Bí mật của sự tự tin
1. Trong thời gian đi dạy tiếng Anh, Mike được dịp tiếp xúc với các bạn/anh/chị từ rất nhiều vùng khác nhau, và hiểu được thực sự, điều cản trở các bạn theo đuổi và thành thạo một ngôn ngữ, hay bất kỳ kỹ năng, công việc nào đó, thực sự không phải là kỹ năng cá nhân, hoàn cảnh gia đình hay khả năng trí tuệ, mà chính là SỰ TỰ TIN. Phần lớn những bạn đến Bootcamp với tâm thế tự tin thì khoảng 80% sẽ thực hiện được mục tiêu, cho dù thực tế có khó khăn hơn tưởng tượng. 80% những bạn vốn không tự tin vào bản thân, thường sẽ bỏ dở khóa học hoặc cũng cố kéo học hết khóa nhưng cũng không gặt hái được là bao.
Bước chân sang đất nước Canada, Mike chỉ học một trường đại học nhỏ xíu ở một thành phố hẻo lánh. Vậy mà sự tương phản về tính tự tin của sinh viên nơi đây hơn hẳn một số sinh viên các thành phố lớn ở Việt Nam mà Mike từng được tiếp xúc. Thế là câu hỏi WHY WHY luôn lởn vởn trong đầu cho đến khi....
***
2. Henry Ford, ông tổ của ngành sản xuất và oto hiện đại, từng nói: "Bạn nghĩ mình có thể hoặc không thể, bạn đều đúng" ("Whether you think you can or can't you are right"). Nếu bạn nghĩ bạn làm được, bạn sẽ làm được. Ngược lại, nếu bạn không tự tin mình làm được, khả năng rất lớn là bạn sẽ thất bại. Câu nói này của ông sau này đã được các nhà tâm lý học chứng minh bằng các nghiên cứu toàn diện: khả năng thành công của một người tự tin cao (từ khoa học là self-efficacy) lớn hơn rất nhiều so với những người không tự tin về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bài học về nhận thưc khả năng tự tin là bài học "vỡ lòng" của tất cả các trường kinh doanh và lãnh đạo ở phương Tây. Tuy nhiên, những lý thuyết này không được dạy ở cấp 3. Tại sao sinh viên của họ lại tự tin gấp nhiều lần mình như thế?
3. Sau khi nói chuyện với giáo sư môn tâm lý và suy nghĩ đến đen cả tóc, mình nghiệm ra: bí mật của sự tự tin chính là CHẤP NHẬN BẢN THÂN. Và văn hóa của các nước Phương Tây, vô tình hay hữu ý, giúp các bạn chấp nhận bản thân từ rất nhỏ.
4. Trong tiếng Anh có một cụm từ khá thú vị: "emotional baggage", chỉ những Gánh nặng về tình cảm mà mỗi người phải mang theo mình. Baggage nghĩa đen là hành lý, và emotional baggage giống như những túi hành lý nặng chình chịch mà bạn phải lặc lè vác đi trong suốt chuyến hành trình cuộc đời của mình.
Bất kể tây ta, bất kể thế hệ, ai cũng phải mang vác những thứ "hành lý' này. Chúng có thể là những hành lý "ký gửi", nghĩa là không phải của bạn. Nhà bạn nghèo, bố mẹ gia đình không hòa thuận hoặc không tròn đầy, bị đối xử không tốt lúc còn nhỏ. Nhưng cũng có những "hành lý" của riêng chính bạn. Không đẹp trai đẹp gái, không giỏi toán, không giỏi lý, học không giỏi, không cao, quá cao, body không hot, quá ốm, quá mập, quá cao quá thấp, không biết ngoại ngữ, là con gái mà không thích con trai (chỉ thích con ốc) hoặc ngược lại, học tiếng anh hoài mà không hiểu, không được học đại học, không được học cao đẳng, không được học trường nghề, không tốt nghiệp 3 cấp, dân tỉnh lẻ, dân thành phố lớn nhưng của nước nhỏ vv...
Vô số những thứ mặc cảm mà các bạn vô thức mang theo trong cuộc sống của mình, rồi khi gặp những hoàn cảnh liên quan, gánh nặng này sẽ đè nén làm cho bạn hoặc là (1) không dám bắt đầu (paralyse) hoặc là (2) bắt đầu nhưng mau nản, vì tự nghĩ trước sau gì mình cũng không làm được, cố gắng làm gì.
5. Vậy tại sao văn hóa phương Tây lại tạo ra được những con người tự tin đến như thế? Chính là do những tập quán (phần lớn bắt nguồn từ tôn giáo, sau trở thành các giá trị chung của xã hội) đều hướng con người đến việc CHẤP NHẬN BẢN THÂN.
(1) Chấp nhận những khiếm khuyết (flaws) của mình, và nếu đó là những thứ không thay đổi được, thì chấp nhận nó là một phần của mình, và học cách yêu thương (embrace) nó.
Một trong những lời khuyên đáng giá nhất mình từng nhận được đó là "Be Gentle with Yourself", "Hãy đối xử nhẹ nhàng với bản thân". Mình rất thích bởi từ nhỏ, phần lớn trẻ con quê mình đều vô thức học cách phê bình bản thân gay gắt, chủ yếu từ bố mẹ. Tại sao không thích toán mà thích sử, tại sao không yêu con gái mà yêu con trai? Tại sao không thích học ngân hàng mà thích học hái hoa bắt bướm (sinh vật học)? Nếu chúng ta không chấp nhận những thứ không thay đổi được của bản thân, như ngoại hình, tính cách, sở thích, màu da, tôn giáo, gia đình, giới tính vv..vv thì chúng ta sẽ trở thành những người độc ác nhất với bản thân , chứ không phải người ngoài. Và nếu không học được cách yêu thương bản thân, chúng ta sẽ không yêu thương được thế giới.
Đó là lý do các nghiên cứu đã chứng minh, những người phê phán nhiều nhất, trên mạng xã hội hoặc ngoài đời, thực tế xuất phát từ sự không hài lòng với bản thân nhiều hơn là với người khác.
Làm sao biết bạn đã chấp nhận được những khiếm khuyết của bản thân? Mình tự đùa về nó mà không bị tổn thương. Người Việt mình qua đây hay mặc cảm về khả năng tiếng Anh. Nếu mình dám vỗ vai đứa bạn Canada mà nói: "Tao nói tiếng Anh cũng như mày nói tiếng Việt, như cọp nhai đậu phộng", thì thực sự bạn đã dám chấp nhận khiếm khuyết của mình rồi.
(2) Học cách BIẾT ƠN
BIẾT ƠN là một phần rất lớn trong nghi lễ phương Tây, xuất phát từ tôn giáo riêng của họ. Khoa học cũng đã chứng minh, những người thường xuyên thể hiện sự biết ơn (qua cầu nguyện hoặc viết nhật ký) đều có chỉ số hạnh phúc và tự tin cao hơn. Đó là vì việc Biết Ơn giúp chúng ta tập trung vào những gì mình CÓ, thay vì tập trung vào những gì mình THIẾU.
Giống như việc học tiếng Anh, nếu ai chê sao nói tiếng Anh bập bẹ vậy, hãy Biết Ơn là bạn có thể nói được hai thứ tiếng. Nhiều người nước ngoài, cả đời không bước chân ra khỏi đất nước của họ, chỉ biết một thứ tiếng mà thôi. ^^
(3) Học Growth Mindset
Growth Mindset vs. Fixed Mindset (tạm dịch là Cách nghĩ Mềm và Cách Nghĩ Cứng) là khái niệm khá mới được giới thiệu trong cuốn sách của giáo sư ĐH Stanford Carol Dweck. Nói ngắn gọn, nếu bạn nghĩ "trời" chỉ cho khả năng của mình đến thế, và chấp nhận nó, thì bạn đang vướng vào Fixed Mindset. Ngược lại, nếu bạn nhìn vào những khiếm khuyết của mình nhưng hiểu rằng, với nỗ lực và phương pháp đúng, bạn có thể cải thiện, thì bạn đang suy nghĩ theo hướng Growth Mindset. Những người có Growth Mindset là những người thành công hơn trong mọi lĩnh vực.
Học Growth Mindset cũng là học cách CHẤP NHẬN THẤT BẠI. Ở các nước phương Tây và một số nước phát triển Châu Á, họ coi thất bại như một điều tất yếu của phát triển. Từ "Loser" (kẻ thua cuộc), trong nghĩa bóng, là từ để chỉ những kẻ BỎ CUỘC, chứ không phải chỉ những người thua trận.
(4) Học cách So sánh Tích cực
Trong lớp tâm lý, các bạn học người Canada 40-50 tuổi của Mike đều cho rằng các bạn trẻ bây giờ thật ra chịu nhiều áp lực hơn thế hệ trước rất nhiều. Nguyên nhân rất đơn giản, social media đã phóng đại các thành quả của người khác, khiến bạn dù không muốn nhưng cũng so sánh thụ động giữa mình và họ. Và so sánh thụ động tiêu cực chính là cách đốt chết Tự Tin của bạn nhanh nhất.
Nếu muốn hoàn thiện bản thân, hãy học cách so sánh Táo với Táo (apple with apple), đừng so sánh Táo với Cam (apple with orange). Mike có một người bạn, vì học không giỏi nên chỉ thi vào cao đẳng, và tốt nghiệp xong là mất luôn tự tin về khả năng của mình vì luôn so sánh với các bạn chung lứa cấp 3 tốt nghiệp đại học. Bạn đâu biết rằng, khả năng giao tiếp và trải nghiệm cuộc sống (street smart) hơn đứt Mike và nhiều bạn đại học khác cả 4 năm mài a** trên ghế nhà trường :)) Hãy nhìn vào điểm mạnh của bản thân, đừng so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác.
-----------------------------------------------------------------------------------
Đó là một vài suy nghĩ mình rút ra được từ đọc sách và trải nghiệm. Mike muốn kết thúc bài viết bằng câu chuyện của một học trò cũ.
D. là một trong những học trò đầu tiên của Mike. Cả lớp gọi là "ông Thần", vì ông ấy quá lười học. Điểm mạnh lớn nhất (không phải duy nhất) của D là tự tin. Sau một thời gian học tập, nhờ tự tin mà "ông Thần" được 5.5 IELTS Speaking vì gây được ấn tượng với giám khảo (điểm cao so với năm sinh 97 của ông ấy), và hiện giờ đang du học ở New Zealand một ngành không giống ai, nhưng là ngành phù hợp nhất với khả năng và sở thích của "ông" ấy.
Cứ tự tin lên. What's the worst that can happen! ^^
Mike,
Canada Mar18
Theo fanpage Mike's English Service