Gửi bài:

Người thầy của tôi

Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẽ cười rồi im lặng. Thầy ơi! Sao con nhớ thầy đến thế!

***

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ và nghèo khó. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngôi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Trường tôi ngày xưa nghèo lắm! Nhưng ở nơi đó chất chứa nhiều kỷ niệm thân thương về người thầy, về tuổi thơ của tôi!

Đã gần 20 năm trôi qua nhưng hình ảnh thầy vẫn luôn hằng sâu trong ký ức của tôi. Đó là người thầy đầu tiên của tôi. Ngày đầu đi học tôi đã rụt rè đứng trước cửa vì ngại lớp sợ thầy, tôi đã không dám rời tay mẹ để vào lớp. Thấy tôi rụt rè, thầy nhìn tôi mỉm cười và dắt tôi vào lớp, lúc đó tôi cảm nhận được một sự gần gũi đến lạ, người thầy đầu tiên, mới gặp mà dường như quen từ lúc nào.

nguoi-thay-cua-toi

Thầy tôi lúc ấy cũng đã già, mái tóc thầy đã ngã màu hoa râm. Sau cặp mắt kính lão già cộm, đôi mắt thầy đã xuất hiện nhiều khóe chân chim tuy vậy nhưng mắt thầy sáng, sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm.. Thầy gầy và dáng đi hơi khòm. Sáng nào thầy cũng lọc cọc đi trên chiếc xe đạp khung han gỉ tới trường. Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ.

Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ "yêu thương" và "tận tụy". Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp đều đặng để dạy cho chúng tôi những nét chữ, những phép tính và cả những bài học nhân nghĩa đầu đời.

Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo. Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng, sẽ là những con người có ích, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Niềm tin của thầy thắp sáng những ước mơ và hoài bão trong tôi. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.

Tôi vẫn nhớ những lần được thầy đưa về nhà. Con đường đá gồ ghề đã lấy của thầy biết bao nhiêu là mồ hôi. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh thầy cùng với chiếc xe đạp cũ cứ kêu cót két theo từng vòng quay. Lưng thầy ướt đẫm mồ hôi mà miệng vẫn luôn cười. Trên con đường gập ghềnh, dài ngoằng bỗng như ngắn lại, thầy và tôi trò chuyện bao nhiêu điều thú vị. Tôi vẫn nhớ có lần thầy hỏi tôi: "Con có biết giông bão có lợi gì cho cây cối không?!". Lúc bé ngây thơ tôi nào có hiểu được ý của thầy, tôi đã ngây ngô trả lời: "Dạ không ạ, con chỉ thấy bão làm cho cây cối bị gãy và ngã thôi, con đâu thấy nó có lợi gì đâu hả thầy?". Thầy mỉm cười rồi bảo rằng: "Giông bão sẽ làm cho cây cối bám rễ sâu hơn đó con, có thể bây giờ con không hiểu nhưng sau này lớn lên con sẽ hiểu!". Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẽ cười rồi im lặng. Thầy ơi! Sao con nhớ thầy đến thế!

Rồi năm tháng trôi qua tôi không còn học lớp thầy nữa, nhưng tôi vẫn hay đến nhà hoặc đến trường thăm thầy. Đối với tôi thầy không đơn thuần chỉ làm một người thầy mà thầy con như một người cha, một người dạy cho tôi bao điều hay lẽ phải, là nguồn động viên lớn của cuộc đời tôi.

Năm đó tôi đậu đại học, nhưng nhà khó khăn lại đông anh em, quê tôi cũng nghèo, chẳng mấy ai cho con đi học đại học. Ba mẹ tôi cũng vậy phần vì quá nghèo, phần vì nghĩ đến điều kiện của con mình "làm sao mà chọi với người ta!" ...Thầy là người duy nhất ủng hộ tôi và cho tôi niềm tin rằng "tôi cũng có thể". Thầy đã tới nhà tôi mấy lần, nói chuyện với ba mẹ tôi rất lâu để tôi được đi học. Và cuối cùng tôi cũng được thực hiện giấc mơ thời sinh viên. Nhưng vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy tôi... Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu tôi. Nhiều lần tôi định bỏ cuộc, nhưng thầy gọi điện đã động viên tôi.

Một ngày nọ thầy lặn lội lên thành phố để thăm tôi, dúi vào tay tôi một gói giấy mà thầy gọi là "bí kíp" rồi dặn "lúc nào khó khăn nhất thì con hãy mở ra!". Gói "bí kíp" mà tôi nhận được từ tay thầy lúc nhận tôi đã ngờ ngợ đó là một xấp tờ tiền được thầy gói cẩn thận. Đó có lẽ là số tiền mà thầy đã dành dụm được. Cầm xấp tiền trên tay mà nước mắt tôi đã rơi từ bao giờ tôi cũng không biết nữa, tôi thấy biết ơn thầy vô cùng.

Đã lâu lắm tôi không về nhà, và lâu lắm thầy không lên thành phố thăm tôi nữa. Trưa đó, mới đi học về mẹ gọi điện lên báo: "Thầy N. mất rồi!". Tôi chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: "Sao thầy mất?", rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: "Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Vài hôm sau thì thầy mất..."

Cả thế giới quanh tôi như sụp đổ. Tôi bỏ hết mọi việc, học hành leo lên xe đò vội vã về quê. Suốt chặng đường về nhà những hình ảnh về thầy cứ hiện lên trong đầu tôi. Tôi nhớ về lần đầu tiên đi học, về những lần được thầy đưa về nhà trên chiếc xe đạp cũ, nhớ nụ cười của thầy mỗi khi tôi đến thăm, nhớ cả lần thầy lên thành phố trao cho tôi gói tiền tiết kiệm của thầy. Tôi thấy mình có lỗi với thầy, mấy năm qua tôi miệt mài trên thành phố mà không một lần về thăm thầy, chắc thầy nhớ tôi nhiều lắm.

Nước mắt tôi lăn dài trên má, mặc cho những lời hỏi thăm và ánh mắt tò mò của những người xung quanh, trái tim tôi gào lên nức nở: "Thầy ơi sao không đợi con về ...".

Đoàn Nguyên (Nguyễn Đoàn Đức Vũ - iuh)

Sài Gòn 17/11/ 2016

 

Ngày đăng: 17/11/2016
Người đăng: Thủy Tinh Verse
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
John Lennon - waste time
 

Đừng phí hoài thời gian đi tìm kiếm những điều phù phiếm, hãy sống cuộc sống của chính bạn

by John Lennon

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage