Gửi bài:

Bổn phận

Một đứa bạn hỏi, "Nguyên đi, La buồn không?". Nó bẻ tay, "Tôi lúc nào cũng vậy thôi. Buồn gì? Vui gì?". Sực nghĩ đến lời cuối cùng của Nguyên, "Ai cũng có bồn phận riêng, Nguyên chúc La làm tròn bổn phận của mình".

***

bon-phan

Những cơn mưa đầu mùa thường đỏng đảnh và tinh nghịch, bất chợt sà vào lòng thành phố rồi lại bất chợt vụt ra xa.

Cô dặn, "Tiết đầu hôm thứ hai, phải xuống sân sinh hoạt toàn trường. Nhưng nếu mưa thì sẽ kiểm tra môn giáo dục công dân". Năm mươi chín nhân mạng được một phen thấp thỏm cầu Chúa khấn Phật.

Rồi sáng thứ hai, mưa ào ào như trút nước, đứa nào đứa nấy cũng lụp xụp áo mưa đến lớp, chưa kịp thu dọn bãi chiến trường do cơn mưa để lại đã vội vàng giở sách ra gào lấy gào để vài câu làm vốn.

Lớp trưởng quơ chân múa tay trên bục giảng, "Bọn mình sẽ không trở thành công dân tốt cho xã hội đâu".

Nguyên rên rỉ, "Sao mình lại phải học môn giáo dục con dâu này?", điều này cũng không làm La rời mắt ra khỏi quyển sách. Đầu cứ ong ong lên, lộn xộn tiếng ba và dì Thanh chì chiết nhau, tiếng nhạc Rap, tiếng đọc bài nhát gừng của thằng em tối hôm qua.

Giờ kiểm tra, cả lớp loạt xoạt mở sách vở trong ngăn bàn. La cũng mở sách, nhớn nhác nhìn xung quanh, chợt cảm thấy xấu hổ quá. Giờ này năm ngoái nó còn đường đường là một cán bộ lớp, mở miệng ra là thái độ giáo huấn chống thái độ gian lận trong giờ kiểm tra. Còn hiện tại...

Giả sử cô bất chợt đi xuống, bất chợt vớ được quyển sách đang rã rời trong tay nó. Tiếp theo là bản kiểm điểm dài thượt, là cái trò bưng bộ mặt u ám ra trước trường vào buổi chào cờ đầu tuần để mấy đứa lớp A, lớp B chỉ chỉ trỏ trỏ "Con này học lớp C, tưởng ngoan lắm, không ngờ cũng..." và ghê gớm hơn tất cả những thứ ấy là quyển sổ liên lạc với những chữ phê bình màu đỏ gắt, "Đề nghị phụ huynh có ý kiến...".

Dì Thanh sẽ đọc, hoặc dửng dưng và coi thường, hoặc thương hại hoặc chê trách, đẩy quyển sổ về phía ba, mai mỉa nói "Cái này thuộc về bổn phận của anh". Ba sẽ rời mắt khỏi bản đồ án, thận trọng giở từng trang sổ, buông một câu chán chường "Tôi lấy làm xấu hổ về chị". Thằng em cùng cha khác mẹ láu táu nhìn trộm, sẽ thì thào "Bà quay thế nào mà lại để bị bắt?". Còn La, lúc ấy sẽ đứng ở một góc phòng, lẩm nhẩm một câu đã thuộc lòng "Con xin hứa từ nay sẽ...".

Đang ray rứt với cảnh địa ngục ấy, chợt La giật mình khi Nguyên huých nó, "Sao không làm bài đi!". Rồi không chờ nó kịp phản ứng, Nguyên tự trả lời "À! Ừ, cô chiếu tướng ghê quá. Thôi để tôi đọc cho" và thọc cái thước vào lưng hai đứa ngồi bàn trên, nói khẽ "Mày ngồi thẳng lên, che cho tao".

Nguyên bắt đầu đọc, "Gia đình là...".

La cúi mặt, gấp sách lại, vạch những chữ cái to tướng trên trang giấy. Một giọt nước mắt lén lút rơi, đúng vào cụm từ "Gia đình là...".

Giờ Lý, thầy giáo to giọng đọc hai mươi câu hỏi ôn tập cho học sinh chép. Nguyên nằm bò ra bàn, lấy compa ra tỉa tót từng chữ trên mặt gỗ, thấp giọng bảo "Tí nữa cho tôi mượn vở La đi photo". La ngần ngừ, vươn tay với lấy quyển vở của Nguyên, cặm cụi chép không nghỉ tay. Mắt Nguyên sáng rỡ "Cảm ơn nhé!". Đứa bàn bên quay xuống trêu chọc, "Ái chà, chị La chép bài cho anh Nguyên nhé! Động lực nào thúc đẩy đây?". La vẫn cắm cúi chép, thấy hành động của mình gần như có từ trong tiềm thức. Nguyên đã giúp, nó phải có bổn phận phải trả ơn, thế thôi.

Hết tiết, Nguyên đứng dậy, duỗi tay, duỗi chân, khoe khoang đầy vẻ tự hào "Đẹp không?". La nhìn, trên mặt bàn có hai chữ "Nguyên + La" khắc lõm sâu vào thớ gỗ, nó thoáng ngạc nhiên rồi lầu bầu, "Học hành thì không lo...".

Nguyên đạp xe kè kè bên cạnh, "Đi uống cà phê không?". Nó ngước nhìn đồng hồ trên nóc bưu điện thành phố, thoáng nghĩ đến tiếng rít kèn kẹt của cánh cổng sắt nhà nó mỗi khi đóng vào rồi gật đầu, "Ừ! Tôi cũng chưa muốn về".

Thế là hai đứa chui vào cái quán nhỏ trên phố ĐTH, chật chội, ôi nồng và mù mịt khói thuốc. Nguyên say sưa gõ thìa vào miệng ly lách tách theo điệu Metal gầm gào phát ra từ hai cái loa rè rè trong quán. La ngồi im, mệt mỏi lấy tay gạt mớ tóc ướt, thấy hơi mưa mát lạnh ve vuốt trên mặt.

Mưa rào có cái mùi khác hẳn mưa xuân, khó tả nhưng dễ nhận biết. Mưa bao giờ cũng làm nó nhớ đến Sài Gòn, một nơi rất xa đã chìm vào quên lãng với hình bóng của mẹ nó. Một Sài Gòn có những chiều mưa sầm sập, có bàn tay mẹ mát lạnh dịu dàng xoa trên lưng nó. Một Sài Gòn thỉnh thoảng vẫn xen vào những giấc mơ đêm dở dang.

Xa quá, huyền ảo quá!

"Kìa La, uống đi chứ!", Nguyên nhắc.

La sực tỉnh, bối rối cùng gượng gạo cầm ly cà phê. Nguyên bỗng nhìn nó chăm chú, "Sao La cứ buồn mãi thế?".

Nhưng nó không trả lời được, đành đờ đẫn lắc đầu.

Nó nhặt một bông cúc héo nơi bình hoa, nghắm nghía, "Héo rũ rồi, như mình vậy". Nguyên cười, "La mộng mơ thế, phải thực tế lên một chút, biết không?". La nhìn nụ cười ấy, cay đắng nghĩ "Nguyên không giống mình, không hiểu được mình", rồi cả quyết đứng dậy, "Về thôi!".

Nguyên nhún vai, len lén nhặt bông cúc, kẹp vào vở và gọi với theo "Đợi tôi với, La!".

Ba và dì Thanh đang cãi nhau, thấy nó về nên im bặt.

Dì Thanh liếc nó, "Đừng để con nghe thấy!". Tiếng ba nó nhỏ dần nhưng vẫn sang sảng, "Ừ! Tôi quên mất". Thằng em vỗ vai La, "Chuyên vặt! Buồn làm gì?" rồi hí hoái dán lên tường một tờ giấy ghi thật lớn dòng chữ "Lịch thi học kỳ...", chăm chỉ một cách đột xuất. Thấy La tò mò nhìn, nó cười hí hí "Bà nên làm như tôi, biện pháp hữu hiệu đấy".

Dì Thanh đang khua xoong nồi loảng xoảng dưới bếp, thằng em gào lên, "Đề nghị mẹ trật tự cho con học". Thế là tiếng động tắt hẳn. Ba lại chúi đầu vào bản thiết kế. Thằng em khua bút xào xạc trên giấy. Dì Thanh đi lên đi xuống, vẻ nhẫn nại chịu đựng.

La ngồi ngắm những cảnh ấy một cách mỉa mai, cay đắng nhìn ba vo tròn một tờ giấy vứt vào sọt. Lại những đồ án dỡ dang, những ngôi nhà chỉ được xây trong ý tưởng. Như những giấc mơ về Sài Gòn đầy mưa của nó, lúc nào cũng ở trên cao, tưởng rất rất như thể với tay là tới, nhưng chạy cả đời vẫn không nắm giữ được. Còn gì tồi tệ hơn khi những con người này bị bắt phải tồn tại bên nhau, trong một gia đình, không phải bị ràng buộc bởi tình yêu, mà bằng bổn phận. La chua xót với cái quán ngữ "bổn phận" ấy, âm thầm để nước mắt lã chã rơi.

Nguyên bảo, "Tôi sắp đi..." và nhắc tên một vùng đất nào đó xa xôi lắm.

Nó lặng người khi Nguyên hỏi "Tôi đi, bà có buồn không?" rồi gật gù, trả lời "Tôi thì có lúc nào không buồn đâu". Và nói dối một cách trơn tru, "Tôi cũng sắp không ở đây nữa đâu, tôi sẽ vào Sài Gòn" nhưng lại không nhớ mình đã nói câu ấy với Nguyên bao nhiêu lần rồi.

Nó gắt gỏng trong lòng, "Không được khóc!". Không được khóc, La ạ! Mày đã khóc quá nhiều cho cái giấc mơ dang dở ấy. Giấc mơ không bao giờ thành hiện thực, giấc mơ không đủ sức bay đến chân trời, giấc mơ gãy cánh giữa đường và yên nghỉ trong cái nghĩa trang ở tận đáy lòng của nó.

Nguyên bối rối mở trang vở, bông cúc sẫm màu, mỏng manh rơi ra "Nguyên đã giữ đã giữ bông cúc này và sẽ giữ nó mãi".

La mím môi, lập lại lời Nguyên hôm nào "Nguyên mơ mộng quá, phải thực tế lên một chút, biết không?". Rồi chụp cái mũ lưỡi trai lên đầu, bảo "Thôi về". Nó kéo sụp mũ xuống, để nước mắt âm thầm chảy trên má.

Nguyên đuổi theo, chỉ thấy một La cứng rắn và lạnh lẽo đang răn dạy "bổn phận của chúng ta là học và chỉ có học mà thôi".

Thằng em gỡ lịch thi xuống, thay vào đó bằng một bảng kế hoạch học hè "Học tin học, giờ... Học anh văn, giờ...". La cũng gỡ lịch thi xuống, treo lên tường một bức vẽ sắc màu êm dịu Nguyên tặng và bắt đầu giúp dì Thanh làm việc. Dì gạt ra, nó cười " Dì cứ để con giúp...". Ba nó ngỡ ngàng "Cảm ơn con" khi nó đặt một cốc nước quả bên bàn vẽ "Ba uống đi cho đỡ mệt". Mọi người đối xử với nhau dịu dàng hơn, cẩn trọng hơn.

Một lần, nghe thấy ba nhỏ giọng nói với dì "Con gái mình đã lớn". Nó tự nhủ "Và mình phải có bổn phận của một người lớn". Những giấc mơ cũng có bổn phận của chúng, xen vào những giấc ngủ dài, huyền hoặc, xa xôi. Một Sài Gòn mùa mưa trắng đường. Và mẹ, bàn tay mát lạnh ve vuốt trên lưng nó. Mùa mưa rào nồng nồng...

Nguyên đi vào một buổi sáng mùa hạ, rực rỡ nắng. La đi uống cà phê với đám bạn cùng lớp, lơ ngơ rúm ró trong cái ghế mây cũ. Bản nhạc buồn nẫu rên rỉ từ hai cái loa rè, "Ta cố dang tay mà không thể níu giữ. Những cơn mưa đã xa rồi, rất xa...".

Một đứa bạn hỏi, "Nguyên đi, La buồn không?". Nó bẻ tay, "Tôi lúc nào cũng vậy thôi. Buồn gì? Vui gì?". Sực nghĩ đến lời cuối cùng của Nguyên, "Ai cũng có bồn phận riêng, Nguyên chúc La làm tròn bổn phận của mình".

La bảo lũ bạn, "Thôi, tôi về". Rồi lẳng lặng đạp xe ra về. Ở nhà nó còn một đống bài tập chưa làm. Chẳng nên phí thời gian vào những chuyện vô bổ thế này mà phải cần hoàn thành nốt những bài tập ấy và những bài tập khác. Xét cho cùng đó mới chính là bổn phận của La.

"Ta cố dang tay mà không thể níu giữ. Những cơn mưa đã xa rồi, rất xa...".

 

Ngày đăng: 12/05/2016
Người đăng: Nguyên Khoa
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Nếu dễ dàng
 

Nếu dễ dàng thì chẳng ai gọi đó là ước mơ nữa...

Yaiba

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage