Gửi bài:

Gái bán hoa

Tại sao cuộc đời lại nỡ đặt lên đôi vai đó những gánh nặng trần ai, cùng nhiệm vụ một lớn lao đến thế, khi tuổi đời còn tươi thắm như vậy?

***

gai-ban-hoa

Trong một dịp tình cờ mà tôi được Cha mình dắt về quê nội ở miệt Cà Mau, tôi nói tình cờ đây là chuyện cơm canh giữa Cha Mẹ tôi bấy giờ không được ngọt, và vào lúc "không được ngọt" đó, thì Ông nội tôi đột ngột qua đời, buộc lòng Cha tôi phải về đấy phúng điếu, may thay, tôi lại đang trong kỳ nghỉ hè nên được ông đem theo.

Đây không phải lần đầu tiên tôi đi xa, nhưng về đất Cà Mau thì quả đúng là lần đầu tiên trong cuộc đời trẻ thơ lúc bấy giờ. Lúc đó tôi mới có mười hai tuổi mà phải ngồi xe một ngày trời mới đến được địa hạt Cà Mau, mệt muốn liệt giường.

Thời đó xe cộ lưu thông đã tấp nập lắm, nhưng về đến Cà Mau thì buộc phải đi lại bằng đường thuỷ, nhập gia tuỳ tục cũng hợp đạo thôi, niếu không thì biết đi lại bằng gì ở xứ này. Cha tôi mua vé tàu cao tốc, được biết tàu này chạy bằng máy xe, mà người ở đây hay gọi đùa là "xe khách trên sông" vận tốc nghe đâu lên đến mấy mươi cây số một giờ, nghe nói thế thôi chứ tôi chẳng biết có đúng vậy không.

Chiếc tàu đang bập bềnh trên sóng nước, nhìn nó tôi mường tượng hệt một con cá "lìm kìm" cỡ lớn, đầu nhọn thân thon, hai bên sườn sơn trắng có ô cửa kính râm đen tựa như xe buýt, cũng có ghế niệm hẳn hoi chẳng khác gì xe khách chạy trên đất bằng, có điều dưới sông sóng vổ "ạch đụi, chông chênh" ngồi thích chí hơn. Nhưng đó là trước khi tàu chạy, chứ đến lúc khởi hành thì tôi mới hãi hùng thực sự. Tiếng máy gầm gú như con thú hoang đói ngấu đẩy con tàu lướt như bay về phía trước, hai bên mạng tàu nước bắn trắng xoá, những hàng dừa kéo theo những ngôi nhà sàn lưng lững cặp mé sông cứ vùn vụt tuột lại phía sau, hãi quá, tôi ngồi rúm ró trên ghế nệm, Cha tôi ngồi bên cạnh vẫn điềm nhiên đốt thuốc và dững dưng ngó tôi mà cười.

Ở đây với tôi cái gì cũng mới lạ, tôi không hiểu làm sao người ta có thể lưu thông trên sóng nước một cách tài hoa đến vậy. Mỗi khi có một chiếc cao tốc chạy qua, mấy cái "vỏ lãi" sơn xanh kẻ trắng xen lẫn, điều dạt qua một hướng, nương theo con sóng trong rất vui mắt, ban đầu nhìn nó tôi ngỡ là xuồng ba lá có gắn máy đuôi tôm. Đến khi ta Cha tôi đưa tay trỏ vào một cái "xuồng" theo cách nghĩ của tôi, mà giảng, thì lúc đó tôi mới rõ.

Tàu chạy nhanh, mỗi lần đến một cái bến có khách muốn xuống hay lên, người lái ngoặc con tàu tạo một vòng nước xoáy hình cánh cung, rất điệu nghệ. Ban đầu, tôi hơi hoảng vì tàu cứ nghiêng hẳn về một bên, nước chừng như có thể tràn vào bất cứ lúc nào, nhưng đôi lần như vậy tôi đâm ra thích.

Có điều tôi cũng mấy lần thót tim vì tàu chạy quá nhanh, mỗi khi có một hay hai chiếc cao tốc lướt như bay ngang qua nhau, thì sóng mạnh tạt vào bên sườn khiến con tàu cứ nảy lên bất chợt hệt cái tên "thuỷ thượng phiêu" trong truyện tàu tôi vẫn hay đọc, nhắm mắt, tôi tưởng chừng như mình sắp gặp Long Vương đến nơi rồi, mô Phật! Cũng không biết bằng cách nào mà tôi lên được bờ vào lúc xế chiều, mặt mày bơ phờ, ngu ngu.

Ở đây có hai loại phương tiện chính, một là đò, hai là vỏ lãi. Còn "cao tốc" và "ca – nô" chỉ để cho những người có tiền họ đi, bỡi cao tốc rất đắc nhưng được cái nhanh nhất ở đây.

Tôi chả biết Cha tôi có tiền hay không, nhưng gia đình tôi lúc đó tương đối nghèo, ngoài việc đi buôn trên sông thì chỉ trồng trọt và chăn nuôi là chính. Ông lớn lên ở Cà Mau, học hết lớp 12 rồi nghe đâu thi vào trường Công An, về sau ông kể, vì giúp nội việc gì nhưng không kể tường tận, nên phải bỏ chức mà lánh lên Vĩnh Long rồi gặp Mẹ và kết nghĩa "Châu Trần". Dây mơ rễ má bên họ nội kể ra rất phiền phức, nhà đông anh em nên ông nội đặt tên cái gì là Văn – Thi – Thơ – Ca, mãi tôi vẫn không nhớ hết.

Tối đó tôi phải nằm võng trên chuyến đò đêm về Sông Đốc, tới sáng ra mới đến được chỗ người cô thứ sáu đang sinh sống.

Nhịp sống ở Cà Mau lúc bấy giờ rất phát triển, phát triển bật nhất ở Miền Tây luôn ấy chứ. Bởi ở đây một ngày không biết có bao nhiêu tàu đánh cá ra vào, các loại hình nuôi thuỷ hải sản thì khỏi bàn, không nơi nào sánh kịp. Chợ Sông Đốc có cái khách sạn Đông Á rất cao, như người khổng lồ đeo biển đón mừng khách phương xa đến nghỉ chân và vẫy chào người rời khỏi. Về đến đây đông đúc nhất tất nhiên là bến Cảng, ghe tàu neo đậu lỗ chỗ nhưng nhìn chung cũng rất ngay hàng thẳng lối, nó cũng như bến xe khách ở các tỉnh luỵ vậy. Nhưng phương tiện đi lại chính là vỏ lãi, người ta vồn vã mặc cả, rộn rã và tấp nhập đưa rước khách khi thì sang sông , khi thì đến cách địa danh mà tôi chả hiểu "ất giáp mô tê" gì sất. Nó cũng giống như đội ngũ xe ôm trên bộ. Tôi thấy rõ ràng là vui hơn Vĩnh Long của tôi rất nhiều, có lẽ vì lạ mà tôi thấy thế cũng nên.

Nhà cô Sáu nằm khuất trong một con hẻm lát bê tông gần chợ, nhà cửa san sát đan xen nhau, sình lầy và nước đọng. Hầu hết đường xá ở đây điều bị ngập nước lúc triều lên, khi nước rút để lại vô số những bãi - kênh nước thối rất mất mỹ quan. Nhưng phần lớn là do ý thức của người dân còn kém, nạnh ai nấy xả rác bừa bãi thành ra nhìn giống như mặt trái của đô thị hoá vậy.

Ngôi nhà, hay đúng hơn là một quán nhậu, vì trước cửa có treo biển "Sáu Cao Cà Mau" lúc bước vào tôi thấy có mấy người khách mặt mày đỏ tía đang bước ra, tay cắp bên hông một cô em má phấn dáng trong rất ngon cơm!

Cha tôi gật đầu chào một người đàn bà béo múp míp có bộ mặt hình nửa trái banh và đôi chân chim sẻ, tôi không hình dung được đôi chân đó hằng ngày phải khốn khổ thế nào với cái khối thịt to đùng kia.

Tôi gật đầu chào lấy lệ và lại nhận được ngây cái cười cảm tình của bà cô múp míp.

- Anh Năm dẫn thằng nhỏ dô nhà nghỉ mấy hôm, rồi đợi thiệt khoẻ hẳn dẫn về thăm mộ Ba, dù sao cũng xong xuôi hết rồi. Anh về trể, chế Tư có nhắc nhưng ở tận Năm Căn không cách nào bắt liên lạc được, phải xong rồi mới nhờ thằng Ca lên gọi anh.

Cha tôi cười trừ, hỏi han mấy câu xã giao, xong dẫn tôi vào trong, lúc quay đi bà cô tôi hỏi.

- Nhỏ tên gì đó anh, giống anh đẹp trai quá hé-ong...!

Cô Sáu hỏi kìa trả lời đi con.

- Tôi đáp lí nhí. Dạ con tên Duy!

- Con trai gì mà rụt rè như con gái, thôi vô trong nằm nghỉ chiều cô Sáu cho mấy đứa chở đi chơi đây đó cho biết.

Tôi đánh một giấc đến tận chiều tối mới ngồi dậy, lúc dậy tôi thấy có người đàn bà trạc tuổi mẹ tôi đang ngồi trên mép giường nói chuyện với Cha. Mãi về sau tôi mới biết bà này là "nhân tình, nhân ngãi" gì đó với ông – thiệt, tôi cũng chả biết nói sao.

Ở đây tôi khá lạ lẫm với mọi thứ chung quanh, từ nết sống đến nết ăn ở rồi giao tiếp hằng ngày.

Khu nhà của cô Sáu chia làm hai gian ăn thông với nhau, có hình chữ " U ", một bên là nhà ở lẫn quán nhậu xây cất khang trang, phía trước là nơi thu tiền cũng là chỗ để "thân hình múp míp" kiểm soát nội bộ, như gà mái ấp trứng trong ổ vậy. Phía trong được ngăn thành từng phòng làm nơi tiếp khách, sau cùng là khu nhà bếp. Còn bên kia có một khu nhà xây cất tạm bợ tựa như khu ổ chuột, chứa "gái bán hoa". Ở ít lâu nên tôi biết đây là một ổ mại dâm, mà chuyện đáng buồn cười là "cái ổ" này chỉ cách trụ sở Công An có 500 mét.

Ở đây vừa là quán bia ôm, vừa chiều khách khi khách có "nhu cầu" nên lúc nào cũng đông đúc các gái phấn son loè loẹt. Mỗi đợt ai tiếp khách xong điều phải chia phần trăm với má mì Sáu, cứ tiền bo một trăm ngàn thì cổ lấy hai chục, đi khách hai trăm thì bả "ăn nhẹ" bốn chục tiền giường. Mà cái giường phải chỗ sạch sẽ cho cam, xây ngôi nhà sàn cách mặt đất vài mét người ta lót ván rồi kê giường, còn bên dưới thì đúng là một hố rác, tắm rửa ăn uống điều tuông xuống đó nhầy nhụa, đen đúa, đêm đêm nằm ngủ nghe tiếng chuột cống cắn lộn mà phát rùng mình. Những người khách mua hoa trong cơn say chỉ việc nằm lên cái bộ dạt tre bẩn thỉu, mà kèn kẹt một lúc lâu đến khi trào phúng thì lại quay về với vợ con như người vô tội.

Chỉ tội là tội cho tôi đây này, phải nằm trên bộ dạt gần đấy mà ngủ, bởi nhẽ, dạo nầy Cha tôi hay đi xóm về khuya, mà chỗ đấy thì ra vào thoải mái nên tôi qua đó ở hẳn. Mới ở đây được gần một tháng chả biết ông chạy chọt ở đâu được tiền rồi sắm vỏ, máy, mà chạy đi đưa khách, có đêm cũng kiếm được dâm trăm bạc nên tôi cũng khuây khuây. Còn việc về thăm mộ nội cũng không nghe ông nhắc gì đến, thôi kệ, tôi cũng chẳng quan tâm lắm vì trước giờ tôi chỉ gặp nội có đôi lần. Vả lại dạo gần tôi hay nói chuyện với Chế Út và Chế Phương nên tâm trạng có phần phấn khởi lắm. Không biết sao tôi có cảm tình với hai chế này, mặc dầu hai người cũng làm ở đây như những người khác, có điều, họ không "õng ẹo, hách dịch" và "diêm dúa" như những cô kia!

Họ trông hiền lành và rất dễ thương, Chế Út mới có hai mốt tuổi, còn Chế Phương thì hai hai. Hai người thương tôi lắm, những hôm khác bo "sộp" họ lại mua khi thì cái này, khi thì cái kia, tôi đòi gì cũng được - mà thích nhất là tối tối được chở ra tượng đài gần cửa biển Sông Đốc ngấm cảnh, gió lạnh đến nổi da gà.
Tôi quý Chế Út, tôi biết chế cũng quý tôi nên hay cầm tay tôi đi chơi mà tâm sự, có bận chế nói.

- Duy biết hông. Nhà chế nghèo mà cha lại mất sớm, mẹ thì bệnh trong người hoài, em gái mới học lớp bảy nên gia đình thiếu trước hụt sau. Chế ra đây làm theo lời chế Phương, hai đứa nhà nghèo nên phải làm nghề này kiếm sống, mà cũng chỉ có nghề này mới có đủ tiền lo cho gia đình. Hồi chế vô có mượn má Sáu tiền để lo cho em đi học, nên bây giờ phải làm trả gớp lại, được nhìn em và mẹ không phải lặn lội bắt con này bán con kia để đong từng lon gạo là chế không có gì để hối hận. Em chế có tiền đi học, sau này nó không phải khổ như chế, mà nó học giỏi lắm nghe, năm rồi được lãnh thưởng nữa đó.

Tôi nghe mà chỉ hiểu sơ sơ chứ chẳng mải mai xúc động, nhưng đến bây giờ khi ngồi viết lại những dòng này tự dưng tôi thấy thương Chế vô cùng, tôi chả hiểu lúc đó mình nghĩ cái giống gì mà chợt hỏi.

- Vậy sau chế không làm chuyện khác??

Đôi mắt chế Út ánh lên nhưng vẫn im lặng, tôi ngó mái tóc dài mượt mà được gió từ biển cả mênh mông lùa qua sóng lưng. Tôi buột miệng.

- Chế đẹp quá chừng!

- Đôi lúc chế cũng muốn mình sống bình thường như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa, nhưng cuộc đời đưa đẩy thì biết làm sao hả em. Nhà lại nghèo, nên phải cắn răng, kệ, làm có số vốn chế mới tính tiếp. Bây giờ mà bỏ nghề, thì gia đình biết làm sao.

Sau hôm đó, một vài bận tôi thấy chế Út đương lúc tiếp khác mà bị gọi ra trước nhà thì tôi hiểu chế phải làm gì. Những lần như thế tôi chỉ muốn vào đấm cho thằng đàn ông nào đó một cái thật đau để hả giận, nhưng lại không dám. Tức mình, có hôm chế Út đương lúc tiếp khách, cửa gài hẳn hoi, tôi lót tót chạy qua bên khu ổ chuột mà réo.

- Chế Út ơi! Chế Út! Lúc đó tôi chỉ muốn cứu chế ra khỏi bàn tay của tên khốn nạn nào đang dày xéo mái tóc mềm mại kia. Tôi thấy chế bước ra với bộ đồ bộ xốc xếch, lai áo vướng một góc vào lưng quần, biết chế vội vã mặt đồ bước ra, tôi thương lắm, bèn hỏi.

- Chế làm gì dạ??

- Em đi chơi một lát đi, chế thương. Chiều chế mua đồ cho. Ngoan đi Duy!

Nói rồi chế mím môi nhìn tôi, mắt hoe hoe đỏ, tôi không biết phải làm sao nên đành quay đi, lúc bước tôi còn nghe tiếng nhừa nhựa trong giường gọi ra "Em làm gì mà lâu quá vậy" rồi tiếng đóng cửa.

Có lẽ những ngày ở đây đã dạy cho tôi nhiều thứ về cuộc sống lẫn giá trị của đồng tiền. Nhờ đó mà tôi mới phát hiện ra một bí mật nhà bà cô tôi.

Số là cô Sáu có ba người con, hai trai một gái. Tôi xin không kể đến hai thằng con trai trời đánh, phá gia chi tử của bả, mà chỉ kể đến người con gái lớn tên Duyên. Cô Duyên này theo "vai vế" là em tôi, nhưng chồng con đâu đó rồi. Duyên có đứa con gái rất dễ thương, giống mẹ y đút, tên là Nhã My. Ông chồng đi làm gì tôi chẳng biết, chứ riêng cô em gái này thì tôi rành "tám câu vọng cỗ". Nói ra sợ bạn không tin, chứ thực, cô nầy cũng làm gái. Có điều là gái hạng sang và người giới thiệu lại chính là mẹ ruột của cô.

Cứ mỗi lần có khách "sộp" muốn tìm hàng lạ, cô Sáu lại chỉ đến Duyên. Mỗi lần như thế cô điều kín đáo đưa khách về nhà "trăng hoa" trên chiếc giường tổ ấm, rồi tối đến lại cùng chồng nằm ngủ trên chính chiếc giường đó.

Đến tận bây giờ chứ đừng nói lúc đó, tôi vẫn không biết được anh chồng có biết không. Và không thể hiểu nỗi làm sao mà người ta có thể sống một đời như vậy, chỉ vì tiền!

Có một hôm đang ngồi chơi, Chế Út chợt nói với một chế tên Diễm bán trái cây gần đó.

- Diễm cho Út mượn sạp trái cây một bữa nha, mai có Mẹ với em Út ra chơi.

Thì cái cô Diễm này mới "ừ" một tiếng và hỏi "có mẹ ra hả, vậy phải nói với má Sáu".

Mẹ chế Út là người đàn bà quê rặt, không lẫn vô đâu được, bà bận chiếc áo khoác màu kem bạc màu, bên trong là bộ đồ bộ màu đỏ có đính mấy hạt ngọc trai bằng nhựa trắng tên ngực áo, khuôn mặt khắc khổ, hằng những vết chân chim do thời gian dày xéo, tôi đoán bà cũng chỉ hơn Cha tôi chục tuổi là cùng. Đi theo là cô em gái mà chế Út vẫn hay nhắc với tôi, cô này có đôi mắt buồn và mái tóc mượt hệt chế, nhưng hơi lùn. Thấy cô ta cứ luôn miệng hỏi han, đôi lúc lại đưa bàn tay thon thả có những ngón tay thẳng đuột như chiếc bút chì, nhưng móng lại dính một ít sình đen lên gảy đầu, chắc lúc đi vội nên chưa kịp chuẩn bị kỹ. Mà tôi để ý thấy rằng, những người nghèo họ có móng tay và móng chân rất lam lũ, chỉ cần đến những nơi sang trọng hay có mùi của sự uy quyền một tí là lộ ra ngây. Điều đó rất dễ nhận ra khi họ nhìn vào ngón tay hay chân mà lộ vẻ ngượng ngập, rụt rè, như sợ ai nhìn thấy.

Nói chuyện một lúc, Mẹ con chế Út đứng dậy vào chào cô Sáu, họ nói năng gì đấy một lát rồi tôi lại thấy chế Út ngoắt xe ôm cho họ về, không quên trả tiền trước.

Tối đêm đó chế Út hỏi tôi.

- Duy đi về nhà chế chơi hông??

Tôi đáp ngây không cần lưỡng lự.

- Đi chứ!

Nhưng chế Phương đang nằm đó bấm điện thoại chợt lên tiếng, xa lắm đó em, vả lại, không sợ chế Út của em bắt cóc bán đi qua biển hả??

Tôi cười, nói.

- Không! Để Cha về em xin Cha đi. Chế Phương không đi chung hả??

Chế phương đáp.

- Chế bận, nói rồi nheo mắt nhìn tôi.

Sáng đó chế Út dậy rất sớm, tất tả đi mua nào thịt, nào rau củ, xô chậu cồng kềnh, toàn những thứ lặt vặt dùng trong nhà. Tôi không biết chế mua làm gì lắm thế, bởi khi đi, tôi phải ôm chúng mệt chúng muốn hụt hơi.

Chế mượn đâu ra cái xe này vậy, tôi hỏi.

- Của anh Chương, con má Sáu đó.

Bao lâu nữa thì tới chế, em mệt lắm dồi.

- Chút xíu nữa hà. Em bắt trước ai dồi dồi vậy?

Đường về nhà chế Út tôi phải nói là xấu rất xấu, băng qua những con đường đất nhập nhụa sình lầy vì cơn mưa rào rạt mấy đêm trước, hai bên đường là những mảnh đất trống có vuông tôm, ở đây người ta chỉ nuôi tôm và cua là chính. Một dãi trải dài những hàng đước và nước mặn, nhà cửa rất thưa thớt, phần lớn là những ngôi nhà sàn cặp mé sông, chỉ lát đát mấy ngôi nhà tường khang trang. Đến một khúc sông thì chế Út gửi xe ở một tạp hoá rồi kiêu đò qua bờ bên kia, băng thêm ba cây số đường trường trên mặt đất lầy lội nữa thì tôi bắt đầu lèm bèm.

- Em nói thiệt, chứ em chịu hết nỗi rồi, đến nơi em phải bật quạt xem tivi rồi đánh một giấc cho đã.

Tôi thấy đôi mắt chế Út nhìn tôi mà chớp chớp mấy cái rồi dừng lại, ấp úng.

- Duy nè! Em về chơi, đừng nói với ai chế... chế làm nghề này nhe em.

Trong một giây, tôi đưa mắt nhìn khuôn mặt xinh xinh có đôi mắt buồn, đang ngồi chóng gót nhìn tôi, đôi mắt ấy như vang lên một vẻ cần khẩn, đôi mắt xinh đẹp phải chịu bao nhiêu phong ba, bão táp của cuộc sống khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Tuy lúc đó tôi chỉ là một thằng mười hai tuổi, chưa có lông nách, nhưng cũng hiểu mình cần phải làm gì. Tôi nói.

- Ai hỏi thì em sẽ nói chế bán trái cây. Nói rồi tôi mỉm cười.

Chế Út cũng cười, đứng dậy nói.

- Nhà chế không có tivi, quạt máy, nhưng chế sẽ quạt cho em ngủ, chịu hông??

Tôi lò dò bước theo chế, mắt đăm đăm nhìn tấm lưng thong thả và đôi vai hoàng yến bước đi phía trước, mà tự nhủ.

Tại sao cuộc đời lại nỡ đặt lên đôi vai đó những gánh nặng trần ai, cùng nhiệm vụ một lớn lao đến thế, khi tuổi đời còn tươi thắm như vậy.

Cuối cùng cũng tới, nhà chế Út, hay đúng hơn là một căn chòi lá. Rộng bốn mét, dài độ tám mét, hai bên vách được dựng bằng lá dừa nước, mái nhà cũng vậy, phía trước chỉ duy nhất hai chiếc võng giữa nhà và cái bàn tròn dùng uống nước, đi ba bước là đến đằng sau nhà, được che tạm bằng một tấm vải hoa chắn ngan bếp, bên trong kê cái bộ dạt, chắc là làm buồng ngủ cho hai má con. Trên bộ vạc một chút, có một tấm ván hình chữ nhật dùng làm kệ để sách và một cái radio còn mới, gần đó là chỗ treo quần áo.

Cái vẻ nghèo nàn của ngôi nhà đập vào mắt, khiến lòng tôi ngụi lạnh, không còn cái vẻ xong sáo ban đầu. Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao chế phải chọn con đường bán mình cho thiên hạ để đổi chát từng đồng bạc lẻ. Bất giác, tôi trút một tiếng thở dài.

Lúc ban trưa có hai thanh niên ghé lại nhà, chắc là bạn bè gì đó của chế, có điều thấy họ nói chuyện khá ngập ngừng và có phần dè dặt.

Người thanh niên thứ nhất hỏi.

- Út ra đó làm gì?

Tôi thấy chế Út mỉm cười, nụ cười có lẽ đẹp nhất từ trước đến nay tôi từng thấy, trong ngôi nhà vách lá đơn sơ, người con gái buông tóc dài ngồi bên bàn nước, đôi mắt chớp chớp như như một chú nai nhỏ ngơ ngác, đằng sau tiếng lửa bếp kêu lép bép - bà má đương đung vội nồi nước. Với tôi, nó yên bình và giản dị như cô Tấm cô Thị trong cổ tích.

- Út đi bán trái cây.

Chợt người thanh niên thứ hai cười giòn, rồi lên tiếng hỏi.

- Bán trái gì đó Út. Bữa nào tui ghé mua ủng hộ cho.

Tôi thấy đôi môi nhợt nhạt của chế khẽ mím lại rồi cắn nhẹ một miếng nơi vành, trả lời.

- Bán đủ thứ! - Nói rồi chế đứng lên xuống bếp.

Sau khi hai tên đó về, tôi ngồi lại và tự dưng đâm ra ác cảm với tụi họ, tôi chả biết thế nào, nhưng rõ ràng họ làm chế Út tôi giận.

Tôi bỗng nghĩ, liệu có khi nào họ đã từng ghé quán cô Sáu, rồi có khi nào Chế của tôi đã..! Nhưng tôi không nghĩ được lâu, vì cơm canh đã dọn lên. Tôi chẳng làm gì sất mà cũng được ăn, đúng là khách một bửa có khác.

Buổi chiều đương loay hoay với mấy cái bánh thì bà má của chế Út từ đâu tiến lại, ra dấu cho tôi theo bà qua bên hông nhà.

Ngôi nhà nằm cạnh đường đi, nhưng hai bên thì "trống trơ trống trất" cách cả mấy trăm mét mới có cây cối và phải cách cả cây số mới có nhà ở. Tôi không hiểu tại sao bà kéo tôi ra đây, bên hông nhà, nhưng tôi thấy bụng bồn chồn bất an, như có điều gì đó chẳng lành sắp ập tới.

Mẹ chế Út chợt cất tiếng, khiến tôi bỏ lại nỗi bất an.

- Con nói thiệt cho Bác biết, con Út lên đó làm gì??

Bị hỏi như thế đâm tôi ra hoảng, mặc dầu đã được dặn trước và hiểu mình cần làm gì, nhưng đứng trước một lão bà hiền lành mà lại là Mẹ của chế Út tôi cũng thấy mình lúng túng, vả lại, nói láo không phải là nghề của tôi, nên một lát sau tôi mới lấp bấp..

- Dạ thưa...thưa.. Bác, bán trái cây!

Tôi lúc đó tự dưng đâm giận mình ghê gớm, có như vậy mà nói cũng không xong, phải ấp úng. Nhưng chưa kịp giận mình lâu thì bà cầm lấy tay tôi bằng hai tay mà nói.

- Bác biết con Út làm gì, có điều chưa dám chắc nên phải nhờ con. Lần Bác lên, nghe cô Sáu nói chuyện với mấy đứa Bác cũng lờ mờ hiểu. Con Út thương em, thương Bác. Bà nói đến đây tôi cảm nhận đôi bàn tay chay sần ấm và rung lên, rồi bà trút một tiếng thở dài như muốn xua đuổi tất cả những ý nghĩ không tốt.
Tự dưng nhìn mái tóc hoa râm lóm đóm những sợi bạc, tôi dậy niềm thương cảm. Người mẹ nhà quê ít học, bần tiện, lam lũ, thương con, luôn muốn giành tất cả những thứ tốt đẹp nhất cho đứa con gái kém thế, nhưng vì nghèo nên phải gửi con ra tỉnh học nghề sau nuôi lấy thân, đến một ngày chợt nhận ra con mình vì thương mẹ, thương em, thương gia đình nghèo, phải bán thân cho thiên hạ mua vui để lo cho gia đình, nghĩ đến đó lòng tôi lại trào lên thêm một nỗi xót xa.

- Con nói thiệt cho Bác biết đi con...con Út...con Út, lần này tôi thấy bà xúc động mạnh, người rung lên, "đôi mắt sâu hoắm" chỉ trực trào nước mắt, miệng ấp úng hai ba lần rồi cũng thốt lên rõ từng chữ, "con Út đi làm ĐỈ đúng hông con?".

Cái tiếng "ĐỈ" vừa thốt ra khỏi miệng bà tôi cũng sừng sờ chết điếng, tôi biết người đàn bà này không tìm sao đâu được những mỹ từ cho tiếng gọi đó, bởi bà làm gì được học rộng. Cuộc đời gắn liền với miếng cơm manh áo từ thuở nhỏ, lớn lên phải chịu cảnh mất chồng, rồi tay xách nách mang hai đứa con. Tôi vẫn không thể hiểu tại sao ông trời lại thích trêu ngươi một gia cảnh như thế.

Tôi đứng bất động nhìn bà, tôi biết mình không thể nói dối trong hoàn cảnh này, nhất là với một người mẹ, tôi đưa mắt nhìn khuôn mặt nhăn nheo đang rươm rướm nước mắt mà chậm rãi gật đầu.

Bà Bác cầm tay tôi siết mạnh như cố chống chọi với tất cả những nỗi đau trên đời gộp lại, đang đá thóc vào lưng khiến bà gồng mình uất nghẹn, đôi mắt buồn của chế Út hiện rõ trên mắt bà, giờ đây nó đau đớn và thất thần. Tôi nào hay đâu, cuộc nói chuyện bị người con gái tên Út đứng nép bên kia vách lá nghe thấy, đang lấy tay che miệng mà khóc không thành tiếng.

Bạn à. Có những cuộc đời tưởng chừng như đã khổ lắm, nhưng vẫn chưa là gì với bi kịch do ông trời khéo sắp đặt. Hôm nay khi ngồi đây, viết lại những dòng này, lòng tôi ngậm ngùi khó tả. Ở phương trời xa xăm nào đó, mong chế Út có một cuộc sống bình yên, người Mẹ già sẽ phần nào ngơi đi đau khổ và cô em gái nhỏ tên Thu, tôi mong cô luôn gặp nhiều may mắn, không phải đem đôi mắt buồn và suối tóc mơ kia làm trò cho thiên hạ mua vui.

28 – 3 - 2016

Ngày đăng: 08/04/2016
Người đăng: Nguyễn Duy
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Niệm chú Niệm chú 9 giờ, cơ quan đang mơ màng trong cơn phê khói trà khói thuốc lá bỗng giật lên bởi thông báo thì thào mà ngang sấm rền của trưởng phòng tổ chức: -...
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Ốc sên chạy - quote
 

Ốc sên vác trên mình chiếc vỏ nặng nề, lê từng bước, từng bước về phía trước. Dù gian khổ thế nào nó cũng không muốn từ bỏ, bởi chiếc vỏ ấy đã gắn chặt với cuộc đời nó. Cũng như mỗi người chúng ta đều là một phần cuộc sống của một người nào đó, ở tận sâu trong trái tim, không thể tách rời

Ốc sên chạy - Điệp Chi Linh

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage