Gửi bài:

Thưa Thầy

Con người, khi trưởng thành, họ sẽ phải đứng trước những chọn lựa. Khi chúng ta bắt đầu học cách nhìn nhận, chúng ta mới thấy, cuộc sống không có đúng sai, mà tất cả chỉ là lựa chọn mà thôi. Và có năm lựa chọn rất quan trong trọng cuộc đời của chúng ta: chọn lẽ để sống; chọn người để lấy; chọn việc để làm; chọn thầy để học; chọn bạn để chơi. Có người sẽ chọn một trong năm, có người lại chọn tất cả, đó chính là khoảng cách lớn giữa người thành công và kẻ thất bại.

***

Có người nói, Tôi chỉ cần chọn việc để làm. Có lẽ vì họ nghĩ, khi có một công việc tốt, túi tiền của họ cũng khá khẩm, và cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Họ nghĩ, họ có thể dùng tiền để xây dựng thiên đường cho chính mình.

Có người lại nói, Tôi chỉ cần chọn người để lấy. Bởi, tâm lý phụ nữ, họ luôn mong mình có một chỗ dựa trong suốt cuộc đời sau này, ví dụ như một ông chồng bản lĩnh và giàu có chẳng hạn. Họ nghĩ, họ có thể nhàn nhã trên chính sức lực của người khác.

Có người thì lại cho rằng, Tôi sẽ chỉ chọn bạn để chơi. Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai-nếu là tôi, tôi sẽ nói với họ như vậy. Họ nghĩ, một người bạn tốt sẽ sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với họ mọi thứ, nhưng họ lại quên mất người bạn tốt nhất của họ lại chính là bản thân họ. Có lẽ họ không biết, cái bóng của chính bạn sẽ không bao giờ rời bỏ bạn, nhưng bạn bè của bạn thì có thể.

Nhưng hầu hết, chúng ta đều quên rằng, lẽ sống tạo khung cuộc đời, và một người thầy tốt sẽ dạy ta cách tô màu cuộc đời chính mình.

thua-thay

Thầy đã từng dạy tôi, Điều đáng sợ nhất trong đời không phải là đi sai đường, mà là đi trên con đường không phải của mình. Đó là khi chúng tôi bắt đầu băn khoăn về việc mình sẽ học phân ban Tự nhiên hay phân ban Xã hội? Lúc ấy, chúng tôi mới chỉ là những con người vừa tuổi mười lăm, mười sáu, hoàn toàn chưa thực sự nghĩ đến thế nào là trưởng thành. Thực ra, sự chọn lựa không phải sẽ đặt ở những chặng đường khi bạn đã trưởng thành, nó thể hiện ngay từ khi bạn còn một đứa bé sơ sinh.

Bạn còn nhớ câu chuyện "Alice ở xứ sở thần tiên" không? Tôi vẫn nhớ về đoạn hội thoạn giữa Alice và Mèo Chesire như thế này:

"... Alice: "Tớ nên đi con đường nào bây giờ?"

Mèo Cheshire: "Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu."

Alice: "Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến."

Mèo Cheshire: "Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!"... "

Thầy tôi nói đúng, ngay cả can đảm chọn con đường mình đi còn không dám thì bạn nghĩ mình sẽ làm được điều gì lớn lao hơn ư?

Sẽ có nhiều người dùng nhiều những thứ màu sắc và chất liệu để phác họa lại chân dùng người thầy của mình. Dù có hàng vạn người dùng cùng một chiếc bút màu để vẽ, thì chân dung người thầy của họ cũng sẽ chẳng thể giống nhau. Tôi nghĩ vậy, bởi thực sự, cây cọ, bút màu,.. chỉ phác họa được thầy chứ không thể "vẽ" được thầy, khi người ta thiếu một tấm lòng chân thành.

Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học !

Thầy tôi chưa từng nhận mình là một con người lớn lao biết nhường nào, nhưng mỗi chúng tôi đều hiểu, thầy thật vĩ đại. Thầy có thể mở lòng bao dung với tất cả chúng tôi, và bao gồm cả tha thứ. Chắc chắn rồi. Trong một lớp học, không phải học sinh nào cũng hoàn hảo; vì trường học, thầy cô, bạn bè, chính là những thứ chúng tôi cần để hoàn thiện bản thân. Sẽ có những người mắc lỗi, cũng sẽ có những con người không ngừng cố gắng. Và một người cũng sẽ có thể mắc lỗi rất nhiều lần hoặc nhiều lần mắc lại cùng một lỗi. Có bạn sẽ không tập trung vào việc học, có bạn sẽ vì một vài lý do mà trở nên lười nhác, có bạn sẽ vướng vào vài tệ nạn như hút thuốc, uống bia, nhuộm tóc, ăn trộm,... Và thầy là người hiểu rõ chúng tôi đang ở tình trạng nào và sẽ có thể trở thành người như thế nào. Có điều, thầy chưa bao giờ bắt chúng tôi như thế này, ép chúng tôi phải thế kia, thầy chỉ định hướng cho chúng tôi và dạy chúng tôi cách đứng vững trên lập trường của chính mình. Thấy chúng tôi sai, thầy sẽ không phạt, vì thầy nghĩ, chúng tôi có thể hoàn thành hình phạt một cách qua loa, lệ thuộc, bởi có thể khi đó chúng tôi vẫn chưa nhận ra lỗi của mình. Thầy sẽ bỏ ra cả tiết dạy lý thuyết, bài tập trong sách vở để răn chúng tôi tri thức ở bên ngoài cuộc sống. Thầy dạy chúng tôi cách để khoan dung và tha thứ cho lỗi lầm của người khác, dạy chúng tôi cách làm sao để không bị chán nản khi bắt buộc phải cố gắng, dạy chúng tôi cách tôn trọng người khác, dạy chúng tôi cách thể hiện giá trị của bản thân, dạy chúng tôi mọi điều về cách để sống, và thầy nghiêm khắc về việc chúng tôi bắt chước người khác. Thầy nói, thầy chỉ là một thầy giáo được làm bằng xương bằng thịt và có tâm hồn sống, nhưng chúng tôi lại thấy, thầy là một phiên bản hoàn hảo của hiện tại, vì thầy luôn sống là chính thầy, điều đó khiến chúng tôi càng kính mến thầy rất nhiều.

Khi những ngày thi gần đến, thầy cô sẽ thường lo lắng cho chúng tôi bằng nhiều cách. Có người sẽ cố nán lại vài phút để giảng thêm một lần cho chúng tôi hiểu về bài toán khó. Có người sẽ cùng chúng tôi giải và chữa một vài đề anh văn để làm quen với dạng kiến thức mà chúng tôi sẽ phải thi. Có người sẽ lấy những ví dụ thực tế đời thường để chúng tôi dễ hình dung về một tác phẩm văn học khó phân tích. Nhưng thầy lại không làm thế, chỉ vì thầy không muốn chúng tôi bị áp lực thời gian. Đôi khi, sự gấp gáp sẽ giết chết bản lĩnh và tự tin. Thầy sẽ chỉ hỏi chúng tôi có mệt không, có nhiều bài tập quá không, có cảm thấy chán học không? Thầy luôn lo cho chúng tôi, nghĩ cho chúng tôi bằng một tấm lòng chân thành tuyệt đối. Thầy kể cho chúng tôi nghe về một vài anh chị khóa trên đã từng bỏ học, và kể về việc họ đã hối hận thế nào khi bắt đầu những ngày trở thành công nhân nhà máy, xí nghiệp. Thầy nói với chúng tôi, mặc dù việc học đôi khi có áp lực nhưng bạn bè và thầy cô sẽ luôn ở bên mình, chứ không giống như những đồng lương mình kiếm được dựa trên sự hối hận và mệt mỏi gấp bội, bởi vì con người khó ai có thể giữ vững một công việc suốt đời. Cũng đừng gói gọn cuộc đời mình trong hai chữ" Giá mà".

Ngày đầu tiên được thầy nhận vào lớp, chúng tôi bắt đầu gọi thầy là thầy chủ nhiệm, sau này, chúng tôi vì kính mến thầy mà trêu đùa gọi thầy là "bố". Thầy hiểu tình cảm của chúng tôi, nhưng thầy khuyên chúng tôi không nên làm thế, thầy bảo chúng tôi chỉ có một người bố duy nhất sinh dưỡng chúng tôi, còn thầy, thầy chỉ là một người thầy, người dẫn dắt và dạy dỗ khi chúng tôi cùng chung sống ở trường học. Thầy luôn dạy chúng tôi rằng, trong cuộc đời có tám điều quan trọng mà người trẻ nào cũng cần học. Đó là nuôi dưỡng ước mơ, tính kỷ luật, siêng năng, sống chan hòa, đứng vững sau thất bại, cư xử đúng mực, biết tha thứ và kiên nhẫn. Thầy nói, bài học trong sách vở chỉ là một phần, cái quan trọng là chúng tôi phải linh hoạt trong việc lĩnh hội kiến thức thực tế ngoài đời sống. Vì không có nhà văn tài giỏi nào mà không cần ăn cơm cả.

Những kì thi vội vàng đến, thúc chúng tôi về phía trước, hối hả và vội vã. Và không phải sự cố gắng nào cũng đều được chấp nhận cả. Tôi chính là một kẻ thất bại điển hình. Tôi đã từng là một học sinh gương mẫu, nề nếp tốt, học tập tốt, nhưng việc thích ứng với môi trường mới có lẽ khiến tôi gặp nhiều khó khăn, hoặc là tôi đang đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không thể hoàn thành ước vọng của mình là xuất sắc vượt qua mọi kì thi. Đúng, tôi đã từng đạt kết quả thấp trong các bài thi của mình. Sau một lần vấp ngã, tôi mới hiểu, sự động viên của thầy quan trọng tới mức nào. Tôi đã cố gắng, đã nghĩ rằng mình có thể làm được. Nhưng dường như, mọi sự cố gắng của tôi đều không được công nhận, tôi vẫn khiến bản thân phải thất vọng thêm nhiều lần nữa. Đó là lỗi của ai? Sau một lần thất bại, thầy lại một lần dạy tôi cách đứng lên trên chính đôi chân của mình. Thầy dạy tôi cách làm thế nào để có thể đối diện với tiếng cười nhạo và sự mỉa mai, châm biếm. Tôi đã từng cảm thấy mình lạc lõng giữa một thế giới âu cũng thật rộng lớn, nơi đó tôi như một người leo núi nhỏ bé trên lưng chừng dốc Everest. Tôi không biết mình có thể leo tới đỉnh núi không, vì điều đó cũng thật khó mà nói trước được, tôi không ít lần nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc và chết ở nơi vực thẳm phía dưới. Nhưng không, thầy lại dạy tôi cách có thể bám vững vào đất sỏi và gốc cây ở khoảng lưng chừng ấy. Khi con người ta thất bại, chẳng ai là không chsn nản cả. Và thầy đã cho tôi biết mười lý do vì sao người ta dễ dàng bỏ cuộc, để cho tôi hiểu mình đa xthaatj sự cố gắng chưa và có muốn tiến về phía trước. Đó là khi con người ta mong muốn có kết quả nhanh chóng, hoặc khi không tin tưởng vào chính mình, cũng có thể là sa lầy vào quá khứ và dừng lại ở lối lầm, sợ hãi tương lai, thấy thất bại như là bước thụt lùi, cảm giác thế giới không công bằng với mình, sợ thất bại hơn mong muốn thành công, có cảm giác bị mất thứ gì đó hoặc do làm việc quá sức. Tôi vẫn còn nhớ thầy đã từng nói đùa thế này, Thành công không phải là muốn gì mua được nấy, mà là tối về ngủ không trằn trọc, sáng dậy không thấy nuối tiếc.

Và, ở thầy, tôi học được tất cả mọi thứ.

Thưa thầy, người thầy giáo kính mến của chúng em. Em không biết rằng, liệu năm năm, mười năm sau này hay nhiều hơn thế, thầy có còn nhận ra chúng em? Hoặc chăng đến khi đều đã bước vào đời, công việc và kể cả là cám dỗ chẳng biết có còn để cho chúng em về thăm thầy được nữa, thì trong miền ký ức của em, thầy luôn là một người thầy giáo lớn lao đến nhường nào, một người thầy có tất cả sự bao dung và một lòng nhiệt huyết với nghề.

Thưa thầy, bài học chiều nay

Con bỏ quên ngoài cửa lớp

Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót

Con hóa mình thành bướm và hoa

Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn

Sao con học hoài không thuộc

Để bây giờ khi con hiểu được

Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy

Chúng em đi qua hết những mùa băng lăng, bằng lăng thôi tím. Chúng em đi qua hết những mùa phượng vĩ, phượng vĩ bớt rạo rực. Chúng em kiếm tìm thầy những năm tháng cuộc đời sau này, lại gặp thầy vào buổi chiều vương nắng , trong màu bụi phấn trắng, màu bảng đen, màu nét mực đỏ... Thân quen lạ!

... "Con ơi! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy, vì cha yêu thầy và trọng thầy . Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hóa tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người"...

(Trích Chương 23 - Những tấm lòng cao cả - Edmundo de Amicis)

Kính gửi thầy giáo cũ, người lái đò thầm lặng!

Reply.

Ngày đăng: 14/11/2017
Người đăng: Nguyễn Kiều Anh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Thép đã tôi thế đây
 

Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”

Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Alexeevich Ostrovsky)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage