Mùa hè đặc biệt của cô
Gửi tặng con – cậu bé khiến cô cảm thấy mùa hè lần đầu tiên đẹp đến thế.
Gửi tặng con – chàng trai nhỏ khiến cô cảm thấy mùa hè lần đầu tiên ý nghĩa đến thế.
Gửi tặng con – người khiến cô nhận ra rằng mùa hè là mùa duy nhất có những giọt nắng vàng tươi mới
Gửi tặng con – thiên thần đẹp trai à, cảm ơn con đã giúp cô yêu mùa hè và cảm ơn con vì con đã nở nụ cười!
Cho đến thời điểm gặp cậu bé ấy, tôi vẫn đang là sinh viên – một sinh viên vừa qua năm ba và bước vào kì nghỉ hè chuẩn bị sang năm cuối đại học, đồng nghĩa với việc tôi chưa từng có kinh nghiệm gì trong nghề nghiệp.
***
Tôi là sinh viên của khoa Giáo dục Đặc biệt – trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự yêu thích và đam mê đối với ngành học đã khiến tôi quyết định ở lại thành phố để xin đi làm trợ giảng cho một trung tâm dạy trẻ đặc biệt thay vì lựa chọn về quê nghỉ hè.
Vào một buổi chiều tháng sáu, bầu trời thả những đợt nắng rát. Chuông điện thoại của tôi reo lên từng hồi:
– Chiều nay lớp kĩ năng xã hội sẽ có một học sinh mới. Em đến sớm đón trẻ và tổ chức trò chơi nhé! – Giọng anh Sếp nhẹ nhàng.
Tôi nhìn ra cửa sổ khi vừa cúp máy. Sau thông báo của Sếp, tôi cảm thấy hình như bầu trời có vẻ u ám hơn. Có lẽ vì thế mà nắng bỗng trở nên yếu ớt hơn. Lòng tôi bộn bề. "Phải cố gắng làm quen với một trẻ Tự kỉ, thật là một nhiệm vụ không mấy dễ dàng." – một dòng hỗn độn. Cô giáo tôi thường nói, để hiểu và thân quen với một trẻ Tự kỉ thì thường mất nhiều thời gian hơn so với những trẻ đặc biệt khác. Và tôi cũng biết, khi mình xác định tiếp nhận một trẻ Tự kỉ tức là bản thân cần nỗ lực hơn rất nhiều, nhất là đối với một sinh viên chưa có kinh nghiệm như tôi.
Nhưng hình như tôi đã nghĩ hơi nhiều, hơi phức tạp và hơi nghiêm trọng hóa. Bởi đứng trước tôi đây là một cậu nhóc, à không, là một thiên thần. Khuôn mặt con ngời sáng nhưng không cười. Ngay lúc ấy, chỉ vài giây ngắn ngủi thôi, tôi đã thèm biết mấy được thấy thiên thần cười. Vì tôi tin rằng, con cười sẽ rất đẹp. Hơn cả nụ cười, là đôi mắt. Đôi mắt con rất sáng, dù ánh nhìn của con luôn vô định xa xăm nhưng tôi lại cảm thấy mình bị hút hồn bởi ánh mắt này – thứ ánh mắt lấp lánh ngay cả khi nó không dành cho mình. Đó, một thiên thần đẹp như vậy thì không thể làm khó tôi được. Bởi vì, đã là một thiên thần thì sẽ khiến tôi "phải lòng". Và khi đã "phải lòng", tôi nhất định sẽ mang yêu thương của mình để chiếm lấy tình yêu của thiên thần, tôi tự nhủ về điều đó.
Thiên thần của tôi tên là Q. Tuy nhiên tôi phải hỏi con đến ba câu và phải cầm tay xoay mặt con đối diện với mặt mình, thì tôi mới nhận được cậu trả lời "Con tên Q". Chị H – mẹ của Q cũng phải nhắc đến ba lần "Q chào các cô chưa?" thì con mới quay lại nhìn và chào. Một lần nữa, trái tim tôi loạn nhịp với chất giọng lơ lớ, ngọt ngào của người dân xứ Nghệ:
– Con chạo cô!"
Vâng, là con "chạo" cô! Tiếng con chào như một âm thanh kì diệu đối với tôi. Tuy nhiên, âm thanh ấy phát ra rất nhanh và cách con nhìn tôi cũng rất nhanh – chỉ bằng một cái liếc mắt không phẩy năm giây. Còn chưa nói hết câu chào, con đã cụp mắt nhìn đi nơi khác. Con không cười, nhưng gương mặt lại rất tươi sáng.
Khi tôi "mon men" lại gần Q để làm thân quen thì con "bơ" tôi một cách ngon lành. Tôi cố gắng hỏi con nhiều, nhưng luôn phải nói đi nói lại hai đến ba lần thì Q mới trả lời. Mỗi lần hỏi chuyện, tôi phải lại rất gần và luôn luôn phải dùng tay xoay mặt con để con nhìn đối diện với mình. Con là trẻ Tự kỉ nên nhiều khi chính con cũng không nhận ra rằng có ai đó đang hỏi chuyện con, có ai đó đang đứng nhìn con và có ai đó đang mong được chạm vào thế giới của con. Con không quan tâm những điều đó, giống như một chàng trai lạnh lùng trước những cô gái mà chàng ta không thích. Vậy, tôi sẽ làm gì để Q thích tôi? Làm gì để có thể bước đến và khám phá thế giới của con – một thế giới được bảo vệ bởi bức tường vững chắc và rất kén người bước qua?
Tôi bắt đầu làm thân bằng việc dắt Q lên lớp và hướng dẫn con chơi trò "Ném lon". Tôi cố gắng nói rõ ràng và ngắn gọn để có thể hướng dẫn Q chơi. Con ném lon rất giỏi. Nhưng mỗi lần lon đổ, con vẫn ngồi thừ ra đó thay vì đi dựng chiếc lon đặt vào vị trí cũ, hay chạy lên nhặt chiếc dép về. Tôi nhắc và tiếp tục nhắc trong suốt những phút đầu trò chơi:
– Q, nhặt dép!
– Q, dựng lon!
– Q, về vị trí nào!
– ...
Khi con có vẻ nhớ được một chút về luật chơi thì tôi bắt đầu trở lại với ham muốn thiên thần nở nụ cười. Tôi bắt đầu nghĩ ra những gợi ý ăn mừng. Khi lon đổ, tôi diễn biểu cảm khuôn mặt vui sướng, chạy ù lại giơ tay để đợi con đập tay. Hoặc tôi giang tay để đợi Q ôm. Có lúc, tôi cười lớn và giơ ngón cái tỏ vẻ khen "Giỏi quá!" hoặc tôi vỗ tay và hét to "oa, Q đã thắng"... Và bạn biết không? Cuối cùng thì điều tuyệt vời đã xảy ra với tôi – thiên thần của tôi đã cười khi nhìn chiếc lon đổ. Khoảnh khắc ấy, nhanh thôi. Giữa căn phòng điện sáng bừng ấy, nhưng tôi lại chỉ nhìn thấy ánh sáng duy nhất ở xung quanh nơi thiên thần của tôi đáng đứng cười. Và cả đôi mắt sáng long lanh kia cũng đang ánh lên sự vui vẻ. Lòng tôi hạnh phúc. Hạnh phúc bởi vì tôi biết nụ cười đó thực sự là của con. Và bởi vì tôi có cảm giác: nụ cười ấy thuộc về tôi. Tôi đã không bị bở rơi. Q đã nhìn tôi và cười, đó là sự thực! Dù nụ cười rất ngắn, dù nụ cười rất nhanh, dù nó là thoáng qua, nhưng nụ cười đó chắc chắn là của tôi! Và trên đời, đôi khi một nụ cười có thể tiếp thêm sức mạnh cho người khác, là có thật! Trái tim tôi bỗng tràn đầy sức sống!
Q so với các bạn trong lớp, kĩ năng của con còn rất non. Những ngày đầu theo học, thậm chí con còn chưa nhớ rằng khi muốn phát biểu thì phải giơ tay, hay khi bước vào lớp thì cần chào hỏi mọi người, ... có lúc con không tập trung nên chẳng hiểu thầy cô hỏi gì. Sở thích của con chỉ là gõ, đập, xoay tròn những chiếc nắp hộp. Phần thưởng mà con muốn có nhất chính là được cầm những chiếc nắp đó để tạo ra âm thanh "boong boong". Mỗi lần như vậy con đều rất vui và con cười. Vẫn nụ cười trong trẻo với hai chiếc răng cửa to như hạt bắp và bên cạnh là những chiếc răng sún mọc chưa đầy đủ. Nhưng con chỉ nhìn chiếc nắp hộp và cười chứ nào có nhìn tôi cười như điều tôi vẫn mong ước.
Cùng với việc nhắc nhở, dùng cử chỉ kí hiệu để gợi ý rằng "Con hãy giơ tay khi muốn phát biểu" thì tôi còn sắp xếp để con ngồi bên cạnh một cậu nhóc khác. Bạn nhỏ này có một ưu điểm là thường nhắc nhở con khi con muốn nói bằng những câu hết sức đáng yêu như:
– Q giơ tay lên để được gọi.
– Q, cậu giơ tay đi.
– Q, tay cậu đâu, giơ lên!
– ....
Thế rồi, cứ buổi học này sang buổi học khác, lâu dần, con đã nhớ và thực hành tốt hơn với kĩ năng giơ tay khi muốn phát biểu.
Ngoài sở thích định hình là gõ đập nắp hộp để tạo ra âm thanh, thì tôi phát hiện ra hai sở thích nữa của Q. Trong giờ học con rất thích được thưởng ngôi sao, mỗi lần con trả lời xong đều tự ý chạy lên bảng để đòi viết sao, dù chưa biết rằng mình trả lời đúng hay chưa. Vẫn chất giọng lơ lớ và ánh mắt lấp lánh như sao đêm:
– Ngổi sao! – Vừa chỉ tay lên bảng, con vừa nhìn tôi nói.
Tôi cười và đáp:
– Q, về chỗ!
Con vẫn lưỡng lự, ánh mắt mong mỏi:
– Cô Nguyệt thưởng sao!
– Q, về chỗ và đợi chờ! – Tôi ra lệnh dứt khoát và chỉ tay về hướng chỗ con ngồi.
Sau khi con quay về chỗ, tôi mới đưa ra nhận xét cho câu trả lời của Q. Thường thì những buổi học đầu, tôi cố gắng tìm ra điểm tốt trong câu trả lời của con để con có cơ hội được nhận ngôi sao. Tôi nói rất dõng dạc:
– Bạn Q trả lời đúng. Chúc mừng con nhận được một ngôi sao.
Và mỗi lần như vậy, tôi đều làm hành động đập tay để ăn mừng cùng con. Cũng vì thế mà tôi lại phát hiện ra sở thích thứ hai của con – là sở thích ăn mừng bằng cách vỗ tay và phải là cả lớp vỗ tay. Bạn có thể nghĩ rằng đó là sở thích bình thường, đơn giản và dễ đáp ứng. Đúng là đơn giản và dễ đáp ứng. Tuy nhiên, nếu một buổi học phải vỗ tay quá nhiều cho những câu trả lời của con thì người khác sẽ thấy khó chịu, đặc biệt là các học sinh khác trong lớp sẽ nhàm chán với việc vỗ tay. Thế nhưng Q thì rất rất thích được người khác khen ngợi như thế. Vì thế, trong giờ vui chơi, hễ Q làm gì tốt là tôi cho cả lớp vỗ tay khen và thi thoảng khi con làm đúng, tôi sẽ chạy lại ôm và vỗ lưng con. Còn trong giờ học, tôi chỉ cho cả lớp vỗ tay khen con khi mà con ngồi ngoan, trả lời đúng và không tự ý đòi sao. Cứ như vậy, lâu dần, cuối cùng con cũng đã hiểu được phần nào những nguyên tắc trong lớp học, con biết khi nào thì mình được thưởng, khi nào thì mình được khen vỗ tay...
Cứ mỗi ngày thấy con dần tiến bộ, tôi hạnh phúc nhường nào!
Nhiều trẻ Tự kỉ có vấn đề về mặt kích thích cảm giác. Q cũng vậy! Con thích âm thanh "boong boong" của những chiếc nắp – đó là con đang tìm kích thích về thính giác. Ngoài ra, con còn kích thích cả về thị giác. Con thường đứng rất gần mặt tôi và nhìn vào một bên mắt của tôi. Tuy nhiên, đây không phải là giao tiếp mắt. Bởi vì tôi nhận thấy ánh mắt con không giống như đang trao đổi thông tin hay đang cố gắng thấu hiểu người khác. Mà con nhìn mắt chỉ bởi vì con muốn kích thích, cũng chính vì thế nên con đứng rất gần. Sau vài giây nhìn vào một bên mắt, con bắt đầu dùng tay để banh to bên mắt ấy của tôi. Ban đầu, tôi nghĩ rằng con chỉ đùa vậy thôi. Tuy nhiên, dần dần tôi thấy hầu hết buổi học nào con cũng làm vậy với tôi. Và hành vi này thường xuất hiện khi con bị ai đó tước mất chiếc nắp hộp để con gõ "boong boong". Con không chỉ banh mắt tôi mà con còn rất thích tôi xoay tròn lòng đen của mắt. Cứ khi con banh mắt, tôi xoay tròn lòng đen là khi đó con cười rất thích thú. Nhưng con chỉ nhìn vào một bên mắt đang xoay tròn đó và cười với nó chứ không hề nhìn tôi và cười. Nụ cười của con rất tươi nhưng ngây dại quá!
Kể từ ngày dạy Q, tối nào đi làm về tôi cũng nghĩ đến cậu bé ấy. Tôi vừa yêu, vừa thương, vừa vui, vừa buồn, vừa nhớ lại vừa quên. Tôi thực sự nhận ra rằng, con đường đồng hành cùng Tự kỉ thật gian nan. Cứ mỗi ngày ta chỉ biết tích góp chút niềm vui, chắt chiu từng giây phút để trấn an nỗi lòng.
Mẹ của Q là một người phụ nữ tình cảm. Chị nghiên cứu và làm việc về lĩnh vực Ngôn ngữ. Chị cũng là giáo viên, cũng đi dạy con nhà người ta. Vậy nên chị thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên dạy trẻ đặc biệt. Thế nhưng, tôi lại thấy phục chị gấp bội. Chị cho Q học đàn. Chị bảo:
– Con nhà người khác thì lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Con nhà chị, nó chỉ cười khi đánh đàn. Chị cho nó đi học đàn, may mắn là nó tìm được đam mê.
Nói đến đàn hát, tôi chẳng biết tí gì, mặc dù tôi rất yêu thích nghệ thuật.
– Em cũng từng học đàn nhưng không thành công. Dễ hôm nào em phải bảo Q dạy mới được. – Tôi trêu đùa.
– Cô Nguyệt thích đàn lắm à?
– Vâng, em "cuồng" nghe tiếng đàn đó chị! – Vừa đáp tôi gật đầu lia lịa
– Vậy, tối nay cô sẽ nhận được một phần quà nhé! – Mẹ Q bí mật.
Đêm mùa hè nóng nực, tôi ngồi trước màn hình laptop soạn bài. Ngoài cửa sổ, chậu sương rồng vẫn sừng sững, bên cạnh là cây sen đá nhỏ vừa đầm chồi ngoi lên từ những hạt sỏi cuội, trông rất mạnh khỏe. Tôi nhẹ nhàng ngắm nhìn nó và nhấp một ngụm cà phê. Chợt điện thoại có tin nhắn, là tin nhắn zalo của mẹ Q:
– Gửi tặng cô Nguyệt bản piano này. Chúc cô buổi tối vui vẻ!
Tôi hồi hộp mở ra xem. Đó là đoạn video Q ngồi đánh đàn. Trước mặt con là chiếc piano rất to. Bàn tay nhỏ bé của con lướt trên từng phím đàn, rồi từng giọt âm thanh long lanh bật ra. Tôi nghẹn ngào, một giọt nước mắt lăn trên má. Tiếng đàn của con khiến tâm hồn tôi bình yên lạ thường. Là bài nhạc "Romance" – một bản nhạc không lời mà tôi rất thích. Tôi cứ xem đi xem lại video đó nhiều lần mà chẳng thấy chán. Khuôn mặt con hạnh phúc tràn đây khi ngón tay con bấm từng nốt nhạc. Tôi chưa từng thấy trước đây vẻ say mê hiện trên gương mặt con, giống như lúc này.
Tôi gửi trả lại mẹ Q một tấm hình để đáp trả tình cảm chị ấy dành cho mình. Đó là bức ảnh tôi chụp được Q cười khi con đang nhận phần thưởng cùng các bạn trong lớp. Nụ cười vẫn đầy sức cuốn hút và sự đê mê, để mỗi khi tôi nhìn vào đó, tôi cũng mỉm cười hạnh phúc vì thấy lòng an nhiên.
Cuối tháng bảy, nắng như đổ lửa. Tôi nhận được thông báo của mẹ Q:
– Hôm nay, cháu qua trung tâm đánh giá lại vì mai cháu về Nghệ An rồi cô Nguyệt ạ!
Thoảng qua, tôi sửng sốt và có chút hụt hẫng.
– Thế ạ? Con phải về rồi à chị?
– Ừ, tháng tám con vào học. Chị cho con về chuẩn bị năm học mới.
– Vâng, nhanh quá chị nhỉ. Em chưa kịp làm được gì cho con...
– Cảm ơn cô Nguyệt nhiều nhé. – Ánh mắt chị trìu mến.
Lòng tôi bỗng thấy buồn, không hiểu rõ tại sao buồn nữa. Mừng vì con về để có thể tiếp tục đi học, ở trường ở lớp – thầy cô và bạn bè cũng yêu thương con, nhưng buồn vì con về rồi thì tôi không còn thường xuyên được thấy nụ cười của thiên thần nữa.
Buổi học đó, các bạn trong lớp đã vẽ tặng con một bức tranh kèm những lời chúc hết sức đáng yêu. Riêng cô, chỉ viết vài lời với mong ước được nghe nhiều hơn những bản đàn của con. Lúc gần chia tay, con nhìn cô và đánh bản nhạc "Kiss the rain" bằng lời hát của mình:
"Tình tinh tinh tinh tính tính tính, tình tinh tính tinh tính tính tính..."
Tôi quay mặt đi để trái tim khỏi thắt lại. Tôi xoay người con đối diện mình:
– Con nhớ đánh bài này cho cô nhé!
Q gật.
– Móc ngoéo với cô! – Tôi giơ tay.
Mùa hè kết thúc thật nhanh với những kỉ niệm êm đẹp. Một buổi tối đầu mùa thu gió mát, tôi lững thững dạo phố một mình. Bỗng nhớ. Tôi mở video cậu bé đánh đàn và xem lại. Vẫn là từng giọt âm thanh trong veo của tiếng đàn piano, giống hệt như nét ngây thơ trên khuôn mặt với nụ cười rực rỡ và đôi mắt sáng long lanh của cậu bé thiên thần. Và như một sự trùng hợp, điện thoại tôi có tin nhắn zalo từ mẹ Q.
– Cô Nguyệt có khỏe không? Đây là bài đàn Q dành tặng cho cô. Cảm ơn cô rất nhiều!
"Tình tinh tinh tinh tính tính tính, tình tinh tính tinh tính tính tính..."
Con đã thực hiện lời hứa, dành tặng cô bản nhạc không lời "Kiss the rain"!
Cô nhớ con rất nhiếu!
Cảm ơn con, chàng trai nhỏ bé đã đến bên cô.
Cảm ơn con cho cô những khoảnh khắc tuyệt vời.
Mới đây thôi, một bạn học cùng lớp đã hỏi thăm con. Bạn ấy hỏi là "Bao giờ thì con quay lại lớp?"
Mùa hè đã qua theo một cách đặc biệt: không nóng bức, không oi ả, không khó chịu, không mỏi mệt. Và một mùa thu nữa lại đến, chẳng mấy nữa mùa hè lại sang. Hi vọng chúng ta sẽ được gặp lại nhau. Nhanh thôi, phải không con?
Minh Nguyệt