Gửi bài:

Cái khổ

Hơn một tuần trôi qua, tôi đã chứng kiến cái cảnh khổ mà không ai có thể tưởng tượng nổi giữa cái thời đại đang phát triển như thế này, khổ ghê gớm, khổ trăm bề, nhờ cái dịp về quê mà tôi mới nhận ra cuộc sống của mình còn sung sướng hơn nhiều.

***

Thời tiết âm u và cơn mưa ở nơi đây luôn dầm dề ướt át kéo dài, tôi mừng vì đã lâu lắm rồi, từ cái thời mình còn bé tý giờ mới trở lại quê mẹ.

Nhưng bạn ạ, nếu so với đời sống bây giờ thì cải thiện lên nhiều rồi, con cái bỏ quê phần lên thành phố lập nghiệp, phần thì xuất khẩu lao động, và bọn họ gửi tiền về cho cha mẹ xây nhà cao cửa rộng, nhưng lại thiếu vắng đi con cái, nên khi tôi trở lại đây thì những đứa bạn thuở ấu thơ đã trôi dạt tứ phía mất rồi, chỉ còn sót lại người lớn và những đứa trẻ miệng còn chảy nước dãi.

Nhưng đó chỉ là một phần, còn một phần là nhà ngoại tôi, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn và tôi nói là khổ sở hết biết.

cai-kho

Sáng ngủ dậy với thời tiết se se lạnh, tôi vội vàng vệ sinh cá nhân và thật ngạc nhiên khi đặt chân vào nhà xí là tôi không muốn mắc đi lần nào nữa, nhưng trớ trêu, mắc thì phải giải quyết, xung quanh mùi hôi cứt đái nồng nặc lởn vởn muốn xộc vào mũi tôi, mặc dù đã bịt cả mấy lớp khẩu trang, bên trong nhà xí khoét một cái lỗ hơi rộng và có bắt ngang hai khúc tấm ván, tôi không thể không nhìn xuống dưới được, mỗi lần đi xong là lia vài nắm tay trấu xuống , nên nhìn không ghê là mấy, có điều nó thối kinh quá, tôi cầu nguyện nhanh chóng chui ra khỏi cái nhà xí đó, tôi hốt vài nắm trấu thả xuống vội mở cửa chuồn. Nhìn nhà xí đó tôi chợt nhớ mẹ kể ,hồi xưa cái nhà xí còn hôi hơn nữa, dòi lúc ngúc dưới vũng nước phân đen ngòm và ruồi bây lăng nhăng, gớm lắm mà ngày ấy không dùng giấy đâu, đi xong là lấy miếng tre chẻ sẳn quẹt qua quẹt lại mà thôi.

Đó là một phần nhà xí, còn vấn đề nữa thì khỏi phải bàn cãi đó là nước, nhà ngoại có giếng nhưng lại bị nhiễm phèn, nó vàng khè khè, múc lên rửa là cái mùi tanh như mùi rỉ sắt, nếu ai mà bị dị ứng chắc gãi cho loét da rỉ máu và ăn uống, giặt giũ cũng không xài được nên cái giếng đó ngưng sử dụng dài dài. Nơi đây thấy nhà nào cũng xây một cái bể nước to và kèm theo một cái giếng, cũng có một vài nhà nhiễm phèn như nhà ngoại, còn bể nước nhà ngoại dùng hứng nước mưa chủ yếu để nấu nướng, còn tắm giặt rửa ráy chi đó là phải sang nhà hàng xóm xin nước xách về mà dùng, ngày nào cũng chai mặt nở nụ cười thật tươi qua hàng xóm xin nước mà tôi thấy ngại ngại.

Tiết trời vẫn âm u, và những đợt mưa dầm vẫn kéo dài, cái rét bắt đầu càng dữ dội hơn, quần áo cứ phơi lung tung nhưng vẫn còn ẩm ướt, nếu tôi ở lâu dài thì chắc chẳng có quần áo mà mặc, đang mâm mê với đông quần áo ẩm ướt thì có một bà thím chạy sang, nghe giọng điệu đoán chắc thuộc dạng thị phi " cụ có biết gì không, tối hôm qua ông Q đã lẻn vào trạm y tế trộm một mớ bộc phân người để về tưới cho rau nhanh tốt đấy, còn nữa nhá bà H ở miền Nam vì hái quả na mà đụng trúng điện giật chết, họ đang chở xác về..." tôi nghe đến đây chợt sởn gai ốc, hóa ra người ở quê cũng nhiều chuyện phết, gia đình nào có chuyện tốt hay xấu đều bị truyền từ đầu xóm đến cuối xóm, có khi câu chuyện biến tướng cũng nên.

Cũng vì dịp cưới chị họ nên mới được về quê, và chứng kiến nhiều thứ dở khóc dở cười. Bên nhà gái làm cái rạp và cũng dàn nhạc như ai. Vào buổi tối, cũng hơi đông người , trước bàn bày sẵn đĩa hạt hướng dương và bình nước chè nóng bốc hơi, họ đến không nán lâu, các thanh niên rủ nhau đi một bầy tầm năm phút là cùng rồi rồ ga chạy biệt tăm, nếu ai có ngẫu hứng thì lên hát vài bài cho vui, mà chủ yếu là người lớn tuổi trung niên hát hò, đến khuya thì nhà gái nấu cháo đãi người nhà và nếu có khách nán lại. Ngày hôm sau nhà trai đến, rồi chúc nhau ly rượu, còn cái dàn nhạc để trống huơ trống hoắc. Còn tổ chức đám bên nhà trai thì cực độc luôn, ngày rước dâu, ai cũng ăn mặc đẹp, đầm váy hoa hòe, hai bên trao tặng dây chuyền vàng, nhẫn vàng chi đó, và ngộ lắm đám cưới có cơm, canh và có trứng lộn, không có hải sản gì sất, tôi đớp được vài miếng thịt trên bàn thì đã thấy đám khách đứng lên về, một cái đám cưới chưa đâỳ ba mươi phút đã tàn cuộc, tôi đành về nhà chế gói mì lót bụng, lần đầu ăn cưới ở quê tôi ngơ ngác như thế, rồi về kể cho ngoại nghe mà chỉ có một mình tôi cười lộn ruột, giờ thì tôi hiểu, đâu phải đám cưới nào người ta cũng phung phí và bàn tiệc nào cũng phải đề huề và cái đám cưới nào cũng như nhau đâu.

Tối tôi không tài nào ngủ được vì có cái lò mổ lợn bò đối diện nhà ngoại , tiếng ồn ào của con người, tiếng kêu thảm thiết của động vật, cứ liên tiếp dội vào tai tôi, vài cái bửa tối hôm sau tôi mới làm quen được. Sáng thức dậy tôi nghe tiếng cãi nhau, tiếng vỡ đồ đạc, và nhìn ra ngoài đường có một người đằng trước kéo chiếc xe , bên trên chất vài bao lúa hay gọa gì đó và một đám con nít mặt mày lắm lem cười rúc rít ngồi trên, tôi cười nhàn nhạt trong cơn mưa phùn.

Bữa cơm còn hơn cả đạm bạc bạn ạ, có ở lâu mới hiểu được nổi cơ cực của sự đời, cậu thì đi làm miết, thỉnh thoảng ghé về giúp ít việc cho ngoại, và phần ai người nấy tự bưng cơm ăn, tôi nhìn trong chén cơm của bà mà muốn rưng rưng nước mắt, trong chén có chút mắm ruốc, và vài cọng rau xào, nhìn lại chén mình cũng chẳng khác gì mấy. Tôi chả nhiều tiền, mà chợ gần chục cây số lận, nên dăm bữa tôi ra trước lò mổ mua ít miếng thịt về kho mặn cho ngoại ăn, ngoại nói bày vẻ ra làm gì, rồi cũng qua bữa cả thôi.

Có lần tôi hỏi ngoại, sống cực như ri sao chịu được, bà nhe răng cười, những nếp nhăn đã đóng sẵn lại càng nhăn nheo hơn, bà nói ở đâu quen đó rồi, chẳng phải bà vẫn sống đến tận bây giờ sao? Nhiều lúc bất lực vì sống khổ quá, bà nắm tay lại, nghiến răng đấm mạnh lên đùi miệng lẩm bẩm cho cục khổ trôi đi. Vài lần bảo bà bỏ quách cái quê đi, bà lắc đầu hoài, nhìn mớ tóc trắng của bà cũng đủ hiểu vì sao bà không bỏ đi, vì quê hương là ruột thịt, là nơi cả cuộc đời bà cùng ông chăm đàn con tử thuở năm nào, nhưng đàn con ấy đã mọc cánh bay hết rồi, giờ chỉ còn mỗi ngoại mà thôi. Tôi ngậm ngùi lì xì ngoại vài trăm bạc rồi xộc ba lô lên người, ngoái lại nhìn nhà ngoại lần cuối , thấy bà đứng trước cổng với mớ tóc trắng cùng vài cọng lơ phơ trong cơn gió lây nhẹ buổi chiều nhìn tôi luyến tiếc, chợt thấy cổ họng nghẹn quá chừng.

Đó là nơi quê hương của mẹ, nơi mà tôi chưa từng hiểu được cuộc sống làng quê, tôi viết lên đây để nhớ, để kỷ niệm một chuyến đi, nơi mà để lại cho tôi những dấu ấn không bao giờ quên được trong cuộc đời mình, nhiều cảm xúc cô động lại và có chút xót xa" càng đi nhiều càng thấm chất đời con ạ!" - mẹ tôi nói thế cũng chẳng sai.

-- Võ Vạn Trang --

 

Ngày đăng: 28/01/2017
Người đăng: Trang Hana
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
mái nhà
 

Đôi khi, người ta cũng cần được nhắc nhở về một mái nhà, để biết rằng mình còn một nơi để quay về, khi mọi niềm vui chợt tan vỡ…

Điều dịu dàng cuối cùng – Đỗ Quyên

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage