Gửi bài:

Người lớn

Mình nghĩ là chắc các bạn cũng sẽ biết một loại người lớn có tên gọi là "TÔI LUÔN LUÔN ĐÚNG". Khi gặp phải người lớn như thế này thì biểu hiện của bạn là luôn tự hỏi bản thân tại sao mình không có lỗi lại phải xin lỗi người đó. Mình đã chứng kiến câu chuyện thực tế về loại người lớn này.

***

nguoi-lon

Trong hè vừa rồi, mình đến nhà bạn ở vài ngày. Hai ngày trước khi sự việc xảy ra thì có một đám nhóc trong xóm nhà bạn mình đi đến từng nhà hàng xóm xin giấy báo cũ, tờ rơi, giấy kiểm tra hoặc nháp đã sử dụng (nói chung là giấy đã qua sử dụng), mục đích thu gom của mấy đứa nhỏ là để bán rồi mở một cái party nho nhỏ ăn mừng nhân dịp thằng bé lớn nhất nhóm thi học sinh giỏi quận được giải nhì. Tất nhiên là không ai có thể từ chối đám nhóc rồi, mình và nhỏ bạn tất nhiên cũng không ngoại lệ.

Đám nhóc thu giấy về nhưng chưa vội bán, đặt ở một góc trong sân chung, chính xác là trước cửa nhà thằng bé lớn nhất (mình gọi là T nhé). Mẹ của T là người giúp việc của một nhà giàu, bà hay gom báo ở nhà chủ về để bán. Thì hôm sau T chợt nhớ ra là mẹ của mình cũng có một xấp báo lớn, để ở chân cầu thang trong nhà, T xin mẹ một phần của đống báo đó để bán với giấy của mấy đứa nhóc xin được. Mình cũng không hiểu lý do gì mà bà mẹ ấy từ chối thẳng thừng liền ngay và luôn (bà la lớn lắm nên mình nghe hết trơn). Thì tất nhiên là thằng bé không chạm vào đống báo của mẹ nó rồi (nó ngoan mà). Thế nhưng, chiều ngày tiếp theo, đó là ngày cao trào, mình và bạn chợt nghe tiếng của bà mẹ la sát mắng chửi rất lớn. Kiểu như bằng một cách nhiệm màu nào đó mà bà ấy bị mất đống báo, và bà ấy thấy cái đống báo trong cái thùng đựng giấy của mấy đứa nhóc trong khi 2 ngày trước mắt bà ấy bị gì đó mà không thấy, thế là bà ấy quy tội cho T lấy báo của bà ấy:

Mẹ: Mày! Tại sao tao đã nói là mày không có được đụng vô đống báo của tao mà, tại sao mày còn đem ra đây? Rồi mày còn gom rác rưới về đây làm gì nữa? (dữ dằn lắm)

T (hòa nhã): Dạ, con đâu có lấy đống báo của mẹ đâu, hôm qua mẹ không đồng ý nên con đâu đụng tới. Còn cái này là do tụi con đi xin mấy nhà xung quanh đây để về bán ve chai thôi.

Mẹ (dữ hơn): Mày còn dám nói láo hả? Mày không lấy tại sao đống báo tao để ở cầu thang mất tiêu hết trơn? (bà vơ lấy cây chổi quét nhà ngay sau cửa ra đánh thằng bé mấy cái, lực rất mạnh, đứng cách đó vài mét vẫn có thể nghe thấy rõ tiếng quật rất đau)

T (lấy tay đỡ, giọng nói bắt đầu lớn hơn, kiểu phản kháng): Con đã nói với mẹ là con không có lấy mà!

Mẹ (vẫn đánh, vừa đánh vừa nói): Mày không lấy tại sao mất, từ hôm qua tới giờ có một mình mày tới hỏi tao đống báo đó, không mày thì ai?

T (lấy tay chụp cây chổi): Con đã nói là không lấy là không lấy! Con không có làm gì sai hết, con chỉ muốn gom giấy báo về bán thôi! Còn báo của mẹ, mẹ không cho, nên con không hề đụng tới!

Mẹ (buông cây chổi ra): Mày dám nói láo! Đã vậy hôm nay còn dám mất dạy trả treo với tao! Giờ mày lớn rồi nên không coi tao ra gì đúng không?

T (giọng hạ xuống bớt): Con không có! Con đã nói chuyện rất đàng hoàng với mẹ, con đã giải thích rồi sao mẹ không hiểu, con không có sai gì hết!

Mình không hiểu sao những người lớn quanh đó chỉ khuyên rằng: "Con ơi xin lỗi mẹ đi con, sao con lại cãi mẹ, lỡ lấy của mẹ thì xin lỗi một tiếng đi" Thằng bé cũng không hiểu được mà. Nó đã hét rất lớn:

T: Con không có sai! Con không sai tại sao con phải xin lỗi!

Mẹ (giọng bớt sồn): Anh chị kệ nó đi, nó lớn rồi nên nó đâu nghe lời em dạy nữa, cứ để nó đi luôn cũng được. (Quay sang nói với T) Giờ mày ngon rồi thì mày cút khỏi nhà tao đi! Tao khỏi nuôi nữa đỡ tốn!

Lúc này thì ông ngoại của T về:

Ông: Mày làm gì mày đánh nó dữ vậy, có gì từ từ nói, mày đánh chết nó rồi ở tù đi cho sướng!

Mẹ: Con hỏi ba nè, con để cái chồng báo ngay cầu thang, hôm qua nó hỏi con là nó lấy đem bán được không, con nói là không cho, vậy mà giờ nó nằm ngoài đây nè, nó chuẩn bị đem bán, đã vậy còn tha rác rưới về nhà nữa...

T (ngắt lời, giọng gắt): Nó không phải là rác, đó là công sức của đám tụi con! Con đã nói rồi là con không có lấy của mẹ! (dường như là gào lên)

Bà mẹ tiếp tục vớ cây chổi lên nhưng bị ông ngoại ngăn lại:

Mẹ: Ba thấy nó nói dối ghê chưa! Nó không lấy mà đống báo để đó không còn một tờ!

Ông: Đống báo mày để cầu thang, má mày bả đi cứ vấp hoài, nên tao đem nó nhét xuống gầm tủ gỗ trên nhà rồi! Mày mắc mớ gì không mở mắt ra tìm cho kỹ, chưa gì hết mà đánh thằng nhỏ rồi!

Mẹ: Ba thấy nó mất dạy với con không? Không đánh sao được?

T (chen lời): Là tại mẹ, mẹ nói oan cho con mà! Con đã nói là con không lấy mà mẹ vẫn nhất định là con lấy! Tại sao cứ nhất định đổ tội cho con là sao vậy?

Bà mẹ định sấn lên bóp cổ T nhưng mà ông ngoại ngăn lại được

Ông: Mày thôi đi! Nó nói đúng rồi còn gì! (ông quay qua nói với thằng bé) Còn mày nữa, gom đồ gom đạc về chi rồi nó điên lên, sao không xin lỗi nó đại một cái cho rồi đi, um sùm cả làng! (Mình đã nghĩ ông là một người công minh, cho đến khi ông thốt ra câu nói ấy)

Và cả những người hàng xóm cứ kiểu: "mốt đừng cãi mẹ nữa nha con, mẹ đánh ghê lắm thấy chưa?"

Đúng là người Việt Nam, đứng chen kín cái đường đi mà không giải quyết được gì, mình thì muốn vào can, mà người thì cứ hàng hàng lớp lớp. Lúc đó thì thằng bé kiểu bất lực vừa khóc vừa gào: Tại sao người có lỗi là mẹ mà mẹ không xin lỗi con?! Con không có lỗi thì tại sao phải xin lỗi!

Rồi thằng bé hất đám người chặn đường ra rồi chạy đi mất. Chờ lúc hàng xóm về nhà, mình tính đến nói chuyện phải trái với cái bà la sát đó, nhưng bạn mình lắc đầu một kiểu rất bất lực: "Không làm được gì đâu mày ơi, mày cứ để vậy đi, rồi nó sẽ qua, còn mày mà đi nói thì chỉ khiến thằng bé bị đánh thêm thôi. Bỏ đi mày..."

Lúc đó mình chợt nhận ra được vấn đề là " Sự ngu dốt khiến con người ta dại dột và nếu nhận ra cái dại dột đó thì cái sĩ diện của họ sẽ đẩy lên cao và bất chấp để chứng minh cái dại dột của mình là đúng"

Sau lần đó mình cứ nghĩ mãi là liệu thằng bé có trở về nhà nó? Nếu về thì nó sẽ có thái độ và hành động gì? Mình nghĩ ai cũng sẽ đoán được là thằng bé sẽ trở về, có thể nó sẽ xin lỗi mẹ nó, thế nhưng từ sâu trong tiềm thức của nó, cái câu hỏi TẠI SAO MÌNH CÓ LỖI? sẽ luon hiện hữu và sự tôn trọng của nó với chính người mẹ của nó sẽ ngày càng mất đi.

Việc người lớn phải xin lỗi con nít, mình thấy chẳng có gì to lớn khó làm cả, có lỗi mà nhận lỗi thì tốt chứ sao? Vừa giữ được sự tôn trọng của bọn trẻ, vừa nâng cao giá trị bản thân.

Có lẽ nơi xuất hiện loại người lớn kiểu này nhiều nhất là trường học. Thầy cô cứ thích quy chụp tội lên đầu học sinh, rồi vin vào cái giải thích của chúng mà phán thêm tội vô lễ. Một nền giáo dục suy thoái, suy kiệt. Những giáo viên ấy là những con người vô đạo đức và vô trách nhiệm. Cần phải loại bỏ loại người đó ra khỏi nền giáo dục để bảo vệ danh dự cho các nhà giáo chân chính và bảo vệ cho học sinh...

Ngày đăng: 15/03/2017
Người đăng: Vương Mỹ Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tuổi trẻ giống cơn mưa
 

Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Trích "You are apple of my eyes"

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage