Tự chịu trách nhiệm
Đừng bị cái suy nghĩ là người phụ nữ nhất thiết phải cần một người đàn ông bên cạnh.
***
Dương là hoa khôi của Khoa Ngoại ngữ trường Đại học X. Vẻ ngoài ưa nhìn cộng với cách ứng xử thông minh khiến cô luôn nổi bật giữa đàn "vịt trời" – từ mà giảng viên trong khoa hay gọi đám học trò toàn nữ – chúng tôi. Suốt 4 năm đại học, cô đều giành học bổng cho thành tích học tập xuất sắc. Không chỉ thế, các hoạt động ngoại khóa do khoa, đoàn trường tổ chức cô cũng đều tham gia rất đầy đủ, nhiệt tình. Dương xuất sắc bởi tính nhiệt huyết và năng động toát lên từ bên trong con người cô. Thật đáng ngưỡng mộ!
Chúng tôi chơi thân với nhau. Thời còn ngồi mài đít trên ghế giảng đường, lúc rảnh rỗi, có lần chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện về tương lai. Dương bày tỏ ước mơ được đi du học sau khi hoàn thành khóa cử nhân. Quả thực, đó là con đường mà Dương nên đi vì nó hợp với cô hơn ai hết. Không giống tôi, ước mơ sau khi ra trường là có một công việc ổn định rồi lấy chồng sinh con thì Dương lại thuộc tuýp cần "bay nhảy". Chính vậy, cô nhiều lúc không hiểu nổi "sự ổn định" mà tôi mong chờ. Bởi cô quan niệm tuổi trẻ rất ngắn, những điều cần phải làm lại quá nhiều. Ra trường mới chỉ 22 tuổi, cứ cho là mất 2 năm ổn định công việc và lập gia đình thì cũng đã 24 rồi. Chồng con bó hẹp ước mơ và khát khao trải nghiệm của một người phụ nữ trẻ trung, sung sức trong khuôn khổ. Tất nhiên, người vốn ưa tự do như Dương, "sự ổn định" mà tôi mưu cầu chẳng khác nào buộc thòng lọng vào cổ.
Vào khoảng năm thứ 2, Dương gặp và yêu Nam. Anh hơn cô những 8 tuổi, đang công tác tại một doanh nghiệp tư nhân với vai trò trưởng phòng. Anh sở hữu ngoại hình khá bảnh bao, tính cách chững chạc. Một người xuất sắc như Dương hẳn rất xứng đôi với anh. Tình yêu của anh dành cho Dương mà tôi cảm nhận được chính là sự an toàn. Anh biết cô là người như thế nào, cần gì và luôn đáp ứng mọi thứ một cách tự nhiên nhất chứ không hề có dấu hiệu miễn cưỡng. Tình cảm của hai người họ cứ thế trôi đi trong sự ngưỡng mộ của cả khoa tôi.
Nhưng tôi hiểu, tình yêu này vốn dĩ chưa đủ để ràng buộc Dương.
Việc gì phải đến cũng sẽ đến, sau kỳ thi học kỳ 1 năm thứ 4, cô thông báo sẽ sang Mỹ ngay khi lấy được bằng. Cô đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ cho chương trình học thạc sĩ phía bên kia đại dương. Nhận được tin báo, tôi vui mừng khôn xiết. Đối với tôi, việc bạn mình hiện thực hóa giấc mơ luôn luôn là điều đáng chúc mừng.
Tối ngày trước hôm Dương đi, chúng tôi có một bữa tiệc họp mặt nho nhỏ. Trong hơi men chuếnh choáng, Dương khóc và nói vừa chia tay Nam. Anh không ủng hộ việc cô đi du học và bày tỏ mong muốn đợi sau khi cô tốt nghiệp sẽ làm đám cưới. Còn cô thì vẫn hướng tới giấc mơ nước Mỹ của mình. Họ bất đồng quan điểm gay gắt. Dương kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình. Cô buông anh ra. Tuyệt đối không hối hận. Dù còn lưu luyến...
Dương sang Mỹ được gần 3 tháng thì tôi nhận được tin từ cô cho biết anh Nam cũng sắp sang đây du học. Nghe xong, tôi há hốc mồm vì quá ngạc nhiên. Một người đàn ông 30 tuổi, sự nghiệp ổn định, gia đình gia giáo, đẹp trai... đã bỏ lại sau lưng tất cả để theo chân Dương sang Mỹ. Câu chuyên này tưởng như chỉ có trên phim. Ấy vậy mà ngay trong đời thực, tôi đã được chứng kiến. Được 6 tháng sau khi anh Nam sang với Dương, hai người họ đưa nhau về Việt Nam làm đám cưới và quay trở lại Mỹ tiếp tục công cuộc học hành.
Tôi hiểu quyết định của Dương. Cô còn trẻ, thứ cảm xúc của một đứa con gái còn trẻ đối với kẻ dám bỏ tất cả mọi thứ để chạy theo mình rất đáng rung động. Nhưng cũng bởi vì Dương còn trẻ, cô sẽ sớm nhận ra quyết định đó có lẽ quá vội vàng. Sau đám cưới, hai người họ sống chung dưới một mái nhà, ngày ngày cùng ăn, cùng đi học. Nhưng nước Mỹ vốn là một đất nước thực dụng. Tiền bạc lại không phải lá rụng mùa thu. Thời gian học quá dày, nối tiếp giờ làm part-time chạy bàn tại các quán ăn khiến cuộc sống hôn nhân không ấm êm như mộng tưởng. Mọi thứ đều đắt đỏ với tiền ăn, tiền thuê nhà và vô vàn những thứ không tên khác cần lo. Cố gắng rất nhiều song đôi vợ chồng trẻ vẫn cần nhận hỗ trợ tài chính từ phía gia đình. Chính sức ép này khiến Dương mệt mỏi.
Trong thời gian đi học, Dương lại gặp gỡ và quen biết nhiều người. Cô từng xuýt xoa kể cho tôi một cách say mê về các anh chàng điển trai, ga lăng, trẻ trung, sống và chơi hết mình đã gặp. Vô hình chung tạo nên sự so sánh giữa họ và người chồng của mình. Thi thoảng, cô vẫn tự hỏi bản thân liệu đã chuẩn bị sẵn sang cho cuộc hôn nhân với người đàn ông hơn 8 tuổi hay chưa? Mọi suy nghĩ dần dà kéo cô ra xa anh. Nếu trước đây, Dương cảm động biết mấy khi Nam bỏ tất cả để sang đây với cô, thì nay, cô lại cho rằng người đàn ông làm như thế chắc chắn sẽ không có tương lai. Tình yêu, đối với cô, đã đến đoạn dùng lí trí.
Về phía Nam, anh vẫn luôn tôn trọng quyết định của Dương như thế. Cô là con chim với đôi cánh tự do bay lượn trên bầu trời. Khao khát sống. Khao khát trải nghiệm. Anh hiểu, anh càng phản đối, Dương sẽ càng cảm thấy tù túng. Anh yêu cô bằng thứ tình yêu trưởng thành và đủ đầy hi sinh.
Thế rồi họ ly thân trong im lặng, không thông báo cho cả hai bên gia đình. Ở phương trời này, cuộc sống của ai người đấy lo. Không có sự can thiệp cũng không có sự hối tiếc. Mọi quyết định đưa ra đều cần phải tự chịu trách nhiệm.
Sau khi ly thân, Dương chuyển ra ngoài sống. Cô không hề suy sụp, trái lại, rất lạc quan. Cô tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt ở bang mình sống và các bang lân cận. Cô làm những việc mình thích, không bị ràng buộc bởi cuộc sống gia đình hay bất cứ một ai.
Một lần, Dương gửi mail cho tôi tự sự, có đoạn viết: "Đừng bị cái suy nghĩ là người phụ nữ nhất thiết phải cần một người đàn ông bên cạnh. Tao nghĩ khác rồi. Tao cứ sống vui khỏe thôi, có nhiều bạn, thích hẹn hò. Nếu không tìm thấy ai thực sự tâm đầu ý hợp thì về già đi tu cũng vui, hoặc đi du lịch, viết sách... Tao chả cần chồng, chả muốn đẻ con. Dân số thế giới quá tải rồi đẻ nữa làm gì. Rồi sau này nó lại cũng thấy chán đời không muốn sống như mình thì phí công mình đẻ. Thôi đời đã bắt mình sống kiếp này thì cứ sống vui cho hết kiếp đi, đừng sinh thêm kiếp khác vào cái bể khổ này nữa làm gì. Nhiều đứa cứ bảo tao không chịu đẻ là ích kỷ, mà tao chả hiểu nó có tư duy phê phán không nữa? Đẻ mới là ích kỷ vì chẳng biết được đứa trẻ đó có thật sự muốn sống trên đời này không? Tao nghĩ như thế đấy. Tao bận rồi, đi làm việc đây. Nói chuyện sau nhé."
Nước Mỹ dạy cho Dương nhiều bài học về cách sống và quan điểm. Cô có quyền tự quyết định cuộc đời mình. Đó là tuổi trẻ mà cô mong muốn.
Trang Nguyen 13.12.15