Gửi bài:

Phận phù du

Phải, con người có số, có phận, nhưng cũng do bản thân không vượt lên số phận ấy, không vượt lên nổi.

***

phan-phu-du-2

1. Những đứa trẻ được định giá

Ở cái xứ này, người ta ăn bữa sáng lo bữa trưa, ai cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà chưa ai để con cái mình chịu thiệt thòi với bạn bè. Tôi về đây một ngày cuối tháng chín, mưa thối đất đen trời, từ bến xe đi ghe về xóm nhỏ im lìm trong màu nước phèn loang loáng một mùi nồng đặc trưng. Bây giờ là tám giờ tối, mọi người sau một ngày mệt nhọc đã an giấc rồi sáng mai lại lao đầu vào mưu sinh. Tôi ngồi trong mùng, dưới ánh điện bóng đèn tròn vàng mờ mờ, mùi trầu tỏa ra từ miệng cô Hai khiến tôi lờ mờ đôi mắt vì nồng. Cô Hai quay sang nói chuyện với chị Sáu:

- Mày biết con Đào nhà bà Tư Công chứ? Con nhỏ cùng thời với mày đó?

- Dạ biết, sao má?

- Nó lại bán con nó lấy tiền nuôi thân nữa rồi.

Tôi trở người xoay mặt sang nhìn cô Hai, hỏi nhỏ:

- Ủa, bán con là sao hả cô Hai?

- Con nhỏ đó cả tá chồng, không thằng nào nên hồn, giờ đang cặp với thằng Tý xóm dưới, thằng đó hả, mèn ơi, say sỉn tối ngày, sáng bảnh mắt ra đã nghe mùi rượu rồi, làm ăn gì được. Đẻ được đứa con nào là xách bán đứa đó. Thiệt tội mấy đứa nhỏ.

- Bán cho ai, hả Hai?

- Tao cũng không rành. Nghe đâu trên Sài Gòn có mấy bà mấy ông không có con, mua về nuôi.

- Về nuôi hả Hai? Mà cái bà Đào đó có biết bán cho ai làm gì ở đâu không?

- Mèn ơi, nó chủ yếu là lấy tiền chứ để tâm ba cái đó mần gì. Con nó bán đi như bán con bò con chó, lúc có bầu là có người mang sữa mang bánh cho ăn rồi đẻ ra người ta chồng tiền cái rụp, xách mấy đứa nhỏ đi một nước, có thấy ai nói gì tới nữa đâu.

Tôi chép miệng, ngoài bờ kinh nước dâng lên loang loáng màu trăng, muỗi bắt đầu vo ve bên màn và chị Sáu gói cái tranh thêu lại, để sang bên bàn, tôi còn nghe mùi trầu nồng đâu đó, khiến đôi mắt tôi sụp lại bao giờ không hay.

Hôm nay là ngày thứ ba tôi về quê, sáng sớm, chị Sáu gọi khẽ tôi dậy cùng chị đi chợ sáng, chị nói đi một mình chèo ghe buồn không biết nói chuyện với ai. Ở trên Sài Gòn, mỗi lần có dịp ngủ là tôi lại ngủ đến trưa xong cuống cuồng đi học, nên tôi cựa qua cựa lại mấy hồi, thấy chị Sáu giục quài nên đành ngồi dậy đánh răng. Lúc ấy chỉ mới hơn bốn giờ sáng một chút, mà ở ngoài đường người ta vác cuốc vác cày, gò mên cơm đi như xem hội. Tôi ngạc nhiên, chị Sáu cười:

- Có gì đâu cưng, ở đây người ta dậy đi làm kiếm miếng ăn, làm càng sớm được nhiều việc càng tốt.

Tôi gật gù không trả lời chị vì trong miệng ngậm cái bàn chải. Xong xuôi, hai chị em xuôi dòng sông lớn đi chợ nổi. Ở đây, có những người sống trên ghe, rồi chết trên sông, mặc thân mình như lục bình trôi lênh bênh. Chợ sáng đông đúc những bà, những cô đi chợ sớm. Ở Sài Gòn, đến tận mười giờ sáng còn chợ, ở đây, chỉ nhớm sang bảy giờ đã không còn bóng ai đi mua đồ. Hai chị em tôi mua rất nhiều đồ ăn vì hôm nay nhà có khách. Nói khách thật xa, nói gần lại là nhà chồng sửa soạn cưới của chị Sáu. Chị Sáu kéo tay tôi, khiến tôi giật mình đánh rơi bọc hành phi xuống đất:

- Nè nè, cái người mặc đồ bông đỏ đó cưng thấy hông, đó đó, đứng gần cái sạp hàng bông đó, là bà Đào mà má chị kể đó.

Tôi đưa mắt nhìn. Người đàn bà ấy trạc tuổi chị Sáu tôi, tức chỉ mới hai mươi tư, hai mươi lăm, mặc bộ đồ bộ hình bông đang kẹp cái giỏ bàng vô nách mà lựa qua lựa lại mấy cái bắp cải. Thân hình nhỏ thó, đen đúa, mái tóc xơ xác cột vội không ngay hàng thẳng lối, hàm răng xỉa ra mà đôi mắt tinh lanh vô cùng. Kế bên người đàn bà ấy, là đứa bé khoảng độ ba, bốn tuổi, cởi trần, mặc mỗi cái quần thun mỏng, tóc tai cháy nắng, người ngợm đen thui và đang tỏ vẻ rất buồn ngủ. Tôi hỏi nhỏ chị:

- Chị Sáu, ủa, thằng bé đó là con bả hả? Sao nghe nói bả bán con hết rồi?

- Thằng đó là con bả với chồng trước, hồi bả bỏ nhà người ta đi, bên nội người ta giữ thằng nhỏ lại, rồi bà nội nó mất, ba nó cưới vợ khác, bà nhỏ đẩy nó về với bà Đào này nè.

- Chậc, xem ra thằng nhỏ số khổ, chị hén.

Chị Sáu của tôi đẹp, cái đẹp miền sông nước thùy mị với dáng vóc khỏe khoắn sau chiếc áo bà ba khiến bao nhiêu người con trai tán tỉnh. Chị chèo ghe thật điệu nghệ, xuôi dòng sông về lại nhà. Chúng tôi đi ngang những ngôi nhà lá, ở đó, có người phụ nữ nào đó lam lũ ngồi chồm hổm trước hiên, nheo nhóc đàn con ngồi quanh trong cái buổi sáng khiến lòng tôi thấy nặng trịch như đeo chì.

Vô tình một buổi chiều nọ, người đàn bà tên Đào ấy đi ngang qua nhà tôi thấy chị Sáu đang loay hoay quét sân, cất tiếng nói khiến tôi ngủ ở võng giật thót người vì độ lớn của nó:

- Sáu Mai hả? Nghe đâu sắp lấy chồng phải không?

- Ừ Đào, dạm hỏi rồi chắc chừng hai ba tháng nữa cưới. Dạo này có vẻ phát tướng nhen, vàng đeo đầy tay, làm ăn khá hả?

- Làm ăn gì đâu. Có người vừa xuống hỏi mua thằng Cò, thằng Cò tui nuôi nó ba bốn năm rồi, phải lấy giá khác chớ phải hông Mai, tui ra giá ba chục " chịu" ( triệu), người ta chồng mười lăm " chịu", chừng mười bữa nửa tháng nữa xuống dẫn nó thì chồng hết luôn. Trời thương, thí cho tui cái dễ đẻ.

Chị tôi chỉ cười, cái cười xã giao đầy ghê sợ, tôi nằm trong võng, thấy lòng mình như thắt năm mười cọng dây gì đó, rối tung mà xót xa, người đàn bà ấy đi khuất, hai chị em tôi nhìn nhau, chua chát, đau xót làm sao!

Cái ngày đó là cái ngày mưa lớn khiến nước ở sau hè tràn vô nhà ngập đến tận mắt cá chân, hai chị em tôi ngồi ngoài chòi sát bờ sông rửa mớ chén hồi trưa ăn còn để lại. Chị Sáu tôi sắp lấy chồng, anh người miệt An Giang, có học thức, lại được nhà chồng yêu mến, chị Sáu tôi tốt nghiệp cao đẳng dược, không xin được việc nên về nhà phụ giúp tía má, một tay chăm mấy đứa em. Chúng tôi rửa xong, vào nhà bắt ghế ra hiên ngồi co ro nhìn dòng sông dâng càng cao mà màu trời ảm đạm. Tiếng chiếc ghe máy rồ mạnh chạy qua, tôi thấy một đôi vợ chồng trung niên mặc sang trọng, giữ tay thằng Cò, còn nó lăn ra sàn ghe mà cất tiếng gọi: " Má! Má ơi!" Hai chị em tôi lặng người, chỉ nghe cái tiếng kêu não nề ấy chìm sau tiếng mưa dội xuống lòng sông rào rào. Dù cho nó có kêu đến nát giọng, có kêu đến vỡ cả không khí này ra đi chăng nữa, thì tiếng kêu nó đâu lấp được cái bề thế của kim tiền, cái uy lực của vật chất chứ. Đúng là con người cần có tiền để sống, nhưng con người cần nhất là cái tình, cái nghĩa mà tồn tại,ngay cả con vật còn có tình phụ tử, mẫu tử vậy tại sao con người chúng ta lại có tim, có não tiến hóa hơn nhưng không biết yêu thương? Tôi chép miệng, rồi nhìn màu mưa trắng xóa, tự hỏi liệu thằng Cò, những anh em của nó, rồi những đứa trẻ khác bị bán đi như một món đồ ấy, liệu có thực sự hạnh phúc hay là không?

phan-phu-du

2. Những phận người trôi như lục bình

Chị tôi kể ở đây có những phận người sống trên ghe và thác đi cũng ở đó. Điển hình là ông Năm Tam theo kéo rèm cho rạp hát rồi khi cái rạp hát ấy giải thể, ông cùng người vợ- bà đào hát ngày ấy bỏ lên ghe sinh sống vì không có một cục đất chọi chim. Ông Năm có ba người con, hai người con gái lấy chồng ở đâu mất, không thấy bao giờ xuất hiện, còn thằng con trai, vì nghèo, vì tủi, vì yêu mà không được đáp trả, một đêm say sỉn nó gieo mình xuống sông tự vẫn, mà ông phát hiện kịp, vớt nó lên, nhưng từ đó về sau nó sống không khác gì đã chết, chỉ ngồi thừ lừ ở đầu ghe, nhìn sông nhìn nước, nhìn người yêu lấy chồng rước dâu, cùng chồng lên bờ xây nhà mà sống. Nhiều khi đi ngang nhà người cũ, thấy mấy đứa nhỏ chạy ra chơi, nó bắt ông tấp ghe vô cho bằng được, xòe tay cho mấy đứa nhỏ khi thì kẹo bánh, khi thì trái cây, còn có khi chỉ vuốt đầu rồi khóc hu hu như đứa trẻ. Từ đó, ông Năm không bao giờ đi ngang chỗ ấy nữa.

Chị Sáu kể ông Năm là tay đàn ca tài tử có tiếng ở cái miệt này, tôi hỏi sao ông ấy không dùng nó làm mưu sinh, chị loay hoay cái nồi cá kho trong bếp, nói vọng ra:

- Vợ ổng thích cải lương, từ ngày bả chết, ổng không hát nữa, không hát cho một ai nghe nữa.

- Ủa, vậy bà đó mất rồi hả chị?

- Ừ cưng, mất rồi. Từ đó, ổng không nói không cười, không hát hò hay chơi cờ nữa.

Tôi nhìn đau đáu ra bờ sông trước nhà, mà thấy chua chát cho phận người nghèo hèn đến tận cùng, mà chắc, càng trong cái khó, cái nghèo, thì tình nghĩa con người ngày càng to lớn, về già mà, khi mà cái gia đình là nơi nương náu duy nhất, thì người bạn đời bỏ đi, còn lại gì trên đời này có ý nghĩa nữa? Tôi nghĩ, nếu không vì thằng con trai ấy, chắc ông cũng chẳng có thiết tha tồn tại.

Tôi gặp ông Năm trên sông, khi ghe chúng tôi cập sát rặng bần, tôi và anh Bảy câu cá. Cái xứ này, đồ ăn không đi đâu xa, thả mẻ lưới, câu vài ba con cá phi, ra hái rau vườn đâm dĩa nước mắm, thành bữa cơm nóng hổi ngay. Ông Năm hỏi anh Bảy:

- Câu được khá chứ, mậy?

- Dạ bác Năm, được gần năm, sáu con phi mập ú.

- Ủa, con nhỏ này là ai? Sao tao chưa thấy cà?

- À, nó là con của chú Tám, ở Sài Gòn về chơi mấy hôm.

- Thằng Tám mà hồi xưa nội bây dí quánh chạy có cờ đó hả?

- Dạ.

Tôi không tham gia vào cuộc nói chuyện, vì bận nhìn thằng con trai mà ông chăm bẵm như đứa con nhỏ mới lọt lòng. Nó ngồi thừ lừ ở đó, nhìn ra sông, cái nhìn vời vợi xa đến ngút ngàn. Ông vừa nói chuyện vừa đưa cơm vào miệng nó, rồi lâu lâu đút thêm muỗng nước như trẻ con tập ăn dặm. Tôi thở dài, cái tiếng thở dài ấy não ruột, cái nghèo cái hèn đẩy con người từ thanh niên trai tráng thành một người chỉ ngồi đó mà ngóng, mà trông. Tôi tự hỏi : " Ủa, còn gì đâu mà trông chờ nữa! Người ta đã có chồng, có con đuề huề, còn nhớ còn nghĩ gì anh nữa mà anh còn ở đây mong mỏi?!" Ông Năm đưa tay lau mặt cho nó rồi nhìn anh tôi buồn sườn sượt:

- Lúc nó còn tỉnh, nó nhậu rượu vô là nó nói : " Chồng Thắm có cơ có ngơi, có nhà có đất, tui lấy gì mà so với người ta hả tía, Thắm lấy tui, hổng lẽ cứ lênh bênh trên ghe quài, con Thắm được đi học đàng hoàng, cưới tui chắc con tụi tui như cha nó, sống đời sông nước này, chắc chết. Tui phải mừng cho Thắm, phải hông tía?".

Ông lại nhìn thằng con, rồi nhìn ra sông lớn, chua chát trả lời:

- Từ ngày má nó thác, tui thương bả quá cậu Bảy à. Tui chôn bả ở miệt An Bình, tối đó mưa dữ lắm, tui gói bả trong cái bạt che rồi tấp vô bờ, đào cái lỗ trên đất người ta mà đặt bả xuống, không nhang khói không cúng kiếng gì, cả gần chục năm chưa quay lại chỗ đó. Tui có lỗi, chôn bậy trên đất nhà người ta, cũng có lỗi, hồi xưa trẻ người con dạ, chú Bảy à, tui không nên dắt bả theo...

Ông hớp ly rượu vào miệng, rồi cũng thở dài. Chúng tôi im lặng nghe tiếng mấy con cá quẩy trong đục. Khuôn mặt già nua của ông tàn dần theo cái hoàng hôn khuất bóng, mùi rượu nồng thoảng vào không khí đến ngộp thở, anh tôi xin phép về nhà chờ cơm. Chúng tôi chèo được một lúc, anh Bảy đưa tay giở cái đục cá ra, thả hết mấy con phi béo mập xuống sông, nhìn nó quẫy đuôi bơi mất. Anh chép miệng:

- Thôi, cái gì của sông nước, để nó về với sông nước.

Chúng tôi xuôi màu rám mỡ gà của ánh mặt trời cuối cùng chiếu trên sông, cái chất loang loáng kia khiến tôi cảm thấy sông nước này, nó rộng ngút ngàn, nó xa vạn dặm, nó chứa bao nhiêu người lênh bênh, không học hành, không nhà cửa, sống nương theo lên xuống của dòng nước, những phận người như kiếp bèo trôi...

phan-phu-du-1

3. Áo dài đỏ trong chuỗi đời màu đen

Chị Sáu tôi sửa soạn lấy chồng, trong nhà giăng dây giăng đèn như ngày hội, anh chị em, chú bác ở xa đâu cũng về. Bạn bè chị Sáu đến rất đông, nhưng chị cứ ngóng quài ra cổng vu quy, tôi buột miệng:

- Chị Sáu ngóng anh Điền hả? Mai cưới rồi giờ ngóng trông rồi hén.

- Con nhỏ này, chị ngóng bạn chị.

- Trai hay gái vậy, chị?

- Gái. Bạn từng rất thân.

- Ở gần đây hông? Chị Sáu?

- Hông, lấy chồng miệt Năm Căn, chị có gọi điện thoại cho má nó, nhờ má nó chuyển lời, mà hông thấy đến.

- Chắc người ta lo chồng, lo con bận bịu quá chớ gì. Thôi, chị Sáu vô tiếp bạn đi.

- Chắc vậy quá...

Bữa tiệc rất vui, cái đêm trước ngày vu quy mà, mọi anh chị em đều tập hợp lại, cùng nhau ngồi đánh bài phạt quỳ, rồi kể nhau nghe tha hương sống thế nào, cuộc đời bao nhiêu buồn vui. Kể cũng nể nội tôi, nội có mười người con, đến khi ngày lễ lộc gì, cháu về đông nghẹt, không cần khách vẫn vui. Ở đây, họ quan niệm càng đông con càng tốt, nên họ càng đẻ, đời càng khổ thêm ra. May thay cho gia đình tôi, các chú các cô người đông nhất là bốn đứa, còn ba tôi duy nhất một đứa con là tôi, nên cuộc sống mỗi người không đến nỗi khổ cực. Một người phụ nữ trạc chị Sáu, từ ghe lên bờ đi vào cổng, chị Sáu trong nhà đi vội ra, nắm tay ngay:

- Mèn ơi, Hoài! Lâu quá hông gặp.

- Nay ngày vui của Mai mà, phải đến chớ.

Chị tôi kéo ghế cho chị Hoài ngồi xuống. Chưa kịp uống ly trà, chị tôi đã hỏi dồn:

- Nghe đâu Hoài lấy chồng cũng miệt Năm Căn hả? Có nghe tin tức gì của Trân hông?

- Con Trân lấy chồng, nó khổ lắm, Mai ơi.

Hai người nhìn nhau, đau đáu. Chị tôi cất tiếng trước:

- Nó lấy chồng giàu, có mấy chục vuông tôm, cua, sao khổ được, hả Hoài?

- Giàu sang có phải là tất cả đâu, Mai. Nhà tía má nó ham giàu, gả con như bán con, đi miết Năm Căn, buồn vui sướng khổ, đâu ai biết.

- Mai có gặp chồng của Trân hồi cưới rồi, thấy cũng hiền, hiền như đất.

- Người gặp vậy chớ đâu phải vậy đâu. Say sỉn tối ngày, về đánh đập, cả con của ổng mà ổng còn nắm chân xách ngược lên, hết nói.

- Trời đất, vậy mẹ ổng đâu? Cháu nội bả mà.

Chị Hoài nhìn vào ly trà, hớp một ngụm rồi đổi giọng rầu rầu:

- Mai còn nhớ hồi đó con Trân nó thương anh Tánh, thầy giáo ở xóm mình hông? Sau ngày cưới, anh Tánh đi xuống tận Năm Căn, trả lại cho Trân đồ kỷ niệm. Sau này Trân nó có bầu, bà mẹ chồng cứ đổ thừa con anh Tánh, nào phải cháu con gì nhà bả.

- Trời ơi...

- Thằng chồng nó cứ mang anh mối tình đó ra đay nghiệt con Trân, mang hết đồ anh Tánh ra đốt. Có lần, nó bóp cổ Trân tưởng như chết rồi đó. Nhiều lần tui qua khuyên nó thôi về nhà má đi, nó khóc hu hu, má nó có cho nó về đâu. Lần đó nó ẵm con trong tối trốn về nhà, hôm sau bả sai người bắt nó về nhà chồng lại...

- Số con Trân, sao nó khổ vậy, hả Hoài...

- Miết rồi nó cũng cam phận, có hồi, anh Tánh nghe nó bị hành hạ, kêu nó bỏ trốn với ảnh, mà nó có chịu đâu, nó nói nó thương chồng nó lắm ông đừng xúi bậy bạ rồi dẫn con đi một nước. Ổng nhìn theo mà khóc, thấy thương!

Chị Sáu rớt nước mắt, chị Hoài thấy mình lỡ lời, nên đặt ly trà xuống, đứng lên:

- Thôi, ngày vui ngày hỷ mà nói ba cái gì đâu không. Con người có số hết, chớ đâu ai muốn mình khổ đâu Mai. Vô trong chơi với bạn bè, lâu quá Hoài cũng không gặp tụi nó.

Phải, con người có số, có phận, nhưng cũng do bản thân không vượt lên số phận ấy, không vượt lên nổi. Tôi nhìn ra cổng vu quy, ra thẳng bờ sông, chợt trong đầu thấy hình ảnh cô dâu đứng ở đầu xuồng nhìn vào bờ, chiếc áo dài màu đỏ khuất xa dần, chìm vào màn đêm đen như mực...

Những phận người như kiếp phù du, biết bao giờ mới hết khổ đây, hả trời?

Nguyễn Di

Ngày đăng: 05/10/2015
Người đăng: Di Nguyễn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
I am sorry
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage