Gửi bài:

Khuất lấp

Lý ngồi dậy, dém chăn cho con. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng đồng hồ tích tích. Chị nhẹ nhàng ra bàn gục đầu suy nghĩ.

Sáng nay, hội đồng nhà trường họp đột xuất. Hiệu trưởng nhìn thẳng vào mặt Lý: - Đề nghị cô "Ný" làm bản tường trình về kỳ họp hội đồng nhân dân vừa rồi cô đã phát biểu thế nào để ảnh hưởng đến trường ta? Thanh tra sở sẽ về "nàm" việc xung quanh những vấn đề cô đã nói. Cô phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Lý choáng váng nhìn quanh, bắt gặp ánh mắt lảng tránh của đồng nghiệp. Phút chốc, hình ảnh đứa con 3 tuổi lẫm chẫm chạy ra đón mẹ khiến mắt cô nhoà ướt.

***

 khuat-lap

2 năm trước, cô trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân, cũng là thời điểm cô được nhận làm hợp đồng ở trường cấp 2 Ngọc Lân này. Cả trường hoan hỉ chúc mừng: Có bà hội đồng ở trường mình, sướng quá còn gì. Này Lý ơi, đừng thành "nghị gật" đấy nhé. Lý lâng lâng hạnh phúc. Hiệu trưởng bảo: "Thời gian nữa cô vào biên chế chính thức rồi "nàm" chủ tịch công đoàn, tâm tư tình cảm chị em cô nắm cả, càng dễ cho cô ở hội đồng nhân dân."

Thâm tâm, Lý biết ơn hiệu trưởng. Cao tuổi lại nói ngọng nhưng ông tốt tính. 1 năm 2 kỳ họp hội đồng nhân dân, rồi tiếp xúc cử tri, tham gia kiểm tra giám sát.... ông tạo điều kiện cho Lý lắm. Ông bảo: Nhân dân huyện ta trông chờ vào cô nhiều, cô phải thay mặt họ mà mạnh dạn đăng đàn nhé.

Thú thật, Lý nhát. Mỗi lần phải phát biểu trước đám đông là Lý thấy trống ngực đập thình thình, hơi thở hụt hẫng, giọng nói run như sắp khóc. Ngày đi học Lý chưa bao giờ làm cán bộ lớp. Cuộc họp thường ngồi im re, ai nói cũng thấy đúng cả. Đi làm, kiểm điểm cá nhân bao giờ Lý cũng tự nhận: Phê và tự phê còn hạn chế. Đồng nghiệp của Lý cũng góp ý: Cậu hiền lành rụt rè quá, phải biết đấu tranh cho quyền lợi của mình chứ.

Ngày cấp trên đưa chỉ tiêu ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân về, áp vào "ba rem", hoá ra chỉ vào Lý: Dưới 30 tuổi, là nữ, dân tộc ít người. Thế là đưa vào danh sách bầu, và trúng. Nhớ nhất lần ra mắt đại biểu hội đồng, Lý choáng ngợp vì toàn người có chức, có quyền. Họ nói to, nói mạnh lắm. Mỗi lời nói là một mệnh lệnh nhiều cấp, nhiều ngành phải thực hiện. Còn Lý, Lý sẽ nói cho ai làm đây? Nhưng dân đã bầu, ắt là họ đặt lòng tin vào Lý, Lý thấy mình có trách nhiệm lớn lắm.

- Cô "Ný", tôi yêu cầu cô làm bản tường trình, cô đã chất vấn cấp trên như thế nào? - Hiệu trưởng nhắc lại:

- Dạ, dạ, cháu...

- Cô có biết "nàm" mất "nòng" lãnh đạo sẽ thế nào không. Trường ta mấy năm nay được mở mày mở mặt một chút, tôi sắp về hưu rồi, cô để cho tôi "hạ cánh an toàn" chứ...

Ông húng hắng ho, cái lưng còng sớm càng dụi xuống, tóc bạc từng mảng. Rít thuốc lào sòng sọc, ông ho rũ rượi, đôi mắt đã mờ đục nhìn ra cây bàng trơ trụi. Chỉ là giáo viên dạy môn thể dục, ông bị người ta "đá" từ trường trung tâm đi hết nơi này đến nơi khác. "Đậu" về được trường này làm hiệu trưởng là ân huệ của giám đốc. Ngày trước ông là bạn chăn trâu với phu nhân giám đốc, nể mặt vợ, giám đốc sắp cho ông một cái ghế. Ông biết lắm chứ, hiệu trưởng ở trường cấp 2 quê mùa này, ông chả ăn gì, còn phải đến tận nhà vận động học sinh đi học ấy chứ. Chẳng bù cho mấy anh chị hiệu trưởng ở thành phố, mỗi dịp tuyển sinh là phải trốn, không có nhà, không nghe điện thoại, không tiếp khách. Ấy nhưng, người ta chọn trường chọn cô cho con học, hiệu trưởng có trốn mấy thì họ cũng tìm ra, năn nỉ, quà cáp cho bằng được. Vậy nên, quy định của ngành là không được nhận học sinh trái tuyến, nhưng có lớp đến bẩy phần mười là học sinh trái tuyến. Nghe nói mỗi suất vào phải phong bì hai, ba triệu đồng đấy, chả biết có đúng không, mồm thiên hạ thì ghê lắm. Nhưng ông cũng thấy buồn. Riêng cái vụ xin cho con vào cấp 3 năm kia, ông cũng bị một vố. Chả gì thì ông cũng là bạn nối khố với phó giám đốc sở, ông muốn xin cho thằng út vào cái trường bán công kha khá của tỉnh, chứ vào trường dân lập chả biết tốt nghiệp xong có đi được đâu không?. Phó giám đốc nghe ông trình bày, cười dễ dãi: - Ông cứ làm đơn đi, mai bảo bác gái mang đến phòng tôi. Thế mà khi vợ ông mang đơn đến, phó giám đốc làm như không quen, bảo: chị mang đơn về, chúng tôi không giải quyết trường hợp nào, cứ thi, đỗ thì vào. Ông được một phen sượng mặt với vợ. Sau có người mách, ông mới biết, chả nhẽ phó giám đốc lại ăn tiền của ông, mà có ít đâu, giá của một suất vào trường bán công ấy là bốn triệu kia mà - thì ông cũng nghe người ta nói thế.

Gì thì gì, người ông mang ơn nhất vẫn là giám đốc. Nhưng thâm tâm, ông ngại lắm. Mỗi lần đến sở gặp cái mắt kính cồm cộp, khuôn mặt gầy tai tái ít khi cười ông lại thấy ơn ớn. Mà giám đốc bảo vệ ngành mới kinh, giáo viên nào ho he có ý kiến trái chiều là ông mời lên tra hỏi đến nơi đến chốn.

Vậy mà cái cô "Ný" này dám đứng trước bá quan văn võ, trước ống kính truyền hình trực tiếp mà nói yếu kém chỗ này, bức xúc chỗ kia, cô cũng là người trong ngành, sao không nói nhỏ, nói riêng với lãnh đạo ngành thôi, "vạch áo cho người xem lưng" làm gì. Thực ra, những điều cô nói đều đúng cả, thậm chí còn tệ hơn thế nữa cơ, nhưng mà.... Sao trước khi phát biểu, cô không hỏi ý kiến ông đã, ông sẽ can cô ngay. Cô mới là giáo viên hợp đồng thôi, tôi thích, cô ở, tôi không thích, cô đi, cô "niều" quá, cô "Ný"....

Càng nghĩ, ông càng giận, càng trách cô. Còn ít thời gian nữa thôi là ông về hưu rồi, ông không muốn có thêm chuyện rằng rịt quàng vào người. Nghĩ đến cái cảnh ông cúi mặt nghe giám đốc xỉ vả, nỗi nhục cứ dâng lên đầy ứ cả cổ. Ông vớ chiếc điếu cày, vội vàng dịt thuốc rít một hơi dài.

Đã gần sáng rồi mà Lý vẫn không thể chợp mắt. Từ ngày làm chủ tịch công đoàn trường, cô như cái thùng đựng tâm tư của mọi người, nhiều khi đầy ứ lên. Tuần trước cái Hoa đến đây, nó là bạn phổ thông với Lý. Nó ra trường dạy tít trên vùng cao, chả có anh nào dám yêu, mãi mới "lừa" được một người, có đứa con trai lên 3 thì bị tai nạn chết, giờ lại mới đẻ đứa bé tí. Nó dạy khá lắm, học sinh giỏi các năm đầy ra. Trường chuyên ở thành phố biết tài nó, gợi ý nó xin về người ta nhận, thế mà hiệu trưởng trường nó dứt khoát không cho đi. Chị ta ngọt ngào: em mà đi thì tổ Văn trường mình tan. Em cứ làm tổ trưởng hết khoá rồi chị cất nhắc. Biết không lay chuyển được hiệu trưởng, Hoa đánh liều đến gặp trưởng phòng giỏo dục. Nó nghe người nói nhỏ, trưởng phòng sắp về hưu nên "quả" to, quả" nhỏ đang "gặt" gấp, cứ thế, cứ thế là ăn. Hoa đến, mang theo gói quà đặt trong túi ni lông mỏng, cái phong bì cài khéo cho ông nhìn thấy. Trưởng phòng cười tươi nhận quà. Vậy mà khi hiệu trưởng trường Hoa nêu vấn đề xin đi của Hoa, ông ta gạt phắt: - Vớ vẩn, chuyển gì mà chuyển, cứ ở nguyên chỗ ấy.

Hoa gục đầu vào nó mà khóc

- Thế mày "đi" bao nhiêu? Lý hỏi

- Mười triệu. Có khi ít quá mày nhỉ. Ông xã tao bảo, cứ bắn nhiều vào, gấp đôi gấp ba vào xem gã có "ngã" không nào, mà cứ nói thẳng đây là phần tiền em trả cho việc thầy giúp em chuyển trường, sao lại nói là quà mới cáp, đúng thật, sĩ dởm. Tao bảo, ụng ấy ngày xưa là thầy giáo dạy em, em không trắng trợn thế được. Lão chồng tao bĩu môi, cơ chế thị trường, cô mất vài chục triệu nhưng về trường chuyên dạy thêm một năm là gỡ, đừng mang cái danh dự vớ vẩn ra nữa, thời buổi khác lắm rồi. Có phải tao lạc hậu qúa không Lý?

Hoa hỏi thế rồi đăm đắm nhìn Lý. Lý vội lảng đi. Cái Hoa chỉ biết trút vào cô thôi, cô có quyền nói, quyền kiểm tra, quyền giám sát, nhiều quyền dành cho cô lắm, vậy mà nửa nhiệm kỳ rồi cô chưa làm được gì. Cô quyết định phải nói. Hôm ấy có truyền hình trực tiếp, lần đầu nói trước mọi người Lý run. Nhưng càng nói Lý càng bình tĩnh. Những điều này không phải bột phát, Lý đã suy nghĩ nhuyễn rồi. Nào là bệnh hình thức, hám thành tích. Chống mãi, hô hào mãi nhưng vẫn còn nặng nề lắm. Rồi chuyện luân chuyển gíao viên, dôi dư ở trường này luân sang trường kia, thế là "thòi" ra một số người thuộc diện dôi dư ở trường lẻ lại được luân về trường chuyên, chả biết múa may dạy dỗ thế nào. Rồi mánh "chuyển trường" vào đầu cấp 3. Chả là điểm đầu vào một số trường trung tâm cao lắm, học sinh kém dạt sang thi vào các trường lân cận. Nhưng chỉ 1 tháng sau, luồng học sinh này đĩnh đạc chuyển từ trường kém sang trường tốt ....

Sau buổi họp, ông chủ tịch hội đồng nhân dân bắt tay Lý: Cô xứng đáng là đại biểu của dân, cố gắng lên nhé. Lý bỗng thành trung tâm chú ý của báo chí, mấy phóng viên truyền hình hỏi sâu thêm về vấn đề Lý nói và phát vào chương trình tâm điểm. Mấy ngày trời, Lý nhận điện thoại, tin nhắn liên tục, người trong ngành khen Lý dũng cảm, họ bức xúc lắm nhưng vì miếng cơm mà phải ngậm miệng. Người ngoài ngành bảo Lý đã biết sử dụng quyền đại biểu, "đừng ngồi im ngủ gật hết nhiệm kỳ Lý nhé"...

***

 

Cuộc họp bất thường đông đủ cả, giám đốc sở đến sớm, cặp mắt trũng sâu buồn buồn. Trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng nem nép ngồi phía sau, không ai nói với ai một lời. Gặp Lý ở hành lang, nhiều người tránh nhìn cô.

Mở đầu chương trình, hiệu trưởng đang cố gắng dùng nhiều mỹ từ để nói lý do buổi họp bất thường này thì giám đốc sở đã khô khan cắt ngang:

- Đề nghị chị Lý đọc bản tường trình.

Lý hắng giọng, dồn bình tĩnh, đọc. Mà Lý không hiểu sao mình phải tường trình, tường trình cái gì nhỉ, khi mình đường đường là đại biểu hội đồng, mình có quyền chất vấn. Bằng chứng ư, mình đủ cả. Vậy mà hiệu trưởng bảo làm tường trình Lý đã ngoan ngoãn làm, ngoan ngoãn đọc.

Lý đọc xong, cả hội nghị im phắc, hiệu trưởng húng hắng ho, nâng chén nước nguội lên uống ực một cái. Giám đốc sở nặng nề đứng dậy, đôi mắt càng trắng sau cặp kính, môi ông run và thâm hơn mọi ngày. Hiệu trưởng vội vàng cầm chiếc micro chạy đến nâng 2 tay kề tận mồm giám đốc, nhưng ông gạt ra bảo: không cần.

- Quả thực tôi rất sốc khi nghe cô Lý chất vấn tại buổi họp hội đồng nhân dân - giọng ông trầm trầm - ngành ta vốn đã nhiều chuyện cần phải kê chỉnh, nhưng tôi không ngờ lại có nhiều điều đáng buồn đến thế. Thời gian qua tôi đã bị cấp dưới bưng tai, bịt mắt, nay tôi mới hiểu. Tôi đã cử ban thanh tra của sở đi kiểm chứng tất cả những vấn đề cô Lý nêu, có căn cứ cả, cô Lý không phát biểu hồ đồ đâu. Với tư cách là giám đốc sở, tôi xin cảm ơn và biểu dương cô Lý...

Phòng họp bừng tỉnh, vài đôi mắt thất vọng, hiệu trưởng há hốc mồm nhìn giám đốc, hóa ra ông đã hiểu oan sếp của ông bấy lâu nay. Đây mới là con người công minh chính đại. Ông bỗng thấy hổ thẹn với bản thân quá chừng.

Bắt tay chào hiệu trưởng, giám đốc sở ghé tai ông nói nhỏ:

- Anh thu xếp cho cô ta đi học, nhận thêm người vào trường cho đủ, cô ta học xong, để tôi xử lý.

Hiệu trưởng vội vàng "vâng" một tiếng. Cái lưng khọm xuống thêm chút nữa.

Minh Hằng.

Ngày đăng: 19/08/2016
Người đăng: Minh Hằng Nguyễn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Mark Zuckerberg
 

Hãy làm những gì mình yêu thích

Mark Zuckerberg- CEO Facebook

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage