Gửi bài:

Những mẩu ngắn trong ngày 27/7

Bố bước chân ra đường, người già người trẻ đều có ý nể nang. Nhưng rồi, đến một ngày, sau rất nhiều cơn biến động của gia đình, bố cũng phải thở dài buông xuôi: Đánh giáp lá cà với giặc không sợ bằng giáp mặt vợ con!

***

nhung-mau-ngan-trong-ngay-27-7

1. Bố mình nhập ngũ, rồi đi K, chốt 5 năm bên đó. Đồng hương cùng huyện đợt ấy sang đâu hơn bốn chục người trở về được 4. Ngày ra quân, thủ trưởng ôm 4 thằng nghẹn ngào: Anh chẳng có gì kỉ niệm mấy chú em đâu, cần thì anh làm cho mỗi thằng bộ hồ sơ thương binh về hưởng chế độ cho đỡ cực! Cả 4 giật bắn mình: Anh lẩm cẩm rồi, thương binh về làng làm sao mà lấy được vợ! Rồi bố về, lưng khoác chiếc ba lô bạc phếch trong có bộ quân phục với chiếc chăn màu hoa cà gấp phẳng phiu nhấp nhẳng để dành cho ngày cưới. Đám gái làng năm nào mới mười bảy mười tám đêm đêm ra ngồi chật kín bến sông giờ còn mỗi mẹ. Bao năm đằng đẵng không thư từ, điện báo mà mẹ vẫn đợi, đợi vì tin bố sẽ trở về. Bố hỏi: Đám con gái ấy giờ ra sao? Mẹ đáp tỉnh bơ: Đứa nào cũng chồng con hết cả, mấy đứa xinh xắn làm giáo viên thì lấy được thương binh nặng! Đời sống cơ cực, thương binh thì có thêm đồng phụ cấp! Bố chỉ còn biết nghệt mặt ra, miệng lẩm nhẩm: Lấy... được... thương... binh... nặng!

2. Cũng vào đợt 27/7, cách đây dăm năm, bố đi thăm đồng đội cũ. Chưa vào đến nhà đã nghe tiếng thằng con ỉ ôi: Tại bố cả đấy, giá bố thương binh có phải con khỏi trượt! Thì ra thằng ấy thi đại học, thiếu đâu có 0,5 điểm thôi. Bố là thương binh thì có thêm điểm cộng. Bố tiu nghỉu quay xe về nhà nằm thượt ra cả buổi, mẹ hỏi gì cũng không nói. Đến tối, sau bữa cơm bố mới rủ rỉ kể, mẹ vừa nghe đã nổi đóa lên: Cái thằng mất dạy, trượt cũng đáng, ai đời con muốn bố què cụt. Thằng em mình trong nhà nghe thấy, bỏ quả cam đang ăn dở, nói vọng ra: Được cộng điểm cũng tốt mà! Hi sinh đời bố củng cố đời con!

3. Bẵng đi mươi năm, mấy bác đồng đội cũ rủ bố trở về đơn vị xưa xin xác minh lại hồ sơ, giấy tờ để lo chế độ. Bố lại lên đường. Khoác bộ quân phục cũ. Thủ trưởng cũ của bố đã về hưu, anh em đón nhau bằng nước mắt. Mấy tháng trời hết đi nơi nọ chốn kia, gặp hết người nọ người kia, cuối cùng bố và đồng đội cũng hoàn tất hồ sơ. Ngày đi giám định thương tật, đích thân thủ trưởng đồng hành. Ông ngồi ở băng ghế dài chờ đợi suốt buổi. Ông vỗ vai mấy anh quân y làm công việc giám định dễ bằng tuổi con mình: Lính trận chúng nó không cụt chân cụt tay, nhưng chiến tranh còn khoét thêm nhiều vết thương trong ý nghĩ! Các anh còn trẻ nhưng phải lưu tâm. Bố nằm bên trong, nghe và cố kìm tiếng nấc.

4. Làng mình cũng có bác thương binh. Bác cụt một tay. Gặp ai bác cũng oang oang kể chiến công rồi bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trở lại thời bình, chẳng biết do bất mãn gì gì mà bác thường xuyên đánh đập vợ con và gây gổ với hàng xóm láng giềng, ai bật lại bác dọa tặng cho vài quả lựu đạn là im re. Có lần, đang nửa đêm, vợ bác sang đập cửa nhà mình: Chú ơi! cứu mẹ con tôi, ông ấy... lấy... lựu đạn ra rồi! Bố mình hộc tốc chạy sang, sân nhà bác đã chật kín người. Bác đứng trước cửa nhà, lựu đạn trên tay lăm lăm. Bác bảo: Đứa nào đến gần tao... rút chốt! Ông bà già, trẻ con trong xóm đã đưa tay lên bịt tai cả loạt. Bố mình tiến lên bậc hiên trong tiếng hét thất thanh của mẹ. Bố giật lựu đạn vứt bộp phát ra sân. Thì ra là quả lựu đạn giả được đẽo gọt, sơn màu như thật. Bố bảo ngày xưa bác ấy nhát chết lắm, lại là con một, nghe bạn bè rủ rê kiểu gì cũng chích máu viết đơn tình nguyện. Nhưng rồi bác bị thương và về địa phương ngay trong thời gian huấn luyện...

5. Bao năm nay, bố mình là bộ đội, là thương binh. Bố mộng tưởng biến nhà thành doanh trại. Bố cố cắt đặt mọi việc trên ra trên, dưới ra dưới. Đầu làng cuối xóm hễ có chuyện đụng độ là không bao giờ vắng mặt. Bố bước chân ra đường, người già người trẻ đều có ý nể nang. Nhưng rồi, đến một ngày, sau rất nhiều cơn biến động của gia đình, bố cũng phải thở dài buông xuôi: Đánh giáp lá cà với giặc không sợ bằng giáp mặt vợ con!

Mấy mẩu này khiến mình nhớ bố. Mình nhấc điện thoại lên gọi: Bố đang làm gì, bố ơi! Bố bảo: Bố vừa ngủ một giấc dài dài!
Bỗng dưng thấy cay xè mắt!

Lữ Mai|2012

Ngày đăng: 20/07/2017
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Joseph Chilton Pearce - creative quote
 

Muốn sáng tạo, chúng ta không đươc sợ mắc sai lầm

By Joseph Chilton Pearce

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage