Gửi bài:

Bóng chiều

Cái nắng dát vàng óng ả len trong từng cơn gió giữa con ngõ vắng không một bóng người. Dáng người đàn bà chung chiêng, nhỏ thó lọt thỏm trong bộ áo dài tân thời cũ kĩ, rộng thùng thình như bóng chiều nghiêng đổ.

Mi ơi! Mi à! Mi của bà đâu rồi!

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Tiếng gọi the thé nhưng thiết tha, trìu mến len vào mọi ngõ ngách. Bất cứ ai mới nghe lần đầu đều ngỡ là bà đang gọi đứa cháu gái yêu quí của mình. Riêng người dân ở đây không ai lạ gì bà, người ta biết bà đang gọi đối tượng nào. Bà không chồng, không con và được gán cho cái tên là người đàn bà dở hơi. Bà dở hơi nên bà mới làm bạn, nói chuyện với chó mèo. Bà dở hơi vì trong cái ngõ nghèo này, bằng tuổi bà nhưng ra đường son son phấn phấn chắc chỉ mỗi mình bà, có như vậy bà mới tự tin. Thế nên, mặt bà lúc nào cũng một lớp phấn dày cộp như lớp bùn sét trát vụng trong những ngôi nhà vách đất cổ xưa. Người ta kể, thời còn trẻ bà là kĩ nữ nên thói quen bôi son trát phấn hình thành thành nếp, như ăn cơm ngày ba bữa. Người ác mồm ác miệng còn bảo, vì bà là kĩ nữ nên bây giờ bà mới không chồng, không con. Bà dở hơi và trời hành bà nên nhà có nước sạch bà không dùng, đêm hôm bà lọ mọ ra chiếc ao tù cạnh nhà để rửa bát, giặt quần áo...

Tiếng bà gọi trong vô vọng, con Mi vẫn bặt vô âm tín, và cũng không một ai đáp lại lời người đàn bà dở hơi. Gọi không được con Mi bà quay ra bà chửi. Bà chửi đứa nào, thằng trời đánh nào đã thịt mất con mèo nhà bà. Tiếng gọi, tiếng chửi vang khắp ngõ xóm rồi thưa dần, thưa dần...

Nắng chiều tắt lịm, phủ một màu đen bàng bạc.

bong-chieu

* * *

Bà hành nghề thầy bói, gọi là thầy bói cho oai chứ ai cũng biết bà phán vớ vẩn. Trong ngõ, thỉnh thoảng có người kéo bà lại ngồi xem quẻ cho vui và cũng vì muốn ủng hộ bà. Sáng sáng, đều như vắt chanh, sau khi son phấn xong, bà mặc chiếc áo tân thời màu cháo lòng, quắp chiếc túi vải cùng màu rồi chậm rãi ra đi. Ít ai biết bà "hành nghề" ở địa điểm nào, chỉ thấy bà thường đi từ sáng và trở về lúc chập choạng tối. Hôm nào có chiếc xe ôm chở bà về đỗ xịch tận ngõ, tức là hôm đó bà "kiếm được". "Kiếm được" bà sẽ phóng khoáng chi mấy chục ngàn đi xe cho cái chân già yếu bớt đau, mà cái cảm giác cầm đồng tiền trả cho người ta rồi nhận lại lời cảm ơn bà sướng lắm. Bà thường nói cảm ơn với người khác chứ ít khi người khác có cơ hội để cảm ơn bà. Nghe hai từ cảm ơn bà cảm thấy "oai" như là giá trị con người bà được thăng lên một bậc. Và hôm nào kiếm được, bà sẽ khoan thai ra quán bún đầu xóm ăn sáng, quán bún rẻ tiền dành cho những người bình dân, những người già, trẻ nhỏ. Mỗi lần bà xuất hiện, bà chủ quán tỏ vẻ không thích lắm nhưng chả lẽ lại không bán cho bà, mà bà có làm gì nên tội.

* * *

Sáng nay bà vui lắm. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt kèm nhèm. Bà gọi bát bún 20 ngàn thay vì 15 ngàn như mọi khi. Bà cũng không quên dặn bà chủ quán cho nhiều thịt ít bún. Nghe thấy tiếng bà, trên cái ghế băng dài, người ta lũ lượt hích cái mông nhau xích về một phía. Không phải vì họ tôn trọng người lớn tuổi hay nhường ghế cho bà mà vì sợ cái mùi phấn xen lẫn cái mùi ngai ngái của chiếc áo tân thời mà bà đang mặc.

Khi người ta vui thì lòng cũng như mở cờ. Mà niềm vui của bà lần này nó khác lạ lắm, khác với khi được người ta cho thêm tiền – đó là niềm vui của một người bà sắp có thêm "cháu" nhỏ. Trong cái tuổi xế bóng ngả chiều, trong cái thảm cảnh của niềm cô đơn cùng cực thì con Mi chính món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho bà. Và khác với vẻ lầm lũi thường ngày, bà hồ hởi kể với chủ quán:

- "Con Mi nhà tôi nó về rồi cô ạ. Tổ sư nó chứ, nó đi theo giai mấy ngày, nó làm tôi lo lắng đứng ngồi không yên. Nó đi theo giai, rồi lại ễnh cái bụng, đẻ ra bầy con và tôi lại phải nuôi".

Bà vừa nói vừa cười, nụ cười móm mém hiếm hoi trên khuôn mặt già nua. Nụ cười lan tỏa, khơi dậy cảm xúc trong tất cả mọi người. Ai cũng thấy bầu trời thật quang đãng và đẹp đến lạ...

Chủ quán đon đả bê bát bún nhẹ nhàng đặt trước mặt bà. Như mọi lần, bà thủ sẵn một chiếc túi bóng, chưa vội ăn bà cầm đũa khơi khơi và nhẹ nhàng gắp từng miếng thịt cho vào túi, sau đó đặt bên cạnh rồi mới ăn. Bà nghĩ, con Mi đang mang bầu nên phải bồi bổ cho nó, vì vậy trong bát có bao nhiêu miếng thịt bà để phần con Mi hết. Nhiều người nhìn bà ái ngại nhưng bà chủ quán thì đã quá quen với việc này.

Ăn xong, bà nhấc đít, với lấy túi bóng rồi chắp hai tay sau lưng khoai thai chậm rãi đi về. Như quen ngửi thấy hơi bà, mấy con chó háu ăn chực chờ sẵn, chúng xúm xít ngay ngã ba chỗ rẽ vào nhà bà chờ đợi. Nhác thấy bóng bà, chúng vẫy đuôi phe phẩy. Chúng mừng và đón chào bà còn hơn với chủ của chúng. Nhưng hôm nay bà không giở túi bóng ra mà chỉ chậm rãi đảo mắt nhìn rồi lại chậm rãi bước đi. Mấy con chó không chịu buông tha, chúng ngoe nguẩy, nhảy chân sáo chạy theo, khịt khịt chiếc mũi còn đôi mắt thì nhìn hau háu vào cái túi của bà. Bà ngoái đầu nhìn lại rồi như không đành lòng bà lại ngồi thụp xuống, vừa mở cái túi ra vừa mắng yêu "Tổ sư bố chúng mày". Bà rón rén dùng hai ngón tay xương xẩu nhặt ba miếng thịt cho ba con chó đang chõ mõm nhìn chằm không chớp. Miếng thịt nhỏ xíu lọt thỏm vào mồm từng con rồi trôi tuột xuống dạ dày chúng.

Bà lại nặng nhọc đứng lên và bước đi, lũ chó vẫn không thôi ánh mắt thèm khát, phe phẩy đuôi. Bà không nhìn nhưng bà thừa biết chúng vẫn còn thèm thuồng, bà lại mắng yêu chúng "Tổ sư chúng mày, chúng mày chỉ ăn thế thôi, đây là phần của con Mi nhà bà". Dường như hiểu rõ không thể kì kèo thêm nữa, lũ chó quay đầu trở về nhà.

* * *

Hôm nay, quán bún bà Thủy xôm hơn hẳn, người ta bàn tán về người đàn bà dở hơi, người đàn bà có chó mèo làm bạn, bà đã về với ông bà tổ tiên. Người thương cảm xót xa, người tặc lưỡi bảo thôi như thế cho sướng cái thân bà. Rồi người ta bảo người nhà không nhận tiền phúng viếng vì họ không muốn sau 49 ngày lại phải làm mâm cỗ mời những người có danh sách đến phúng như là một hinh thức cảm ơn cho đúng phong tục. Bà chủ quán bún không nói gì, bà đang nghĩ về người đàn bà bất hạnh, về con Mi, về những đứa con của chúng...

Cách đó không xa, lũ chó xúm xít, ngoe nguẩy đuôi như là chờ đợi một điều gì đó, có lẽ chúng chưa biết rằng bà đã về với tổ tiên, ông bà....

Nguyễn Thị Duyên

Ngày đăng: 18/11/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Napoleon Hill - successful quote
 

Thành công đến với những người có ý thức về thành công. Thất bại đến với những người thờ ơ để mặc mình với ý thức về thất bại

by Napoleon Hill

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage