Cô Hạ
Tôi nghĩ, có lẽ trong suốt cuộc đời dạy học của mình, cô chỉ viết thư cho một học sinh duy nhất là anh Sự, và anh Sự cũng thế, trong cuộc đời học sinh của mình, anh chỉ nhận được lá thư của cô. Cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng không thể nào làm phai mờ đi tình cảm của cô dành cho anh em tôi. Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Hằng năm, mỗi lần gần đến 20/11 ngày nhà giáo Việt Nam, mẹ lại gọi điện nhắc nhở "sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam rồi đấy, anh em con nhớ gọi điện hỏi thăm sức khỏe và chúc cô Hạ nhé". Dạ vâng, chúng con nhớ chứ. Làm sao mà quên được cô hả mẹ. Trong suốt cuộc đời của mình, anh em con luôn ghi lòng tạc dạ công ơn dưỡng dục của cô bởi cô là người đã giúp đỡ rất nhiều trong học tập để anh em con phương trưởng như ngày hôm nay.
Nhà tôi, ba anh em đều học cô Hạ cả, tại trường THPT Nam Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nhà ở xa trường nên đi học rất khó khăn, vất vả. Để tạo điều kiện cho anh em tôi đi học thuận lợi, mẹ đã đến xin cô cho ở trọ để đi học cho gần vì cô ở tập thể của nhà trường. Theo lẽ thường, có không ít người không muốn cho người khác ở trọ nhà mình bởi vô vàn những bất tiện xảy ra trong quá trình sinh hoạt như ăn uống, chỗ ngủ, sở thích, thái độ, cơm áo gạo tiền, vân vân và vân, làm thay đổi nếp sống thường nhật của họ. Và thông thường, họ sẽ viện dẫn nhiều lí do để chối, tránh phiền phức về sau, nhất là đối với những người xa lạ, không họ hàng thân thích máu mủ ruột rà, không phải bạn bè thân quen, không phải là con cháu của cấp trên nhờ cậy. Vậy mà cô Hạ lại nhận lời đồng ý cho anh em chúng tôi được trọ học tại nhà mà không so đo tính toán thiệt hơn, dẫu rằng nếp sống gia đình có sự xáo trộn khi gia đình có thành viên mới. Không biết khi ấy cô đã suy nghĩ như thế nào mà có quyết định như vậy, chỉ biết rằng, mẹ bảo từ nay các con trọ học nhà cô Hạ.
Tập thể của trường có 10 phòng, mỗi phòng rộng khoảng trên 20m2. Phòng ở của cô Hạ nằm ở dãy cuối cùng của khu tập thể nhà trường, gần cổng trường, được ngăn thành hai gian bởi tấm vải ri đô. Phòng nhỏ nhưng cô sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp nên không cảm thấy trật trội. Phía sau nhà là khoảnh đất nhỏ được tận dụng dựng gian bếp nhỏ, nhà tắm và nuôi lợn, mỗi năm hai lứa, nuôi gà tăng gia thêm. Phía trước sân tập thể là mảnh vườn nhỏ trồng rau đay, mồng tơi, mướp, cà, bồ ngót...mùa nào thức ấy để không phải đi mua ngoài chợ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa sạch và an toàn. Hồi đó, thầy cô ở tập thể, ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên đều phải nuôi lợn, nuôi gà để tăng gia kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình nên mọi người sống rất tình cảm, thân thiết, không ai phàn nàn với ai về chuyện con gà, con lợn, gây mất đoàn kết.
Ở nhà cô, anh em tôi ít khi phải động tay động chân làm việc nhà. Cô bảo, việc của các em là phải ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới cho tốt để không bị điểm kém khi kiểm tra miệng, mười lăm phút hay một tiết. Bị "đúp" hoặc trượt tốt nghiệp là nguy to đấy, rất mất thời gian, tốn kém tiền bạc và tương lai của mình sau này sẽ ra sao khi không có tấm vé thông hành để đi vào đời – Bằng tốt nghiệp THPT. Để việc học tập có kết quả, cô bố trí một số học sinh khá, giỏi trong lớp tổ chức học nhóm với anh em tôi, cùng trao đổi các cách giải bài tập khó, vì thế, thành tích học tập của mọi người ngày càng nâng lên rõ rệt. Ngoài giờ học, anh em tôi chở Hoàng ra sông, ngòi mò rong đem về quây ở một góc ao của trường để nấu cám cho lợn ăn dần được khoảng một tuần. Thay đổi món cho lợn thì kiếm rau muống, rau lang, cây chuối về băm nấu cám cho lợn, gà ăn. Nuôi mát tay nên lợn con nào cũng trên 100 kg mới bán, gà con nào con ấy béo ục ịch, thỉnh thoảng cô bắt một con gà nấu cháo, kho thịt để bữa ăn tươm tất hơn.
Cô Hạ dạy môn địa lí. Cô sinh được hai người con, một trai một gái chăm ngoan học giỏi đều là học sinh trường chuyên của huyện. Chồng cô mất khi cô còn rất trẻ. Cô không đi bước nữa, ở vậy nuôi con. Thiếu vắng người trụ cột trong gia đình, cuộc sống thường nhật đè nặng lên đôi vai gầy gò, mảnh mai của cô. Vừa làm mẹ, vừa làm cha chăm sóc nuôi dạy con cái, cha mẹ già yếu,việc nhà, việc trường, đối nội đối ngoại....vất vả lắm chứ nhưng cô đã nỗ lực rất nhiều, vượt qua mọi khó khăn của gia đình để nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo, ân cần, tận tình, đồng nghiệp và hàng xóm ngợi khen dâu hiền đảm đang, sống có tình có nghĩa với mọi người xung quanh. Hai em Hoàng, Lê hiểu hoàn cảnh gia đình, luôn lễ phép vâng lời mẹ, nỗ lực học tập để trở thành học sinh giỏi của huyện. Ngoài giờ học tập, các em quét dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ...để mẹ đỡ vất vả.
Ở trường, cô Hạ là một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Cô dạy bộ môn nhưng cũng có năm được nhà trường phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với cương vị giáo viên chủ nhiệm, cô quan tâm, gần gũi với học sinh, tìm hiểu tâm tư tình cảm, năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình của từng người để có biện pháp giáo dục phù hợp và giúp đỡ kịp thời nên lũ học trò lớp tôi vừa sợ, vừa nể, vừa cảm phục trước sự quan tâm, lo lắng nhưng cũng rất nghiêm khắc của cô với lớp, chẳng đứa nào dám vi phạm nội quy của lớp, của trường vì sợ cô buồn lòng. Giờ dạy của cô luôn được học trò chúng tôi háo hức chờ đợi bởi cô luôn vận dụng linh những phương pháp giảng dạy, đưa những kiến thức thực tế vào bài giảng khiến giờ học luôn sinh động, cuốn hút học sinh. Cô bảo, muốn nắm chắc được bài, nhớ lâu, các em phải vận dụng mắt nhìn, tai nghe và tay viết những lời giảng, ví dụ của thầy cô vào cuốn vở phụ để khi học bài cũ, chuẩn bị bài mới cũng như làm bài kiểm tra đạt kết quả cao.
Anh em chúng tôi, đứa năm trước, đứa năm sau lần lượt tốt nghiệp cấp III, bước những bước chập chững vào đời đi tìm chân trời mới của cuộc đời mình. Từ nhỏ đến lớn, anh em tôi chưa bao giờ đi ra khỏi lũy tre làng, sẽ không tránh khỏi những vấp ngã của cuộc sống, không tránh khỏi những cạm bẫy của lòng người. Cô lo lắng lắm. Mỗi lần anh em tôi đi xa cô đều đến nhà ân cần dặn dò, đưa tiễn. Cô như là một người mẹ vậy.
Cô đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã chắp cánh những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống không chỉ cho anh em tôi mà còn cho tất cả những thế hệ học sinh mà cô đã dạy. Những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi người học sinh đều được khơi nguồn từ bàn tay, khối óc những người hướng đạo. Vâng, cô đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt người học sinh từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, cô - người đưa đò đã phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có "mưa to", "gió lớn" vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả đưa được khách qua sông. Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, chúng tôi nhớ lắm những bài học làm người, những tri thức khoa học mà cô đã dạy. Để rồi rất nhiều người học trò đã thành công trong sự nghiệp của mình như anh Nguyễn Hồng Diên, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, anh Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình...
Anh em chúng tôi lập nghiệp ở một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, cách quê nhà gần hai ngàn cây số. Bố mẹ tôi sau một thời gian dài sinh sống ở quê đã vào ở cùng con cái để mọi người tiện chăm sóc, gần gũi với con cháu. Do tính chất công việc, bố mẹ về ở với anh cả ở Vũng Tàu.
Nghỉ hè, anh em tôi lên Vũng Tàu thăm bố mẹ. Bên ấm trà xanh đậm hương vị quê nhà, anh em tôi nhắc đến cô Hạ với những kỉ niệm khó quen của một thời cắp sách. Mẹ bảo, mẹ vẫn còn giữ lá thư của cô Hạ gửi cho Sự đấy. Trời ơi! Hai mươi sáu năm trôi qua, mẹ vẫn giữ lá thư của cô làm kỉ niệm, không vất bỏ đi như lẽ thường tình mọi người vẫn làm. Mẹ yêu yêu quý, trân trọng bức thư của cô giáo gửi cho học sinh với lòng cảm phục sâu sắc. Bức thư đó là sự quan tâm, lo lắng của cô với người học trò mà cô yêu quý. Có lẽ, trong cuộc đời của mỗi người học trò, ít có ai có được sự quan tâm như thế của cô giáo với học trò. Bức thư của cô là kỉ vật quý giá đối với gia đình tôi. Hơn hai mươi năm với nhiều lần thay đổi chỗ ở, một số đồ dùng bỏ lại, vậy mà bức thư của cô mẹ vẫn giữ bên mình. Thật đáng quý biết bao nhiêu. Tôi bảo, mẹ đưa thư của cô cho con đọc với. Cầm lá thư trên tay, tôi chăm chú đọc:
Ngày 24 tháng 10 năm 1992
Sự yêu quý!
Thế là cô cháu mình xa nhau một chiều dài đất nước. Ngày ngày nhìn tấm bản đồ trên tường cô cố hình dung cháu ở nơi nao trên màu xanh tận cùng của đất nước. Đến bao giờ gặp lại để có những bữa cơm thanh đạm mà vui vẻ, để rồi một lúc lại "Sự ơi...!". Từ nay cô chẳng còn được nghe tiếng xe phanh két trước cửa, hay tiếng chuông xe kêu từ đầu ngõ để rồi hai em Hoàng, Lê lại bổ nhào ra: Đúng anh Sự rồi.
Tất cả đã qua rồi và xa mãi mãi. Mỗi đứa một tính, anh Chiến cô cũng quý và nhớ nó, song với mày sao mà cô khó nguôi đi thế. Có lẽ, mọi chỗ, mọi nơi trong cái phòng này ở khu tập thể Nam Duyên Hà đều có dấu vết của cháu để lại. Cháu xa, nỗi bâng khuâng trống trải làm cả ba mẹ con cùng ngao ngán. Cô coi mày như thành viên của gia đình, như đứa con đầu đã ra đi. Ở nơi xa, cuộc sống mới lạ lùng có thể cháu ngỡ ngàng và dễ quen (vì thanh niên mà) nhưng chốn quê này cô nhớ lắm. Hai em Hoàng, Lê nhắc cháu luôn miệng, như thế cháu hiểu rằng cháu đã để lại những thân thương cho cô và hai em đến đâu. Có lẽ cháu là người ít tuổi nhưng đã là niềm tin mà cô từng bộc bạch những lúc vui, buồn như thế với một người lớn. Cô quý ở cái tính vô tư mà chân thật, thoải mái và tình cảm nhưng thẳng thắn. Thậm chí quý cả cái tính lười nhưng không giả dối. Không hiểu rồi khi gặp lại nó có còn là Sự như thế nữa không?
Sự ơi, vào đấy có béo khỏe ra không? Nhớ là phải thường xuyên tập luyện để không được "phệ" . Công việc thế nào rồi? Làm gì? Ở đâu? Nhớ tìm đến chỗ anh Minh theo địa chỉ: Phòng kiểm soát chung Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Minh Hải, phường 9, Nguyễn Tạo, Cà Mau. Cô đã ghi thư báo tin với anh Minh rồi đấy. Chắc anh ấy rất vui.
Ở quê cô và hai em vẫn khỏe, riêng ông bà thay nhau yếu (nhưng không nặng, cứ lằng nhằng thôi). Trường thì thay đổi nhiều lắm, cô Tuyết nghỉ hưu, bốn thầy cô chuyển về cấp II là thầy Kính, thầy Hồi, thầy Hiến và cô Hay. Như thế cô hiện tại dạy cả trường nên nhiều giờ và chủ nhiệm lại càng vất vả. Mùa này đi chở rạ ruộng lớp lại nhớ chúng mày nhiều. Cuộc sống khốn khó ấy có lẽ còn lẩn quẩn với cô.
Thế nhé, cô dừng bút để còn đi xem phim "Người giàu cũng khóc". Mong cháu vui khỏe, vạn sự tốt lành.
Cô
Hạ
Lá thư ngắn thôi nhưng từng chữ, từng câu thấm đẫm, chất chứa nhiều cung bậc tình cảm của cô giáo đối với đứa học trò thân yêu mà cô coi như đứa con đầu lòng của mình. Tôi nghĩ, có lẽ trong suốt cuộc đời dạy học của mình, cô chỉ viết thư cho một học sinh duy nhất là anh Sự, và anh Sự cũng thế, trong cuộc đời học sinh của mình, anh chỉ nhận được lá thư của cô. Cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng không thể nào làm phai mờ đi tình cảm của cô dành cho anh em tôi. Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào.
Chiều nay, đang trên lớp dạy cho học sinh thì tôi nhận được điện thoại của mẹ báo tin cô Hạ nằm bệnh viện. Mẹ bảo, cô nằm viện vì hiến một quả thận cho Hoàng vì Hoàng bị bệnh thận, phải thay. Cuối tiết học, tôi vội điện hỏi thăm sức khỏe của cô và em Hoàng. Giọng yếu ớt, cô kể cho tôi nghe tình hình bệnh của em Hoàng khiến lòng tôi quặn thắt. Ca phẫu thuật thành công. Sức khỏe của em Hoàng ngày càng ổn định, cô vui lắm. Sự sống của con trai yêu quý không còn bị đe dọa nữa. Sự quan tâm, lo lắng, hy sinh niềm hạnh phúc cá nhân của tuổi thanh xuân, hiến dâng một bộ phận của cơ thể cho con cái của cô thật đáng quý, đáng trân trọng. Hình ảnh của cô gợi cho tôi nhớ đến bài hát "Lòng Mẹ". Lòng mẹ thật bao la, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả về mình vì hạnh phúc, tương lai của con cái. Đó là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà tôi nhận thấy ở cô giáo của mình. Không được ở bên chăm sóc cô, Hoàng trong lúc bệnh tật, ốm đau nằm viện, lòng tôi áy náy lắm. Giá mà được sinh sống ở nơi gần quê như Nam Định, Nam Hà, Hưng Yên...chúng tôi sẽ chạy ù về bên cô để từng giờ, từng ngày được chăm sóc cô cho trọn đạo nghĩa thầy – trò.
Hành động của cô gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện cảm động xảy ra hồi tháng 3/2014 trong một vụ động đất ở Nhật Bản, lấy đi sinh mạng của rất nhiều người. Sau động đất, khi lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm kiếm người bị nạn, thì họ nhìn thấy thi thể một người phụ nữ qua vết nứt của một ngôi nhà bị đổ nát. Tư thế của cô khá kỳ lạ, có vẻ như cô đang quỳ gối cầu nguyện, hai tay đỡ lấy 1 thứ gì đó. Và cả ngôi nhà đang đè hết lên người cô. Mọi người nghĩ rằng cô đã chết rồi, không thể cứu được nữa, toan quay đi. Nhưng đội trưởng đội cứu hộ bỗng có một linh cảm kỳ diệu nào đó, nên anh lệnh cả đội ở lại. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi anh đưa tay vô khe hẹp để tìm kiếm bên dưới xác chết người phụ nữ. Có một đứa bé! Và đứa bé ấy còn sống! Đứa bé khoảng 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa, nằm an toàn trong vòng tay ôm của người mẹ. Rõ ràng, khi ngôi nhà đổ sập, cô đã lấy thân mình ra để bảo vệ con trai. Và trong tấm chăn đó có một chiếc điện thoại di động cùng một tin nhắn trên màn hình. Đoạn tin nhắn đó đã làm cho tất cả mọi người trong đội cứu hộ phải bật khóc. Tin nhắn viết rằng: "Nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng, mẹ rất yêu con". Điều đó cho thấy rằng, trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào, người mẹ luôn hy sinh bản thân mình vì những đứa con thân yêu của mình. Sự hy sinh của người mẹ thật thiêng liêng, cao cả.
Cô bây giờ đã có nhà riêng, cách trường không xa, khu tập thể bây giờ đã được xây dựng khang trang hơn. Hai em Hoàng và Lê có công ăn việc làm ổn định. Giờ đây, anh em chúng tôi mỗi người đều có công ăn việc làm ổn định. Hai anh theo nghề y khoa, riêng tôi kế tục sự nghiệp của cô, trở thành người lái đò đưa khách đậu bến bờ tri thức. Đứng đằng sau sự thành công của chúng tôi, ngoài hai bậc sinh thành còn có sự đóng góp không nhỏ của cô Hạ. Cô là người đã chăm bồi, định hướng và động viên anh em tôi cần phải cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, bay cao bay xa của tương lai phía trước.
Trương Anh Sáng