Gửi bài:

Hoa sữa

Tôi chợt nhận ra, tôi có thể ở đây, vẽ những gì tôi muốn, đã là hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời.

***

hoa-sua

Thu vội tàn sau ba tháng ròng trải mình ở Phan Rang, những bông hoa sữa trắng muốt bắt đầu nổi lốm đốm trên tán lá xanh đằm thắm. Đôi lúc, những cơn gió vô tình thổi mạnh khiến hoa sữa rơi xuống từng đợt, nhuộm trắng lề đường vốn thuần màu đỏ sẫm. Nó mang theo mùi hương dịu nhẹ len lỏi vào lòng người, bất giác khiến người ta thôi nghĩ ngợi về những điều được mất, hơn thua mà hàng giờ trong xã hội đều cuốn lấy họ.

Chân tôi dẫm lên một bông hoa trắng tinh khôi. Qua song sắt hàng rào lạnh ngắt của bệnh viện, tôi lặng lẽ quan sát một cô gái rất trẻ. Cô chừng mười sáu, mười bảy tuổi, gương mặt xinh xắn nhưng nhợt nhạt. Cô ngồi trên chiếc xe lăn, đầu đội cái nón không vành ôm sát, trên người vận bộ đồng phục bệnh viện màu xanh lam.

Tôi chợt có lỗi giác: đối với thế giới xinh đẹp, rực rỡ này, cô chỉ là một màu xám khó hoà nhập.

Tôi bỏ chiếc túi to trên lưng xuống đất, từ trong đó lấy ra cái giá vẽ bằng gỗ và một chiếc ghế hoạ sĩ.

Trưa, đường vắng tanh, thi thoảng vài người lướt ngang nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu. Tôi chăm chú đặt từng nét vẽ gượng gạo lên mặt giấy, tiếng than chì ma sát với thớ sợi gỗ dù nhỏ nhưng vẫn vang rõ mồm một trong không gian yên tĩnh của ban trưa. Tôi nheo mắt nhìn cô gái nhỏ ngồi bất động trong khuôn viên bệnh viện, bất động như thể cô bé là một bức tượng.

Tầm ba tiếng sau, kiên nhẫn của tôi đi tông. Tôi xé nốt tờ giấy thứ mười một rồi thu dọn đồ đạc trở về. Như có một thế lực vô hình nào đó tồn tại xung quanh cô bé, nó làm tôi chẳng thể nào vẽ được cô ấy. Dù tôi có cố đến mức nào đi nữa, những bức tranh tôi vẽ ra đều vô hồn như thể tôi đang vẽ một bức-tượng chứ chả phải con người nữa.

Tôi chẳng biết vấn đề nằm ở bản thân tôi, hay tâm hồn vốn lạnh nhạt của người làm mẫu?

Sau khi nhét mọi thứ vào chiếc túi, tôi nhìn cô bé lần cuối. Cô vẫn giữ dáng ngồi như ba tiếng trước, chẳng nhúc nhích gì, từ trưa nắng cho đến xế chiều.

Tôi quay lưng đi, chân giẫm phải một bông hoa sữa.

Một tuần sau, tôi đến bệnh viện làm kiểm tra tổng quát như lời của mẹ. Đi ngang qua một phòng bệnh ở khoa ung thư, tôi bỗng bị thu hút bởi một bóng lưng cực kỳ quen thuộc – là cô bé ở khuôn viên bệnh viện.

Cô vẫn ngồi bất động trên chiếc xe lăn, ánh nắng nhàn nhạt chiếu lên người cô khiến làn da trắng bệch như trong suốt.

Ngoài vườn, hoa sữa rơi.

Trong khung trời hôm đó, tôi bỗng hiểu vì sao mình không vẽ được cô bé.

Sau khi về nhà, lần thứ hai trong đời, trừ lúc vẽ chân dung cho mẹ, tôi nghiêm túc với một bức tranh như thế.

Tôi cố gắng vẽ nó trong một đêm. Tôi từng hỏi thăm qua, một y tá nói ngày mai cô bé sẽ có ca phẫu thuật ghép phổi. Không hiểu vì sao, tôi nghĩ đến một thứ: Hoa sữa trắng.

Đối với tôi, chẳng có gì tinh khiết hơn hoa sữa. Có lẽ tuổi thơ của tôi gắn liền với hoa sữa, với mùi thơm dịu nhẹ của hoa sữa. Dần dà, trong mắt tôi, không còn gì tinh khiết hơn nó nữa, tinh khiết tựa như không tồn tại. Cũng chính vì thế mà tôi không thể vẽ cô bé, vì cô bé vốn trong suốt trong mắt tôi.

Tôi gửi bức tranh cho một y tá, rồi trở về nhà.

Khoảng năm ngày sau tôi đến lấy kết quả khám bệnh. Khi dừng lại trước căn phòng quen thuộc ở khoa ung thư, tôi sững người nhìn chiếc xe lăn bị bỏ trơ trọi nơi ban công. Cô bé không có trong phòng. Một nữ y tá đang thu xếp và dọn dẹp giường bệnh.

Bất chợt, một người đàn bà va vào tôi. Bà ta chừng bốn mươi tuổi, mắt sưng húp, đỏ hoe, hình như vừa mới khóc. Chiếc túi bà ấy mang trên vai bị rớt xuống làm lộ ra tập hồ sơ và cuộn giấy được cột lại bằng thun.

Tôi cúi người nhặt chúng lên.

Bảo An, năm nay mười sáu tuổi, nhập viện năm mười bốn tuổi vì ung thư phổi.

Tôi mở cuộn giấy ra. Một hình ảnh quen thuộc đập vào mắt tôi.

Bức tranh vẽ những bông hoa sữa.

- Đẹp chứ? Con gái tôi thích nó lắm!

Người phụ nữ nghẹn ngào nói, bà chỉ tay vào bức ảnh cô bé cười tươi rối trong tập hồ sơ, rồi tiếp:

- Nó đấy, xinh lắm. Nhưng nó mất rồi...

Dứt lời, bà ta oà khóc, gương mặt nhăn nhúm. Tiếng khóc như vọng từ một nơi rất xa, nó mông lung đến nỗi tôi chẳng tài nào biết được nỗi đau thương mà người đàn bà này đã gánh là lớn đến chừng nào. Có lẽ, không một thước đo nào đong đếm được.

Tim tôi chợt xiết lại.

Mười bốn tuổi, tôi có bạn bè, có thanh xuân.

Cũng mười bốn tuổi, cô bé chỉ có chiếc xe lăn và khung cảnh lạnh tanh của bệnh viện.

Mười sáu tuổi, tôi có tương lai, có khát vọng.

Cũng mười sáu tuổi, cô bé chỉ có bức di ảnh và sự đứt gãy của cuộc đời.

...

Từ khoảnh khắc đó, mỗi mùa hoa sữa rơi tôi lại cố vẽ những gì còn sót lại trong mình về cô bé. Như một điều hiển nhiên, chẳng lần nào tôi vẽ được.

Cuộc đời của mỗi người luôn có mỗi cách nhìn nhận khác nhau. Có lẽ đối với bạn, việc đi lại bình thường như bao người là một điều hiển nhiên, nhưng đối với hàng nghìn người tàn tật trên thế giới này, thì đó là một khát vọng xa xỉ.

Đến tận lúc ra đi, cô bé vẫn chưa đủ lớn để tìm một ước mơ cho riêng mình. Đâu đó trong não bộ của cô bé chỉ có một ước muốn duy nhất: phải chi, mình có thể khoẻ mạnh như mọi người.

Tôi chợt nhận ra, tôi có thể ở đây, vẽ những gì tôi muốn, đã là hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời.

Ngày đăng: 16/06/2016
Người đăng: Du Thanh Nguyễn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tôi là Beto
 

Các bậc cao tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn làm gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng

Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage