Gửi bài:

Ký sự ngày mưa

Tình cờ trong một lần về nhà ôn thi, tôi có được nghe một câu chuyện về một người đàn ông.

***

Người đàn ông đấy là thuê cho một công trình ngay sau nhà tôi. Nhà tôi có làm một cái chòi để bố tôi trông nguyên vật liệu cho công trình và đó cũng là nơi ngả lưng của những người thợ sau bữa cơm trưa! Hôm nay trời mưa kèm thêm cơn gió mùa đông bấc trong cái mùa đông lạnh này như cắt da cắt thịt của mỗi người. Hôm nay cô Sinh, người nấu cơm cho công trình xuống nhà tôi nằm nhờ vì cái chòi trên kia có lăm người nằm rồi và mỗi mình chị là con gái. Cơm đã ăn xong, tôi bắc mấy cái ngô mẹ cầm về do ế buổi chợ sáng lên mời chị ăn, lai rai câu chuyện kể về cuộc đời.

ky-su-ngay-mua

 

Mẹ tôi bảo:

- Nghĩ cái thân chị em mình cũng khổ Sinh nhỉ, chị thì đi chợ từ nửa đêm gà gáy đến 12 giờ mới được ăn cơm đây này, cũng may có thằng béo nó về nấu cơm hộ chị không thì mệt lắm! Bây giờ đi chợ về, dựng được cái xe xong lại đâm đầu vào bếp nấu ăn, thằng nhỏ thì hơn 12 giờ mới về cơ, ăn xong lại đi giặt một chậu quần áo cho bố con nó...nghĩ cũng tủi thật!

Cô Sinh vừa ăn ngô vừa nói: Em thì khá hơn ai? Chồng thì đi tù vì tội cờ bạc, hơn năm rồi mà chưa xử, tháng nào em cũng lên tận Cao Bằng thăm anh đấy! Người ta bảo em sao không đi bước nữa nhưng nghĩ lại thấy thương chồng lắm! Anh ấy đi cờ bạc thì cũng cầm tiền về xây nhà cho em chứ có đem đi đâu, cũng vì vợ vì con cả thôi. Lủi thủi một mình nuôi con ăn học, lúc ốm đau nghĩ mình một thân một mình mà em rớm nước mắt ra đấy! Nhưng nghĩ mình còn tốt hơn anh ấy. Khổ! ở tù mất sự tự do, tết thì người ta được cùng vợ đi đây đi đó còn anh ấy thì cứ phải ở trại tạm giam. Trong đấy người ta cũng tổ chức đón năm mới cho đấy nhưng đâu bằng nhà mình!.... Bây giờ sáng thì em lai con xuống ông bà gửi rồi đi chợ mua đồ về nấu ăn cho thợ, trưa ăn xong rửa bát, ngồi nghỉ một tý rồi chuẩn bị nháo vữa cho thợ người ta làm chứ có sung sướng gì!

Mẹ tôi: Nghĩ đến số phận mình cũng khổ em nhỉ!

Chị Sinh chêm vào: Nhưng hai đứa nhà chị ngoan ngoãn học giỏi là tốt rồi, em chỉ mong sao con em nó ngoan như con nhà chị, hai đứa đều học giỏi! Một thằng đại học, thằng kia lớp 12 cũng tốn lắm chị nhỉ?

Ừ! Sao không tốn hả cô - Mẹ tôi đáp: Bây giờ chị với anh đi làm mà chưa đủ lo cho hai đứa này, chị đi chợ kiếm đồng ra đồng vào rồi đám xá, còn anh đi làm thì đập hết vào hai đứa, có để giành được tý nào đâu! Thằng kia sang năm tới là bước sang năm 4, rồi chuẩn bị ra trường không biết kiếm đâu ra tiền xin việc cho nó, thôi đành nhờ trời vậy! Còn thằng bé thì sang năm vào đại học, nó bảo nó thi quân sự cho bố mẹ đỡ tốn tiền nuôi nó. Thằng bé nhà chị học giỏi lắm, năm lớp 9 nó được giải nhì vật lý thàng phố đấy, vừa rồi mới được giải ba toán thành phố. Còn anh béo này thì học giỏi văn, cũng được giải đi thi thành phố đấy! Bây giờ ước cũng chẳng ước cao sang gì, chỉ ước sức khỏe và hai thằng nó học giỏi. Nhìn lên mình chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống thì nhiều người còn khổ hơn! Em thấy kìa, nhà Xuân béo trên chợ đấy, nhà giàu như thế, con thì phá phách thử hỏi giàu có mua được con không? Người ta ước nhà lầu xe hơi chứ chị chẳng cần, nhà cũng có hai cái xe rồi. Một cái xe tàng tàng thì chồng đi làm, còn cái xe đẹp đẹp kia thì đi đâu mới lôi ra đi! Nhà thì cũng có nhà trên, nhà dưới rồi, có chỗ chui ra chui vào khi mưa gió là tốt rồi. Ngày xưa, nhà chị còn ở tít trên chỗ em làm đấy, cái nhà con con khổ lắm. Trời mưa thế này là cứ phải đem hết bát, thau chậu đi hứng nước mưa. Tết thì người ta đến đòi nợ, hồi đấy cứ 5 chục, 7 chục thôi nhưng người ta cũng đòi! Nhà bán gạo trên chợ đấy, 27 tết còn đến nhà chị đòi kìa. Nhà có dám mở cửa đâu, toàn đi lối của lách đấy! Ngày xưa, khổ như thế mình còn chịu được, bây giờ có thấm là bao!Bây giờ chỉ lo cho anh béo này, ra trường không biết có việc làm không đây! Kể ngày xưa cho nó hi sư phạm văn, học không mất tiền,rồi về cấp 3 dạy có phải hay không! Khổ nỗi ngày ấy nó thi cả nhà ai cũng ngăn.....

Chị Sinh: Vâng! Nhiều người cũng khổ chị ạ. Chồng em đi cờ bạc đấy, cũng xây được nhà 2 tầng và mua được cái xe máy cõng đi cõng về! Lên chỗ thợ làm đấy người ta cứ trêu em với lão Thái. Khổ, vợ thì mất sớm, đứa con mới được 6 tháng tuổi, lão nuôi bộ đến bây giờ là nó học lớp ba rồi. Lão hiền lắm, trên đấy toàn bị bắt nạt thôi, nhiều khi em bảo lão vặt rau, lão cũng vặt cho mà!

Mẹ tôi: À, cái lão già già gà trống nuôi con đấy hả? Mấy lần xuống nhà chị cất đồ, trông cũng hiền lắm, lão hơn chị một tuổi đấy, chị thấy già gọi bằng anh nhưng toàn xưng em với chị thôi. Sao lão không cưới vợ nhỉ?

Cô Sinh: À! Có cưới thêm vợ nhưng vợ bỏ, con vợ ngu thế chị nhỉ? Lão thì hiền, lại chịu khó! Mà thấy lão khoe là con vợ đấy lấy tiền bỏ nhà theo trai, đi theo cái thằng Trung Quốc nào đấy, mấy năm rồi có thấy về Việt Nam nữa đâu!

Sinh ơi! Chuẩn bị lên nháo vữa cho thợ làm đi, 1 giờ rồi - Người đàn ông gà trống nuôi con nói từ sau hè vọng vào!

Anh Thái vào đây ăn ngô đã, ngô dẻo ngon lắm!- Mẹ tôi và cô Sinh mời!

Người đàn ông đấy vào nhà tôi, một người đàn ông gầy gò, tóc xoăn và đã lún phún tóc bạc như chịu nhiều phong sương của cuộc đời. Trông ông già hơn cái tuổi bốn mươi.

Mẹ tôi hỏi: Anh đi làm thế này thì con cái gửi ai?

Người đàn ông ấy đáp: Bố mẹ em giữ hộ chị à! Một đứa lớp 3, một đứa lớp 11, được cái 2 đứa đều ngoan ngoãn học giỏi!

Mẹ tôi trêu vào: Lấy cô Sinh đi, cô ấy về lo cho!

Người đàn ông đấy ngậm ngùi: Số em không lấy được vợ chị à! Ai lấy em cũng khổ lắm. Người vợ đầu tiên là khổ nhất. Nhà em với vợ là hàng xóm, cách nhau có 2 nhà, hồi lấy về thì bố mẹ vợ em thách cưới ghê lắm! Gia đình em cố mãi mới lấy được cô ấy về. Lấy nhau được 5 năm thì ông bà đấy giở chứng! Bắt vợ em về để cho đi xuất khẩu lao động, hồi đấy rộ lên phong trào xuất khẩu lao động đấy, vài ba hôm lại bắt vợ em về, vợ em không về thì anh em nhà ông đấy sang lôi về! Vợ em chống cự thì bị đánh. Khổ! Sao trên đời này có người ác đến thế không biết, cả bố lẫn mẹ đều cầm đòn gánh phang vợ em, đánh vào người tím lịm. Mỗi lần đi làm về qua ngõ mà thấy cảnh vợ bị đánh mà em rớm nước mắt ra. Vợ em thì cứ hô cao lên trời: Trên đầu 3 tấc có thần đấy! Trời có mắt đấy! Em sang lôi vợ em về thì bị anh em nhà họ đánh, khổ nỗi nhà em có mỗi mình em con trai, anh em họ hàng thì không có, mấy chị thì đi lấy chồng xa. Pháp luật thì làm sao can thiệp hết được hở chị? Họ chỉ đến hòa giải rồi thôi! Mỗi lần bôi cao cho vợ mà em xót quá, hai bên đùi tím đen vào, vài hôm, vài hôm lại bị ông bà đấy lôi về đánh!

Mẹ tôi nói vào: Lạ đời thật, sao thời đại này vẫn còn chuyện như thế được!

Người đàn ông đấy rơm rớm nước mắt kể tiếp: Đến khi con trai lớn nhà em học lớp 3 thì vợ em mất! Hôm đó em đi làm về thì thấy mẹ em bảo là nhà ông Hùng ( Bố đẻ của vợ em) đánh chết vợ em rồi. Ba máu sáu cơn em cầm dao sang đòi sống chết với ông đấy nhưng mẹ em ngăn lại. Người nhà ta thì đông, con sang đấy chỉ có chết thôi. Mày không nghĩ cho mày thì cũng phải nghĩ cho vợ cho con mày chứ! Bây giờ mày mà chết ra đấy thì con mày làm sao. Mẹ già rồi cũng chẳng sống được bao lâu nữa, con mày lại thành trẻ mồ côi, khổ chúng nó lắm! Em đành nén đau thương mà tổ chức đám mà cho vợ! Em căm gia đình ông Hùng lắm! Hôm báo tử cho vợ em, ông đấy nói là vợ em nhảy xuống ao tự tử vì em nghèo. Em ức lắm nhưng cố đành chịu, rồi đến khi khâm niệm vợ em thì ông đấy sang đòi cướp quan về bên đấy để làm ma chay, may bà con hàng xóm ngăn lại không thì vợ em chết cũng không được yên! Khi ma chay cho vợ em xong, gia đình ông đấy lại giở chứng đòi chia tài sản, chia ruộng! Em không đồng ý, lôi nhau ra xã thì họ không giải quyết. Mạ cấy xuống rồi ông ấy còn đi giày toét loét ra nữa cơ mà. Đời sao lắm kẻ ác ôn đến thế chứ! Cuối cùng ông ấy lấy được con trâu rồi mới thôi đấy chị ạ. Khổ có con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông, giờ ông ấy lấy mất, một mình em phải quốc bảy sào ruộng.....

Cô Sinh nói vào: Đời ác giả ác báo mình cứ sống thế nào ông trời ổng biết!

Người đàn ông: Ừ, biết là thế nhưng căm lắm cô ạ! Hồi vợ tôi mất, đứa con nhỏ mới được 6 tháng, ông bà đấy cướp về, được 2 hôm, ông đấy mang con sang để giữa cửa nhà tôi bảo : Nhà tao không có cái giống này! Giống gì chứ, giống người chứ có phải giống hổ báo như nhà ông! Hổ giữ không ăn thịt con mà ông đấy làm thế chắc chắn sẽ bị quả báo. Còn con trai em, đứa lớn khi đấy học lớp 3, nó không chịu được những lời lẽ của ông bà ngoại nên bỏ đi lên chùa sống. Hôm nó đi, nghe con nói mà em không cầm được nước mắt: Bố ơi con ên chùa cầu phúc cho bố, ở nhà con không sống được đâu! Em thấy mình thật bất lực khi không bảo vệ nổi con trai của mình! Năm nay nó đi được 8 năm rồi, cũng có mấy lần nó về thăm nhà chị ạ. Nó đi theo Phật rồi, em định đón nó về nhưng nó từ chối. Còn ông bà Hùng- nhà vợ em đấy! Hai năm sau khi vợ em mất, thì bà ta bị cảm chạy vào nằm liệt giường, méo miệng, ông ấy thì bị tai nạn cũng liệt nửa người, không đi được đến đâu, vệ sinh tại chỗ. Quý con quý cháu thì chúng nó hay đến, đằng này thì chửi chúng nó kinh lắm! Bị như vậy thì phải nhờ con cháu,nhưng ai đến cũng chửi thế nên chẳng ai thèm đến. Bà đấy ốm liệt giường sau 2 tháng thì chết, còn ông đấy thì bây giờ chỉ nằm một chỗ. Đến bữa thì con cháu mang cơm sang cho, rồi về luôn, chẳng ai chịu được tính ông đấy.Lủi thủi một thân một mình trong nhà, nhiều lúc ông đấy còn chửi trời chửi đất, đang đêm hàng xóm không ngủ được nhưng chửi nhiều ngời ta cũng quen, chẳng ai thèm chấp! Nhiều đêm ổng lên cơn và chửi, chẳng ai đáp lại chỉ có mấy con chó sủa ầm ĩ lên thôi. Người ta bảo là vợ em về bắt ông đấy đi nên chó thấy ma nên sủa nhưng em nghĩ ác giả ác báo thôi chị ạ, gieo nhân nào gặt quả ấy!

Mẹ tôi: Ừ, ổng trời ổng có mắt đấy! Cứ cho thế mới thích!

Cô Sinh liền nói: Còn mụ vợ thứ hai của anh thì sao?

Người đàn ông đấy nói: Ba năm sau em đi bước nữa, cô vợ này thì chỉ biết ăn thôi, có làm gì đâu. Được 1 tháng thì bà ấy bỏ nhà theo trai sang Trung Quốc mất rồi, khi đi còn cầm theo của em 2 triệu nữa chứ! Nhà giá trị nhất là 2 triệu thì bị lấy mất. Khổ mọi điều cô à!

Bỗng có tiếng nói vọng vào: Hai cái ông bà Sinh Thái kia, định trốn việc à, lên mà làm đi không thợ người ta đang kêu kìa....

Câu chuyện về người đàn ông gà trống tạm kết thúc nhưng sao nó cứ vương vấn trong tôi một cảm giác thật lạ! Khâm phục có, chê trách có! Tại sao là một người chồng mà không bảo vệ được vợ mình? Tại sao người đàn ông đấy lại cam chịu đến vậy? Tại sao ông có thể tự tay nuôi đứa con còn đỏ hỏn đến bây giờ trong bao nhiêu đói khát! Thật lạ kỳ! Phải chăng đó là sức mạnh xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến mà mọi vất vả của cuộc sống không là họ nản lòng! Nghĩ về người đà ông đấy tôi lại tự đi trách mình khi bản thân chưa cố gắng hết sức, vẫn còn than đời trách phận. Tại sao mình không được thế này, không được thế kia nhưng tôi đã bao giờ nghĩ nhiều người đang ước ao được cuộc sống như mình!

Ngoài trời mưa vẫn lất phất rơi, gió vẫn gào thét từng cơn trên số phận những người nghèo chịu thương chịu khó nhưng giàu tình yêu thương!

Còn gì trên đời đẹp hơn thế!

Người với người sống để yêu nhau!

 

Ngày đăng: 18/03/2016
Người đăng: Ngô Văn Sơn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Remote life
 

Giá như cuộc sống là một chiếc điều khiển từ xa....

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage