Gửi bài:

Quê chừng bao nhiêu

Con Thơm ra trường đi làm đã ba năm, cứ đi đi về về nhưng tuyệt nhiên không thấy dẫn thêm thằng bạn từng học cùng hay con bạn dạy cùng trường về lần nào nữa...

***

1. Giữa mùa đang mưa dữ dội nên chẳng nhiều việc để làm, chị thường bắt đầu ngày mới bằng cái dáng ngồi quê mùa trên cái bộ ngựa kê giữa nhà, nhìn ra ngõ. Chị Bảy bên hội phụ nữ cắp danh sách mấy nóc nhà trong ấp cần tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, đang đánh bộ tòng ten. Đi đến cửa rào nhà chị thì giảm bước, lật tờ giấy ra ngó nghiêng rồi đi qua. Chắc trong trí nhớ của chị Bảy, gia đình vừa dừng chân đó hồi nào cũng từng đủ bộ vợ chồng, cũng cần phải tuyên truyền, mà đột nhiên quên mất, giờ chỉ còn lại chị vợ, anh chồng đi mất tăm mất tích từ hồi nào. Có chăng chỉ còn hom hem trong trí nhớ những người già lúc 3 đứa con nhỏ nhà đó còn lê la ngoài sân đất, con chị ẵm con em, con em chăm con em nhỏ.

que-chung-bao-nhieu

Trời mưa dữ quá, kiểu này không chừng nước ngoài đồng dâng cao, việc không ai mướn, nhà lại ngập lục thì toi lại tràn vào nhà. Mà lần quần đi tới đi lui cũng chỉ ngó nghiêng cho đỡ sốt ruột chứ chẳng làm được gì. Rầu chán chê thì phải đi nấu bữa cơm để con Thơm về bất tử không có gì bỏ bụng.

Qua tuần bớt mưa, con Thơm báo dắt bạn về chơi nhưng dặn má khỏi bày vẽ dọn dẹp gì mắc công mệt. Rồi như sợ chị hay mắc cái tật lo lắng, lại cuống cuồng chuẩn bị này kia mà con Thơm quày quả bỏ điện thoại cũng chẳng nói chính xác ngày nào về.

2. Ba ngày sau thì con Thơm về thiệt. Dẵn theo thằng bạn trai mặt mũi sáng láng, quần jean phủi bụi áo thun trắng tinh, đầu nhuộm nâu thời trang dữ thần. Ngồi xe đò gần ba trăm cây số coi bộ quá sức lại phải lội bộ từ lộ cái chừng thêm hai cây số mới vô tới căn nhà sàn nằm mút ngoài đồng nên mặt thằng nhỏ cứ xanh như đít nhái. Vô tới cửa thì coi bộ thằng nhỏ còn lạ nước lạ cái nên điệu bộ có vẻ luống cuống chẳng biết níu vô chỗ nào hay ngồi chỗ nào mới đúng trong khi gian nhà trước chỉ có mỗi cái bộ ngựa để sinh hoạt chung, chủ nhà hay khách tới cứ đặt đít ngồi đó. Con Thơm giới thiệu, má, bạn con học chung ở thành phố, xuống chơi cho biết nhà. Chị lại ngoắc tay rồi chỉ xuống bộ ngựa, mèn ơi ngồi xe chắc mệt dữ thần hả con, tội nghiệp quá hà, ngồi nghỉ đi con rồi te te ra sau rót cho thằng nhỏ ly nước mưa mới nấu với lá dứa hồi sáng để dành cho nó.

Đường dài, dân thành phố chưa quen cái nắng cái gió miền Tây nên thằng nhỏ có vẻ hơi lừ đừ ít nói. Bữa cơm chiều chị đãi con Thơm và thằng bạn món cá linh nấu canh chua điên điển ngon hết sẩy theo kiểu con Thơm hay hít hà mỗi khi đi học về được má cho ăn. Nhưng thằng nhỏ có vẻ chưa từng ăn cá hủn hỉn nên suốt buổi thấy nó cứ lừa lừa con cá như thể sợ bị mắc xương còn chị thì chẳng tinh ý, cứ gắp cá cho vào chén nó không kịp thở. Con Thơm cũng không biết làm sao để nói được với bạn ăn đi, món này Thơm thích nhất đó, bông điên điển này nè, má phải bơi xuồng tuốt ra đồng cả tiếng mới hái được chỉ nom nửa rổ, mà đồng mùa này nước lênh láng, lơ mơ không chú ý là bị nước cuốn đi như chơi. Chắc con Thơm cũng nghẹn họng khi nghĩ tới cảnh má nó đứng trên chiếc xuồng chòng chành với tay tuốt mấy cái bông điên điển phất phới không biết bất thần lúc nào thì hụt chân.

Cơm nước xong thì trời tối mịt. Chị vẫn giữ thói quen giăng mùng cùng lúc với gà gáy lên chuồng. Một phần khác vì muốn để con Thơm tự nhiên nói chuyện với bạn nó. Mùa mưa, ông mặt trời lặn nhanh như con nít quê chơi trốn tìm, hô từ một tới ba là trốn mất dạng, có khi tìm đến nửa đêm chưa ra, đứa đi tìm chỉ có nước khóc lu loa vì bị đừ. Nhà có đèn điện nhưng có vẻ cũng quá tù mù, không thể sáng trưng bằng buổi tối trên thành phố nên thằng nhỏ có vẻ bứt rứt chút đỉnh. Thay vì hỏi thăm con Thơm về tía má anh chị em trong nhà nó hay nếu biết rồi thì hỏi vu vơ tuổi thơ sao, lớn lên bằng cách nào hay hồi nhỏ ở dưới này con nít hay chơi những trò chơi gì vì tụi mình ở thành phố hay chơi điện tử, đọc truyện tranh, đi du lịch khi nghỉ hè... thì thằng nhỏ chắc có nhiều chuyện thú vị không thể nhịn nổi về cái miền quê nó vừa đánh ạch cái đít ngồi lên kia, phải kể liền cho tụi bạn trên kia nên hết gọi điện thoại cho thằng bạn này, con bạn nọ huyên thuyên cả buổi mặc cho con Thơm ngồi đuổi muỗi liên tay. Chuyện trò chán chê, thằng nhỏ lí nhí cần giải quyết nhu cầu vì cái bụng hồi chiều chắc không chịu nổi mớ điên điển nấu còn hăng hăng nuốt vội nuốt vàng. Thơm cười hiền hiền, để Thơm dẫn cho đi.

Đường từ nhà ra hầm cá của ông Ba Rô cũng độ hơn vài trăm mét, tre trúc oằn mình, gió mát quá, cảnh thiệt nên thơ. Vậy mà thằng nhỏ có vẻ ớn lạnh khi nó quay sang hỏi Thơm, bộ tối đi vầy không sợ ma hả. Ma cỏ gì, đất ở đây quen Thơm quá nên chắc ma cũng quen không nhát ai. Trời tối quá nên chắc thằng nhỏ không thấy được niềm tự hào được sinh ra ở cái miệt chó ăn đá gà ăn cứt này của con Thơm, không thấy mắt con nhỏ lấp lánh dưới ánh sáng heo hắt. Mà chắc chỉ có mỗi con nhỏ là tự hào. Chỉ cho bạn cái cầu cá tra kín đáo nhất xong con Thơm lịch sự lánh ra chỗ mấy cây chuối hít hà cái mùi nhựa cây để bạn thoải mái. Không biết thằng nhỏ có bị sốc trước những thứ nó nhìn thấy ở quê con Thơm như là cái nhà không có lấy bộ sô pha để ngồi, cái bộ vạc ngủ ê mình mẩy suốt đêm cứ nghe con gà gáy rền rền như sấm bên tai chẳng ngủ nghê gì được, nước uống không đựng trong bình nhựa trong suốt có cái vòi đưa ra hay cái nhà tắm chiều qua nó vô chỉ có mỗi tắm vải mỏng cũ tê tái che tạm bợ mà còn phải múc từng gáo nước đổ lên mình thay vì cái vòi sen xả ào ào vừa mát xa như trên nhà nó, hay là quá thể tưởng tượng cảnh chiếc cầu cá lộ thiên ngồi mà nghe gió lùa lật phật dưới đùi mắc cỡ đến độ chẳng dám ngước mặt lên mà cũng không thể cuối xuống ngó... chính mình hay nên sáng ra nó quầy quả báo bận phải bắt chuyến sớm về thành phố mặc cho mặt con Thơm tẻn tò chẳng hiểu thằng bạn có gì gấp dữ thần khi mới hôm qua còn bảo muốn về ở bài bữa để hiểu Thơm hơn. Mà có lẽ thằng bạn cũng đủ hiểu Thơm rồi cũng nên hay là cũng thấy hết cần phải hiểu làm chi một con nhỏ tóc dài chấm vai, vóc người nhỏ nhắn học văn sư phạm suốt ngày nói khẽ cười duyên ít tiếp xúc bạn bè, sống khép kín nhưng lại có giọng văn đọc nghe trào nước mắt lại sinh ở ở cái vùng đất quê khó tưởng tượng như vậy mà cách đây vài bữa chính thằng nhỏ cứ nằng nặc kêu quê cỡ nào mình cũng chịu được. Chắc lúc nói câu đó thằng nhỏ chỉ nghĩ đến được gần con Thơm mấy bữa, tha hồ ngắm cái mũi dọc dừa, cặp mắt bồ câu, nước da bánh mật trẻ lâu của con nhỏ thôi quá. Nó đâu có ngờ, quê gì đến độ nước rửa mặt phải bơm lên lóng phèn rồi chờ nửa ngày mới xài mà nước cứ có mùi lờ lợ. Chẳng ngờ và khó chấp nhận nhất là cái khoản cầu cá vồ mà con nhỏ đẹp đẽ chừng đó lại có thể ung dung ngồi... giải khuây mỗi ngày cho được.

3. Thằng bạn đi rồi, con Thơm mới sực nhớ, chắc tại trước khi về miệt này, dù con Thơm đã nói trước rồi, quê mình quê lắm, nhưng thằng nhỏ chưa hiểu rõ chữ 'quê lắm' là quê cỡ nào. Bất quá là quê như người ta hay nói thôi chứ đâu có ngờ là quê đến độ làm cho nó không thể sống hay hít thở cái không khí gì mà lúc nào cũng phảng phất mùi cứt trâu cứt bò, mùi con gà con vịt, mùi sình mùi lầy bám lên cả con người. Chắc nó nghĩ bất quá là quê kiểu 'bắt con cá gô bỏ dô gổ nhảy gồ gồ' thôi chứ gì, kiểu quê đó ai chẳng biết. Ai có ngờ là quê đến độ chẳng thể ở đó thêm một giây khắt nào nữa. Quê đến độ làm cho người ta nghẹt thở chẳng thể nghĩ thông sao gần ấy con người có thể sống trong điều kiện như vậy, chắc chỉ có con vịt con gà là chịu được.

Thằng bạn đi rồi con Thơm cũng không giải thích gì nhiều với má. Nó ở lại với chị dăm ngày rồi cũng đi, hô chuyến này con ít về thường tại vì bận đi thực tập năm cuối sư phạm. Dặn má đau lưng thì nằm nhiều vô ít mần lại, nó sắp ra trường đi làm có tiền cho má đỡ lo, cho con út đi học trên huyện đỡ xin tiền chị hai lấy chồng bên sông đầu tất mặt tối cấm vào mấy sào ruộng với bầy heo nái.

4. Con Thơm đi rồi, chị nhìn cái nhà tắm phất phơ tấm vải thâm kim, tính nhẩm trong bụng đổi cái kia thay cái nọ rồi lân la lên chợ hỏi thăm chỗ bán vật liệu xây dựng đâu ông nhẩm nhẩm dùm tui mua cái cửa, đào cái hố ga, xây cái hầm cầu kiểu đó bao nhiêu tiền. Nghe người ta tính cho một hồi rồi trên đường về lại nhẩm nhẩm chục năm làm lụng lận lưng được bao nhiêu, cộng với tiền con Hai cho một năm được tạ lúa quy ra chắc cuối năm gặt xong đám lúa mướn cho nhà bà Sáu, nhổ cỏ cho bên chú Năm là vừa khít dù cố tình quên đi cơn đau buốt ở sống lưng mà cậu y sĩ gần nhà kêu phải nghe tui, đi trị cái thoát vị đĩa đệm do khom lưng cấy lúa nhổ cỏ đêm ngày kia đi nếu không dễ liệt nằm một chỗ à. Chị cười khì khì, chú hù tui chi, trời kêu ai nấy dạ, sức mấy ổng kêu tới tui mà lo...

6 tháng ròng rã con Thơm không về nhà vì bận dạy thêm kiếm tiền đủ thứ. Chỉ có con em út trên huyện nghỉ hè về ở hai tháng là há hóc miệng kêu trời ơi cái nhà tắm cửa nhựa lùa, có cái chậu rửa mặt, cái nhà vệ sinh mới tinh, còn đẹp hơn cả cái con thấy trên huyện, má làm hồi nào mà đã dữ trời rồi suốt ngày cứ hở là tót đi tắm.

Con Thơm ra trường đi làm đã ba năm, cứ đi đi về về nhưng tuyệt nhiên không thấy dẫn thêm thằng bạn từng học cùng hay con bạn dạy cùng trường về lần nào nữa dù cái nhà tắm có cửa che bằng tắm vải thâm đen, cái cầu cá tra mỗi lần đi phải lội qua mấy bụi tre heo hút gió lùa đã được thay bằng cái nhà tắm đúng nghĩa, còn khang trang hơn cả ngôi nhà chị đang ở. Chắc vì con nhỏ tới lúc đó cũng chưa trả lời được cho tụi bạn cái câu hỏi 'quê chừng bao nhiêu' khi cũng có mấy đứa hỏi quê ở đâu và nhận được câu trả lời 'quê mình quê lắm' của Thơm. Phải chi tụi nó hỏi quê Thơm bao xa thì con nhỏ còn quy ra chừng gần ba trăm cây số mà trả lời rành rọt, đằng này cái chữ 'quê bao nhiêu' cứ như cục đá ném vào giữa ký ức của nó. Mà ký ức của nhỏ Thơm thì sâu không đáy, biết đâu mà lần. Cũng như cái ký ức ngày cha nó lẳng lặng đi biền biệt khi ba chị em nó đang lê lết trước sân nhà hay cái ký ức thằng bạn bỏ về ngang xương khi được dắt đi cầu cá.

Diệu Hạnh

Ngày đăng: 28/10/2016
Người đăng: Hanh Dieu Nguyen
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
ĐIệu Valse giã từ
 

Quyến rũ một người phụ nữ là ở trong tầm tay một kẻ ngu ngốc vớ vẩn nào đó. Nhưng còn phải biết thoát khỏi cô ta nữa, điều này đòi hỏi phải là một người đàn ông chín chắn

Điệu Valse giã từ (Milan Kundera)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage