sẽ kiếm trò chơi mình, dù biết đi đâu bà ta cũng có thể kiểm soát. Lưỡng lự, rồi cậu ra siêu thị mua cái ba lô mới, dọn đồ, mua vé xe lửa, và đi.

***

Anh nhân viên phòng giáo dục Vũ Quang nhắn cậu ngán thì cứ về, ở hoài cũng chẳng sống nổi khi đưa cậu lên xe thồ đi từ thị trấn Vũ Quang xuống Đức Bồng. Chiếc xe lắc lư trên đường đất cứng và khói thuốc lào ngạt ngào của ông tài làm cậu choáng. Năm ngày đi tàu từ Sài Gòn lên Hương Khê, rồi bắt xe ôm từ Hương Khê lên Vũ Quang, tới phòng giáo dục được anh nhân viên đó đón, rồi đẩy nhanh về Đức Bồng. Cậu chưa từng nghĩ nghề giáo lại cực khổ tới vậy. Tâm lý học đường cậu tốt nghiệp loại giỏi, kiến thức thì khỏi nói, nhất nhì giảng đường chứ đừng nói tới hạng ba-tư. Vậy mà số phận lại đẩy cậu ngược ra Trung. Và một lần nữa cậu khẳng định cái chân lý "đời không như là mơ" đúng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Xe thồ bỏ cậu dưới chân đồi. Cậu bỏ bộ một cây số nữa để lên đỉnh đồi và thả xuống bờ dốc bên kia. Trường tiểu học bản Nạm Kha nằm lặng lẽ dưới những đồi bắp trải dài theo hướng mặt trời lặn. Vài cô giáo ra đón cậu, toàn những người trẻ, chọc cậu:

- Trắng ri sao dạy nổi ở chỗ nì.

Cậu lúng túng với thứ ngôn ngữ mới, một cô giáo giải vây cho cậu, và cậu nghe rõ tiếng Sài Gòn, cái tiếng gần như cậu quên trong năm ngày nay:

- Em mới về chưa có quen, vô tắm rửa rồi lát ăn cơm.

Tối, khi ba cô giáo trẻ kia biến đâu mất, cậu biết cô giáo giải vây cho cậu là người Sài Gòn, hơn cậu hai tuổi, và tình nguyện ra đây dạy học, không ai bắt buộc, cũng không ai đưa đẩy. Chị tên Liên, dạy lớp năm, nhưng ngày mai lớp năm sẽ là của cậu dạy. Chị đưa cậu tờ giấy kiểu từ điển tiếng miền Trung:

- Em tốt nghiệp cao học thì dạy lớp cao đặng tụi nhỏ nó ra thị trấn học hành cho kịp người ta.

- Ở đây đông học sinh không chị?

- Năm khối, mỗi khối một lớp, hồi trước chị dạy lớp bốn, năm. Ba con nhỏ kia dạy một, hai, ba. Giờ em dạy lớp năm. Rứa là đều.

Chị cũng đã lai giọng địa phương, đã bắt đầu "rứa". Và cậu nghĩ nếu ở đây vài tháng chắc cậu cũng quen mô-tê-răng-rứa. Ý nghĩ đó làm cậu bật cười. Liên huýt cậu:

- Cười chị hả, ờ, ở lâu nó vậy đó. Mà mấy con nhỏ kia nhỏ hơn em đó, bởi rứa đừng có kêu nó bằng chị nghe. Nó chọc nữa đó. Một đứa tên Cúc, nhỏ đó trên Hà Tĩnh về, một đứa tên Mun, người Mường, ở đất này, học cô giáo rồi về đất này dạy luôn, nhà nó bên kia đồi bắp, còn một đứa tên Trúc, về một lượt với nhỏ Cúc, hình như cũng ở Hà Tĩnh.

Dưới bóng đèn tròn tỏa ra thứ ánh sáng vàng lờ mờ, Liên lẩm nhẩm thứ gì đó trong miệng, có thể chị tính chị đã về đây bao lâu, cũng có thể chị tính mai sẽ có bao nhiêu đứa học trò tới lớp, âm thầm và lặng lẽ. Ngoài vách dế vẫn kêu inh ỏi, và cậu nghe được lời của tụi côn trùng này nói với nhau:

- Ê, bữa ni có thầy mới về hử?

- Ừ, hình như ở Sài Gòn về, trắng lắm. Chị Mun nói hắn dạy không nổi mô.

- Ừ, trắng rứa răng dạy, tụi học trò quậy lắm.

- Đúng rồi, không nổi mô.

Liên đứng dậy và cắt ngang lời của lũ dế:

- Thôi ngủ sớm đi em, mai còn dạy.

Và mai sẽ là buổi dạy đầu tiên trong cuộc đời cậu.

Buổi sáng vùng cao đón cậu với vài cành nắng gãy khúc trên đồi bắp. Những đứa học trò mới của cậu hớn hở lật sách, và coi mãi những cái trang màu mè mà chúng nó thích. Cậu gõ thước, chúng nó quay lên. Mười giây, rồi cúi xuống.

Cậu nản buổi dạy đầu tiên.

Chiều, Liên ôm sổ qua giường cậu:

- Đi vận động mấy đứa nhỏ đi học, nhóc. Sáng thiếu mười hai đứa, năm bữa rồi. Chắc cha mẹ tụi nó bẻ bắp. Khổ, đi chục lần rồi chứ ít gì nữa đâu. Thôi, nhanh đi em, xa đó, tối về không kịp.

Cậu theo Liên vượt qua hai đồi bắp. Tới mỗi đỉnh đồi có thể thấy rõ đằng xa trống trải và cằn cọc. Người ta chặt hết ba phần tư cây ở chỗ thượng nguồn con suối. Giờ cậu hiểu tại sao học bạ của tụi học trò bị bong nhàu giấy.

Ông Ta Kao lắc đầu, hết vụ tui cho đi học, đang mùa, nó đi ai phụ tụi tui bẻ.

- Học trễ rồi sao theo kịp tụi bạn, nó ở lại lớp rồi sao. - Liên chống chế.

- Răng cũng được, học hành nhiều cũng mô có xài tới.

- Răng không xài tới, chú thấy Mun không, nó học xong đi dạy giờ nhà nó có đói bữa nào đâu.

- Không đói nhưng cũng mô có giàu.

Liên cự với ông Ta Kao lát nữa. Cậu mắc cười khi thấy đi phổ cập giáo dục lại giống đi đòi nợ. Cuối cùng, Liên thua ông Ta Kao, nhưng thắng bảy phụ huynh khác sau khi sải bộ qua những ngọn đồi đầy cỏ xước. Cậu không chắc, nhưng có lẽ lúc không có cậu, Liên đi một mình.

***

Tiếng dế lại tiếp tục thách thức cậu:

- Hồi chiều thầy giáo mệt lắm, chắc nản rồi.

- Răng chịu nổi mà không nản, chị Liên cực lắm, hắn không mần nổi như chị Liên mô.

Cậu bắt đầu ngán ngẫm ở cái xó xỉnh này. Tiếng dế, tiếng rừng, tiếng của những cây bắp thở trong đêm làm cậu sợ hãi. Cậu gom quần áo bỏ vào ba lô. Liên mở cửa, nhìn cậu và thở dài:

- Không cam nổi hả em. Thôi thì về đi, mà đợi sáng hẳn về. Giờ này thấy đường đâu mà đi.

Cậu nhìn Liên, và bắt gặp mình đỏ mặt. Cậu mắc cỡ với chị, với chính bản thân mình, hay với tấm bằng mà cậu nhận. Có thể là tất cả. Giờ đây, không gian tĩnh mĩnh hòa loãng tiếng dế phủ kín người cậu và người Liên. Cậu có xứng đáng với nghề giáo, có được như Liên. Chưa đâu. Nhưng tại sao Liên làm được còn cậu thì cứ phải trốn tránh. Cậu vớ một cái áo và nhét vào ba lô:

- Em cất đồ mới vô thôi chị.

***

Cậu đã quen với tiếng gió rừng thổi qua cửa lớp những lúc xế trưa. Và những đứa học trò cũng đã bỏ lại cái đam mê màu sắc để đi theo cái đam mê con chữ mà cậu truyền cho. Ông Ta Kao đã cho con gái đi học sau ba lần cậu và Liên cùng thuyết phục, ba lần đều có tiếng của cậu. Và đêm đêm lũ dế cũng đã bỏ cái điệp khúc "không nổi mô".

Đêm nay, gió rừng luồn qua khe cửa lạnh cóng. Dưới ánh đèn vàng mờ mờ, cậu soạn vài trang giáo án cho buổi sáng mai. Trời bắt đầu mưa, cậu gập giáo án và cơn buồn ngủ thổi cậu vào mơ như gió thổi mây bay.

Cúc lao vào phòng cậu và gom nhanh những thứ có thể gom được và giật cậu đi. Bất thần, nhưng cậu vẫn chạy theo Cúc. Cúc chạy lên con đồi dẫn về thị trấn, sau lưng, Liên, Mun và Trúc ôm một mớ đồ và chạy theo. Mưa tầm tã, trời nhá sáng, rồi tắt, rồi lại nhá sáng. Tới đỉnh đồi, cậu lờ mờ nghe tiếng ào ào từ phía xa.

- Lũ đó anh. - Trúc hổn hển giải thích cho hành động bất ngờ vừa rồi khi thấy cậu vểnh tai nghe ngóng.

Lũ đổ dồn vào thung, đồi bắp phía đường đi của nó bị dọn sạch gốc. Nước xoáy quanh trường. Bốn cô gái lo lắng đứng dưới mưa nhìn về phía trường. Lũ cao gần tới nóc, mà trong trường còn nhiều thứ chưa lấy ra. Gần sáng thì lũ rút.

Trúc với cậu trải học bạ ra sân phơi, Mun, Cúc và Liên dọn lại các lớp. Cơn lũ qua đi, chật vật và khổ sở. Với cậu, đây là lần đầu, nhưng với bốn người kia, có thể đã là lần thứ mười mấy.

Anh nhân viên phòng giáo dục tới, đưa cậu tờ đơn. Cậu sững sờ khi biết mình bị rút đi nơi khác. Ở đây, dù khổ, dù cực, nhưng có tình cảm. Ở đây, cậu thấy được nhiệt huyết của Liên, Mun, Cúc, Trúc. Và còn nhiều cái ở những đứa học trò mà cậu thấy thích.

Bốn cô gái tiễn cậu lên đồi, Mun bẻ cho cậu một bông bắp:

- Đem cái này theo nha anh, mai mốt nhớ về thăm tụi em.

Chị Liên ngậm ngùi:

- Đợt này có đi ngang Sài Gòn phải không, đi ngang nhìn cảnh giùm chị, lâu rồi chị chưa về.

Cậu tạm biệt họ rồi đi ngược hành trình hôm trước, xe thồ, xe ôm, rồi xe lửa. Về Sài Gòn, cậu cố nhìn cảnh, rồi bằng hình thức nào đó cố gửi nó về cho Liên. Xong, cậu bắt xe đò về Đồng Tháp.

Cao Lãnh mùa nước nổi. Gió chướng đẩy nước từ sáu cửa biển vào, còn sông Mê thì vẫn bình tâm thả nước từ thượng nguồn xuống. Nước bị ứ đọng, tràn sang các ấp, nuốt trọn những cái đầm sen. Nhưng cái trường mới của cậu thì coi ra vẫn nghiễm nhiên trước những thứ đó. Người ta xây trường trên một cái gò cao, và cậu nghĩ ở đây chắc ít phải đi phổ cập giáo dục, nếu không cái trường đã không cao kiểu đó.

Trường có ba giáo viên, Thạnh là người đi xuồng đón cậu lúc cậu mới bước chân xuống đường cái. Thạnh kể trường không đông lắm, tụi học trò khá ngoan, giăng lưới bắt cá giáo viên cũng ăn đủ.

- Có điều mùa nước phải bơi xuồng, vậy thôi!

Hai giáo viên còn lại là Nụ và Hương, quê ở Cao Lãnh. Còn Thạnh quê ở Cần Thơ, cũng bị chuyển công tác như cậu. Vừa về tới, Nụ đã kéo cậu:

- Anh anh, đi gỡ lưới cá.

Nụ bơi xuồng ra xa gò trường, cậu hơi sợ khi thấy xuồng chông chênh.

- Cá ở đây nhiều lắm, tụi em ăn không hết, có lúc còn cho học trò.

- Ở đây có sen không?

- Hết rồi, nước rút tụi nó mới mọc lại. Đẹp lắm, mai mốt em dẫn anh đi.

Cá tép được nửa thùng sơn lớn. Tối đó, cậu ăn cá linh, và mấy lần mắc cổ vì thứ cá này xương quá nhỏ.

Sáng, cậu dạy học. Những đứa trẻ long lanh đôi mắt tròn, ngoan ngoãn đọc từng chữ cậu dạy. Cậu thấy nhớ Nạm Kha, giờ này chắc Liên, Mun, Cúc và Trúc cũng đang dạy, chắc Liên phải trở lại dạy hai lớp. Và cậu tội chị khi chị làm việc quá nhiều.

- Anh thấy tụi học trò sao? – Hương hỏi cậu.

- Ngoan, ngoan hơn ở Nạm Kha, mấy đứa ở Nạm Kha phải nói dữ lắm tụi nó mới chịu nghe.

- Thì mấy đứa này cũng vậy, lúc đầu quậy quá xá, Thạnh còn làm không nổi, em với con Nụ nói về méc cha mẹ tụi nó, đứa nào đứa nấy im re. Tụi nó sợ đòn. Ở đây ai cũng "mày phải đi học đặng khỏi làm ruộng" hay "mai mốt cá chết hết, không học sao sống". Bởi vậy dễ dạy lắm.

Và cậu dạy miệt mài hai tháng, nước vẫn chưa rút. Nhưng những ghe vải, ghe kẹo đã bắt đầu mon men tới các nhà dân. Thạnh nhắc cậu, Tết rồi đó anh.

Mẹ cũng nhắc cậu tới Tết rồi đó ông con, về không? Cậu trả lời có, nhưng nghe truyền hình nói đang có bão hướng vào phía Nam, đợi bão tan rồi về.

Bão tan, ba mươi Tết, không còn vé xe. Vậy là cậu phải ở lại. Mẹ hơi buồn nhưng cũng :

- Chịu chứ sao, mai mốt về cũng được, gần mà.

Nụ kêu cậu lại nhà cô ăn Tết, ở trong trường buồn. Tết ở nhà Nụ ghế bắt từ trong ra ngoài, người ta đi trên ghế, dưới đất nước ngập chân. Má Nụ đãi cậu với Thạnh củ kiệu, thịt kho, bánh tét và vài trái dưa hấu bà mua của mấy ông bán trên ghe. Nhà không giàu, nhưng được cái ấm cúng, nhờ vậy cậu đỡ nhớ nhà.

Qua Tết, buổi dạy đầu tiên, cậu lại nhận được đơn chuyển công tác. Về Cà Mau. Ba người kia nhìn cậu bùi ngùi. Cậu cũng bùi ngùi. Cậu không ngại đi, nhưng ngại bỏ lại những kỷ niệm ở chỗ này. Chắc đi sẽ nhớ mọi người, nhớ ba má Nụ và những đứa học trò mới dạy được hai tháng.

Ngày đi, Nụ ngắt cho cậu một nhánh bông điên điển:

- Nhớ về thăm tụi em, đừng có quên nha. Anh ăn hết cái Tết ở nhà em rồi đó.

Cậu nhớ lời dặn của Mun hôm trước, và nghĩ khi nào giàu sẽ tụ họp giáo viên hai trường đi chơi xả láng.

Thạnh lại là người bơi xuồng đưa cậu ra đường cái, nhưng lần này anh buồn và có hơi bần thần.

- Nhớ lo cho hai đứa con gái, ba đứa ráng dạy cho tốt nghe.

- Anh đi mạnh giỏi.

Vậy là cậu bắt xe xuống Cà Mau, vừa tới trường, người ta đã dẫn cậu đi tham quan Mũi Cà Mau. Một chiếc xe du lịch mười sáu chỗ cho thấy mức độ sang trọng của cái trường mà cậu sắp dạy. Trường có hiệu trưởng hẳn hoi, mười hai giáo viên già trẻ. Cậu không hiểu bà giám đốc ngớ ngẩn ra sao lại cho cậu dạy trong một cái trường tốt như vầy.

Tới Mũi, Khánh gọi:

- Má ghẻ mày chết rồi, té chỗ An Sương, ông tài xế taxi say sỉn làm sao mà đâm vô trụ cầu vượt. Chú tao mới lên thế bả. Sao, về không, tao xin cho về.

- Không, tao biết tao cần cái gì rồi.

Đúng, cậu đã biết cậu cần cái gì. Trẻ con Sài Gòn vẫn có thể du học nếu không có cậu, ở đó quá thừa giáo viên. Nhưng trẻ con vùng sâu nếu thiếu thầy sẽ không qua nổi đại học, và nếu nghèo sẽ cứ nghèo mãi, cực sẽ cứ cực hoài.

Cực khổ, gian truân không là tất cả. Như cái mũi đất trước mặt cậu đây, dù mấy ông nhà khoa học dự đoán vài chục năm nữa cả cái đồng bằng này sẽ chìm trong nước thì mỗi năm nó vẫn giành biển một trăm mét chiều dài. Vậy thì tại sao cậu không vượt qua và đi tới.

Ngày đăng: 20/09/2015
Người đăng: Nguyễn Trọng
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Leo Buscaglia about risk
 

Cười thì sợ giống người điên.
Khóc thì bị kêu mềm yếu.
Đưa tay kết bạn thì rủi ro khi quan hệ.
Chia sẻ tâm tư thì như phơi bày trần trọi bản thân.
Đem ý tưởng, giấc mộng của mình trình cho đám đông mang rủi ro bị gọi là ngây thơ.
Yêu lỡ không được đền đáp.
Sống thì chịu rủi ro về cái chết.
Hy vọng mang rủi ro tuyệt vọng.
Cố gắng thì bị rủi ro vì thất bại.
Nhưng các rủi ro phải được chấp nhận và vượt qua vì cái nguy hiểm nhất cho đời người là không dám làm gì rủi ro.
Người không dám rủi điều gì là người không làm được điều gì, không có gì, và trở thành vô nghĩa.
Người ấy có thể tránh được những đau đớn và buồn bã, nhưng bạn đó sẽ không học gì, cảm nhận gì, thay đổi gì, phát triển gì hay yêu ai và sống thế nào.
Trói buộc vào nỗi sợ, người ấy biến thành nô lệ và từ bỏ tự do cho mình.
Chỉ những ai dám nhận rủi ro, người ấy mới thực sự tự do.

Leo Buscaglia

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage