Bẫy sông
Huyệt nước giết trẻ con? Ấy là những vũng nước bề mặt hiền lành, vậy mà sâu hút vào lòng sông. Ai không may sa chân vào đấy chỉ quẫy đạp đến chết, dù biết bơi.
***
40 tuổi, Phong nổi tiếng trong làng báo. Anh là cây bút đáng gờm với nhiều doanh nghiệp. Nhất là lĩnh vực khai thác khoáng sản. Không ít chủ mỏ phải đóng cửa hoặc tốn thêm tiền tỉ vì những bài báo của anh.
Phong không giấu tự hào về sự tài giỏi của mình. Anh được mời đi nhiều nơi giảng nghiệp vụ báo chí. Tâm sự riêng cũng như lúc đăng đàn, anh đều thổ lộ gan ruột với đồng nghiệp: Luôn đặt câu hỏi phản biện và nghi ngờ điều đang thấy. Nhưng cũng đừng mất niềm tin, nhất là phải tin vào trực giác nhanh nhậy của mình.
Một tổ chức phi chính phủ biết tiếng Phong. Họ mời anh đến giảng cho trẻ em cách viết báo. Tiền công khá cao không phải lý do chính để Phong nhận lời. Anh nghĩ: Trẻ con phải được nói lên tiếng nói của mình. Dạy chúng viết báo là một cách để bảo vệ trẻ em.
Phong đến Thanh Bình từ sớm. Đây là xã ven sông nổi tiếng cảnh đẹp thơ mộng. Đã có lần Phong cùng lũ bạn thời đại học đi pic-nich vùng này. Mấy đứa bạn người Hà Nội bị hút hồn bởi vô vàn đồi chè nhấp nhô, bãi phù sa ven sông vàng rực màu hoa cải. Chúng chụp không biết bao nhiêu là ảnh khoe bạn bè trên phây - búc.
Lớp học gồm 40 đứa trẻ tuổi từ 12 đến 15. Chúng là những học sinh giỏi của xã Thanh Bình. Từ chỗ Phong dạy học nhìn sang ủy ban nhân dân xã, Phong thấy sân ủy ban ô tô đỗ kín. Bác Minh chủ tịch - bọn trẻ chỉ cho Phong thấy - đi ô tô xịn nhất chú à. Đấy, đấy, người lùn lùn, mặc sơ mi trắng, bụng to đấy chú nhìn rõ chưa?
Suốt buổi sáng, chỉ có Phong và lũ trẻ học, bày trò chơi. Giờ nghỉ trưa, Phong tà tà chạy xe tìm quán ăn. Anh bỏ đường bê tông, rẽ vào ngõ đất phủ đầy lá tre. Không khí mát rượi, gió ràn rạt thổi cong ngọn tre. Phong sững người nhìn thấy dòng sông trước mặt. Rặng tre xơ xác không che nổi tầm mắt người. Sông cạn trơ, vô vàn "nấm mộ" đá sỏi chi chít như những mụn cóc khổng lồ mọc kín khúc sông.
Phong bỏ xe, nhảy từ ụ đá này sang ụ đá kia đi giữa sông. Có ai nghĩ rằng đây là nguồn nước canh tác của hàng vạn héc ta lúa, nguồn sống của hơn một triệu dân tỉnh này. Trong nhiều dự án bảo vệ dòng nước, Phong đọc được, người ta phân tích vô vàn lợi ích con sông mang lại. Nào cảnh quan xinh đẹp, nào cá tôm trù phú, nào bản sắc văn hóa vùng quê bên lở bên bồi. Có người còn chứng minh điều đáng sợ: Nếu một ngày nào đó sông cạn kiệt thì dải đất này sẽ trở về thời tiền sử.
Vậy mà đây, khúc sông thành nghĩa địa sỏi đá từ bao giờ?
Chân Phong bước vô định, anh nhìn thấy túp lều nhỏ núp dưới bụi tre. Trong lều, một chiếc chõng, chiếc bàn nhựa. Và một người đàn bà tóc xõa.
- Chào chị, tôi hỏi chị mấy câu được không?
Im lặng. Chỉ có đôi mắt vô hồn.
- Chị ở đây lâu chưa?
Im lặng.
- Chị ở một mình hay ở với chồng con?
Im lặng. Đôi mắt hướng lên vách nhà. Nước mắt người đàn bà ứa ra.
Theo hướng nhìn, Phong thấy ảnh một bé gái chừng 5 tuổi cài trên vách nứa. Bé mang nét xinh của mẹ, tóc cắt ngang vai. Mắt bé tròn xoe, trong veo, ngơ ngác.
- Con chị đấy ư? cháu xinh quá!
Im lặng. Đôi vai rũ xuống, mặt úp vào gối. Người đàn bà nấc lên từng chặp.
Đứng một lúc lâu. Phong lặng lẽ quay ra, sau khi để trên mặt bàn một tờ 200 nghìn đồng.
- Chị mua quà cho cháu giúp em. Nếu em làm phiền thì mong chị tha lỗi nhé.
Hoang mang, Phong quay xe trở ra. Anh tấp vào cái quán nhỏ, gọi bát mì tôm, ấm nước chè. Chủ quán lúc đầu có ý dò xét, sau cởi mở dần.
"À, nó là cái Na, dở người từ bé, lại bị câm, nhà xóm trong. Bỗng dưng đổ đốn hoang thai. Bố mẹ đuổi, chắc là tay kia làm cho cái túp ấy ở. Có ruộng vườn gì đâu, chỉ nhặt trai hến bán cho người đi chợ. Ăn thì rau tập tàng, cua ốc mò sông lên thôi".
"Con nó đấy. Con bé xinh, thông minh ghê lắm. Tí tuổi đã biết trông nhà. Tha thẩn chơi một mình cho mẹ mò cua bắt ốc. Cũng tội".
"Trai hến chỗ ấy cạn kiệt, mẹ nó phải đi xa. Con bé nhớ mẹ quá chạy đi tìm, rơi xuống hố nước trên sông. Nó chết mới tháng trước chứ mấy..."
Miếng mì nghẹn trong cổ. Phong lấy tay vuốt vuốt mấy cái không xuống được. Chủ quán vội đưa cho anh cốc nước.
- Úi giời, chuyện ý quanh đây nhiều lắm chú ơi. Riêng xóm này có 3 đứa trẻ con chết đuối trong hố cát đấy.
Nói rồi ông chủ quán mau mắn đưa Phong ra phía sau nhà:
- Quanh năm nhức óc vì tàu hút cát chú ạ. Cái vòi nó còn kinh khủng hơn vòi con bạch tuộc. Nó bám vào đâu là cát non cát già, sỏi to sỏi nhỏ chui tuột vào bụng nó. Thứ nào bán được thì họ chất lên thuyền chở đi, thứ nào không bán được thì chúng "ỉa" kín lòng sông đây này. Nhà tôi trước làm nghề chài lưới, thêm mấy mẫu ngô nếp, sống tàm tạm qua ngày. Giờ thì sông chẳng còn cá. Bãi cát phù sa chui vào vòi tàu hết rồi. Nó cứ rúc cái vòi hút bên dưới, đất phía trên lở xuống, mình biết kiện ai hở chú? May quá khúc sông này hết cát, chúng nó cuốn gói đi hôm qua, để lại bao nhiêu huyệt nước giết trẻ con kìa chú.
Huyệt nước giết trẻ con? Ấy là những vũng nước bề mặt hiền lành, vậy mà sâu hút vào lòng sông. Ai không may sa chân vào đấy chỉ quẫy đạp đến chết, dù biết bơi.
Viết về khoáng sản bao nhiêu năm, Phong không ít lần chứng kiến phu than chết ngạt dưới hầm thổ phỉ đen ngòm. Trong chiếc máy ảnh này anh còn lưu hàng chục con người xấu số chết chẳng toàn thây do đá đè hoặc tranh giành địa bàn khai thác. Nhưng đôi mắt đứa trẻ trong túp lều ven sông như găm vào tim Phong khiến anh nhức nhối. Chiều hôm đó, nhìn 40 học sinh ngồi nghe Phong giảng bài, đôi mắt nào cũng ngây thơ và đăm đắm câu hỏi như đôi mắt bé con 5 tuổi, khiến Phong nhiều lúc phải dừng lời, quay đi giấu một tiếng thở dài.
Ngay đêm đó, Phong triển khai đề cương phóng sự 3 kỳ về nạn khai thác cát sỏi trên sông. Gần 10 phóng viên của tòa soạn được huy động. Bao nhiêu việc động trời ở xã Thanh Bình bị phanh phui. Chủ tịch Minh, trưởng công an xã, cùng nhiều cán bộ huyện mất chức. 15 chủ tàu cát mất việc. Phóng sự của Phong và nhóm phóng viên tiếng vang khắp nước, đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi bảo vệ môi trường Châu Á.
Tròn 5 năm sau ngày đến Thanh Bình, Phong lại được tổ chức phi chính phủ mời trao đổi viết báo, vẫn theo dự án bảo vệ trẻ em của họ.
Bí thư đoàn đón Phong ngay từ đường rẽ vào xã. Cậu ôm choàng lấy anh:
- Anh Phong, em biết tiếng anh đã lâu, khâm phục anh vô cùng. Tất cả bài báo anh viết em đều đọc, cất giữ cẩn thận. Em muốn trở thành cộng tác viên của báo. Anh giúp em nhé?.
Vậy là bí thư đoàn thành học sinh thứ 41.
Buổi trưa, cậu kéo Phong về nhà. Cơm canh đợi sẵn. Bên ly rượu, Phong dốc lòng truyền đạt kiến thức cho cậu học trò ước ngày nào đó trở thành phóng viên.
Tan buổi học, tiễn Phong ra tận quốc lộ, bí thư đoàn lại ôm Phong thật chặt:
- Cảm ơn anh nhiều. Mong một ngày nào đó em sẽ có bài gửi anh đăng báo.
- Anh cũng cảm ơn em. Với trực giác của người làm báo, anh nghĩ em sẽ còn tiến bộ nhiều...
Quay xe trở về nhà, bí thư đoàn đã thấy chủ tịch xã ngồi chờ:
- Thằng cha nhà báo hôm nay hết đi tìm hiểu lung tung. Thế mà cũng mang danh nhà báo giỏi. Chỉ có tay Minh ngu mới để cho cánh báo chí đi lại tự do.
- Bố thấy con nghĩ ra cách giữ chân hắn hợp lý chưa? Không hổ danh con chủ tịch chứ bố?.
Tiếng cười của hai bố con nhà chủ tịch xã Thanh Bình vang xa, át tiếng rì rầm của hàng chục vòi rồng đang rúc vào lòng sông xơ xác. Tiếng cười trượt dài trên những huyệt nước trên sông.
Minh Hằng