Hàng xóm
Ở đâu trên trái đất này chúng ta sống cũng cần hàng xóm và tình làng nghĩa xóm mới là quan trọng. Nơi tôi ở, mọi người thường xuyên đóng cửa, chẳng nói với nhau nhiều.
***
"Thằng chó kia, mầy đi ra khỏi nhà tao. Nhà này của cha mẹ tao để lại chứ của cha mẹ mầy để cho mầy hay sao? Trong cái nhà này, mầy chẳng có quyền gì hết, mầy nên biết thân phận của mầy, biết chưa?" .
Tiếng tru tréo của bà Như nghe như tiếng kèn đám ma, réo rắt khắp cái con hẻm nhỏ này. Bà ta chửi chồng một cách dã man rợ, cả cái xóm này ai mà không nghe, không biết.
Bà Như hàng ngày làm nghề cho vay nặng lãi, nhưng nhìn cái vẻ ngoài thì khác hoàn toàn. Cái mặt lúc nào cũng trét một kí son phấn bóng bẩy như tra mỡ, ăn mặc thì như trẻ con quần ngắn lên tới mông, áo hở trước hở sau nhìn cứ như mấy con cave vậy. Bà ta sẵn sàng đánh bóng cái miệng của mình bất cứ lúc nào để chờ dịp tru tréo ra những thứ ngôn ngữ tởm lợm để chửi chồng con.
"Con quỉ kia, tao giết mầy nha. Mầy đi đâu mà tao tìm không có, mầy đi theo thằng cha mầy luôn đi!" Tiếng bà ta chửi con bé Thanh cũng chợ búa giống như chửi chồng vậy.
Ông Tiến, chồng bà Thư là một người có ăn học đàng hoàng. Tính tình hiền hậu, thân thiện với hàng xóm trái ngược hoàn toàn với mụ vợ chanh chua. Lúc trước ông ta có một xưởng may cũng có đến vài trăm công nhân may, nhưng nghe đâu làm ăn thua lỗ bị vỡ nợ nên về nhà ở nhờ phía vợ. Từ ngày ông Tiến ở nhà vợ mới mở một quán nhỏ bán đủ thứ đồ lặt vặt cho những người trong xóm rồi ghi thêm số đề. Thời gian sau, công việc buôn bán ế hẳn đi ông ta dẹp và chỉ ghi số đề. Thỉnh thoảng, ổng đi quá nửa đêm về là bắt đầu cả xóm nghe " chuyện đêm khuya" của vợ chồng ổng, thiệt hết biết.
Cái xóm nhỏ này, nói cái xóm cho nó thân thiện chứ thiệt ra trong cái xóm này chả ai thân thiện hết cả. Tôi đến đây ở được một thời gian rồi, cũng không quá lâu nhưng đủ lâu để hiểu những người trong xóm này như thế nào. Phía phải nhà tôi là nhà bà Như, phía trái là nhà bà Tình. Xin lỗi chứ ai mà bị bà ta chửi chắc phải đội quần mà đi quá!. Dọc theo đường luồng trước nhà là dãy nhà của những người "khá giả". Họ đi ra chỉ nhìn mặt trời thôi vì dưới đất không đáng để họ nhìn.
Tôi là dân tỉnh lẻ đến đây để làm việc, tôi chọn nơi này vì nó gần nơi làm việc. Hàng ngày tôi cũng như bao người sáng đi làm , chiều về, tối đi học thêm nâng cao gì đó, hoặc chỉ là đi cà phê, xem phim, tán dóc với bạn bè. Tôi không giao du với nhiều người trong xóm này. Có chục nhà thì hết phân nửa là dân chợ búa, đụng vào là đòi chém, đòi giết. Có một chú gần nhà theo đạo thiên chúa, suốt ngày chú chỉ ở nhà, chú chưa bao giờ nói chuyện hay chào hỏi bất kì ai trong xóm này. Nghe bà Tình nói ngày xưa chú yêu một cô gái Hà Nội, nhưng vì ba chú ép lấy cô vợ hiện tại nên chú im lặng đến giờ luôn. Chú và bà vợ hiện tại có một đứa con gái lớn đang học lớp mười hai. Từ sau khi sinh con bé chú không tha thiết chăn gối với vợ nên bà vợ vừa đi làm vừa đi ngoại tình. Có khi bà ta và tình nhân đứng gần nhà ôm, hôn, nói, cười ra rả. Hàng xóm thấy được lời ra tiếng vào rồi cũng xong. Chắc chú đó nghe được nhưng không quan tâm vì chẳng yêu vợ.
Có câu " hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau " . Ấy vậy mà tôi sống ở đây cũng được một thời gian dài như vậy mà chả ai với ai có chút tình nghĩa nào. Thỉnh thoảng ngày nghỉ cuối tuần , tôi thường nói chuyện với cô Nga hàng xóm sát vách nhà tôi. Nhà cô cũng khổ, con gái cô trạc tuổi tôi đang đi làm thợ kim hoàn . Cô cũng một mình nuôi con gái khôn lớn với một bà mẹ già vừa qua đời. Hàng ngày vào buổi sáng, cô đi rửa chén thuê cho người ta, buổi chiều cô ở nhà giác hơi kiếm thêm thu nhập. Từ ngày con Thảo - con gái cô đi Hà Nội học thêm để nâng cao tay nghề, cô phải ở một mình trong căn nhà quạnh vắng. Cô hiền, so với những người trong xóm này. Nhưng những người bạn thường kéo đến chơi nhà cô không thế. Họ luôn miệng nói tục, chửi thề đủ thứ. lâu lâu mới nghe cô nói chuyện, giọng cô trầm xen lẫn giọng của những người đàn bà chanh chua.
Thật ra tôi không rảnh để ngồi nghe rồi kể chuyện hàng xóm, nhưng ở đây quá gần nên làm gì cũng nghe, cũng thấy. Hàng xóm ở đây khác với ở quê tôi. Quê tôi, mọi người đều chan hòa, thân thiện, vui vẻ, cởi mở. Khi ra đường trẻ nhỏ gặp người lớn phải chào, hỏi lễ phép. Người lớn gặp trẻ con thì " mầy đi đâu đấy con?" . Nếu trẻ con ra đường không chào về nhà thể nào cũng bị mắng cho một trận là không biết lễ phép. Người dân quê tôi cũng không chửi tục, chửi thề kiểu như mấy bà hàng xóm ở thành phố. Mấy bà ở quê có giận nhau, cãi nhau cũng chỉ là to tiếng quát tháo rồi lại thôi. Dăm ngày nửa tháng lại thuận, lại chào hỏi, cười nói như xưa. Nhà ai lỡ hết gạo, hết tiền cũng chạy lại hàng xóm mượn. Những người đàn ông thì tới nhà hàng xóm uống nước trà, làm vài chén rượu giải mỏi sau những giờ làm việc vất vả. Lúc ra đồng thì í ới trò chuyện mặc cho khoảng cách không gian.
Quay lại với hàng xóm ở thành phố. Chả là cách đây một tuần có một gia đình chuyển đến ở sát vách nhà bà Tình. Bà Tình trước giờ cực kì ghét người chủ cũ của căn nhà này nên gia đình mới dọn đến cũng bị dính chàm với bà ngay. Số là hôm đó và sau đó vài ngày bà hàng xóm mới quét nước cứ tấp trước nhà tôi mà không quét xuống lỗ cống . " Ai mà quét nước cứ để thế này không chịu quét xuống lỗ cống luôn cho sạch sẽ, để vầy nhìn dơ quá với toàn rát" tôi lầm bầm, lẩm bẩm một mình.
Sau đó một ngày bà hàng xóm mới làm gì trong nhà mà toàn là đất đỏ quét đi qua nhà bà Tình, rồi quét tới trước nhà tôi. Nhìn con đường nhỏ như đang trong mùa mưa ở Tây Nguyên. Lần này bà Tình mới bắt đầu cho hàng xóm mới biết chất giọng của mình. "Con đường này là đường chung, chứ của ông nội, ông ngoại bay à? Bay không có mắt hay sao mà quét thứ đất dơ bẩn này qua nhà tao...." Giọng bà Tình trầm bổng như những nốt nhạc làm cả xóm không bận tâm cũng phải nghe.
Hàng xóm mới im ru trong thời gian bà Tình chửi cả tiếng đồng hồ. Sau đó bà hàng xóm mới xuất đầu lộ diện. "Tui nghe chị chửi rồi, có gì để tôi quét sạch, chị không cần phải chửi vậy đâu, tui là người cũng hiểu chuyện lắm à chị ". Tiếng bà hàng xóm mới đều đều như cánh quạt quay. Bà Tình không chửi nữa khi bà hàng xóm xách nước quét dọn sạch sẽ con đường nhỏ trước nhà bà Tình.
Đấy, cái oai của bà Tình là chửi phủ đầu, chửi để đối phương không kịp hả miệng để ngáp. Bà Tình nay chắc cũng được bốn hai mùa xuân, bà ta chửa chồng, đang nuôi một đứa con nuôi năm nay học trung cấp năm đầu. Điều đặc biệt nhất ở bà ta là không bao giờ mặc áo ngực. Bà ta cứ thả rông đôi gò bồng đảo vậy đi từ nơi này đến nới khác mà chả biết mắc cỡ là gì. Mỗi lần gặp bà ta mặc chiếc áo hơi mỏng là tôi phát xấu hổ cho giới phụ nữ "bà ta đang làm xấu đi hình tượng người phụ nữ cả phần nghe lẫn phần nhìn". Bà Tình sống với một bà mẹ già năm nay ngoài tám mươi. Bà ta là người truyền lại cho bà Tình bí kíp "võ mồm" để mắng người. Và bà Tình có một em trai bị khuyết tật với ba đứa con nhỏ một tay bà Tình chăm sóc chúng.. Gia đình bà ta có ba phòng trọ đang cho thuê. Cứ đến tháng có phòng nào trễ một chút là y như rằng sắp có tuồng để xem,nghe vậy.
..........
Có một buổi chiều đi về, hôm đó tôi quá mệt vì công việc, phần thì phải chen lấn mãi cả tiếng mới về đến nhà. Về đến nơi tôi bị chặn lại trước cửa nhà bỡi bà Tình.
- Chuyện làm ăn của nhà tao, liên quan gì đến mầy?
Tôi cũng bất ngờ, nên hỏi:
- Có chuyện gì vậy cô Tình?
Bà Tình chỉ chờ dịp này trút một hơi dài như hát vọng cổ
- Con bé Vy mới đến thuê nhà , tại sao mầy nói với nó là gia đình tao cho thuê với giá mắc và mầy bảo nó đừng thuê? Gia đình tao có đụng đến mầy chưa, mầy rửng mỡ hả?
Nghe một câu chuyện hoàn toàn không có thật cộng với tôi vừa mới bị sếp mắng ở công ty, tôi điên tiết lên đáp lại bà Tình.
- Ai nói cô?
- Con Trinh trong xóm
Bà Tình chỉ rõ tên người
Tôi nói tiếp
- Ai nói thì cô dẫn người đó đến đây gặp con ngay và liền.Con cũng muốn xem ai rảnh quá không có chuyện làm rồi dựng chuyện hại người.
Bà Tình nói: "Con Trinh nói!"
- Vậy thì cô kêu người đó tới đây đi, gặp con, ba mặt một lời nói cho ra lẽ. Tôi vừa nói vừa tra chìa khóa mở cửa.
Tôi mời bà Tình vào nhà
- Cô vào nhà đi, ngồi đây rồi điện thoại người đó lại đây. Con muốn hỏi chuyện cho ra lẽ. Cô đừng thấy con không nói gì là mọi người tưởng hiền rồi muốn nói gì thì nói. Thử đụng vào rồi biết, lần này mà không nói cho ra con không để yên đâu.
Bà Tình như chợt nhận ra điều gì rồi hạ giọng một cách đáng ngờ
- Thì nó nói với tao vậy đó, giờ thì nó không có ở nhà. Ý tao là nói mầy đừng có xen vào việc làm ăn nhà tao thôi. Chuyện mầy có nói hay không để tao hỏi kĩ lại, vậy nha!
Nói rồi bà Tình đứng phắt dậy bỏ ra ngoài.
Tôi thừa biết bà Tình dựng chuyện để bắt nạt tôi, ai ngờ không được nên tẽn tò bỏ về. Bà ta cũng thừa biết tôi không bao giờ to tiếng với ai, chuyện trái phải gì cũng dùng miệng để nói với nhau từ tốn. Và tôi đã việc gì thì phải rõ ràng trắng đen chứ không phải vì sợ ai mà đổi trắng thành đen. Từ đó đến nay chẳng thấy bà ta có động tĩnh gì với tôi nữa.
Cách đây mấy hôm " dãy nhà khá giả" có một vụ mất trộm. Hôm đó là thứ năm trong tuần, tôi bị ốm nên xin nghỉ ở nhà. Buổi sáng tôi có gọi con bé đầu ngõ một ly nước cam nên con bé đem vào và gõ cửa nhà tôi. Tôi ra mở cửa thấy trước nhà có một chiếc xe máy với một thanh niên ngồi trên xe. Nhìn chung thì ăn mặc cũng đàng hoàng, chỉnh tề giống người đi làm nên tôi chẳng nghi ngờ gì. Con bé đưa cam xong đi tôi cũng đóng cửa đi nằm. Khoảng năm phút sau thì nghe mất trộm.
Cả xóm chạy lại ngôi nhà bị mất trộm để theo dõi vụ việc. Nhà bà Nghĩa mất một xe máy wave với hai cái laptop. Hai mẹ con bà mới chạy đi mua đồ trở về thì nhà cửa trống hoắc, mọi đồ vật trong nhà rối tung lên. Không chỉ ở dưới mà cả trên lầu cũng lục tung hết cả lên. Kiểm tra lại tiền bạc thì không có để ở nhà nhiều. Lúc đó tôi không biết chắc có phải thanh niên lúc nãy đi với đồng bọn không nên không dám khẳng định . Cả xóm được một phen cảnh giác cao độ với ăn trộm.
Sau vụ việc mất trộm đó, bà Nghĩa bắt camera ở cổng ngoài, trong phòng khách, trên lầu mỗi chỗ một cái. Đổi toàn bộ ổ khóa chống trộm, thay lại cửa tự động. Công nhận nhà bà ta mất nhiêu đó của sau đó bà ta mua lại hai cái laptop mới với chiếc xe airblack liền. Có người nói: "Đáng đời ai biểu suốt ngày hách dịch, tự cao tự đại chi, mất là đáng đời".
Suy cho cùng miệng lưỡi thế gian là độc địa. Ngôn ngữ là phương tiện để truyền tải kiến thức, ngôn ngữ hay mang lại điều tích cực, ngôn ngữ bẩn mang lại điều tiêu cực. Ở đâu trên trái đất này chúng ta sống cũng cần hàng xóm và tình làng nghĩa xóm mới là quan trọng. Nơi tôi ở, mọi người thường xuyên đóng cửa, chẳng nói với nhau nhiều. Thường xuyên chửi bới nhau như cơm bữa là chuyện bình thường, ở riết rồi cũng quen, mới đầu tôi cũng sốc ngôn ngữ lắm. Cũng giống như việc tôi quen với hàng xóm quê tôi chan hòa, thân thiện ai cũng vui vẻ cởi mở vậy.