Gửi bài:

Trở về

Ngược nắng, ngược gió về lại chốn xưa, nơi đó có cánh diều bay trên đồng xanh mướt màu cỏ non, vàng ươm màu lúa chín, xanh lơ màu trời bình yên.

***

tro-ve

Xa quê mười năm, tôi nhớ lắm. Lần này tôi quyết định thu xếp công việc để rời khỏi thành phố một thời gian. Tôi rời quê lên thành phố để học rồi làm việc mãi đến tận giờ. Một năm ít nhất cũng thu xếp về ăn tết một lần, hay thỉnh thoảng có dịp gì đó ở nhà tôi lại về nhưng ngồi chưa nóng chỗ, đi chưa kịp in dấu chân trên các con đường dẫn vào làng đã khăn gói tất tả ra đi. Cứ như vậy tròn một thời gian dài, cho mãi gần đây tôi bỗng thấy nhớ quê hương da diết. Tôi thèm vụng và ước ao thầm những giấc mơ về tuổi thơ. Mọi thứ cứ lảng vảng trong đầu làm tôi thấy xao xuyến, làm việc không yên,sẵn có những ngày nghỉ phép tôi quyết trở về.

Tôi không đi máy bay như mọi lần. Mặc dù tôi say xe khủng khiếp lắm, lên xe là mật màu gì biết tuốt, nhưng tôi muốn đi xe. Bốn giờ chiều tôi ra bến lấy vé rồi lên xe. Nửa tiếng sau xe khởi hành bon bon trên quốc lộ. Bỏ lại sau lưng những dòng xe cộ tấp nập, bỏ lại tiếng cười nói đủ thứ giọng quê của mỗi người, những dãy nhà cao tầng liên tiếp nối đuôi nhau chạy ngược về phía sau, con đường phía trước như mở rộng ra , thênh thang chào đón tôi về lại chốn xưa.

Gần năm giờ chiều trời vẫn chưa tối, sau tháng mười rồi nên không còn câu tục ngữ "ngày tháng mười chưa cười đã tối" nữa. Trời vẫn đủ sáng để tôi có thể nhìn mọi vật bên ngoài qua ô kính cửa xe. Mọi vật hiện ra nhanh chóng rồi lùi dần về phía sau. Tôi bắt đầu thấy chóng mặt, buồn nôn nhưng ráng kìm nén bản thân mình lại. Buổi chiều trước khi đi một giờ đồng hồ tôi đã uống thuốc say xe để lên xe được một chuyến đi êm ả, mới đi chưa được bao lâu đã có cảm giác cái đầu quay như chong chóng rồi. Tôi mở nhạc thiền gắn tai nghe vào điện thoại và thưởng thức, cố gắng quên đi cảm giác buồn nôn đang ập đến. Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, đến khi tỉnh dậy cũng là lúc quá nửa đêm. Sau đó, tôi lại tiếp tục ru mình vào giấc chỉ để trốn buồn nôn. Đang trong giấc ngủ ngon lành tôi nghe văng vẳng tiếng bác tài nói "đến nơi rồi, mọi người tranh thủ dậy xuống xe nha!". Tôi tỉnh dậy thì trời cũng vừa sáng, những tia nắng đầu tiên chiếu rọi qua đám cỏ bên vệ đường còn đẫm sương đêm làm cho những giọt sương long lanh như những hạt ngọc.

Xuống xe, tôi thấy mình tỉnh hẳn ra bởi không khí ở quê quá trong lành, làn gió nhẹ mơn man trên da thịt tôi có một cảm giác như vừa được mát xa. Vì chỗ xuống xe với nhà cách không xa lắm nên tôi quyết đi bộ nhân tiện thư giãn gân cốt sau gần mười hai giờ đồng hồ ngồi xe, chân như muốn cúm lại. Hành trang lần này chỉ có một chiếc ba lô cỡ trung với ba lô nhỏ, cũng gọn nhẹ nên việc đi bộ chẳng mấy khó khăn.

Chẳng mấy chốc mà ngôi làng của tôi hiện ra trước mắt. Tôi chững lại, đảo mắt hết một vòng tròn như muốn ôm lấy ngôi làng thân thương của mình trọn vào lòng , tôi lẩm bẩm:" Đây, nó đây rồi, mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì nhớ mầy quá đó, tao đã về rồi, welcome!". Tôi tự nói rồi nhảy chân sáo, mặc dù ba lô có hơi nặng xíu cũng không cản được những bước nhảy tự do , phóng khoáng như năm nào.

Mẹ tôi đón tôi ngoài cổng "con có mệt không? Đưa ba lô đây mẹ xách cho!" mẹ tôi nói xong cầm cái ba lô đi thẳng vào nhà. Tôi vẫn đang còn ngoài sân, hỏi vọng vào.

- Mẹ ơi! ba đâu rồi ạ?

- Ba con đi ra ngoài ruộng rồi, sáng nay xả nước lúa nên ổng đi để kịp canh xả chứ sợ người ta chuyển đi mương khác.

Mẹ tôi từ trong nhà đi ra vừa đi vừa nói.

Tôi nhìn đồng hồ mới có sáu giờ, người ở quê là vậy đó dậy cực kì sớm luôn. Mới có bốn giờ là đã dậy lục đục nấu cháo cho heo, nấu nước pha trà, cà phê, nấu cơm để sáng ăn rồi đi làm đồng.

Nói thật là cái đầu tôi nó cứ quay quay mãi không dứt, cứ lơ lửng giống đang ở trên mây. Tôi xách chiếc ba lô con vào nhà rồi đi tắm rửa vệ sinh cho tỉnh người. Mẹ biết tôi không khỏe khi đi xe nên đã chuẩn bị cho tôi nồi cháo tôm thơm nức mũi.

Cảm giác tắm xong giống như bầu trời vừa được gột rửa sau trận mưa lớn, mọi thứ xung quanh đều sáng sủa và sạch sẽ. Tôi đi ra vườn nhìn ngắm hết cây này đến cây khác giống như chưa bao giờ tôi được thấy chúng. Đang mải mê lia ánh mắt khắp khu vườn, bỗng trong cơn gió vừa thổi qua có mùi hương dịu dàng." À, hoa nhài!" Tôi thốt lên. Rồi đứng phắt dậy căng mình hít lấy hít để cái mùi hương thoang thoảng trong nắng sớm. Ôi! nó mới dìu dịu, nhè nhẹ làm khoan khoái cả tinh thần tôi. Đang say sưa với cảm giác tĩnh lặng, tiếng mẹ tôi từ trong nhà vọng ra: "Con có muốn gọi ba về cùng ăn sáng không?"

- Để con gọi ba về rồi mình ăn cho vui à mẹ.

Nói rồi tôi xỏ đôi dép lê vào đi một mạch ra ngõ, quẹo qua tay phải men theo con đường nhỏ ra ruộng. Mở rộng tầm mắt về phía xa xa, một màu xanh tươi mát của cả không gian bao trùm lên vạn vật. Xanh cây cối, xanh màu trời , màu xanh như đang len lỏi vào trong mắt trong tim tôi. "Cánh đồng ơi, ta về rồi! "Tôi làm hình ô van bằng hai tay trước miệng mình rồi la lớn lên, ở đây chẳng có ai để nghe thấy tôi nói, chỉ có tiếng gió làm xào xạc đám lá cỏ cây mà thôi, chúng như đang chào đón tôi về với chúng, nên chúng đang reo vui.

Chẳng mấy chốc tôi đã đi đến gần đám ruộng mà ba đang xả nước. Cái dáng quen thuộc ấy hiện lên đầy nỗi khắc khổ. Tôi ôm chầm ba từ phía sau lưng, ba bị ôm bất ngờ quay phắt lại thấy tôi "tổ cha mầy làm ba giật mình". Ba tôi cười, nụ cười hiền móm mém với vài chiếc răng còn sót lại trên hàm răng của ông. Tôi thương nụ cười ấy quá đỗi, ba tôi cười, tôi cũng cười, tiếng cười của ba con tôi tan vào không gian rộng lớn.

Tôi về lần này đúng dịp trời không nắng lắm, chỉ vừa đủ vàng để nhuộm màu hanh hao cho cả cánh đồng bao la, rộng lớn. Ăn sáng với ba mẹ xong, tôi ra ngoài đồng một mình. Trời nắng một chút xíu, tôi đội chiếc nón lá mẹ làm cho tôi khi còn ở nhà, để lâu vậy rồi nên nó ngả từ trắng sang vàng nhạt. Tôi nhảy chân sáo trên con đường nhỏ dẫn theo lối đi từ nhà lên sân đá bóng. Cái sân này là từ trước giờ nó vẫn không thay đổi khi mọi thứ xung quanh nó đều đã đổi theo thời gian. Cái sân bóng đá này nó lịch sử với tôi lắm. Lúc còn bé khoảng học lớp hai, tôi từng lên đây lấy phân bò về để bón rau, bón chuối đấy. Hồi đó, ông nội làm cho tôi đôi quang gánh nho nhỏ, con con đủ sức gánh của tôi. Cứ mỗi lần vào buổi chiều đi học về tôi lại đi lên nơi này. Sân bóng đá thường ngày là nơi để tất cả mọi người trong xóm nhà nào có bò đến đây thả để nó ăn cỏ, cỏ nơi này tốt lại sạch, chẳng thuốc cỏ, thuốc sâu nên mọi người yên tâm lắm. Giờ này, một mình tôi ở đây, đứng giữa sân bóng này bao nhiêu kỉ niệm ùa về. Tôi ngồi bệt xuống ngay cạnh một ụ cát nổi trên sân bóng mơ về chuyện ngày xưa.

....

- Chị hai, chờ em với!

Tiếng tôi gọi chị hai như lạc đi vì gió ở đây nhiều với lại chị hai chạy nhanh như thế làm tôi cứ gào lên.

- Ai biểu chạy chậm chi, lại đây!

Chị hai làm động tác ngoắc tay kêu tôi

- Lại chơi xây nhà hả chị?

- Chứ giờ chơi gì, nhưng nay xây nhà lầu, em đi bẻ hoa đi.

Tôi "dạ" rồi chạy vụt lại chỗ có hoa nho màu cam để bẻ vài nhánh.

Tôi và chị hai chơi trò xây nhà trên cát. Ở đây có một bãi cát rất to, to ngang cái sân bóng đá. Bạn có biết chơi xây nhà trên cát không? Có nghĩa là lấy một cái chân lần vào trong cát rồi lấy cát ướt đắp lên chân, đắp đến khi nào thấy nó chặt thật chặt lúc đó rút bàn chân ra, thế là được một ngôi nhà, chỉ cần trang trí hoa với làm cổng cho nó nữa là đẹp hết sẩy luôn. Trẻ con mà, chỉ cần cái gì nó tự làm thì sẽ là đẹp, có thể người lớn sẽ nhìn với ánh mắt khác nhưng trẻ con có một thế giới muôn màu muôn vẻ, chỉ cần một ngôi nhà cát vậy thôi cũng là một thức quà xa xỉ rồi. Và như thế cứ mỗi chiều, tôi và chị hai đi lấy phân bò xong rồi lại chơi trò chơi. Đôi lúc là xây nhà, có khi chơi trốn tìm với mấy đứa bạn trong xóm, cũng có khi chỉ chạy vòng vòng với con chó ki. Mặc dù chỉ bấy nhiêu trò chơi nhưng cái bãi cát này chưa hề vắng bóng chị em tôi mỗi ngày trừ những ngày mưa, lũ lụt.

...........

- Thưa ông, bà nội cho con với em đi tới xóm chơi ạ!

Giọng chị hai nho nhỏ nói với ông, bà nội

- Khi nào hai đứa về? Ông nội hỏi:

Tôi nhanh nhảu .

- Dạ, tám giờ về ạ!

- Ừ, chơi rồi về sớm, ngủ sớm sáng mai còn đi học nữa. Ông nội dặn dò.

- Dạ! Tôi và chị hai đồng thanh, nhất trí.

Chúng tôi chạy một mạch, chẳng ai nói với ai tiếng nào. Đến giữa xóm ( người ta thường gọi là chỗ bò cạp ) những người thường chơi với chúng tôi đã tề tụ đầy đủ, chúng thấy bọn tôi tới reo lên:

- Chị em con Lâm tới rồi bay ơi!

- Tối nay chơi gì bay?

Anh Vinh hỏi cả bọn:

- Chơi bắn bành đi nha anh Vinh, thằng Toàn đưa ra ý kiến.

Chẳng phải đợi lâu mọi người cùng "ừ", thế là nhập cuộc chia phe. Tôi lúc nào cũng một phe với chị hai, vì tôi nhát cáy nên không dám rời chị hai nửa bước. Tôi nổi tiếng nghịch ngợm nhưng khoảng vào tối thì tôi nhát như thỏ đế vậy.

Chúng tôi chơi trắng, đen để chia phe. Mỗi bên có tám đứa. Chia phe xong ai về vị trí nấy. Hai phe chia ra hai hướng Nam, Bắc để trốn. Phe tôi chạy vào nhà của những người trong xóm nấp, bên kia cũng vậy. Thằng Hân chuyên gia trèo cây chùm ruột nhà bà bốn Bình, thằng Toàn nấp đống rơm nhà ông ba Bơ, chị em tôi với con Phương, con Nguyệt chui tọt vào trong đống rơm của nhà ông năm Tâm, còn hai đứa nữa núp trong bụi tre gần ngõ nhà thằng Toàn. Cứ như vậy phe tôi và phe địch đứa nào lạng vạng chạy qua chạy lại thể nào cũng bị bắn "bùm". Chúng tôi cười, nói la,hét ầm ĩ làm những người lớn trong xóm cằn nhằn. Ông ba Bơ vác cái cây ra rượt bọn tôi chạy bán sống bán chết. Ông ta nổi tiếng khó tính ở cái xóm này. Chúng tôi bị rượt nên chạy một mạch về nhà.

Mùa trăng nào cũng vậy, chúng tôi tụ tập chơi hết ở giữa xóm, rồi ra xóm trước, đi lên sông có cây cầu tre . Chúng tôi kéo khoảng hai mươi đứa đi lên cây cầu tre bắc ngang qua nối liền hai thôn và hai xã. Chúng tôi thôn dưới lên cầu thách đấu với thôn trên. Người của hai thôn đứng ở hai đầu cầu chỉ để cãi nhau " tụi bay nhát ké, không dám tới đây đánh với tụi tao, đồ nhát ké" . Cứ vậy mà la, hét inh ỏi. Chúng tôi nhảy rầm rầm trên chiếc cầu tre làm ông Hai canh cầu xách cây đuổi chúng tôi chạy tán loạn. Lại mùa trăng khác chúng tôi lên sân bóng đá chơi giật cờ. Cái sân này quá rộng nên chúng tôi dù có hét khản giọng cũng chẳng ai thèm ngó ngàng gì. Cũng giống như những trò khác, trò này cũng phải chia phe để chơi. Tất nhiên tôi theo phe chị hai tôi rồi và anh Vinh nữa. Vì tôi thích anh Vinh mà, anh ấy là một người anh tốt , tôi chỉ biết là tôi thích anh ấy phe của mình, vậy thôi. Chia phe xong đến giờ bắt cặp để giữ và giật cờ. Tôi giữ , thằng Toàn giật. Nó nhá nhá cái chân rồi nhanh tay cướp cây cờ trên ụ cát ba chân bốn cẳng chuồn về phía phe nó, nhưng sao tôi có thể dễ dàng để nó cướp cờ một cách trắng trợn vậy được. Nó bị tôi đuổi theo đụng vào người thế là nó thua. Chắc nó ấm ức lắm vì khi đụng nó tôi đã làm nó ngã chỏng quèo, tôi cũng vậy mà . Hai đầu gối bị trượt trên cỏ nên rướm máu. Tôi với nó vốn học chung một lớp nên sáng hôm sau đi học nó không thèm chờ tôi vì tối làm nó té, rõ trẻ con chỉ được cái thù giặc cùn.

Đang mải đuổi về miền kí ức tươi đẹp , bỗng có giọng của một người phụ nữ nghe quen quen vang vọng bên tai.

- Bé Lâm!

Tôi giật mình, ngoái đầu lại phía sau thấy cô Hoa đang đi tới với nụ cười trên môi, tôi đáp lại lời cô:

- Dạ con chào cô Hoa! Cô đi thả bò ạ?

- Như chờ câu hỏi của tôi, cô trả lời ngay

- Ừ, cô cho nó ăn cỏ ở đây một lát rồi cho nó lên sông tắm, con về khi nào , sao lại ngồi một mình ở đây?

- Dạ con về lúc sáng nay thôi, con lên đây ngồi chơi vì trời mát quá! Ở thành phố lâu nhớ không khí ở quê cô à. Tôi trả lời cô.

Cô Hoa là người trong xóm sau của tôi, từ khi tôi là một đứa trẻ lớp một, lớp hai cô Hoa đã đi thả bò ở đây rồi. Tôi thường lên đây chơi với lấy phân bò và cô Hoa thường xuyên nhéo má tôi, vừa nhéo cô vừa nói " trời ơi, sao mà con trắng quá vậy chứ!" . Không chỉ có cô Hoa, hễ ai trong xóm thấy tôi cũng nhéo đỏ hết cái má của tôi lên mới chịu. Chả là lúc nhỏ, tôi có một làn da trắng hồng, min màng với cái đầu tóc màu vàng hoe nên ai thấy cũng nựng cho đã tay, nhân tiện nghiến răng ken két cho đủ bộ khi nựng. Tôi ngồi nói chuyện với cô Hoa một lát trời cũng trải vàng ươm trên sân bóng và trên khắp cánh đồng nên tôi xin phép về trước. Cũng cùng lúc đó, nhiều người trong xóm đang thả những con bò đi chậm rãi trên con đường nhỏ tiến về phía sân bóng. Họ với tôi gặp nhau chào, hỏi rôm rả theo đúng điệu quê tôi.

Lần này tôi có mười ngày ở nhà, tha hồ mà đi hết tất cả những chỗ cũ đã từng gắn bó với tôi . Hôm nay đã là ngày thứ ba , hai ngày trước vì tôi mới về nên phải đi thăm bà con, cô, bác. Ngày thứ ba, tôi đi bộ lên trường tiểu học hồi tôi học lớp năm ở đây. Nó vẫn vậy, ngôi trường này nó đặc biệt lắm chỉ có hai lớp học . Buổi sáng lớp năm với lớp một, buổi chiều lớp hai với lớp ba, lớp bốn đi đến trường chính để học, nơi này là phân hiệu của trường chính. Hôm nay là chủ nhật nên học sinh không đi học, trường lại không khóa nên tôi đẩy cửa vào. Mọi thứ có cũ một chút, nhiều năm nay người ta vẫn thường xuyên trang trí lại cho nó mới mẻ, có lẽ gần đây người ta chưa quét vôi cho trường. Tôi rảo bước một vòng cái lớp năm ngày nào. Kìa, chỗ ngồi của tôi là đầu bàn dãy thứ năm nhìn từ bảng xuống phía bên phải. Tôi đến bên bàn, ngồi xuống đúng chỗ của mình rồi nhìn lên bảng, nhìn xuống mặt bàn. "Có chữ Lâm và Cường nè" tôi reo lên với giọng hân hoan. Bất giác tôi đưa tay sờ vào chỗ ngồi của Cường. Thằng Cường ngày xưa ngồi bên trái tôi và là mối tình đầu của tôi. Chỉ mới lớp năm nhưng tôi có vẻ thích Cường hơn các bạn khác và tôi cũng cảm nhận từ Cường cũng như vậy. Chúng tôi trao đổi học tập và thường chơi các trò chơi cùng nhau. Cường là một người vui tính, thông minh, lanh lợi thường xuyên giúp tôi chép bài và chỉ các bạn khác học. Cường có một người chị hơn một tuổi học cùng lớp chúng tôi. Tôi thân với cả hai chị em và cũng thường xuyên đến nhà của chúng chơi, ngược lại chúng cũng thường đến nhà tôi chơi mỗi khi được nghỉ học.

- Đưa đây tui xách cho Lâm! Cường nói:

- Nè, nặng lắm đó. Tôi đưa cái cặp của mình cho Cường

Tụi thằng Xin, thằng Công cười ồ lên rồi chọc bọn tôi. Tôi đuổi hai đứa nó chạy dọc trên con đê khi chúng tôi đi học về.

Thằng Cường cười tủm tỉm.

- Ê, làm gì cười? Tôi hỏi nó

Nó cười để cái lúm đồng tiền duyên trên má làm tôi xao xuyến.

- Hồi nãy thấy bà đuổi hai thằng đó mắc cười lắm, tui sợ bà chạy lún đất. Thằng Cường luôn gọi tôi là bà chứ không gọi tôi là mầy tao như mọi đứa khác.

Tôi đánh một cái " thùm" sau lưng thằng Cường làm nó kêu oai oái lên. Tiếng con Trương - chị thằng Cường cười hố hố " đáng đời mầy thằng kia, dám chọc lớp trưởng hả mầy?" con Trương mỉa mai thằng Cường.

Mỗi lần đi học về chúng tôi cười, giỡn ầm trời cả lên. Những người đi xe đạp trên con đê luôn mắng chúng tôi nhưng đâu cũng vào đấy.

Tôi rời chỗ ngồi của mình, đi ra hè. Cái hè này ngày xưa in dấu nhiều cái mông khi ngồi chơi ô ăn quan, chuyền nẻ, bắn thun của bọn con gái. Con trai thì bắn bi. Còn cái sân thì in dấu chân của chúng tôi khi chơi nhảy dây, chơi năm mười, giật cờ, u quạ...Biết bao nhiêu kỉ niệm cứ ùa về, mọi thứ như vừa đâu đây khi tôi đi đâu trong ngôi trường này cũng là kỉ niệm quí báu. Tôi quay lại lớp, làn gió lướt qua ô cửa sổ tôi vừa mới mở mát rượi. Phía ngoài trường là cánh đồng đậu nành đang trong giai đoạn phát triển. Một màu xanh non trải rộng ra khắp cả một vùng làm cho không khí càng thêm tươi mát. Tôi ngồi xuống chiếc ghế của giáo viên. Ngày xưa thầy chủ nhiệm của chúng tôi là thầy Tín. Thầy rất yêu thương tôi với Cường vì chúng tôi ngoan và học giỏi. Tháng nào tôi cũng là học sinh giỏi, học kì và cả năm cũng vậy. Thầy thường động viên chúng tôi học tốt và luôn tận tụy với công việc giảng dạy của mình. Thầy hiền nhưng cũng nghiêm khắc, có mấy thằng quậy trong lớp bị phạt thẳng tay, thầy còn giao trách nhiệm giữ lớp cho tôi hễ ai nói chuyện, quậy phá, không thuộc, làm bài là đánh. Ngày xưa tôi cũng ít có ác lắm, mấy đứa quậy ngày nào cũng bị tôi đánh bằng cây thước của thầy,chắc chúng cũng ghét tôi như cái cách chúng không thích bị phạt mỗi khi có tội.

Những ngày tiếp theo tôi ở nhà phụ ba mẹ những việc vặt trong vườn, rồi nhân tiện đến thăm hàng xóm. Còn chỉ hai ngày nữa thôi phải trở lại thành phố để làm việc sau kỳ nghỉ ngơi, thư giãn. Chiều nay tôi lên sông để thăm một người đồng nghiệp cũ, nhà chị ở bến sông. Từ khi chị lấy chồng ở hẳn ở nhà để chăm con nên không đi làm nữa.

- Chị Linh. Tôi bước vào một quán nước ven sông gọi tên chị khi thấy chị đang lom khom pha nước cho khách

- Ủa Lâm, về khi nào vậy em? Chị linh hỏi tôi với giọng mừng rỡ.

- Dạ em về cũng được gần mươi ngày rồi chị. Anh Đức đâu rồi chị, ảnh còn lái xe không, bé Na đi học hả chị? Tôi hỏi một lèo

Tiếng chị Linh nghe xa xa vì chị phải bưng nước cho khách

- Ừ, anh Đức nghỉ lái xe lâu rồi em, tại xa quá nên ảnh ở nhà phụ chị bán quán. Còn bé Na đi học rồi, lát nữa anh Đức đi đón cháu. Em ở đây khi nào mới đi, định khi nào cho chị ăn bánh hồng nè? Chị Linh hỏi tôi, một câu hỏi cách đây khá lâu nhiều người vẫn hỏi.

- Ngày mốt em đi, còn chuyện chồng con là duyên nợ chị ơi! Tôi cười trừ.

Tiếng người khách át tiếng nói của chúng tôi " cho chai pepsi chị ơi!" . Chị Linh đi làm nước cho khách, tôi cũng chọn một chỗ có thể ngắm cả con sông này để ngồi, gió bên sông mát rượi , làm tôi mơ màng.

- Nội cõng con qua sông hả? Tôi hỏi nội:

- Ừ, con cầm dép cho nội đi! Nói rồi nội xắn ống quần lên trên đầu gối.

Tôi trèo lên lưng nội rồi nội chậm rãi tiến về phía bên kia sông, nơi có bụi tre rậm rạp che mát cả một vùng . Bên kia sông là nhà của ông bà cố - là ba mẹ của bà nội tôi. Bà nội mỗi tuần đều về chơi thăm cố, có lần nội cho tôi đi cùng, có khi không. Mỗi lần nội không cho đi, tôi đều nấp sau xó cửa khóc thầm , tôi đâu dám khóc to vì sợ ông nội đánh đòn. Ông nội nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc và là một người mẫu mực mà cả thôn, cả xóm nể phục.

Con sông này mùa hè thường ít nước, chỉ cạn trên đầu gối người lớn một xíu, vì tôi mới học lớp một, lớp hai nên không thể lội qua sông với lại tôi sợ lắm. Mỗi lần được nội cõng qua sông tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Trên lưng nội, tôi thấy mình được an toàn. Đó là mùa hè, còn mỗi mùa lũ lụt tháng chín, tháng mười nội ít khi cho tôi về cố cùng. Những lúc như vậy nội thường đi đò, có khi đi với chị hai, cũng có khi đi với ông nội. Khi nội không cho đi, tôi thường chạy lên sân bóng ngồi một mình để chờ nội về. Lần nào về nội cũng mang quà, bánh về cho tôi với chị hai. Hơn hết tôi muốn chờ nội, tôi là một đứa quấn nội từ tấm bé , hễ đi đâu một chút là thấy bứt rứt không chịu được.

......

- Chiều nay con ở nhà một mình nha, mẹ đi qua ông tám có việc.

Tiếng mẹ tôi từ trong bếp vọng ra

- Dạ. Mấy giờ mẹ về? Tôi hỏi mẹ:

- Chắc xâm xẩm tối.

Nói rồi mẹ tôi dắt chiếc xe đạp đi thẳng ra ngõ, tiếng sên xe nghe vang vọng bên tai.

Chiều mát khi mặt trời đã lùi hẳn về phía Tây, trên trời còn xót lại những tia sáng cuối cùng trong ngày. Tôi ra vườn trước dạo một vòng, vì nơi đó có hàng râm bụt đang nở rộ. Những đóa hoa râm bụt khoe sắc đỏ tươi trên nền xanh rì rào của những cây duối đang đứng sừng sững làm hàng rào. Sắc của hoa râm bụt làm tôi nhớ lại một thời oanh liệt của mình trong khu vườn này. Nơi này, nơi kia, chỗ nọ đều là dấu chân của tôi. Tôi đã chơi ở đây, ngồi bệt dưới dất mặc cho đít quần lấm lem . Những trò buôn bán, nhảy dây, trốn tìm, xây nhà bằng lá chuối, chơi tóc dài bằng lá dừa, lá chuối...đủ thứ loại trò chơi đều đã từng là của tôi. Có khi một mình, có khi với chị hai cũng có khi mấy đứa trạc tuổi tôi ở trong xóm đến chơi cùng. Tiếng cười văng vẳng đâu đây, tiếng cười khanh khách, giòn tan như nắng vàng mùa hè, tiếng í ới gọi nhau , tiếng la hét khi rượt đuổi. Mọi thứ như đang diễn ra. Kìa, con Phương đang đóng vai mẹ, tôi vai ba, con Nguyệt là con chúng tôi. " Mấy giờ rồi mà đi học mới về, vào đây nằm xuống!" Tôi ra lệnh cho con Nguyệt . Tiếng giả roi đập xuống đất nghe thịch thịch , làm cả bọn cười híp cả mắt.

- Chữ này là chữ gì? Tôi hỏi:

Con Phương trả lời

- Thưa thầy, chữ này là chữ "a!" .

Có khi chúng tôi chơi trò dạy học. Hẳn đứa nhỏ nào cũng thích trò này nhỉ! Đâu chỉ là trẻ con ngày xưa mới thích, thời giờ tôi vẫn thấy bọn trẻ thường chơi trò đó .Chúng vẫn gọi nhau bằng những chức danh vô cùng thân thuộc " thầy, cô , em ". Rồi phá lên cười ầm ĩ.

Đây, nơi này là nơi hai cây sa bô chê của ông bà nội. Chị em tôi đã lớn lên cùng hai cái cây này theo thời gian. Ngày trước nơi này là nhà của ông bà nội, nhưng bây giờ nó đã trở thành một cái vườn chỉ toàn trồng rau. Hai cây sa bô chê cũng bị mấy con sùng ăn càng ngày càng xơ xác và ba tôi quyết định chặt bỏ nó để lấy đất trồng rau. Tôi nhớ nội, những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má rớt xuống vạt áo . Tôi không thể kìm chế mình trong nỗi nhớ da diết về ngày xưa, nơi có nội tôi - người thương yêu tôi nhất và tôi cũng vậy.Giờ đây nội tôi đang ở một nơi rất xa, xa đến nỗi mà tôi không thể nhìn thấy cũng không thể chạm tới. Nhưng tình yêu thương của tôi dành cho nội không ít đi mà ngày càng nhiều hơn, tình yêu đó vẫn ở đây trong trái tim đang đập mỗi giây phút trôi qua này. Như ngoài kia, những cánh chuồn chuồn, bươm bướm đang rạo rực bay lượn tung tăng bên khóm hoa râm bụt trên hàng rào duối xanh rì rào một màu ước vọng.

Những ngày nghỉ của tôi kết thúc, tôi trở về thành phố như lịch trình. Ba mẹ tiễn tôi ra cổng, trước khi đi mẹ tôi dặn dò đủ điều, phụ nữ mà. Còn ba tôi chỉ nói rất ít, vẻ mặt ông trầm ngâm nhìn xa xăm trong phút chốc rồi lại hút thuốc. Tính ông là vậy, ít nói mọi thứ đều giữ trong lòng.

Máy bay cất cánh, mang theo kí ức bay vụt trong bầu trời xanh thăm thẳm kia, nơi đó có hàng rào râm bụt đỏ chói, có nắng sớm xuyên qua tán lá cây còn đẫm sương đêm long lanh như những hạt ngọc, có tiếng cười giòn tan như nắng mùa hè của tuổi thơ đầy ước vọng, có tiếng nội, tiếng ba mẹ cổ vũ tôi mạnh mẽ hơn nơi đất khách quê người. Vang vọng trong tôi những tiếng nói đầy thổn thức "ta sẽ trở về, tuổi thơ ơi, hãy chờ ta!".

Ngày đăng: 16/02/2016
Người đăng: Loan Doan
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Notebook
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage